Thành ngữ “Kẻ tám lạng người nửa cân” vốn không còn xa lạ đối với lời ăn tiếng nói của nhân dân Việt Nam. Nó thường xuất hiện trong các cuộc thi đấu và đọ sức, dùng để chỉ sự tương đương, đồng đều giữa hai bên.
Ý nghĩa của thành ngữ Kẻ tám lạng người nửa cân
Trong thành ngữ này, “cân” và “lạng” không phải là “cân tây” hay “lạng tây” theo hệ thống đo lường quốc tế. Chúng xuất phát từ một loại cân cũ của nước nhà, khá phổ biến thời xưa.
Nếu dựa vào cân ta thì nửa cân tương đương với tám lạng, đây cũng là nguồn gốc lý giải sự ra đời thành ngữ ‘Kẻ tám lạng người nửa cân”. Nó thể hiện mức độ ngang bằng về tính chất hay hành động của hai bên, không ai hơn kém.
Cách nói đậm chất dân gian này xuất hiện vô cùng phổ biến trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn, nó được dùng để ám chỉ cuộc so tài hoặc chiến đấu ngang tài ngang sức, bất phân thắng bại.
Bên cạnh ‘Kẻ tám lạng người nửa cân”, kho tàng thành ngữ Việt Nam còn có các cách nói khác để đánh giá mức độ tương đương. Tiêu biểu là “Một chín một mười”, “Bên thừng bên chão” hay “Đồng cân đồng lạng”, “Bằng vai phải lứa”.
Nhan sắc xinh đẹp giữa Kẻ tám lạng người nửa cân trong Chị em Thúy Kiều
Không chỉ được biết đến như một bậc đại thi hào sở hữu tấm lòng cao cả, Nguyễn Du còn là bậc thầy trong việc miêu tả. Với đoạn trích Chị em Thúy Kiều, ông đã dựng nên hai bức chân dung nhân vật toàn diện, cả về ngoại hình lẫn tính cách.
Xuyên suốt đoạn trích, văn sĩ sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng cùng những hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo. Nhan sắc của chị em Thúy Kiều, Thúy Vân đều đạt đến độ hoàn mỹ, “mười phân vẹn mười” nhưng mỗi người lại mang một nét đẹp riêng.
“Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.” – Chị em Thúy Kiều
Trong đó, Thúy Vân có một vẻ đẹp hài hòa, phúc hậu khiến thiên nhiên phải “nhường” và “thua”. Điều này cũng phần nào gợi nên một tương lai viên mãn, bình yên của nàng.
Trong khi đó, Thúy Kiều lại sở hữu nét đẹp kiêu sa, “nghiêng nước nghiêng thành” đến mức thiên nhiên phải đố kị và hờn ghen. Thông qua chi tiết này, văn sĩ đã dự báo về kiếp hồng nhan bạc mệnh, lắm truân chuyên phía trước của người con gái ấy.
“Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.” – Chị em Thúy Kiều
Bằng tài năng văn học cùng ngòi bút tinh tế, Nguyễn Du đã khắc họa bức chân dung nhan sắc “Kẻ tám lạng người nửa cân” của chị em Thúy Kiều. Qua đó, tác giả thể hiện sự tôn vinh và đề cao vẻ đẹp người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa cũ.
Cuộc chiến ngang sức kẻ tám lạng người nửa cân trong Sơn Tinh Thủy Tinh
Cùng với Tấm Cám và Thạch Sanh, truyện cổ dân gian Sơn Tinh Thủy Tinh được lưu truyền một cách rộng rãi ở nước ta. Nó không chỉ là lời giải thích cho hiện tượng thiên tai lũ lụt của người xưa mà còn thể hiện cả ước mơ về một cuộc sống ấm no, yên bình.
Tác phẩm lấy bối cảnh vào đời vua Hùng thứ mười tám, xoay quanh cuộc chiến đấu và so tài giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Cả hai đều là các vị thần hùng mạnh, có những khả năng đặc biệt hơn người.
Trong đó, một người thì đến từ vùng biển mênh mông, có tài hô mưa gọi gió, đại diện thiên nhiên và bão lũ. Bên còn lại là tướng lĩnh núi non, tượng trưng cho tinh thần kiên cường, không chịu khuất phục trước thiên tai của nhân dân ta.
Bởi vì đều giỏi giang và xuất chúng, cuộc chiến giữa “Kẻ tám lạng người nửa cân” diễn ra xuyên suốt tháng năm. Thế nhưng, Thủy Tinh vẫn chưa lần nào thắng cuộc dù cố gắng đến nhường nào đi nữa.
“Nước dâng lên cao bao nhiêu, Sơn Tinh lại làm cho đồi, núi mọc cao lên bấy nhiêu. Hai bên đánh nhau ròng rã mấy tháng trời liền, cuối cùng Thủy Tinh đuối sức phải rút quân về.” – Sơn Tinh Thủy Tinh
Chi tiết ấy đã thể hiện tinh thần mạnh mẽ, kiên cường vượt qua thiên tai cũng như số phận của nhân dân ta. Qua đó, truyện cổ dân gian Sơn Tinh Thủy Tinh còn ngợi ca truyền thống đoàn kết và góp phần lan tỏa điều này đến các thế hệ sau.
Hạ Miên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất