Sau thành công vang dội của 1Q84, Haruki Murakami tiếp tục chắp bút cho Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương. Là một trong những cuốn tiểu thuyết nổi bật, tác phẩm mang âm hưởng nhẹ nhàng và đầy tính nhân văn đồng thời đánh dấu sự trở lại đầy kỳ vọng và mới mẻ của nhà văn.
Haruki Murakami và Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương
Haruki Murakami là một nhà văn nổi tiếng Nhật Bản, ông đã viết nên nhiều quyển tiểu thuyết xuất sắc như Rừng Na Uy, Kafka bên bờ biển, Phía nam biên giới, phía tây mặt trời hay Người tình Sputnik. Với một sự nghiệp văn chương đồ sộ và phong phú từ tiểu thuyết đến truyện ngắn, tên tuổi của nhà văn ngày càng nở rộ trên văn đàn thế giới.
Quá trình viết và cống hiến tận tụy đã đem lại cho ông nhiều trái ngọt với số lượng lớn độc giả trên thế giới. Theo nhà văn, trước khi viết cần phải sống hết mình và những nhân vật của Haruki thường gắn liền với đời thực, với mỗi người mà bản thân đã từng gặp gỡ, quan sát.
“Khi tạo ra nhân vật trong sách, tôi thích quan sát những con người thực trong cuộc đời mình. Tôi không thích nói nhiều; tôi thích nghe câu chuyện của người khác. Tôi không quyết định họ là loại người nào; tôi chỉ cố gắng suy nghĩ về những gì họ cảm thấy, nơi họ đang đi. Tôi thu thập một số yếu tố từ người này, một số từ người kia. Tôi không biết điều này là “hiện thực” hay “phi hiện thực,” nhưng với tôi, nhân vật của tôi thật hơn con người thật.”
– Haruki Murakami bàn về chuyện viết văn
Dù cốt truyện xuyên suốt các tác phẩm của ông đa phần là phi hiện thực và phi tuyến tính nhưng các nhân vật đều đại diện cho những tâm hồn lạc lõng ở chốn thành thị xa hoa. Nhà văn đã cầm bút để nói lên nhiều vấn nạn, tổn thương tinh thần mà con người phải trải qua trong thời đại tưởng chừng là hoàn mỹ.
Thế giới văn chương mà ông mang đến cho người đọc là những ngổn ngang nơi góc khuất của xã hội đương thời và nhiều người trẻ khao khát kiếm tìm bản ngã vốn bị lãng quên. Họ dần trở nên cô độc, vô vọng trên chính hành trình của bản thân.
Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương khắc họa nên bức tranh cuộc sống của Tsukuru Tazaki. Đó là một người đàn ông 36 tuổi lặng lẽ, ít nói, anh phải trải qua cuộc sang chấn tâm lý khi mới bước vào cánh cửa đại học từ đó, mang trên mình nỗi đau gần như suốt cuộc đời.
Vốn là một truyện ngắn, Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương không nặng nề, chỉ vỏn vẹn hơn hai trăm trang sách nhưng ẩn chứa nhiều thông điệp về hành trình đối diện với quá khứ, dũng cảm tìm kiếm sự thật mà nhân vật Tsukuru là đại diện.
Bước đột phá của Haruki Murakami khi chắp bút nên cuốn tiểu thuyết này chính là, ông không còn để nhân vật của mình mang một màu cô độc như trước. Nhà văn đã hướng họ đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống với nhiều thông điệp tích cực.
Tazaki Tsukuru và những người bạn đầy màu sắc
Thời niên thiếu, Tsukuru đã có một tình bạn đẹp và khắng khít với bốn người bạn là Akamatsu Kei, Oumi Yoshio, Kurono Eri và Shirane Yuzuki. Họ từng học chung cấp 3, để rồi đã cùng nhau tạo nên những miền kí ức đẹp đẽ và từng thề ước tình bạn sẽ mãi trường tồn.
Điểm khác biệt ở Tsukuru Tazaki so với bốn người bạn còn lại đó chính là tên của anh không mang bất kì một màu sắc nào. Nếu như ‘aka’ trong Akamatsu là đỏ, ‘o’ trong Oumi là xanh, ‘kuro’ trong Kurono là đen hay ‘shira’ trong Shirane là trắng thì cái tên Tsukuru lại không màu, điều đó khiến anh từ đó cảm thấy tự ti với bạn bè.
“Một cái bình rỗng, một hậu cảnh không màu. Không có khiếm khuyết gì cụ thể, cũng không có chỗ nào đặc biệt nổi trội.”
– Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương
Chính vì sự tự ti ấy mà Tsukuru lạc lõng trong hội bạn, anh cảm thấy bản thân như người ngoài cuộc. Ngày ngày đều trầm lặng nhưng Tsukuru vẫn nuôi hi vọng về một tình bạn vĩnh cửu, anh coi họ là nguồn sống của chính mình.
Sự cô lập xảy đến với Tsukuru khi anh mới bước vào tuổi 20, cái độ tuổi tràn đầy khát khao và hy vọng. Trong khi bốn người bạn còn lại đều chọn học đại học ở quê nhà thì anh lại một mình khăn gói lên thành phố và sống một cuộc sống hoàn toàn tách biệt.
Bị đoạn tuyệt bởi những người bạn của mình mà không biết lý do chính đáng, điều đó đã khiến anh mất đi ngọn lửa sống. Trong tâm thức luôn khao khát được chết, thoát ly khỏi thế giới đã gây ra tổn thương cho bản thân.
“Giống như một người bị trận cuồng phong ập đến phải bám chặt lấy cây đèn đường, gã chỉ hành động theo cái thời gian biểu ngay trước mặt. Nếu không cần thiết, gã sẽ chẳng mở miệng với ai, gã trở về phòng, ngồi xuống sàn, tựa lưng vào tường miên man nghĩ đến cái chết, hoặc việc thiếu đi sự sống.”
– Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương
Con người về bản chất là sinh vật sống theo bầy đàn nên khi sợi dây liên kết thiêng liêng với bốn người bạn bị đánh mất, Tsukuru đã trở thành một con người khác. Trong anh luôn đầy rẫy những suy nghĩ tiêu cực và mất đi cảm giác tồn tại của bản thân.
“Khi không suy nghĩ về cái chết, gã chẳng nghĩ về bất cứ điều gì.”
– Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương
Tuy nhiên, Tazaki Tsukuru chưa từng có ý định tìm hiểu nguyên nhân về gốc rễ của sự xa lánh từ bạn bè. Có lẽ là vì anh vốn tự ti và tự nhận thấy rằng, từ lâu mình đã không còn là một phần của nhóm.
Dù cho cái suy nghĩ về sự chết chóc vẫn in hằn trong tâm trí của cậu thanh niên trạc 20 tuổi ấy, anh vẫn chọn sống một cuộc sống ngăn nắp và lề lối. Đó là một hành trình thay đổi về nhận thức trong Tsukuru không màu, tuy cô độc nhưng không huỷ hoại bản thân.
Đến mùa hè sau gần một năm bị xa cách, Tsukuru gặp Fumiaki Haida, một người bạn mới chung trường đại học với anh.Thật vô tình khi ‘Haida’ trong cái tên ấy lại có nghĩa là xám, người đã giúp quãng đời sinh viên của Tsukuru bớt đi đôi phần cô độc.
Sự xuất hiện của Haida trong đời Tsukuru được coi là yếu tố không nhỏ góp phần hình thành nên nhận thức của một Tsukuru mới. Anh đã cởi mở hơn, đặc biệt hơn khi cả hai người đều là những kẻ cô đơn, đang trôi nổi vô định giữa dòng đời vạn biến.
Haida là người đã khiến cho anh cảm thấy bản thân mình đặc biệt, cậu luôn ngưỡng mộ một Tsukuru Tazaki không màu vốn dĩ luôn xem thường bản thân và tán dương niềm đam mê của anh dành cho việc xây dựng đường sắt. Như chính cái tên Tsukuru đã biểu đạt điều ấy.
“Nói ra điều này có thể làm anh phật ý, nhưng trong đời người, chỉ cần tìm thấy một đối tượng mà mình quan tâm dù rằng hạn hẹp, thì đã là một thành tựu to lớn rồi còn gì.”
– Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương
Ấy thế mà tình bạn của hai người chóng nở rồi lại chóng tàn, có lẽ cuộc đời anh vốn dĩ được mặc định cho sự cô độc. Haida rời Tsukuru đi, để lại trong anh một vết thương lớn nhưng lần này Tsukuru không còn sốc nữa, bởi lẽ anh đã quá quen với việc bị cô lập và bản thân cũng không màng tìm ra những nguyên nhân cho sự vỡ tan này.
“Xét cho cùng, có lẽ mình phải chịu một số phận cô độc. Tsukuru không thể gạt ý nghĩ đó ra khỏi đầu. Mọi người đều bên gã, rồi chẳng bao lâu lại rời bỏ gã. Dường như họ tìm kiếm điều gì đó bên trong Tsukuru, nhưng không thấy, hoặc thấy nhưng không vừa lòng, nên chán chường (hoặc thất vọng, nổi giận) mà bỏ đi. Bỗng một ngày, họ đột nhiên mất dạng, không giải thích, thậm chí cũng không một lời từ biệt cho phải phép, như thể đang tâm chặt phăng sợi dây mà dòng máu nóng hẵng đang chảy và mạch vẫn còn khe khẽ đập bằng một con rựa sắc bén, vô tâm.”
– Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương
Anh bắt buộc phải trưởng thành và hành trình ấy kì thực không bao giờ là dễ dàng, bởi lẽ không có nỗi đau nào lớn hơn việc chứng kiến những người bạn mình trân trọng, tin yêu lần lượt rời đi. Để rồi, Tazaki Tsukuru sau những như thế đều chết đi vài phần, không còn vẹn nguyên, ngây thơ như trước.
Hành trình trưởng thành ở Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương
Cái giá phải trả khi trưởng thành là rất đắt, ai trong chúng ta cũng sẽ mất một phần trong tâm hồn khi buộc phải lớn lên. Tsukuru đã rơi rất nhiều nước mắt vì sự vỡ tan của hiện thực, vì sự cô độc mà bản thân phải chịu đựng trong suốt quá trình ấy và hơn hết là việc chính mình phải trưởng thành mà không thể kết nối với bất kì ai.
Đến khi đã ngoài 30, Tazaki Tsukuru giờ đây là một người đàn ông thành đạt, có tiền và địa vị trong cuộc sống nhưng anh vẫn một mình như vậy. Cô đơn chính là người bạn tri kỉ của cuộc đời Tsukuru, chi tiết giống với nhiều nhân vật khác trong các tác phẩm của Haruki Murakami.
Tazaki Tsukuru hay Toru Watanabe, nhân vật chính trong tác phẩm để đời của Murakami là Rừng Na Uy, đều mang trong mình một nội tâm phức tạp. Cái ham muốn bình thường là được kết nối với ai đó lại bị vùi dập tàn nhẫn bởi thực tế phũ phàng và cô đơn là người bạn đồng hành xuyên suốt cuộc đời họ.
Tuy nhiên, Haruki Murakami không tạo ra Tazaki Tsukuru như một bản sao của Toru Watanabe, ông đã để cho anh có những bứt phá trong hành động khi bản thân quyết đấu tranh với sự cô độc. Không để nó chiếm giữ tâm hồn mình và thoát khỏi những ám ảnh về quá trình bị xa lánh năm xưa.
Nhờ có Sara tác động, cô bạn gái hơn anh 2 tuổi thì Tazaki Tsukuru đã quyết định trở về quê để tìm lại bốn người bạn cấp ba và hỏi về ngọn ngành của sự cô lập năm xưa.
Chuyến hành hương của Tsukuru Tazaki tựa như khúc độc tấu Le Mal Du pays đầy khắc khoải, với những đơn âm lẻ loi như chính cuộc đời mà bản thân đã sống. Để rồi, anh tìm về chốn quê nhà và gặp lại những người bạn năm xưa, sau hơn 10 năm, tất cả bọn họ đều không giống như trước.
Những người bạn trong mắt Tsukuru Tazaki đến bây giờ không còn là các cá thể mang màu sắc riêng biệt. Quá trình trưởng thành đã khiến họ trở nên “mất màu” và ở hiện tại, những cái tên ấy chỉ còn là thứ để định danh.
Chuyến hành hương này là một cơ hội để Tsukuru có góc nhìn đa diện hơn về những người bạn của mình. Anh gọi họ là bạn thân, là những người mà mình trân trọng nhưng Tsukuru lại bỏ qua mỗi góc khuất đến từng nỗi đau luôn thường trực trong tâm trí những người bạn ấy.
Trong thời gian cô lập, xa lánh Tsukuru, những người bạn của anh đều đau khổ vì phải tìm cho mình một lối đi riêng. Tsukuru Tazaki may mắn hơn khi có niềm đam mê với đường sắt từ nhỏ và quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp ấy, ngược lại họ phải chật vật, thậm chí là lạc lối khi phải đi tìm định nghĩa cho riêng bản thân.
Đỏ (Akamatsu) thông minh nhưng lại chọn một nghề nghiệp đầy toan tính, không xứng với tài năng của mình. Xanh (Oumi) không còn hoạt ngôn như lúc trước, Đen (Kuro) thì may mắn hơn, sau hàng loạt những tổn thương đã tìm thấy một bến bờ hạnh phúc ở ngưỡng cửa 30 nhưng cô đã trở nên lặng lẽ hơn trước.
Cái chết của Trắng (Shirane) là điều đau đớn nhất cho cả hội bạn ấy. Đã từng là một người con gái tinh khiết và có tài chơi piano điêu luyện, Trắng xứng đáng có một cuộc sống hạnh phúc ấy thế mà cô lại ra đi trong cay đắng và cô độc.
Tất cả bọn họ, những người đầy màu sắc, với những cá tính và tài năng độc nhất thời trẻ nhưng đến sau cùng chỉ là những con người mờ nhạt, thực dụng. Tất cả bọn họ đều lãng phí tài năng của mình, để rồi trôi nổi vô định giữa dòng chảy cuộc đời.
“Tài năng chỉ phát huy vai trò khi được nâng đỡ bởi sự tập trung mạnh mẽ, dẻo dai của thể xác và ý thức mà thôi. Chỉ cần một con vít nằm đâu đó trong óc rơi ra, hoặc một mạch nói nào đó trong cơ thể đứt cái phựt, thì sức tập trung hoặc bất cứ thứ gì cũng sẽ tiêu biến như làn sương sớm.”
– Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương
Thứ mà Haruki Murakami muốn truyền tải đến người đọc là, chỉ có tài năng thì chưa đủ, cuộc đời vô cùng khó đoán và tài năng thiên phú cũng chỉ có hạn. Nếu ta vô tình quá phụ thuộc vào nó mà không trân quý, rèn luyện thì ắt hẳn dòng chảy ấy cũng đến ngày cạn kiệt, bỏ lại ta long đong.
Như trong chính việc viết của bản thân, Murakami đã từng nhận mình là một người không có tài thiên bẩm, ông phải học và đọc rất nhiều mới có thể viết thành thạo nhưng bản thân không bao giờ cảm thấy thiệt thòi vì điều đó. Nhà văn chia sẻ về hành trình viết trong Tôi nói gì khi nói về khi chạy bộ rằng.
“Những nhà văn may mắn có tài năng thiên bẩm có thể viết tiểu thuyết dễ dàng bất luận họ làm gì – hay không làm gì. Như nước từ một suối nguồn thiên nhiên, câu cú cứ lai láng, và với chút ít hoặc không nỗ lực nào, những nhà văn vẫn hoàn thành được tác phẩm. Thật không may, số này không bao gồm tôi…Mỗi khi bắt đầu một cuốn tiểu thuyết mới, tôi phải khơi một cái hố sâu khác. Nhưng nhờ duy trì kiểu sống này qua nhiều năm, tôi đã trở nên có năng lực, cả về kĩ thuật lẫn thể chất trong việc đào một cái hố trong đá cứng và định vị một mạch nước mới. Nếu những người dựa trên suối nguồn tài năng thiên nhiên bỗng thấy là mình đã cạn kiệt cái nguồn duy nhất của mình rồi, họ sẽ gặp rắc rối.”
– Tôi nói gì khi nói về chạy bộ
Hành trình trưởng thành và tìm kiếm định nghĩa cho bản thân rất gian nan, đặc biệt còn là thách thức lớn đối với những người thiên phú. Vì họ rất dễ ngủ quên trên chiến thắng hoặc vô tình sử dụng tài năng của mình không đúng cách, để rồi họ phải nhận trái đắng, chứng kiến bản thân mất đi tài năng quý giá trong vô vọng.
Tazaki Tsukuru không màu và một Haruki Murakami mới
Xuyên suốt câu chuyện vẫn là một nét màu trầm buồn, một khúc ca sâu lắng về cuộc đời phải trải qua nhiều biến cố của nhân vật. Tuy nhiên, Haruki Murakami không còn khắc họa nét tiêu cực cho các nhân vật của mình, ông để họ trải qua cay đắng nhưng vẫn tràn đầy niềm tin vào cuộc sống.
Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương là một câu chuyện rất thực về xã hội. Đó là nơi mà con người chưa hiểu hết về nhau đã vội vàng đánh giá, nơi mà sự kết nối, dung hoà sâu sắc là một thứ xa xỉ vì con người chỉ có thể hòa hợp khi sẵn sàng thấu hiểu những vấp ngã, sai lầm và nỗi đau của nhau.
“Lòng người và lòng người không bao giờ gắn kết với nhau chỉ bởi sự hài hòa. Mà trái lại, gắn kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương. Nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh. Không có sự tĩnh lặng nào mà không chứa đựng những tiếng kêu bi thống, không có sự dung thứ nào mà không đổ máu trên mặt đất, không có sự chấp nhận nào mà không phải vượt qua những mất mát đau thương. Đó là thứ nằm trong căn đế của sự hài hòa đích thực.”
– Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương
Đến sau cùng, câu chuyện về một Tsukuru bị mất kết nối với thế giới bên ngoài và hành trình anh tìm lại bản ngã của mình, trái tim đã chết sau một cơn khủng hoảng tâm lí chính là lời thúc giục của Haruki Murakami với các bạn trẻ. Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, cách duy nhất đê vượt qua là dũng cảm đối diện với quá khứ.
Với những góc nhìn độc đáo và mới mẻ cùng với sự chín muồi trong ngòi bút của vị tác giả tài năng ấy, Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương là một khúc ca đầy ý vị dành tặng cho những ai đã và đang cảm thấy lạc lõng giữa cuộc sống này. Đúng như tờ báo San Francisco Chronicle đã từng nhận định.
“Câu chuyện của Tsukuru sẽ còn âm vọng cùng bất kỳ ai cảm thấy mình đang trôi dạt giữa kỷ nguyên Google và Facebook này.”
– San Francisco Chronicle
Nhân vật chính, người đã trải qua rất nhiều đau thương, phải oằn mình để bước tiếp trên con đường đã chọn. Chuyến hành hương đã mang lại cho Tazaki Tsukuru sự dũng cảm để đối mặt với quá khứ nhưng quan trọng hơn cả, anh đã chấp nhận và bao dung với bản thân mình, đó là điều khiến anh trở nên mạnh mẽ.
Quỳnh Như
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất