Dazai Osamu là một nhà văn Nhật Bản xuất sắc trong thời kì hậu thế chiến thứ hai. Ông được biết đến bởi cuộc đời nhiều bi kịch và phong cách văn chương thấm đẫm nỗi sầu muộn, với nhiều tác phẩm miêu tả sự tuyệt vọng của con người trước cuộc sống khắc nghiệt.
Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Dazai Osamu
Dazai Osamu sinh năm 1909, ông có xuất thân từ một gia đình quý tộc đại địa chủ ở vùng Nagaki, phía đông bắc Tsugaru. Cha của ông là một quan chức cao cấp trong chính phủ Nhật Bản, còn mẹ thuộc tầng lớp quý tộc tinh hoa. Gia đình Osamu có mười một người con và ông là con trai thứ tám.
Ngay từ khi học trung học, Dazai Osamu đã nổi tiếng là một học sinh giỏi và tài năng văn chương của ông cũng xuất hiện từ rất sớm. Thời còn học cấp ba, ông đã bộc lộ khả năng sáng tác, làm báo cùng với bạn bè của mình.
Một biến cố xảy ra năm 1927 khiến việc học của nhà văn bắt đầu xao lãng. Khi đó, thần tượng của ông là nhà văn Akutagawa Ryunosuke qua đời vì tự vẫn. Bị tác động mạnh mẽ bởi điều ấy, Osamu chìm đắm trong nghiệp ngập, tưởng như không thể hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp. Vào năm 1929, ông đã tự vẫn bằng thuốc ngủ nhưng được cứu sống kịp thời.
Sau đó, ông thi đỗ đại học Tokyo chuyên ngành văn chương tiếng Pháp và thường xuyên tham gia hoạt động chính trị. Thậm chí, nhà văn từng bị bắt giam vì có liên quan tời Đảng Cộng sản.
Không chỉ vậy, tình yêu của ông cũng không suôn sẻ, khi Osamu tiếp tục vấp phải sự phản đối từ gia đình, bị người nhà từ mặt vì đem lòng yêu một geisha. Vì vậy, nhà văn đã chạy trốn cùng cô và quyết định tự vẫn cùng với một người khác. Tuy nhiên, lần này ý định của Dazai Osamu cũng không thành, ông một lần nữa được cứu sống.
Được gia đình chấp thuận, nhà văn kết hôn và bắt đầu chuyên tâm hơn vào việc sáng tác. Con đường văn học của ông bắt đầu khởi sắc khi ông nhận được sự giúp đỡ của cộng sự và xuất bản nhiều tác phẩm nổi bật như Xe lửa, Ngư phục ký hay Nghịch hành.
Thế nhưng, biến cố tiếp tục xảy xa khi Osamu không thể tốt nghiệp, khi xin việc tại tòa soạn báo Tokyo, ông cũng bị từ chối. Thất vọng và bất mãn, ông treo cổ tự vẫn nhưng một lần nữa được cứu kịp thời. Sau đó, nhà văn mắc bệnh và phải nhập viện điều trị trong một thời gian dài.
Khi quay về nhà, Osamu phát hiện người vợ của mình ngoại tình nên nhanh chóng quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân. Về sau, Osamu tái hôn với một giáo viên trung học và có bốn người con.
Những tưởng đã có cuộc sống yên bình thì chiến tranh ập tới, trong gia đình chỉ còn Dazai và hai con sống sót. Hàng loạt bi kịch dồn dập đó đã tác động rất lớn tới nhà văn cũng như phong cách sáng tác của ông.
Trái ngược với sự sụp đổ trong cuộc sống cá nhân, văn nghiệp của Dazai Osamu chỉ thật sự đạt đến đỉnh cao sau khi kết thúc chiến tranh, với Tà dương được viết vào năm 1947. Đây cũng là tác phẩm tạo được tiếng vang nhất thời điểm hiện tại. Từ đó, hàng loại những cuốn sách nổi tiếng của nhà văn được ra đời, trong đó phải kể đến Thất lạc cõi người hay Nữ sinh.
Ông là một thành viên tiêu biểu của Vô lại phái, một dòng văn học phát triển sau thế chiến thứ hai mang khuynh hướng nổi loạn và tự hủy, bộc lộ sâu sắc những bất mãn của những thanh niên, người trí thức trước thời cuộc. Những tác phẩm của Osamu là minh chứng cho một cuộc đời nhiều bất hạnh, được biểu lộ thông qua giọng văn đầy chua xót.
Mùa xuân năm 1948, Dazai Osamu tự kết thúc cuộc đời tại một hồ nước ngọt. Dù vậy, nhà văn vẫn đã để lại cho nền văn chương những di sản vô cùng quý giá, in đậm tên tuổi và phong cách trong kho tàng nghệ thuật xứ Phù Tang.
Phong cách văn chương thành thật và chứa đựng nhiều bi kịch
Xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Osamu đã thể hiện một quan điểm mạnh mẽ và khác biệt về con người trong cuộc đời, rằng mỗi cá thể sinh ra vì tình yêu và cách mạng, đồng thời mỗi người đều phải đấu tranh cho cuộc đời và sự phát triển.
Tư tưởng ấy được nhen nhóm trong nhà văn bởi những bất mãn về cuộc chiến tranh thất bại của mẫu quốc, cộng hưởng bởi những nỗi đau từ cuộc sống riêng và con đường văn học nhiều trắc trở của nhà văn.
Ông luôn lấy cảm hứng văn chương từ thực tại tàn khốc và coi việc viết nên những nỗi niềm đó như một phương cách để tạm quên lãng cuộc đời đáng buồn của bản thân. Cũng chính vì vậy, không ít nhân vật và cốt truyện trong các tác phẩm của ông được lấy nguyên mẫu từ chính Osamu hay những người thân cận với nhà văn.
Từ đó, vẻ đẹp và sắc thái tâm hồn của một bộ phận người dân Nhật Bản đương thời dần được soi chiếu qua ngòi bút của Dazai Osamu. Bi kịch trong sáng tác của ông là hệ quả của sự cự tuyệt và buông bỏ thế tục, đồng thời cũng thức tỉnh niềm khao khát được yêu thương, sống một đời tự do.
Không giống như Kawabata và Mishima – hai nhà văn đã quen thuộc với độc giả phương Tây, Dazai không viết những câu chuyện biểu lộ thái độ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đồng tính nữ, hay người thầy tu thất trí vì vương vấn tình cảm với một cô geisha hoặc viết về một người đàn ông lớn tuổi nhưng thích ngắm nhìn các cô gái đẹp ngủ mê. Dazai viết về những con người rất thực, đang cố gắng hiểu và làm thế nào đó để hòa hợp với thế giới, có thể yêu thương người khác và không làm họ bị tổn thương. Dazai thực sự có nhiều điểm tương đồng với hai nhà văn nổi tiếng của Mỹ là J.D.Salinger và F.Scott Fitzgerald.
– Phyllis I.Lyons
Đặc biệt, ở hầu hết các tác phẩm của mình, Osamu đã thể hiện nỗi tuyệt vọng và sự khốn đốn của của thế hệ thanh niên trí thức sinh ra trong những gia đình quý tộc suy tàn sau thế chiến. Nhà văn viết về những cá nhân lạc lõng hay các gia đình quý tộc thất thế như một phép hoán dụ về sự sụp đổ của xã hội Nhật Bản.
Bao trùm các tác phẩm của Osamu thường là một vẻ sầu muộn, nhức nhối, thể hiện nỗi bất lực trước thời loạn, khi nhà văn cũng như các nhân vật của ông vừa muốn vùng lên khỏi thực tại, thế nhưng họ lại vừa lạc lõng không biết phải bước tiếp ra sao.
Cũng vì vậy mà trong nhiều tiểu thuyết, các nhân vật đã chọn cách kết thúc cuộc đời như chính nhà văn Dazai Osamu.
Cho dù chấp nhận hiện thực chưa bao giờ là điều dễ dàng với một tâm hồn cô độc như Osamu, ông vẫn không ngừng đem đến cho độc giả cái nhìn thấu thị về xã hội Nhật Bản, cùng với đó là ý chí phản kháng mạnh mẽ và niềm khao khát tự do được giãi bày qua những dòng văn ủy mị.
Cái gốc của tư tưởng tự do chính là tinh thần phản kháng, là tư tưởng phá hủy tất cả, là chống lại sự áp chế và ràng buộc đồng thời với sự ra đời của tư tưởng đấu tranh
– Dazai Osamu
Cho dù đã trải qua những năm tháng đau thương trong suốt cuộc đời, thế nhưng độc giả vẫn có thể thấy trong những tác phẩm của ông niềm khao khát được tự do và giải phóng cá tính. Qua việc phản ánh thế giới tinh thần đầy mâu thuẫn của các nhân vật, Osamu đã đưa vào sáng tác của mình vẻ đẹp của niềm tin chưa bao giờ bị dập tắt.
Vẻ đẹp cùng niềm hy vọng vào tương lai
Không khó để nhận ra Dazai Osamu có lối viết chân thực đến ám ảnh và những dòng văn của ông luôn chứa đựng nỗi cô đơn, buồn bã. Thế nhưng, bên cạnh không khí sầu bi độc giả vẫn thấy được bước chuyển mình trong tư tưởng của các nhân vật, từ đó nhen nhóm lên niềm hy vọng vào cuộc đời qua các sáng tác của Osamu.
Chiếc hộp Pandora được sáng tác vào năm 1944 là một cuốn sách bộc lộ rõ tinh thần lạc quan đó. Cũng giống như nhiều tác phẩm khác của Osamu, Chiếc hộp Pandora mở đầu với không khí ảm đạm khi nhân vật chính Koshiba bị mắc bệnh lao phổi và phải đi chữa trị tại một viện điều dưỡng.
Ở đây, anh viết thư gửi cho một người bạn thân kể về cuộc sống ngày trước và những thay đổi từ khi nhập viện. Koshiba từng là một anh chàng luôn chán ghét cuộc sống, không tìm được bất kì ý nghĩa nào trong đời và cho rằng sinh mệnh của bản thân sẽ thật ngắn ngủi.
Thế nhưng từ khi tiếp nhận điều trị, anh ngày càng trở nên tích cực, trân quý cuộc sống của bản thân. Bệnh viện trở thành nơi chốn đặc biệt và những con người tại đó không chỉ trị khỏi căn bệnh phổi của anh mà còn chữa lành tâm hồn Koshiba.
Những gam màu tươi sáng dần được xuất hiện trong tác phẩm như báo hiệu về hành trình hồi phục của người thanh niên trẻ, đồng thời cũng thể hiện niềm khao khát sự sống. Koshiba và những người bạn tại bệnh viện của anh là đại diện cho một thế hệ người Nhật Bản đang được tái sinh và trở lại đầy mạnh mẽ, lạc quan sau những biến cố khó khăn của xã hội.
Một tác phẩm xuất sắc khác của Osamu là Tà dương cũng đã bộc lộ được niềm hy vọng của nhà văn vào một tương lai tươi sáng hơn của xứ Phù Tang, khi nỗi đau qua đi và con người học cách tiến về phía trước. Cuốn tiểu thuyết này đã khắc họa tình cảnh của một gia đình quý tộc suy tàn sau thế chiến.
Đặc biệt, nhân vật trung tâm Kazuko được tác giả miêu tả là một người phụ nữ mạnh mẽ và có nghị lực sống. Gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, thế nhưng Kazuko vẫn không ngừng lao động, đọc sách và không phó mặc bản thân cho số phận.
Cho đến bây giờ, những người lớn trong thế gian này đã dạy tôi tình yêu và cách mạng, hai thứ đáng sợ và ghê tởm nhất mà trong thời chiến tranh tôi đã nghĩ như vậy. Nhưng sau chiến bại, chúng tôi không còn tin vào lời thế gian và cảm thấy con đường sống thực sự của mình là phản kháng tất cả những lời thuyết giáo đó. Tôi cho rằng, vì tình yêu và cách mạng thực sự là hai điều đẹp đẽ, tuyệt vời nhất của cuộc đời này nên những kẻ thế gian mới ác ý nói dối với chúng tôi rằng đó là những trái nho xanh. Tôi muốn xác thực điều này. Con người được sinh ra vì tình yêu và cách mạng.
– Tà dương
Những diễn biến tâm lý của Kazuko xuyên suốt tác phẩm vừa là sự thức tỉnh của một cá nhân trước thời cuộc vừa là những tâm tư tràn đầy tinh thần lạc quan mà nhà văn ký thác vào đó.
Cái kết của Tà dương đã phần nào gợi mở một tương lai mới tốt đẹp hơn sau sự suy tàn của một đế chế xưa cũ. Từ đó, độc giả được thấy một khía cạnh khác trong ngòi bút của Osamu, khi sự buồn bã vẫn có thể hòa quyện với vẻ đẹp của lòng tin và khát vọng.
Khả năng miêu tả tâm lí nhân vật xuất sắc của Dazai Osamu
Nổi bật trong các sáng tác của Dazai Osamu phải kể đến cách miêu tả tâm lí tài tình và sâu sắc. Sở dĩ những câu chuyện được nhà văn khắc họa đều bắt nguồn từ đời thực, từ cuộc sống của chính ông và những người xung quanh nên Dazai có đầy đủ những tư liệu chân thật để khắc họa các nhân vật.
Thất lạc cõi người, tác phẩm được coi là thành công nhất của Dazai Osamu, xoay quanh nhân vật chính Yozo. Xuyên suốt tác phẩm, nhà văn đã miêu tả nỗi buồn và cô độc của Oba Yozo trong suốt hành trình cuộc đời.
Anh luôn sống trong nỗi lo âu và cảm thấy bản thân bị tách biệt khỏi thế giới, cùng với đó là những biến cố mang màu sắc bi kịch đã đẩy Oba Yozo vào sự suy kiệt và tuyệt vọng. Tác giả đã không ngần ngại phản ánh nỗi đau cùng sự khốn cùng của nhân vật, đồng thời tạo nên những trăn trở cho số phận con người.
Đó là hành động tìm kiếm tình yêu cuối cùng của tôi đối với con người. Dù sợ hãi con người đến cùng cực nhưng tôi dường như không thể nào dứt bỏ được con người. Vì vậy tối gắng nối kết với con người bằng một sợi dây mong manh của chú hề. Bề ngoài thì cười liên miên bất tuyệt còn bên trong luôn toát mồ hôi vì thập phần nguy hiểm có thể nói đến mức thử ngàn lần mà không biết chắc có lần nào thành công hay không.
– Thất lạc cõi người
Không chỉ vậy, tác phẩm còn được coi là một dạng tiểu thuyết tự truyện, bới có nhiều sự tương đồng giữa nhân vật chính Yozo và nhà văn Dazai Osamu. Cũng chính vì vậy mà ở Thất lạc cõi người, Osamu đã rất thành công trong việc miêu tả tâm lí nhân vật bằng nghệ thuật ngôn từ cuốn hút.
Bên cạnh đó, ngòi bút của Dazai Osamu cũng vô cùng tinh tế khi miêu tả tâm lí phái nữ. Bởi sinh ra và lớn lên trong một gia đình quý tộc, được chứng kiến sự phân biệt tầng lớp hà khắc nên nhà văn vẫn luôn hướng về phái yếu, những người cần được bảo vệ.
Chính vì thế, Osamu đặc biệt trân trọng và quan tâm đến phụ nữ, những người thường phải chịu bất công trong xã hội Nhật Bản xưa. Nhà văn đã dùng tài hoa và sự tinh tế của mình để khắc họa nên hình ảnh người con gái, với những suy tư. Trong số những tác phẩm mà nhà văn viết về phải nữ, chắc chắn phải kể đến Nữ sinh.
Được đăng tải lần đầu tiên trên tạp chí vào năm 1939, Nữ sinh là truyện ngắn dựa theo cuốn nhật ký của một độc giả có tên Ariake Shizu. Qua đó, Osamu đã viết nên một tác phẩm xuất sắc ghi lại những biến chuyển nội tâm của một nữ sinh mười bốn tuổi chỉ trong vòng một ngày từ khi bình minh đến lúc đi ngủ.
Sau khi được phát hành, tác phẩm nhanh chóng nhận được sự tán dương của giới văn chương bởi văn phong uyển chuyển và khả năng miêu tả tâm lí nhân vật tài tình. Nhờ vậy, Osamu đã từng bước chứng minh được tài năng cũng như định hình nên phong cách nghệ thuật của bản thân.
Không những thành công với thể loại tự truyện (tư tiểu thuyết), Dazai còn chứng tỏ bản lĩnh bậc thầy của mình trong việc am hiểu tâm lý phụ nữ xứ Phù Tang. Qua tác phẩm của Dazai, tâm hồn Nhật Bản; vốn kiềm nén và khép kín, có thể hiện cũng rất cô đọng, như thơ Haiku, như kịch No, như phim của Ozu; lại được chuyên chở qua ngôn ngữ của văn chương một cách dịu dàng nhưng không kém phần mãnh liệt.
– Dịch giả Hoàng Long
Chính lối viết tài hoa ẩn mình đầy tinh tế trong nỗi sầu muộn đã khiến Osamu trở nên khác biệt so với những nhà văn khác. Qua những tác phẩm của ông, độc giả đã có được cái nhìn sâu sắc về nhiều khía cạnh trong cuộc sống, đồng thời nuôi dưỡng hy vọng qua từng trang viết thấm đẫm tinh thần tự do và phóng khoáng.
Bên cạnh đó, khả năng dẫn dắt câu chuyện tài tình cùng nghệ thuật xây dựng ngôn từ điêu luyện, mềm mại mà không hoa mỹ cũng đã cuốn hút nhiều người tìm đến các sáng tác của nhà văn.
Dazai Osamu cũng là một trong số những nhà văn Nhật Bản có sức ảnh hưởng lớn tới bạn đọc trên toàn thế giới. Nhiều thập kỷ đã qua đi, thế nhưng Osamu và những tác phẩm của ông vẫn luôn vẹn nguyên giá trị, đồng hành cùng không ít người yêu văn chương trên con đường thức tỉnh và sống thành thật với bản thân.
Tuệ Anh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất