Cửa sông là cuốn tiểu thuyết tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Minh Châu, được sáng tác vào năm 1967. Tác phẩm mang đến một không khí hào hùng của toàn dân những ngày kháng chiến chống Mỹ, để từ đó nhen nhóm lên trong lòng độc giả tình yêu nước cũng như căm thù giặc mạnh mẽ.
Đôi nét về Nguyễn Minh Châu và tiểu thuyết Cửa sông
Nguyễn Minh Châu sinh năm 1930 tại mảnh đất Nghệ An và ông mất ở Hà Nội khi mới 59 tuổi. Tên khai sinh của nhà văn là Nguyễn Thí nhưng sau này khi ông đi học, bố mẹ đổi lại thành Minh Châu.
Nguyễn Minh Châu là nhà văn đã cùng đất nước trải qua năm tháng chiến tranh cũng như những ngày đầu đổi mới, vì thế văn chương của ông như một cuốn sổ ghi lại từng bước đi lịch sử của dân tộc.
Ở mỗi thời kỳ khác nhau, sáng tác của Nguyễn Minh Châu lại mang đến những dấu ấn riêng nhưng dù ở giai đoạn nào tác phẩm của ông cũng được bạn đọc đón nhận một cách nồng nhiệt. Tài năng cầm bút của tác giả, đặc biệt ở thể loại văn xuôi, từng được Nguyễn Khải ca ngợi:
“Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc của những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam, và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng say này.”
Sự nghiệp của Nguyễn Minh Châu chia thành hai giai đoạn chính là trước và sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Khi lịch sử bước chân vào thời kỳ chuyển mình mạnh mẽ thì cũng là lúc ngòi bút của nhà văn có những thay đổi to lớn ở nhiều mặt.
Thời điểm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, mặc dù tác phẩm của ông vẫn mang khuynh hướng sử thi nhưng góc nhìn về cuộc sống cũng như hướng khai thác vẻ đẹp con người đã hoàn toàn khác biệt.
Tiêu biểu cho giai đoạn này của Nguyễn Minh Châu phải kể đến truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, tác giả đã nhận ra vẻ đẹp khuất lấp của con người đằng sau những lam lũ đời thường, ngay cả khi họ không cầm súng trên chiến trường.
Trước năm 1975, Nguyễn Minh Châu khai thác mạnh đề tài chiến tranh và xoáy sâu vào lòng yêu nước, căm thù giặc. Bản thân là một người đã khoác áo lính, trải qua mọi các cung bậc cảm xúc của chiến tranh, vì vậy tác giả đã chắp bút nên những trang văn đầy trải nghiệm cùng một tầm nhìn lịch sử xuyên suốt và sâu rộng.
Các sáng tác tiêu biểu của Nguyễn Minh Châu trong những năm kháng chiến có thể kể đến Những vùng trời khác nhau xuất bản năm 1970 và Dấu chân người lính ra mắt ngay hai năm sau đó.
Cửa sông cũng là tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tác phẩm không xoay quanh một nhân vật chính cụ thể mà nó là vô số mảnh đời khác nhau của những con người cùng chung một lý tưởng cách mạng.
Cửa sông mang đến một bầu không khí hào hùng, rạo rực của những người luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu ở cả hậu phương và tiền tuyến. Qua tác phẩm, nhà văn hun đúc trong lòng người đọc một lòng căm thù giặc sâu sắc nhưng đồng thời cũng ca ngợi tinh thần yêu nước bất khuất, quả cảm của nhân dân ta.
Cửa sông là nơi bắt đầu của dòng chảy yêu nước
Cửa sông lấy bối cảnh ở làng Kiều, một ngôi làng bình dị, quen thuộc có thể bắt gặp mọi nơi trên các nẻo đường của tổ quốc. Nơi đây được bao bọc bởi những rừng sú dày đặc và chắc chắn, nó trở thành một tấm khiên cũng như biểu tượng đáng tự hào của dân làng Kiều.
Ngôi làng này đã nuôi dưỡng nhiều thế hệ chiến sỹ cách mạng, hết lớp người này đến lớp người khác đã thay nhau đứng lên chống Mỹ cứu nước. Ông Vàng là một cựu chiến binh những ngày chống Pháp, giờ đã cao tuổi trở về làm bí thư xã, thế nhưng mỗi khi nghe đến tin kháng chiến lòng ông vẫn sôi sục ý chí chiến đấu và muốn trở lại cầm súng để đánh giặc.
“ Phen này tôi quyết định xin trở lại bộ đội, đồng chí Quang ạ. Đồng chí đừng tưởng tôi yếu. Tôi còn theo trâu hết buổi được thì còn đủ sức theo bộ đội chiến đấu được năm năm nữa.”
– Cửa sông
Lời của ông Vàng quyết tâm và đanh thép như hồi còi thôi thúc tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của lớp trẻ. Và quả thực khi những lớp người như ông Vàng lui về hậu phương, ngay lập tức đã có thế hệ sau nối tiếp sự nghiệp bảo vệ tổ quốc của họ.
Trong chính ngôi làng này, Bân và Lân, hai anh em cùng cha khác mẹ, cũng được nuôi lớn rồi lần lượt tham gia bộ đội, sẵn sàng ra đi để bảo vệ tổ quốc. Ngay khi vừa đủ tuổi đi lính, hai người con trai trong nhà đã dứt áo ra đi, tạm gác lại nỗi nhớ xa quê để hướng về giấc mơ độc lập.
Bân hay Lân chỉ là đại diện cho vô vàn lớp trai trẻ ở làng Kiều nói chung và trên cả nước nói riêng luôn sẵn sàng tay súng để xông pha nơi bom đạn chiến đấu. Có những gia đình cả chồng và con trai đều tham gia kháng chiến chỉ còn những người đàn bà ở lại nơi hậu phương, gánh vác mọi công việc.
Ở làng Kiều, khi vắng bóng những lớp thanh niên khỏe mạnh, những việc đồng áng từ nhẹ nhàng đến nặng nhọc đều do những người phụ nữ đảm đương. Sự hy sinh của họ không chút nề hà hay đòi hỏi, họ giúp đỡ nhau để cùng nhau vượt qua những năm tháng gian khó.
“Họ đều là những người có con, em hoặc chồng, hoặc người trong họ hàng ra đi đợt này, hoặc đã đi những đợt trước. Những người đàn bà có chồng đi bộ đội từ ngày kháng chiến lần trước chợt nghĩ đến những đứa con trai đã lớn, đã có thể cầm súng đi giết giặc.”
– Cửa sông
Khi một thế hệ ngã xuống, lại có những thế hệ sau đứng lên, hình ảnh ấy được khắc họa rõ nét giữa những con người ở làng Kiều. Họ thay nhau cầm súng chiến đấu, tre già thì măng lại mọc, nó như một lời khẳng định mà Nguyễn Minh Châu muốn truyền đạt rằng, khi đất nước còn chưa tan bóng quân thù thì nhân dân vẫn sẽ tiếp tục đứng lên kháng chiến.
Khi hậu phương cũng là một chiến trường
Trong những năm tháng kháng chiến, bên cạnh tiền tuyến là nơi giáp mặt với quân thù đầy hiểm nguy, căng thẳng thì hậu phương cũng là một mặt trận luôn nóng bỏng và sôi sục.
Tại làng Kiều, luôn có những lớp học vẫn diễn ra trong thời buổi chiến tranh, họ âm thầm dạy dỗ vô vàn người chiến sĩ vừa có tài vừa có đức. Cô Thùy là một giáo viên ở đây, cô gần gũi với bà con nên rất được mọi người yêu quý, chính Bân và Lân cũng là những học trò cũ của cô.
Mặc dù điều kiện học tập khó khăn, phải diễn ra ở những căn hầm và phải chuyển từ hoạt động ban ngày về ban đêm nhưng tiếng giảng bài để truyền đạt con chữ chưa bao giờ ngơi nghỉ ở nơi này.
Những người dân dù là phụ nữ hay cụ già đã có tuổi đều hăng hái tham gia các hoạt động kháng chiến như ông cụ Lâm, chị Quý hay cô Thỉnh. Những người đàn bà ở làng Kiều ai cũng có con đi lính, như bao người mẹ khác họ vẫn mang nặng trong lòng nỗi nhớ con da diết.
Chị Quý, trong những ngày Lân mới đi, chị nhớ con đến chẳng thể làm gì, thế nhưng khi nghe câu chuyện của những người đàn bà khác cũng có con đi lính, chị như được tiếp thêm động lực để vượt qua.
Cô Thỉnh cũng rất nhớ và thương con, tuy nhiên cô hiểu được, hiện tại nhiệm vụ cứu nước là quan trọng nhất và Bân, con trai cô đang làm một việc cao cả nơi chiến trường.
Nguyễn Minh Châu khắc họa sự vĩ đại của những người mẹ qua giọng văn thật nhẹ nhàng nhưng lại có sức lay động to lớn. Họ chấp nhận chịu đựng những nhớ mong, thậm chí dù đoán trước được nhiều chuyện chẳng lành nhưng vẫn một lòng sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc.
“- Cô tưởng tôi lo, rồi đâm quýnh lên chứ gì? Chẳng phải đâu cô ạ, cháu nó đi đánh giặc, trước mũi tên hòn đạn bị sây sát là chuyện thường. Mình đánh nó thì nó cũng đánh mình. Rồi anh em trong đơn vị lại chăm sóc cho nó khỏi. Số đàn bà như tôi suốt đời chỉ thấy vất vả với lo lắng nên đã quen với những chuyện ấy đi rồi!”
– Cửa sông
Tình yêu với quê hương còn khiến những con người ở hậu phương quên đi những cãi vã, bất hòa hàng ngày. Những hằn học khó nguôi ngoai lại được hàn gắn, xoa dịu bởi những chiến công cũng như câu chuyện nơi tiền tuyến.
Hai bố con ông Lâm xảy ra những bất đồng nên từ lâu không gắn bó và hiếm khi nói chuyện với nhau, thế nhưng ngày Lâm trở về từ chiến trường, người bố dường như quên đi những cãi vã trước đây đồng thời chào đón anh hồ hởi bởi những chiến công anh lập được.
Ngày cửa sông Đào ở làng Kiểu có một công trường được xây dựng để giúp đỡ kháng chiến, hàng ngàn người dân trong làng hướng về nó, làm việc không quản ngày đêm. Tất cả mọi người, dù là nông dân hay giáo viên, trẻ trung hay đã già, đều gác lại công việc hàng ngày để dốc sức hoàn thành công trình.
“Bây giờ, những người dân hậu phương ở đây, cũng như các chiến sĩ ở ngoài tiền tuyến đang đứng trước những thử thách mới, mỗi người đang tự tìm lấy chỗ đứng của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong đó có cả cô – một cô giáo!”
– Cửa sông
Nguyễn Minh Châu đã đề cao tinh thần và vai trò của người dân ở hậu phương, để khẳng định họ là một điểm tựa vững chắc cho những người lính nơi tuyến đầu đang gồng mình chống giặc. Tác giả cũng ca ngợi tình yêu nước và ý chí đoàn kết toàn dân tộc, họ đồng lòng chống giặc ngoại xâm, không kể vai vế, tuổi tác.
Cửa sông và những mất mát nơi khói đạn
Bước vào chiến trường, mất mát, hy sinh cũng như gian khổ là những điều không thể tránh khỏi và trong tác phẩm Cửa sông, Nguyễn Minh Châu đã tái hiện hiện thực ấy đầy chua xót.
Bân mới đi lính nên ở lần đầu tiên được đối đầu với kẻ thù anh cảm thấy vừa lo lắng vừa háo hức. Anh tận mất chứng kiến sự khốc liệt của cuộc chiến tranh qua tiếng rú rít của pháo đạn, mặt biển phẳng lặng giờ đây cuộn trào như nổi cơn thịnh nộ.
Bân và đồng đội dốc toàn lực để chiến đấu, khoảnh khắc ấy là lúc lòng căm thù giặc trong họ dâng cao đến tột cùng, khiến họ quên đi cả những vết thương của súng đạn và nỗi sợ hy sinh. Khi bình yên của tổ quốc bị xâm phạm, những con người hiền lành hàng ngày trở thành những chiến binh mạnh mẽ và gai góc, không run rẩy trước kẻ thù.
“Anh cảm thấy mình bị xúc phạm. Anh đưa ống nhòm bám riết lấy những chấm sáng đang nở to dần, trong lúc đó một ý nghĩ vụt đến, gần như một nỗi đau đớn về thể xác, rằng vùng biển và vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc đã bị xâm phạm! Chính cái ý nghĩ ấy to lớn quá, bao trùm lên tất cả làm cho anh không cảm thấy mảy may lo lắng và sợ hãi.”
– Cửa sông
Trong trận chiến ấy, Bân đã bị thương rất nặng và phải nghỉ tới hai tháng. Những ngày điều trị ở khu quân y, anh bồn chồn không yên và luôn mong ngóng ngày được xuất viện. Những chiến sĩ coi việc được nằm an nhàn trên giường bệnh chẳng khác nào bị cầm tù, họ luôn khao khát được chiến đầu và cống hiến.
Chiến tranh không chỉ để lại những đau đớn về thể xác mà còn mang đến những vết thương về tinh thần không thể lành lại. Khi Bân trở về tàu từ giường bệnh cũng là lúc anh nghe tin Ái, một người chiến hữu của anh đã tử trận trong một cuộc chiến quả cảm với kẻ thù.
Những đau thương cùng lòng căm thù hòa trộn và bùng lên như ngọn lửa trong lòng Bân, khiến anh muốn tận tay tiêu diệt tất cả những kẻ đã cướp đi mạng sống của Ái. Trong mịt mù của khói đạn, tình đồng chí vẫn rực sáng và trở thành nốt nhạc ấm áp trong những thanh âm gai góc của tiếng súng.
“ Chẳng có cái nhục nào bằng nhục mất đất, mất nước! Anh nói đúng! Phải, lòng người dân Việt Nam ta mạnh lắm. Anh nói điều này thì tôi càng hiểu lắm, sắp đến ngày thắng lợi thì lại càng phải dấn lên, phải cố sức mà dấn lên để đánh nó ngã quỵ hẳn mới thôi!”
– Cửa sông
Nguyễn Minh Châu đã dùng ngòi bút của mình để xoáy sâu vào trong lòng độc giả nỗi đau mất nước, đồng thời ông cũng ca ngợi tinh thần chiến đấu quật cường của nhân dân ta trong những năm chống Mỹ. Qua tác phẩm Cửa sông, nhà văn thể hiện lòng căm thù giặc sâu sắc và quyết tâm chống giặc cứu nước dù phải hy sinh.
Mỗi con người trong Cửa sông là những cá thể khác nhau với những câu chuyện riêng biệt nhưng khi tổ quốc gọi tên họ hòa vào làm một và đồng lòng hướng về đất nước. Tác phẩm như một lời giục giã của nhà văn với toàn dân, đặc biệt là lớp trẻ phải đứng lên giành lại độc lập.
Ngọc Linh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất