Độc giả Việt đã không còn xa lạ với nhà văn Ichikawa Takuji thông qua hàng loạt những tác phẩm nối tiếng như Em sẽ đến cùng cơn mưa, Tấm ảnh tình yêu và một câu chuyện khác hay Nơi em quay về có tôi đứng đợi. Trong đó, không thể không kể đến Nếu gặp người ấy, cho tôi gửi lời chào.
Cuốn sách ra đời vào năm 2004 tại Nhật Bản, tác phẩm rung động trái tim bạn đọc thông qua ngòi bút dịu dàng, tha thiết rất dặc trưng của nhà văn Ichikawa Takuji.
Năm 2014, nhà xuất bản Nhã Nam quyết định chuyển ngữ Nếu gặp người ấy, cho tôi gửi lời chào và tác phẩm lại tiếp tục gây nên cơn sốt trên thị trường sách.
Ichikawa Takuji là người sáng tạo những tác phẩm ôm ấp người đọc trong sự ấm áp và diệu kỳ
Ichikawa Takuji sinh ngày vào tháng 10 năm 1962 tại Tokyo. Từ ngày nhỏ, ông đã mơ ước trở thành một nhà văn nhưng quá trình khôn lớn lại đẩy đưa Takuji dấn thân vào lĩnh vực kinh tế.
Ông tốt nghiệp khoa kinh tế trường đại học Dokkyo, từng làm việc ngắn hạng ở một công ty xuất bản và sau đó gắn bó với một văn phòng nhỏ chuyên về thuế suốt mười bốn năm.
Thế nhưng, theo thời gian, nhà văn nhận ra những mơ ước ngày bé vẫn luôn âm thầm cháy bỏng trong mình. Vì thế đến năm 1997, ông nghỉ việc để chuyên tâm sáng tác và chẳng bao lâu đã tạo được dấu ấn riêng trên văn đàn nhờ tìm được hướng khai thác mới cho những đề tài quen thuộc.
Ông để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả với các tác phẩm Em sẽ đến cùng cơn mưa, Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào cùng văn phong nhẹ nhàng mà sâu lắng, man mác buồn nhưng không nhuốm màu bi lụy, ẩn bên trong là những suy ngẫm và thông điệp sâu sắc về tình yêu và cuộc sống.
Chia ly, gian truân và những đau buồn hòa quyện cùng yếu tố huyền ảo là một đặc trưng thường thấy trong các tác phẩm của Ichikawa Takuji.
Các sáng tác của ông mang cốt truyện nhẹ nhàng, đơn giản và không có độ gằn, thiếu tính giật gân nhưng những cảm xúc chân thật ẩn chứa trong đó mới là thứ thật sự giá trị khiến độc giả chìm đắm ngay cả khi trang sách đã khép lại.
Mạch cảm xúc trong thế giới văn chương của Ichikawa Takuji êm ái, tự nhiên như dòng suối, đó là dòng suối sẽ thanh lọc và tắm mát tâm hồn bạn đọc sau những giờ phút hối hả với cuộc sống tấp nập trăm bề.
Vẻ đẹp tiềm ẩn của những nhân vật trong Nếu gặp người ấy, cho tôi gửi chào lời chào
Nếu gặp người ấy, cho tôi gửi lời chào kể về nhân vật chính Toyama Satoshi, từ bé đến lớn chỉ là một chàng trai rụt rè, khép kín, không giỏi giao tiếp xã hội và còn thiếu tinh tế trong chuyện tình cảm. Cuộc sống hiện tại của anh trôi qua nhàn nhạt với cửa hàng thuỷ sinh nhỏ, gần 30 tuổi mà vẫn chưa lập gia đình, phải đăng kí vào chương trình môi giới hôn nhân và gặp gỡ Misaki.
Theo ý muốn của cô bạn gái mới quen này, Satoshi từ từ bộc bạch về quá khứ của mình, đó là khoảng thời gian đáng nhớ với hai người bạn cũ 15 năm về trước.
Ngày đó, Satoshi liên tiếp phải chuyển nhà vì tính chất công việc của bố. Hoàn cảnh ấy khiến cậu chẳng thiết tha gì đến việc kết bạn hay làm quen với môi trường mới, cậu bé luôn trong tâm thế một lúc nào đó mình sẽ lại rời đi.
Lần này cậu chuyển đến nơi ở mới, những tưởng cậu bé vẫn sẽ luôn đóng kín cõi lòng như vậy cho đến khi tiếp tục chuyển đi nơi khác nhưng tại nơi đây, Satoshi đã gặp Yuuji và Karin, những người bạn thân thiết mà đến suốt đời cậu không thể nào quên.
Igarashi Yuuji hiện lên trên trang sách là một cậu con trai nhỏ bé, yếu ớt và thường xuyên bị bắt nạt, cậu bạn lập dị này có thể dành hàng giờ để ngắm nhìn và vẽ các loại rác. Những bức tranh Yuuji vẽ luôn đặc biệt đến độ vượt xa khả năng và tầm hiểu biết của những đứa trẻ mười ba tuổi lúc bấy giờ.
Trong nhóm bạn ba người, Karin là cô gái duy nhất nhưng cũng chính là nhân vật cứng cỏi nhất. Takigawa Karin là một cô bé xinh xắn nhưng lại luôn mặc áo quân đội rộng thùng thình, cư xử mạnh mẽ và gan góc như một tên con trai chính hiệu.
Đồng hành cùng với bộ ba là chú chó già Trash, đây là cái tên do chính Karin đặt. Ba đứa trẻ và một chú chó đã cùng nhau tạo nên những ký ức đẹp của tuổi ấu thơ.
Đó là những lúc cả ba tập hợp lại nơi căn cứ bí mật để chơi đùa và trò chuyện, là những lúc đoàn lữ hành nho nhỏ ấy thực hiện những chuyến viễn chinh đến những nơi có rác, thứ thu hút Yuuji nhất hay những nơi có thủy sinh, thứ Satoshi mê mẩn.
Ngày qua ngày, họ cứ thế càng thêm gắn bó thân thiết cho đến một thời khắc nọ Satoshi phải chuyển đi vì lệnh thuyên chuyển công tác của bố.
Vào thời khắc tàu sắp khởi hành, Karin đã trao Satoshi một nụ hôn nhẹ nhàng và non nớt, rồi tàu chuyển bánh, mối tình đầu mới chớm nỏ và tình bạn gắn bó keo sơn cứ thế chia xa và lạc mất nhau nơi cuộc đời trăm ngã.
Sau nhiều năm xa cách, Satoshi giờ đây đã là ông chủ cửa hàng bán thủy sinh gặp lại Karin nhưng không nhận ra cô, vì cậu chưa từng nghĩ Karin lúc trưởng thành sẽ trông như thế nào. Ký ức của cậu về hai người bạn luôn dừng lại ở những năm mười ba, mười bốn tuổi ấy.
Vượt qua những bỡ ngỡ và ngờ vực ban đầu, cuối cùng Satoshi đã nhận ra Karin và hai người dần nảy sinh tình cảm với nhau. Những kí ức thơ ấu dần được gợi lại giữa Satoshi, Karin và người bạn Yuuji.
Với các tác phẩm của mình, nhà văn không cốt mang đến những câu chuyện quá kịch tính, giật gân và càng không nhằm khắc họa những con người lớn lao cùng những tình yêu kỳ vĩ.
Nếu gặp người ấy, cho tôi gửi lời chào chỉ xoay quanh những con người bình thường, làm những công việc bình thường và sống một cuộc đời giản dị. Thế nhưng họ đã yêu hết lòng, đã chân thành trao đi những điều tử tế suốt cuộc đời, chính vì thế mà họ thật vĩ đại và cũng vô cùng gần gũi.
Mỗi người trong thế giới ấy đều bận rộn với cuộc sống của riêng mình, họ luôn sống theo những gì họ nghĩ, làm những điều họ mong muốn. Mặc dù từ bên ngoài nhìn vào những tháng ngày ấy rất lặng lẽ, đến độ nếu không có tác giả thêm thắt thì sẽ vô cùng tẻ nhạt nhưng họ luôn có hướng đi và biết phải mơ ước điều gì.
Một Yuuji nghèo khổ khó khăn, sống trong căn hộ bé tẹo nhưng từ nơi đó, vẫn có những thùng tranh ra đời.
Một Satoshi ngốc nghếch, vụng về với cuộc sống chỉ gói gọn trong cửa hàng thủy sinh nho nhỏ và trong bộ đồng phục quen thuộc nhưng mỗi ngày mới anh lại gặp được những con người đáng mến và được làm công việc mình yêu thích.
Một Karin chịu sự dày vò của căn bệnh lạ nhưng vẫn luôn nỗ lực sống đúng với ước mơ ngày nhỏ đã hứa với hai cậu bạn thân là trở thành “người mẫu cho họa sĩ và nhân viên cho ông chủ cửa hàng thủy sinh.”
Giữa thế giới bên ngoài thật hỗn loạn và xung đột, thì việc ngó vào thế giới tĩnh lặng, yên ái và thư thả như cánh rừng thủy sinh ấy quả là có sức chữa lành sâu sắc. Mỗi nhân vật đều đáng để nhìn ngắm thật kĩ, mỗi đoạn đối thoại đều ẩn chứa nhiều thông điệp giàu giá trị về cuộc sống và con người khiến ta lắng đọng và suy ngẫm.
“Đến đầm, bọn anh tắt đèn pin và ngồi xuống cỏ. Từ phía đầm có một con sông nhỏ chảy ra, xung quanh nhảy nhót rất nhiều ánh sáng. Là thứ ánh sáng mềm mại, dịu dàng. Trông như đang thở, thoắt biến mất rồi lại lấp lánh.”
– Nếu gặp người ấy, cho tôi gửi lời chào
Câu chuyện của từng người, từng tạo vật đều đong đầy và trọn vẹn, ngay cả khi họ phải chờ đợi rất lâu để thấy được hạnh phúc thì ta cũng biết rằng họ không hề bất hạnh chút nào. Vì họ luôn tin vào sự tồn tại của mối dây liên hệ mạnh mẽ có thể kết nối với bất kỳ ai ở bên kia bầu trời và đưa những yêu thương trở về theo những hình thức khác nhau.
Nếu gặp người ấy, cho tôi gửi lời chào và mối liên kết kỳ diệu giữa người với người
Trong sự đan xen giữa những cuộc chia ly và tương ngộ, nổi bật lên giữa câu chuyện luôn là thông điệp ý nghĩa về mối liên kết giữa con người với nhau và với thế giới. Khi những người ta yêu thương rời xa ta, rời xa cuộc sống này, họ đều sẽ đi đến cùng một nơi, đó là nơi lưu trữ những kỉ niệm, ký ức và tình cảm của ta.
Nỗi đau càng lớn thì chúng ta càng nghĩ về họ nhiều hơn và cứ thế họ sẽ sống ở thế giới của những giấc mơ, nơi ấm áp dễ chịu được xây dựng nên bởi tình yêu và nỗi nhớ mong mà ta dành cho họ. Ichikawa Takuji đã giúp mỗi bạn đọc của mình nghĩ về sự mất mát một cách nhẹ nhàng, ấm áp và thanh thản đến lạ.
Mọi thứ rồi cũng sẽ dần phai mờ theo thời gian nhưng sự liên kết bằng tình cảm thì sẽ còn mãi và một người chỉ thực sự mất đi khi không còn được sống trong nỗi nhớ thương, mong nhớ của bất kỳ ai nữa.
Những thông điệp ý nghĩa về tình thân và tình bạn được gửi gắm trong tác phẩm
Trên nền tình yêu đôi lứa xuyên suốt, thì tình bạn và tình cảm gia đình cũng được khắc họa thật đẹp.
Cả Satoshi, Karin hay Yuuji ít nhiều đều mang những thương tổn ẩn khuất không nói thành lời nhưng không nhằm xoáy sâu vào những góc khuất ấy, Takuji ôm ấp các nhân vật mình trong tình yêu thương ấm áp và nhẹ nhàng.
Tình yêu thương ấy là tình bạn, mối liên kết bền chặt giữa những đứa trẻ cô đơn nhưng trong sáng, chân thành, kéo dài và lớn lên theo thời gian xa cách. Vì những lời hứa của năm mười ba, mười bốn tuổi, mà cả Satoshi, Karin hay Yuuji đều chưa từng buông bỏ cuộc đời mình, không lúc nào cảm thấy cô đơn.
Bởi lẽ họ biết có những người bạn vẫn luôn ở đâu đó trên thế gian và luôn tin rằng một ngày nào đó sẽ gặp lại. Những ký ức ngày bé sống mãi trong tim các nhân vật như một ngọn lửa âm ỉ cháy, sưởi ấm họ qua những đêm đông của sự trưởng thành.
Tình yêu thương đó còn đến từ tình thân, từ những người cha, người mẹ của các nhân vật. Satoshi vô cùng may mắn khi có một gia đình trọn vẹn, nơi luôn đong đầy hạnh phúc, sự động viên và vỗ về.
Trong lúc lũ bạn bè cùng trang lứa gọi cậu là đứa lập dị thì bố của Satoshi vẫn luôn nhìn cậu bằng ánh mắt trìu mến và tin rằng cậu là đứa trẻ tuyệt vời nhất.
“Tất cả mọi điều anh làm ta đều thấy tuyệt vời. Anh là đứa trẻ đẹp nhất thế giới, là cậu bé thông minh nhất thế giới và có tâm hồn dễ mến nhất thế giới.”
– Nếu gặp người ấy, cho tôi gửi lời chào
Kém may mắn hơn Satoshi, gia đình của Yuuji tan vỡ, cậu sống với người bố là một tiểu thuyết gia nhưng các sáng tác của ông rất kén người đọc. Bố của Yuuji hiện lên là một nhà văn mang tâm hồn nghệ sĩ, chính cái chất nghệ sĩ khiến gia đình Yuuji thiếu thốn, khiến mẹ cậu phải bỏ đi và khiến cậu không nhận được đủ sự quan tâm cần có.
Dù vụng về trong vai trò là một người lớn như thế nhưng ta vẫn luôn cảm nhận được rõ ràng tình thương mà bố Yuuji dành cho cậu qua những lo lắng khi Yuuji nhập viện hay trong những buổi chiều, bố cậu dành thời gian trò chuyện cùng bộ ba.
Cùng với hai người bố thì nhân vật mẹ của Satoshi cũng mang đến những câu chuyện cảm động. Từ khi bộ ba kết thân, bà đã trở thành mẹ của cả Karin và Yuuji, bà chăm sóc cả ba đứa trẻ bằng tất cả sự dịu dàng và trìu mến.
Dù sau này trưởng thành, Yuuji có phải chịu tổn thương từ chính người thân của mình nhưng những ký ức ấm áp của một trời quá khứ từng được yêu thương và bảo bọc đã giúp cậu vượt qua tháng ngày tăm tối, có can đảm để lần nữa đối xử dịu dàng với thế giới này.
Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào và thành công về mặt điện ảnh
Thành công vang dội của Nếu gặp người ấy, cho tôi gửi lời chào đã tạo nguồn cảm hứng cho đạo diễn Yûichiro Hirakawa chuyển thể cuốn sách thành những thước phim điện ảnh đẹp nên thơ. Bộ phim đã làm hài lòng cả những khán giả yêu thích nguyên tác vì truyền tải được tinh thần của bộ truyện.
Bên cạnh đó, sự hợp tác ăn ý của dàn diễn viên trẻ đã góp phần giúp bộ ba Satoshi, Karin và Yuuji hiện lên trên thước phim vô cùng chân thật và sống động.
Bước ra khỏi thế giới của Karin, Satoshi và Yuuji, người đọc không khỏi luyến tiếc những cảm giác ấm áp, nhẹ nhàng mà cuốn sách mang lại. Sau tất cả, Nếu gặp người ấy, cho tôi gửi lời chào để lại trong ta một nỗi buồn dịu dàng, một hoài niệm sáng trong về ký ức hạnh phúc của những ngày thơ bé.
Hạnh Vi
Hanh Vi
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất