Phạm Tiến Duật là nhà thơ gắn bó máu thịt với con đường Trường Sơn huyền thoại suốt một thời binh lửa. Tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính của ông đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc với những cảm xúc không thể nào quên.
Thi sĩ đã dùng vần thơ, con chữ để làm bừng sáng lên vẻ đẹp Trường Sơn những năm chống Mỹ khốc liệt. Từng nguyên mẫu đời thường hiện lên sống động qua thơ Phạm Tiến Duật, trở thành biểu tượng cao đẹp của tuổi trẻ thời đại kháng chiến.
Phạm Tiến Duật là thi sĩ huyền thoại của cánh rừng Trường Sơn đại ngàn
Nhà thơ Phạm Tiến Duật sinh năm 1941, nguyên quán tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, một vùng đất trung du với những đồng cọ, đồi chè. Từ nhỏ, Phạm Tiến Duật đã đi học xa nhà, lâu lâu mới có dịp về thăm gia đình.
Qua bậc phổ thông, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội (nay là Đại học Sư phạm Hà Nội), ban đầu định hướng theo nghiệp cha mình là một nhà giáo. Thế nhưng chiến tranh lan rộng ra miền Bắc, chàng trai Phạm Tiến Duật ngày đó tạm gác bút nghiên để lên đường nhập ngũ.
Bước ngoặt không biết trước trong đời ấy đã làm nên một tâm hồn thơ Phạm Tiến Duật. Tác giả xin chuyển từ đơn vị Pháo Cao xạ Tây Bắc sang Tổng cục Hậu Cần để được vào chiến trường, từ đó duyên nợ đã gắn bó ông cùng cánh rừng Trường Sơn đầy bom đạn.
Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, tác giả rong ruổi trên những đoàn xe vận tải chở lương thực, hàng hóa vào chiến trường. Quãng thời gian không thể nào quên ấy đã giúp ông có thêm nhiều tư liệu về thực tế đời sống nơi chiến trường gian khổ.
“Tôi gắn bó máu thịt với Trường Sơn và có thể nói Trường Sơn đã đẻ ra nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trước đây, bây giờ và sau này nếu tôi viết được chút gì neo lại trong lòng bạn đọc chính là nhờ những năm tháng ở Trường Sơn.” – Nhà thơ Phạm Tiến Duật tâm sự
Đối với Phạm Tiến Duật, Trường Sơn luôn hiện lên không chỉ trong ký ức mà còn rõ nét đến mức nhà thơ tự gọi đó là một sự ám ảnh. Sự gắn bó hòa quyện ấy không dễ gì chia cắt, giống như hình ảnh quê hương luôn khắc sâu trong tâm trí mỗi người con xa xứ.
Những con người bình thường đang làm điều phi thường như cô thanh niên xung phong, anh lính coi kho hay chiến sĩ lái xe đều được Phạm Tiến Duật khắc họa bằng thơ, một màu thơ sống động và tràn đầy cảm xúc.
Vài nét về tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một trong những sáng tác tiêu biểu của Phạm Tiến Duật, qua đó ông khắc họa hình ảnh các chiến sĩ lái xe trên cánh rừng Trường Sơn đại ngàn với tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan, dũng cảm.
Bài thơ về tiểu đội xe không kính được sáng tác năm 1969, đây cũng chính là thời điểm mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra vô cùng khốc liệt và gay go.
Tác phẩm này rút trong chùm thơ mà Phạm Tiến Duật được tặng Giải Nhất cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ năm 1969 và in trong tập thơ Vầng trăng quầng lửa do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1970.
Phạm Tiến Duật đã đặt tên cho tác phẩm là Bài thơ về tiểu đội xe không kính, nhan đề này khá dài và lạ, tưởng như có chỗ thừa nhưng nó lại thu hút người đọc ở vẻ độc đáo ấy.
Trước hết tác giả đã làm nổi bật hình ảnh trung tâm của toàn bài đó là những chiếc xe không kính vẫn băng băng lao ra chiến trường. Phát hiện này khá thú vị, thể hiện sự am hiểu, gắn bó giữa nhà thơ với hiện thực đời sống chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn.
“Thơ Phạm Tiến Duật đã lưu lại trong lịch sử văn học dấu mốc của thơ trữ tình Việt Nam trên hành trình đi tìm cái đẹp trên các sự kiện và biến cố in đậm chất sử thi của một thế kỷ đầy biến động.” – Trung tướng Vũ Văn Sỹ nhận định
Bên cạnh đó, vẻ khác lạ của nhan đề còn nằm ở hai chữ “Bài thơ”, tưởng như thừa nhưng nó lại thể hiện cách khai thác hiện thực của Phạm Tiến Duật, không chỉ viết về thực tế đời sống chiến tranh hay hình ảnh những chiếc xe không kính, điều quan trọng ông muốn làm nổi bật là chất thơ trong đó.
Chất thơ ấy thấm đượm tinh thần tuổi trẻ hiên ngang, dũng cảm, lạc quan, hết lòng vì miền Nam ruột thịt, vì sự thống nhất của toàn dân tộc.
Ở đây Phạm Tiến Duật muốn nhấn mạnh rằng đây là một bài thơ dành riêng cho tiểu đội xe không kính, muốn bày tỏ tâm tư tình cảm, sự yêu mến, quý trọng của mình và tác phẩm này chính là sự tri ân mà ông muốn dành cho các anh.
Hình ảnh những chiếc xe không kính độc đáo nơi chiến trường khốc liệt
Từ xưa đến nay, những hình ảnh như xe cộ, tàu thuyền khi đưa vào trong thơ thì hầu như đều được thi vị hóa, mĩ lệ hóa và thường mang ý nghĩa tượng trưng hơn là tả thực. Người đọc có lẽ từng bắt gặp điều đó như con tàu trong Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên hay Đoàn thuyền đánh cá trong bài thơ cùng tên của Huy Cận.
Còn ở tác phẩm này của Phạm Tiến Duật thì hình ảnh những chiếc xe không kính được miêu tả một cách đầy cụ thể với từng chi tiết rất thực.
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi” – Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Hình ảnh xe không kính là một thực tế thường gặp trên tuyến đường Trường Sơn, có thể coi hai cầu mở đầu chính là lời giải thích cho sự cố có phần không bình thường.
Lời thơ của hai câu thơ này hết sức tự nhiên, rất thực tế và đậm chất văn xuôi, dường như khiến người đọc phải tin ngay vào sự phân bua của chính các chàng trai lái xe dũng cảm.
Điệp từ “không” cùng động từ mạnh như “giật, rung” đã giúp tác giả Phạm Tiến Duật lý giải nguyên nhân không có kính của những chiếc xe. Bom đạn chiến tranh đã khiến chúng trở nên biến dạng, rồi từ đó ông tạo nên ấn tượng cho người đọc một cách thật cụ thể và sâu sắc về hiện thực khốc liệt nơi chiến trường.
Hình ảnh những chiếc xe không kính vốn chẳng hiếm hoi trong chiến tranh, song chính nhờ hồn thơ nhạy cảm, ngang tàn nhưng đầy tinh tế của Phạm Tiến Duật mới có thể khai phá sự độc đáo để rồi đưa chúng vào trong thơ và trở thành một biểu tượng bất hủ của thơ ca thời kháng chiến chống Mỹ.
Hình ảnh người chiến sĩ lái xe Trường Sơn trong tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Những năm tháng chống Mỹ oanh liệt, hào hùng của toàn dân tộc đã để lại biết bao ký ức khó phai mờ trong tiềm thức nhân dân Việt Nam. Dù bão đạn, mưa bom song các chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ vẫn hiên ngang tiến về phía trước.
Tinh thần lạc quan khi đối diện với những khó khăn, thử thách của họ khiến bất cứ ai cũng đều cảm phục. Giọng thơ hồn nhiên, vui vẻ đã xoa dịu đi sự khắc nghiệt nơi chiến trường, cùng tiếp thêm cho nhau sức mạnh bước đến thắng lợi phía trước.
Tư thế ung dung của các chiến sĩ trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Hình ảnh những chiếc xe không kính đã làm nổi rõ vẻ đẹp của các chiến sĩ lái xe trên đường Trường Sơn, thiếu đi những phương tiện vật chất tối thiểu lại là cơ hội để người lính bộc lộ phẩm chất cao đẹp, sức mạnh tinh thần lớn lao.
“Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.” – Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Vẻ đẹp của những người lính lái xe dọc tuyến đường bom đạn đã được Phạm Tiến Duật khắc họa đầy cảm động thông qua hai khổ thơ đầu với tư thế hiên ngang, bất chấp, cho thấy thái độ sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn đáng ngưỡng mộ và cảm phục.
Tác giả đã sử dụng đầy khéo léo nghệ thuật đảo ngữ với từ láy “ung dung” được đảo lên đầu câu thứ nhất, điệp từ “nhìn” cũng thể hiện trọn vẹn tư thế bình tĩnh, tự tin của người lái xe.
Giữa chiến trường bom đạn, bất kể người lính nào khi ra trận cũng rất dễ rơi vào trạng thái hoảng loạn song ở đây lại là phong thái ngang tàn, dũng cảm. Cái “nhìn” của các anh đầy bao quát, rộng mở, nhìn thẳng vào những khó khăn, gian khổ, hi sinh mà không hề run sợ và né tránh.
“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái.” – Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Vì những chiếc xe không có kính chắn gió nên các yếu tố thiên nhiên, chướng ngại vật đều có thể rơi rụng, va đập vào buồng lái. Tuy nhiên, quan trọng hơn là các chiến sĩ có cảm giác như bay lên, hòa mình với thiên nhiên, được giao hòa và chiêm ngưỡng thế giới bên ngoài.
Điều đó được thể hiện qua nhịp thơ của khổ thứ hai, rất đều đặn, trôi chảy, kết hợp linh hoạt các điệp ngữ “thấy” cùng phép liệt kê “con đường, sao trời, cánh chim”, lột tả trọn vẹn cảm giác thú vị đến với người lính trên những chiếc xe không kính đó.
“Hồn thơ Phạm Tiến Duật phóng khoáng, rộng mở, cái đẹp của cuộc sống chiến đấu đi vào thơ ông tự nhiên và rất thật. Thơ Phạm Tiến Duật là tiếng nói khỏe khoắn, đôn hậu, bắt nguồn trực tiếp từ cuộc sống chiến đấu sôi nổi mà hào hùng của dân tộc.” – Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ
Hình ảnh trong phép liệt kê trên đã diễn tả rất có thể cảm giác của người chiến sĩ khi lái những chiếc xe không kính, dường như không còn khoảng cách giữa các anh với con đường. Chính vì thế họ mới có cảm giác như là “con đường chạy thẳng vào tim”.
Cảm giác thú vị chạy xe vào ban đêm là thấy sao trời và khi đi qua những đoạn đường cua, dốc thì cánh chim đột ngột “như sa, như ùa vào buồng lái’. Thiên nhiên, vạn vật dường như cũng bay theo ra chiến trường, giúp cho người đọc cảm nhận được ở các anh nét hào hoa, kiêu bạc, lãng mạn và yêu đời của thế hệ thanh niên.
Tất cả đều là hiện thực qua những cảm nhận của nhà thơ trưởng thành trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Độc đáo hơn là hiện thực gian khổ ấy được nhìn và lắng nghe qua lăng kính một con người đầy lãng mạn.
Tinh thần lạc quan bất chấp khó khăn trong tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Bên cạnh tư thế kiêu hùng ở hai khổ thơ đầu thì tác giả Phạm Tiến Duật còn đi sâu và khắc họa những vẻ đẹp khác của người chiến sĩ lái xe dọc tuyến Trường Sơn rực lửa. Đó là tinh thần lạc quan, sôi nổi, bất chấp mọi hiểm nguy đang chờ đón.
“Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.” – Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Xét về mặt ngôn từ, độc giả không khó để nhận ra những hình thức ngôn ngữ hết sức giản dị như lời nói thường ngày, giọng điệu thản nhiên, hóm hỉnh dẫu đang đi dưới mưa bom, bão đạn.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã có cách sử dụng đầy khéo léo kiểu cấu trúc câu “không có…ừ thì…”, cùng với đó là cách nói “chưa cần” được lặp đi lặp lại trong hai khổ thơ, ngoài ra còn có các từ ngữ như “phì phèo”, “cười ha ha”, “khô mau thôi”, tất cả đã làm bật lên niềm vui giữa biết bao gian khổ.
Cái tài của thi sĩ trong bài thơ này là cứ hai câu đầu thì nói về hiện thực nghiệt ngã nhưng hai câu thơ ngay sau đó lại bừng cháy lên tinh thần sôi nổi để vượt lên thử thách khi chiến tranh đang diễn ra ngày một ác liệt.
Những phép so sánh thú vị đã làm cho hiện thực tuy gian khổ nhưng lại hiện lên một cách vô cùng sinh động, tựa như lời an ủi hóm hỉnh để cùng nhau đi qua chông gai, tiến về phía trước.
“Sự xuất hiện của Phạm Tiến Duật đã làm xôn xao đời sống thơ ca vốn có. Thơ Phạm Tiến Duật đã cổ vũ cho cuộc chiến đấu theo cách riêng của mình và đã đón nhận được sự quan tâm đặc biệt từ nhiều phía.” – Nhà văn Nguyễn Minh Châu bày tỏ
Điều mà độc giả cảm thấy tự hào là trước mọi hiểm nguy thì những người lính lái xe vẫn tươi cười, chẳng bận tâm, lo lắng đến nỗi khắc nghiệt mà mình đã và đang phải trải qua. Các anh lấy cái bất biến của lòng dũng cảm để chiến thắng cái vạn biến của chiến trường sinh tử.
Đọc những câu thơ ấy, độc giả càng thêm hiểu phần nào vất vả của chiến sĩ những năm tháng chống Mỹ. Cuộc sống đầy gian truân trong bom đạn nhưng luôn ngập tràn tinh thần lạc quan, thật đáng yêu và cũng thật đáng tự hào.
Tình đồng đội sâu sắc trong tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Không chỉ dừng lại ở việc khắc họa về tinh thần lạc quan mà qua ống kính của người nghệ sĩ, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã khắc họa sâu sắc hơn những hình ảnh vô cùng đẹp đẽ để thể hiện tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng.
“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Ðã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.” – Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Sự khốc liệt của chiến tranh đã khiến những chiếc xe từ khắp mọi miền Tổ quốc tụ họp về đây và trở thành một tiểu đội có tên thật đặc biệt là tiểu đội xe không kính. Dù có thể đến từ nhiều miền đất khác nhau nhưng họ lại có sợi dây gắn kết lạ kỳ, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong hoàn cảnh khốn khó.
Cái “bắt tay” ở đây thật đặc biệt, đó là cái bắt tay của tình đoàn kết giữa chốn bom rơi đạn lạc. Xe không kính lại trở thành điều kiện thuận lợi để các anh có thể thể hiện được tình cảm và nó đã truyền sức mạnh, bù đắp mọi thiếu thốn về tinh thần mà họ phải chịu đựng.
Điều này có sự gặp gỡ về mặt ý thơ của Chính Hữu trong bài Đồng chí như “thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Cái bắt tay hồn nhiên, trẻ trung hơn từ Phạm Tiến Duật là bước khởi đầu quá trình trưởng thành ở Quân đội Nhân dân Việt Nam.
“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.” – Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Tình đồng chí, đồng đội còn được thể hiện đầy ấm áp, giản dị qua những giờ phút sinh hoạt của các chiến sĩ lái xe. Gắn bó trong chiến đấu, các anh càng gắn bó với nhau hơn khi bên cạnh trong cuộc sống đời thường.
Sau những phút giây nghỉ ngơi thoáng chốc cùng bữa cơm đạm bạc, họ đã xích lại gần nhau hơn để trở thành gia đình. “Bếp Hoàng Cầm” là vật dụng rất phổ biến trong kháng chiến chống Mỹ, bất cứ nơi nào người lính dừng chân thì đều có thể sử dụng được.
Ở đây có một cách định nghĩa về gia đình rất “lính”, rất Trường Sơn. Điều ấy thật hóm hỉnh, tếu táo bởi chỉ cần “chung bát đũa” thì họ đã trở thành gia đình của nhau. Tư tưởng lẫn tình cảm của người lính vừa gắn bó lại thật tự nhiên và bình dị.
Từ láy “chông chênh” gợi cảm giác bấp bênh, gian khổ song với người lính lái xe thì chúng chỉ như động lực tiếp thêm ý chí để bước tới ngày thắng lợi.
Vẻ đẹp của những người lính thời đại cụ Hồ là kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, họ là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khắc họa hình tượng đẹp nhất thế kỉ XX như nhà thơ Tố Hữu từng ca ngợi.
“Kính chào Anh, con người đẹp nhất!
Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất
Sống hiên ngang, bất khuất trên đời
Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi
Một dây ná, mót cây chông, cùng tiến công giặc Mỹ.” – Bài ca xuân 68
Điệp ngữ “lại đi” và hình ảnh “trời xanh thêm” đã tạo âm hưởng thanh thản, nhẹ nhàng, thể hiện niềm lạc quan, tin tưởng về sự tất thắng của cuộc kháng chiến. Câu thơ trong vắt như tâm hồn người chiến sĩ, bộc lộ khát vọng tự do, tung bay tới bầu trời hòa bình mà hàng triệu người dân Việt Nam mơ ước.
Có thể nói rằng, chính tình đồng chí, đồng đội ấy đã biến thành động lực giúp những người lính lái xe trên cánh rừng Trường Sơn đại ngàn vượt qua biết bao hiểm nguy để chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
Ý chí chiến đấu sục sôi trong thi phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Ở khổ thơ đầu tiên của bài, độc giả đã ấn tượng với những chiếc xe không kính, giờ đây chúng không chỉ mất kính mà còn “không có đèn”, “không có mui xe”, “thùng xe có xước”. Có thể nói rằng xe đã biến dạng hoàn toàn, khó khăn lại càng chồng chất lên vai người lái.
“Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.” – Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Sự gian khổ ấy ngày càng tăng lên gấp bội nhưng không thể làm chùn bước những đoàn xe ngày đêm nối đuôi nhau tiến về phía trước. Từ “không” được lặp lại rất nhiều, cùng với đó là thủ pháp liệt kê giúp mang lại sự ấn tượng sâu sắc bởi gian truân nơi chiến trường.
“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước” bởi cuộc đấu tranh thống nhất đất nước còn đang dang dở. Những chuyến xe ra tuyến lửa Trường Sơn nhằm cung cấp lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược cho miền Nam thân yêu, hy vọng về một ngày thắng lợi.
Một hình ảnh cực kì độc đáo làm tâm điểm của khổ thơ chính là “chỉ cần trong xe có một trái tim”, câu thơ cứng cáp hẳn lên như nhịp chảy mạnh mẽ của những chiếc xe không kính. Tuy thiếu thốn trăm bề nhưng nhà thơ khẳng định trong xe chỉ cần “trái tim” vẫn còn nhịp đập thì mọi hiểm nguy trước mắt cũng dễ dàng vượt qua.
“Trái tim” ở đây là một hình ảnh hoán dụ để chỉ những chiến sĩ anh hùng năm xưa “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trái tim họ đau xót trước cảnh nhân dân miền Nam đang sống trong khói bom, thuốc súng, đất nước bị chia cắt thành hai miền riêng biệt.
Trái tim ấy dạt dào tình yêu Tổ quốc “như máu thịt, như mẹ cha ta, như vợ như chồng”, luôn sục sôi căm thù giặc Mỹ bạo tàn. Đó cũng là động lực vô cùng lớn, thôi thúc người lính lái xe giải phóng khổ đau cho miền Nam thân yêu.
Tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính đem đến cho người đọc những ấn tượng vô cùng sâu đậm về những chiếc xe đặc biệt, thông qua đó tập trung khắc họa hình ảnh các chiến sĩ lái xe với vẻ đẹp anh dũng, kiên cường cùng tinh thần lạc quan sẵn sàng vượt tuyến lửa Trường Sơn.
Tất cả điều đó được truyền tải thông qua những đặc sắc về nghệ thuật mang đậm dấu ấn của nhà thơ Phạm Tiến Duật như thể thơ tự do đậm chất văn xuôi, hình ảnh thơ giàu chất hiện thực, ngôn ngữ tự nhiên bình dị cùng giọng điệu ngang tàn nhưng đầy hóm hỉnh.
Tiểu Mai
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất