Còn chị còn em là tiểu thuyết về bi kịch của sự chia ly, cũng là câu chuyện về cuộc hội ngộ của tình thân chưa bao giờ bị dập tắt. Cuốn sách phô ra bao nhiêu đau thương và mất mát của chiến tranh cũng là ngần ấy hy vọng và tình thương mà loài người dành cho nhau.
Từng gây tranh cãi khi mới ra mắt nhưng cuốn tiểu thuyết tuyệt vời của Tessa De Loo vẫn gây được tiếng vang lớn trên toàn thế giới bởi giá trị nhân văn sâu sắc và tư tưởng hàn gắn nhân loại mà từng chương sách đem lại.
Vài nét về Tessa De Loo và Còn chị còn em
Tessa De Loo là một nữ văn sĩ người Hà Lan, bà sinh năm 1946 và lớn lên ở miền Bắc xứ sở hoa tulip. Tessa là chị cả trong gia đình, bà kết hôn vào năm hai mươi tuổi nhưng từ năm 1980 thì sống độc thân với con trai ở Pieterburen.
Bà từng theo học tại Đại học Utrecht ngành Ngôn ngữ Đức nhưng sau đó bỏ dở việc học một thời gian để làm giáo viên. Bà trở lại trường vào năm 1976 và sau đó vẫn quyết định dừng việc học để dồn hết tâm sức cho nghề viết.
Sau khi một tờ báo cho xuất bản hai truyện ngắn của Tessa, bà bắt đầu gặt hái được thành công và cho ra đời không ít tác phẩm. Hiện nay, Tessa De Loo được đánh giá là một trong số những nhà văn Hà Lan thành công nhất.
Còn chị còn em là cuốn tiểu thuyết tạo được nhiều tiếng vang nhất trong sự nghiệp sáng tác của bà. Mặc dù gây ra nhiều tranh cãi trong giới phê bình khi mới ra mắt nhưng cuốn sách vẫn được độc giả Hà Lan và thế giới đón nhận. Tác phẩm đã được trao tặng giải Von-der-Gablentz và Giải độc giả ở Hà Lan.
Cho dù không phải một tuyệt tác đồ sộ viết về chiến tranh như tiểu thuyết của Lev Tolstoy hay Nikolai Ostrovsky, cũng không quá nổi tiếng như Kẻ trộm sách, Còn chị còn em là cuốn tiểu thuyết viết ra bởi tình yêu chân thành của tác giả dành cho quê hương, cho con người với thông điệp hàn gắn sâu sắc.
Năm 2002, tác phẩm được chuyển thể thành phim và nhận đề cử giải Oscar cho bộ phim nước ngoài hay nhất.
Cuốn tiểu thuyết xuất sắc này gần như bao trùm hết thế kỷ XX, là bi kịch về hai chị em sinh đôi được đan cài vào giai đoạn lịch sử khi hai đất nước Hà Lan và Đức vướng vào cuộc xung đột đổ máu trong Thế chiến II. Một câu chuyện cảm động về những giờ phút đen tối nhất của nhân loại.
– Evening Standard
Một bức tranh ảm đạm và u tối về cuộc chiến lớn nhất lịch sử loài người vẫn mang theo lửa ấm của tình thương. Cũng chỉ cần những tia sáng nhỏ nhoi ấy thôi là đủ để thắp sáng trái tim của hai chị em đã đi đến những chặng cuối cùng của cuộc đời.
Còn chị còn em là câu chuyện về hai con người bị chia cắt cũng là câu chuyện về những vết nứt chiến tranh gây ra cho hai đất nước láng giềng.
Nỗi đau rải trên khắp thế giới nhiều bao nhiêu cũng là ngần ấy những cảm thông mà nhân loại cần trao cho nhau, đó chính là những điều mà nhà văn muốn gửi tới độc giả.
Hành trình cảm thông đi dọc suốt hơn nửa thế kỷ
Lời đầu tiên của cuốn tiểu thuyết đã dẫn dắt người đọc vào một cuộc gặp gỡ hay đúng hơn là một cuộc hội ngộ sau nhiều năm xa cách. Cuộc gặp định mệnh giữa hai chị em sinh đôi Anna và Lotte, bị chia cắt từ năm sáu tuổi đến khi trở thành những bà lão gần tám mươi.
Thế giới bao la, thế giới xinh đẹp
Ai biết chúng ta sẽ gặp lại nhau không.
– Còn chị còn em
Nếu hơn bảy mươi năm là một quãng đời quá dài với con người thì khoảng cách giữa Anna và Lotte không chỉ nằm lại ở vấn đề thời gian và không gian. Hai chị em đã quên mất khuôn mặt nhau nhưng đáng sợ hơn nữa, trong hơn nửa thế kỉ ấy còn có một khoảng đứt gãy mang tên chiến tranh.
Vết nứt ấy hằn lên trái tim và khối óc của hai người những định kiến và thù ghét đeo đẳng họ mãi đến ngày gặp lại.
Lotte, người em được nhận nuôi ở Hà Lan từ năm sáu tuổi vẫn luôn mang một ác cảm với người Đức. Bởi bà lớn lên trong nhà một người Stalinnit, từ nhỏ đã nghe những điều sỉ vả về Giáo hội và phát xít.
Trớ trêu thay, người chị Anna lại mang ơn với Giáo hội và một mực cho rằng không có Giáo hội thì bà đã không thể sống sót từ lâu. Chính sự khác biệt ngay từ quá trình trưởng thành ấy đã tạo nên một khoảng cách vô hình giữa hai người.
Lotte căm thù Đức quốc, làm mọi cách để chối bỏ dòng máu đang chảy trong người bà là của dân tộc Đức và sẵn sàng mỉa móc, tức giận khi nghe đến Đức Quốc xã.
Tuy nhiên, Anna điềm tĩnh và ôn nhu hơn đã nhanh chóng xoa dịu, lấp đầy sự khác biệt ấy bằng sự hồ hởi, nhiệt tình của tình thương và ý chí hàn gắn thôi thúc mãnh liệt.
Trên những con đường phủ tuyết và những quán cà phê, giữa bầu không khí đậm chất châu Âu cổ kính, hai chị em dần ôn lại những câu chuyện đã lùi xa nhiều thập kỉ.
Lotte, cô thử tưởng tượng, một trăm năm! Thế giới chưa từng thay đổi triệt để như trong một trăm năm qua. Thành ra chẳng có gì lạ khi hai chúng ta hơi bị lẫn lộn.
– Còn chị còn em
Năm năm bị đày đọa dưới gót giày Đức Quốc xã đã để lại những vết hằn trong tâm thức mỗi người Hà Lan về nỗi đau và mất mát. Lotte sống ở Hà Lan, đã chứng kiến những người xung quanh mình và chính bản thân bị cuốn vào cuộc chiến.
Bà từng đem lòng yêu thương một người Do Thái, che giấu anh trước quân phát xít Đức nhưng không thành công. Người đàn ông Lotte yêu bị bắt vào một trong những trại tập trung man rợ nhất của phát xít, để lại trong lòng bà những nỗi đau không bao giờ có thể chữa lành.
Anh mỉm cười nhìn vào máy ảnh với vẻ hồn nhiên đến đau xót. Tính hồn nhiên này đã khiến anh mất tự do, có thể cả mạng sống. Anh có mặt nhầm chỗ nhầm giờ – nàng luôn nghĩ thế, mỗi khi ngắm nhìn tấm ảnh. Nàng không nỡ xé và cứ buộc mình nhìn nó. David đã vô tư vừa vẫy tay vừa đạp xe ra khỏi đời nàng; cử động của cánh tay anh, huơ qua huơ lại, bám trong trí nhớ nàng lâu nhất, như để biểu lộ điều gì đấy có ý nghĩa lớn. Và anh đã khe khẽ hát gì, khi biến vào trong bóng đêm.
– Còn chị còn em
Sở dĩ nỗi đau chiến tranh gây ra khó có thể xóa nhòa vì những mất mát về tinh thần lớn hơn tổn thất vật chất rất nhiều, cũng bởi lẽ đó mà chỉ có tình thương mới có đủ sức mạnh để hàn gắn những chia cắt trong nhiều thập kỉ qua.
Còn chị còn em không chỉ khơi gợi mặt tối của chiến tranh gây ra cho phe chính diện mà cuốn tiểu thuyết còn quan tâm đến góc khuất của cuộc chiến, nơi những người dân bình thường tại Đức quốc cũng chịu đau khổ, cũng cần được lắng nghe và thông cảm.
Còn chị còn em là khuôn mặt khác của chiến tranh
Hành trình cảm thông của hai chị em vừa chứa đựng những câu chuyện ở Hà Lan của Lotte vừa có thật nhiều những khoảnh khắc kí ức của người chị Anna tại Đức. Thời thơ ấu vất vả, cuộc sống khổ cực của Anna đã tác động mạnh mẽ tới trái tim người em, từng chút một khiến Lotte dần trở nên thương cảm với người chị đã xa cách hơn bảy mươi năm.
Bà thấy có lỗi với chị, nhưng chỉ một lúc thôi; bà không thoải mái khi hình dung họ hoán đổi vai trò cho nhau… Một ý nghĩ khiến bà choáng váng, một giả dụ không thể hiểu nổi: nếu Anna bị lây bệnh lao, chứ không phải bà, hẳn mọi chuyện đã trái ngược. Khi ấy bà có chọn những quyết định như đã chọn không?
– Còn chị còn em
Nỗi thống khổ của Anna chính là nỗi thống khổ của người dân Đức bình thường trong thế chiến thứ hai, những con người chỉ có ước mong duy nhất là sống một cuộc sống yên bình, thanh thản.
Họ, những người nông dân cục mịch, ít nhiều bị dẫn dắt bởi phát xít cũng vì sự thiếu thốn vật chất và thiếu hiểu biết. Hoặc đơn giản là họ không có quyền để lên tiếng trong cuộc xoay vần chính trị ảnh hưởng đến chính cuộc đời mình. Liệu những điều ấy có đủ để làm tan chảy lớp băng thù địch của thế giới dành cho dân tộc Đức?
Nhưng phe đối lập về chính trị đã bị họ dẹp ngay từ đầu, cô biết mà, họ thanh toán rốt ráo đối thủ… Chính vì thế nên người ta không nghe thấy tiếng nói bất đồng quan điểm. Mọi bàn tay đều duỗi thẳng cùng hướng, về một hướng đó
– Còn chị còn em
Phát xít Đức thua cuộc là điều tất yếu nhưng còn những người dân phải chịu sự miệt thị, những ác cảm khó có thể xóa nhòa từ những đất nước, dân tộc khác phải chăng cũng là lẽ đương nhiên?
Không ai lắng nghe lời giải thích của họ hay muốn rủ lòng cảm thông, tất cả luận điểm của người Đức đưa ra đều bị coi là những biện minh dối trá.
Các người luôn có thể chỉ tay kết tội chúng tôi… và các người đã làm thế từ bốn mươi lăm năm rồi; dễ quá mà… Những người Đức di dân sang Pháp, Anh và Mỹ đã cảnh báo các người. Không ai thè nghe họ. Tại sao những nước ấy không ngăn chặn lão điên khùng kia, khi còn thời gian? Tại sao họ để mặc xác chúng tôi, giao chúng tôi cho một kẻ độc tài
– Còn chị còn em
Còn chị còn em đã vẽ ra hai mặt của cuộc chiến tranh khi mà ở Đức, người dân cũng có những nỗi sợ, đau khổ và mất mát hệt như những dân tộc khác.
Tại Đức cũng có những người lính trẻ ra đi dù không biết mình phải chiến đấu vì điều gì, cũng có những người phụ nữ ở hậu phương sống trong nỗi cô đơn giày vò, cũng có những ông bố bà mẹ ngày đêm ngóng chờ tin con.
Tất cả đã đã vẽ nên một khuôn mặt khác của khói lửa đạn bom mà ít người có thể nhìn thấu, đồng thời hòa chung vào nỗi đau của nhân loại trong thời kỳ tăm tối mang tên chiến tranh.
Cho dù những rạn nứt khó có thể xóa nhòa nhưng tình yêu thương, sự sẻ chia đã phần nào khiến những tội lỗi mà chiến tranh gây ra dần dần được tha thứ.
Còn chị còn em mang thông điệp hàn gắn sâu sắc
Cuốn tiểu thuyết Còn chị còn em trước hết là hành trình cảm thông sau bảy mươi năm dài đằng đẵng của hai chị em Anna và Lotte. Từ những thù ghét lớn lao mang tính dân tộc mà Lotte dành cho người Đức, họ dần đi đến hóa giải mâu thuẫn bằng những câu chuyện chứa đầy nỗi đau và tình thương sâu sắc.
Đã đến lúc thực hiện một cuộc hòa giải thật sự, hết sức rõ ràng với cô em gái vẫn bướng bỉnh cưỡng lại. Nếu hai chị em, được cùng một bà mẹ sinh ra cùng lúc, được cùng một ông bố thương yêu, không vượt qua nổi những rào cản ngớ ngẩn do lịch sử dựng nên, thì ai trên thế gian này có thể làm được việc ấy
– Còn chị còn em
Ở tác phẩm, độc giả còn bắt gặp hình ảnh những người lính trẻ dù bị ép tham gia một cuộc chiến phi nghĩa nhưng tinh thần lạc quan và lòng nhân hậu chưa bao giờ dập tắt trong trái tim họ.
Anh cũng không muốn em buồn rầu chán nản suốt quãng đời còn lại của em. Dù anh chết, anh vẫn muốn có một người vợ đẹp. Em hứa với anh điều đó nhé? Anh sẽ cho em biết em nên làm gì. Em chỉ vượt qua được, khi em giúp đỡ những người mà cảnh ngộ tệ hơn mình.
– Còn chị còn em
Người ta hoàn toàn có thể thống kê những mất mát về người và tài sản trong thế chiến thứ hai nhưng chẳng ai có thể đong đếm nổi những nỗi đau mà nhân loại phải trải qua trong cuộc chiến. Dẫu vậy, với tia sáng của tình yêu thương, sự lương thiện luôn cháy bền bỉ, những con người khốn khổ nhất đã dìu dắt nhau qua những bi thương của cuộc sống.
Thế giới được kết nối, hàn gắn nhờ vào tình yêu thương chính là thông điệp nhân văn sâu sắc mà Tessa muốn gửi gắm trong cuốn sách. Anna và Lotte chỉ là hai trong vô vàn những con người phải gánh chịu nỗi đau chiến tranh nhưng tình yêu thương và sự tha thứ mà họ dành cho nhau lại là điều mà cả nhân loại cần có sau thời kỳ lịch sử đầy tăm tối.
Cho dù đã gây nhiều tranh cãi khi mới ra mắt, Còn chị còn em vẫn được người đọc trên toàn thế giới đón nhận bởi tư tưởng tiến bộ và những giá trị nhân văn cao đẹp hàm chứa trong tác phẩm. Cuốn tiểu thuyết đầy xúc động ấy xứng đáng được ngợi ca bởi thông điệp hàn gắn sâu sắc truyền tải qua từng nhân vật, từng trang sách.
Tuệ Anh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất