Nguyễn Bính là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ mới, cùng với Xuân Diệu, ông cũng được gọi với cái tên Vua thơ tình. Trong khi các thi sĩ cùng thời thường đi theo lối viết tự do, phá cách và ảnh hưởng nhiều của văn học phương Tây thì Nguyễn Bính lại tìm cho mình một lối đi riêng, với những vần thơ dung dị, mộc mạc.
Qua bao nhiêu thử thách khắc nghiệt của thời gian, thơ Nguyễn Bính vẫn tồn tại và giữ cho mình một chỗ đứng vững trãi trong lòng người yêu văn chương bao thế hệ nhờ những giá trị vô giá về mặt nội dung cũng như nghệ thuật.
Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Bính
Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh năm 1918 tại tỉnh Nam Định, những sinh hoạt văn hóa tại quê hương như hát dao duyên hay hát chèo đã có ảnh hưởng rất lớn đến sáng tác của ông sau này.
Khi còn nhỏ, Nguyễn Bính không được đi học mà chỉ có cha, là một ông đồ, dạy dỗ tại nhà. Năm nhà văn tròn mười tám tuổi, ông rời quê hương để ra Hà Nội học tập, từ đây sự nghiệp văn chương của tác giả có nhiều khởi sắc và dần tạo được vị thế trong lòng độc giả.
Những ngày đầu tiên trong chặng đường làm thơ của Nguyễn Bính, họa sĩ Nguyệt Hồ đã có công rất lớn trong việc giúp ông tiếp cận gần hơn với công chúng, nhờ bà giới thiệu nhà văn cho chủ tòa soạn Tiểu thuyết thứ Năm nên ông đã có bài thơ đầu tiên được đăng lên báo, mang tên Cô gái hái mơ.
Năm 1937, Nguyễn Bính nhận được giải khuyến khích của Tự Lực Văn Đoàn qua tập thơ Tâm hồn tôi và vài năm sau đó ông đoạt giải nhất văn học Nam Xuyên ở Sài Gòn nhờ tác phẩm Cây đàn tỳ bà.
Sau năm 1940, tác giả viết đều tay hơn và cho ra đời rất nhiều bài thơ có giá trị như Chân quê, Lỡ bước sang ngang hay Sao chẳng về đây.
Nguyễn Du là nghệ sĩ mà Nguyễn Bính yêu thích và cũng là người ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách văn chương của ông, điều đó thể hiện rất rõ ở cách ông sử dụng ngôn ngữ cũng như chất liệu văn hóa dân tộc vào trong thơ ca.
“- Em ơi! Em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa
Cậy em, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương.”– Lỡ bước sang ngang
Năm 1947, Nguyễn Bính đi theo Việt Minh, hoạt động cách mạng, ông tham gia nhiệt tình những công việc được giao và nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng. Bên cạnh đó, nhà văn còn dùng chính ngòi bút của mình để làm vũ khí, cổ động tinh thần yêu nước cũng như kêu gọi tham gia chiến đấu, chống giặc ngoại xâm cứu nước.
Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký, Nguyễn Bính tập kết ra Bắc, công tác tại Hội nhà văn Việt Nam và vào năm 1956, ông làm việc cho tờ báo Trăm hoa.
Trong hơn ba mươi năm sự nghiệp, Nguyễn Bính thử sức ở rất nhiều thể loại như thơ, truyện, kịch, tuy nhiên thành công nhất vẫn là ở mảng thơ ca và ông cũng rất vinh dự được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh cho những cống hiến to lớn của mình đối với nền văn học.
Trong vô vàn những tên tuổi lớn của thời kỳ thơ mới như Xuân Diệu, Huy Cận hay Hàn Mặc Tử thì cái tên Nguyễn Bính vẫn có một vị thế vững trãi trong suốt dòng chảy văn học Việt Nam, nhờ vào phong cách viết tuy dung dị nhưng vô cùng độc đáo.
Nhà văn với lối viết đậm nét chân quê
Thơ mới ra đời trong khoảng thời gian nước ta đón nhận sự du nhập mạnh mẽ của nền văn hóa phương Tây, điều này có ảnh hưởng lớn đến văn chương của thi sĩ lúc bấy giờ nhưng giữa những biến động ấy, Nguyễn Bính vẫn kiên định với lối thơ mộc mạc và đậm chất chân quê.
Nhận xét về ông, Lê Đình Kỵ từng cho rằng:
“So với các nhà thơ lãng mạn trước đây, Nguyễn Bính đứng riêng một cõi.”
Nguyễn Bính sinh ra ở Nam Định, vì vậy khung cảnh và con người quen thuộc của một vùng quê Bắc Bộ xuất hiện chân thật và bình dị trong thơ ông như cây đa, bến nước, sân đình cùng cô thôn nữ và anh nông dân.
Nhà văn thường xuyên sử dụng các thể thơ truyền thống như lục bát và thất ngôn, kết hợp với ngôn từ mượt mà, giản dị tạo nên những câu thơ ngọt ngào như những câu ca dao dao duyên.
Nhắc về Nguyễn Bính, Hoài Thanh nói rằng thơ của ông có tính cách Việt Nam, mộc mạc như câu hát đồng quê.
“Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa.
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.
Hoa chanh nở giữa vườn chanh.
Thầy u mình với chúng mình chân quêHôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.”– Chân quê
Chân quê như một lời tuyên ngôn của Nguyễn Bính với tình yêu phong tục tập quán cũng như nét đẹp truyền thống của dân tộc. Bài thơ là sự phiền lòng của chàng trai trước những thay đổi của người con gái khi đi tỉnh về, trang phục quen thuộc như chiếc áo yếm, khăn mỏ quạ đã được thay bằng những thứ đồ đắt đỏ hơn.
Người con trai tiếc nuối vẻ đẹp chân quê ngày trước, tha thiết cầu mong cô gái giữ nét đẹp truyền thống với những đức tính chất phác, đôn hậu ngàn đợi của những người dân quê.
Đọc thơ của Nguyễn Bính, ta như được trở về một vùng quê sau những lũy tre làng, ông đưa vào thơ của mình không chỉ khung cảnh mà cả lời ăn tiếng nói của con người nơi đây. Nhà thơ với nhân dân như hòa vào làm một, giúp ông thấu hiểu thói quen cũng như tâm tư, suy nghĩ của họ và đưa chúng vào thơ ca thật đẹp và chân thành.
“Một năm đến lắm là ngày
Mùa thu mùa cốm vào ngay mùa hồng
Từ ngày cô đi lấy chồng
Gớm sao có một quãng đồng mà xa.”– Qua nhà
Nguyễn Bính viết về những người phụ nữ nông thôn trước cách mạng với nỗi đau khổ, tủi hờn, vất vả rất chân thật và xót xa, nếu không có một tình yêu cũng như sự gắn bó với quê hương thì có lẽ ông không thể chắp bút nên những vần thơ hay và day dứt đến thế.
Lỡ bước sang ngang được tác giả sáng tác năm 1939, bài thơ là lời xót xa của người chị khi đi lấy chồng nhưng chẳng thể dứt bỏ những lo toan về người mẹ già và đứa em nhỏ nheo nhóc.
“Em ơi em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa.”
– Lỡ bước sang ngang
Hoài Thanh khẳng định khó tìm đâu ra một hồn thơ quê mùa như Nguyễn Bính và quả thật chính điều đó đã trở thành chất riêng trong thơ ca của tác giả, cứ như thế những tác phẩm của ông đi vào lòng của biết bao nhiêu thế hệ bạn đọc.
Nguyễn Bính là ông vua của những bài thơ tình
Nhắc đến thơ tình, bên cạnh Xuân Diệu người ta còn nói đến Nguyễn Bính với những trang thơ rất tình và da diết. Tình yêu luôn là đề tài muôn thuở cho người thi sĩ, thế nhưng thứ cảm xúc đặc biệt ấy lại được những trái tim cảm nhận khác nhau, vì vậy cách họ đưa chúng vào trong thơ cũng thật riêng biệt.
Tình yêu xuất hiện trong thơ ca muôn hình vạn trạng, nó da diết nhưng mong manh trong thơ Hàn Mặc Tử hay nồng nàn, mãnh liệt qua ngòi bút của Xuân Diệu, còn đối với Nguyễn Bính tình yêu đa phần là chờ đợi và biệt ly.
Nguyễn Bính từng mượn hình ảnh cánh buồm để diễn tả sự chia xa, một cánh buồm bao chùm cả không gian và thời gian, chứa đựng nỗi buồn cũng như những lưu luyến khi phải nói lời từ biệt.
“Anh đi đấy, anh về đâu?
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm nâu…”
– Cánh buồm nâu
Nguyễn Bính có nhiều mối tình không hạnh phúc, vì thế sự tan vỡ hay lìa xa thường trở thành cảm hứng chủ đạo trong những áng thơ tình của ông, qua những trang thơ, tất cả xúc cảm được bộc lộ thật chua xót đan xen với vô vàn tiếc nuối.
Tình yêu luôn có nhiều sắc thái và trong số đó có một kiểu gọi là tình đơn phương, thứ mà cũng thường xuyên đi vào thơ của tác giả với những nỗi nhớ nhung da diết.
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười thương một người”
– Tương Tư
Thơ tình Nguyễn Bính còn bộc lộ niềm khao khát mãnh liệt có được một gia đình nhỏ hạnh phúc, đồng thời ngòi bút của nhà văn cũng thường hướng đến sự chung thủy, không thay lòng trong tình yêu.
Nhà thơ đã đi sâu vào từng ngóc ngách trái tim của những kẻ đang yêu, thấu hiểu tất cả những nồng nàn, tha thiết cũng như đau khổ, bi thương trong họ để từ đó ông họa nỗi niềm ấy vào từng trang văn ngọt ngào và sâu sắc.
Nguyễn Bính được mệnh danh là nhà thơ của nhiều thời đại, bởi thơ ông không phải tiếng nói cá nhân mà đó là tiếng lòng xót xa của vô vàn mảnh đời, với những số phận khác nhau nhưng cùng mang một nỗi niềm.
Một nhà thơ chân quê, luôn say mê với nét đẹp truyền thống dân tộc, sáng tác của ông không mang ngôn từ cầu kỳ, hoa mỹ nhưng lại luôn có cách riêng để sống mãi trong lòng bạn đọc.
“Người Việt Nam còn yêu thơ Nguyễn Bính mãi, càng văn minh hiện đại lại càng trân trọng.”
– Vũ Quần Phương
Qua bao nhiêu lớp bụi phủ của thời gian, thơ ca Nguyễn Bính vẫn sống hiên ngang trong dòng chảy văn học Việt Nam nhờ vào những giá trị về cả nội dung và nghệ thuật nó đem lại.
Ngọc Linh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất