Có lẽ vì người xưa từng nói “Thu là thơ của đất trời, thơ là thu của lòng người” mà mùa thu đã trở thành một trong những nguồn cảm hứng văn chương đặc biệt của biết bao thi sĩ.
Từ nền văn học trung đại xa xưa, độc giả đã bắt gặp bóng hình mùa thu ẩn hiện qua chùm thơ của Nguyễn Khuyến với hình ảnh đặc trưng trong Thu Điếu “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”.
Những hình ảnh đặc sắc về mùa thu đó còn được xuất hiện trong nhiều bài thơ hiện đại, tiêu biểu là Xuân Diệu với Thơ duyên và Đây mùa thu tới, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư hay Hoa cỏ may của nữ nhà thơ Xuân Quỳnh.
Tuy nhiên, mùa thu trong những bài thơ ấy dường như đã sớm được định hình với trạng thái ổn định, tồn tại một ranh giới rõ rệt phân chia giữa hai khoảnh khắc thời gian thu – hạ.
Tuy nhiên, đến với Sang thu của Hữu Thỉnh, cách lựa chọn thời gian miêu tả đã khác khi ranh giới giữa hai mùa trong thơ thật mơ hồ. Chính cái sự ảo mộng ấy đã chuyên chở hồn thu đến với người đọc bằng con đường “thu” nhất.
Hữu Thỉnh là ngòi bút của sự mong manh và khó nắm bắt
Nhà thơ Hữu Thỉnh sinh năm 1942 trong một gia đình nông dân truyền thống Nho học nhưng phải trải qua thời thơ ấu không dễ dàng, ông chỉ được đi học sau khi nền hòa bình lập lại.
Tác giả bén duyên với văn chương khá sớm, ông đã soạn kịch và đi viết kịch từ khi học lớp tám. Sau này tham gia bộ đội, nhà thơ cũng tham gia nhiều hoạt động liên quan tới văn chương nghệ thuật.
Bao trùm lên những sáng tác của nhà thơ Hữu Thỉnh là nguồn cảm hứng sâu sắc về đất nước Việt Nam anh hùng và số phận của con người cá nhân với bao cảm xúc đời thường giản dị.
Ông đã “đưa thơ về với cuộc sống thường nhật”, khám phá những điều mong manh nhất, những biến chuyển tế vi nhất ẩn giấu trong bao khoảnh khắc đời thường bằng sự suy tư, chiêm nghiệm từ tận đáy lòng.
Với tấm lòng rung cảm của một ngòi bút có kinh nghiệm, nhà thơ đã tập trung đi sâu khai thác cái hay, cái đẹp ẩn hiện trong những điều giản đơn nhưng đầy mới mẻ và độc đáo thường ngày.
“Tác phẩm nghệ thuật luôn được xây dựng từ những vật liệu mượn ở thực tại, nhưng nhà văn không chỉ muốn ghi lại những cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ.” – Nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng nêu quan điểm của mình về một tác phẩm nghệ thuật đích thực
Góc nhìn mới mẻ của nhà thơ Hữu Thỉnh được thể hiện qua việc luôn cố gắng khai phá ra bao điều mới lạ tiềm tàng trong những thi liệu dân gian quen thuộc, khiến những trang thơ thấm đẫm tính cổ điển nhưng cũng đầy cách tân độc đáo.
Ông là người thi sĩ của những áng thơ đầy ma lực, lôi cuốn người đọc bước vào thế giới văn chương thơ mộng mà giàu chất triết lý, chiêm nghiệm, điều được nhà thơ thể hiện bằng tấm lòng mộc mạc và chân tình của mình.
Nhà thơ Hữu Thỉnh chủ yếu làm thơ với các tác phẩm chính như Âm vang chiến hào, Từ chiến hào tới thành phố hay Bé Hoa ra đời, ngoài ra nhà thơ còn viết bút ký văn học và báo.
Những biến chuyển tinh vi khi đất trời bước vào mùa thu
Sang thu là một trong những bài thơ làm nên tên tuổi của Hữu Thỉnh khi khắc họa lại bức tranh giao mùa nhẹ nhàng hạ – thu bằng dòng cảm xúc bâng khuâng và sự rung động mãnh liệt của chính tác giả.
Bài thơ được viết vào mùa thu năm 1997, dấu mốc đặc biệt được nhà thơ gọi là “mùa thu đầu tiên của người lính khi bước ra khỏi chiến tranh”. Thời điểm này đã đánh dấu bước ngoặt của cuộc đời chính tác giả, một cựu binh nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.
“Suốt ngày, người lính trong thời chiến phải đối diện với tiếng súng nổ, tiếng bom rơi và tiếng động cơ phản lực… Chính vì vậy, mà có lúc nào không phải nghe những âm thanh ấy thì quả là quý giá vô cùng.” – Nhà thơ Hữu Thỉnh từng chia sẻ
Theo nhà thơ, chìa khóa để người đọc giải mã tác phẩm Sang thu là ở cuối bài thơ, nơi ông đề “Thu 1977”. Khoảnh khắc ấy như kí hiệu đặc biệt của Hữu Thỉnh, đánh dấu về một thời kỳ lịch sử chiến tranh cam go đã trôi qua.
Mở đầu tác phẩm, nhà thơ Hữu Thỉnh đưa độc giả bước vào khúc giao mùa nhẹ nhàng với những biến đổi kỳ diệu của thiên nhiên khi bắt đầu vào thu. Tất cả các giác quan được đánh thức bằng sự phảng phất của hương ổi.
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se.”
Nếu như Nguyễn Bính nhận biết mùa thu qua “mùi hoa thiên lý thoảng hương đưa” trong Chiều thu, Nguyễn Đình Thi với “gió thổi mùa thu hương cốm mới” thì Hữu Thỉnh lại sử dụng hương ổi như một tín hiệu đặc trưng của chớm thu.
Hương ổi phảng phất trong làn gió heo may nhè nhẹ khiến tác giả giật mình mà thốt lên “bỗng nhận ra”. Từ “bỗng” khắc họa rõ nét sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của nhà thơ khi mùa thu đã về.
Trong trạng thái giao thoa giữa cái oi nồng và dịu nhẹ, dấu hiệu nhận biết mùa thu đến cũng thật nhỏ bé. Có lẽ, chỉ khi nhà thơ lắng mình lại sau những phút giây bộn bề, ông mới ngỡ ngàng nhận ra mùa thu đã đến tự bao giờ.
Mùi hương ngòn ngọt phảng phất trong không khí của những trái ổi đầu mùa hòa quyện cùng sự vận động khe khẽ của làn gió se được gợi lên rõ nét qua hai chữ “phả vào”.
Nhà thơ thật tài tình khi cảm nhận được sự chuyển biến bé nhỏ lúc đất trời thay lớp áo mới. Hương ổi và gió se là những thứ vô hình, trừu tượng nhưng dưới ngòi bút Hữu Thỉnh, chúng lại hiện lên một cách sống động.
Trong cái dư vị ngây ngất của hương ổi quyện hòa trong làn gió heo may đầu mùa, bức tranh mùa thu được tác giả khắc họa còn xuất hiện hình ảnh những giọt sương thu trong trẻo ban mai.
“Sương chùng chình qua ngõ.”
Trong Thu của Huy Cận, giọt sương ban mai hiện lên với sắc thái “nặng gieo đầu tre” có phần nặng nề thì ở Sang thu, độc giả lại bắt gặp vẻ đẹp làn sương mỏng manh mà nhẹ nhàng, “chùng chình” mà chậm rãi.
Màn sương được miêu tả qua từ láy gợi hình “chùng chình” kết hợp với biện pháp nhân hóa đã thể hiện bước đi chầm chậm mà nhẹ nhàng của mùa thu, vương vấn dấu chân trong từng ngóc ngách nhỏ.
Bước chuyển giao “chùng chình” ấy gợi ra sự lay động nhè nhẹ của thiên nhiên cây cỏ, nét vô tư lự trong những bước chân dịu dàng và cả cái buồn man mác nơi làng quê nhỏ thanh vắng.
Hương ổi phảng phất trong không khí, những giọt sương giăng mắc khắp ngõ nhỏ, đó là những tín hiệu thể hiện mùa thu đang đến thật gần. Có lẽ vì vậy mà nhà thơ Hữu Thỉnh đã bất ngờ thốt lên:
“Hình như thu đã về.”
Trong câu thơ đầu, tác giả giật mình khi nhận ra những “dấu vết” mờ ảo mà “nàng thu” vô tình để lại. Đến bây giờ, ông tiếp tục ngạc nhiên thốt lên “Hình như thu đã về”.
Một sự bất ngờ mà dường như đã được nhà thơ chờ đợi từ lâu trước đó. Từ “hình như” diễn tả sự ngỡ ngàng mà ngờ ngợ, chưa dám tin nhưng đến với những câu thơ tiếp theo, bức tranh chớm thu hiện lên thật rõ nét.
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã.”
Không gian bức tranh thu được tác giả mở rộng về cả chiều rộng, chiều cao và chiều dài, từ nơi làng quê nhỏ hẹp vươn lên vùng sông nước rộng lớn, từ hương thơm quẩn quanh trong khu vườn lan ra những ngoại cảnh bên ngoài.
Sự vận động của thiên nhiên, đất trời được nhà thơ Hữu Thỉnh để ý thấy cũng đã phần nào ảnh hưởng tới cảm xúc của tác giả. Cái bỡ ngỡ phút ban đầu nhường chỗ cho rung cảm mãnh liệt trước thiên nhiên chớm thu.
Dòng sông sau bao lần hứng chịu những cơn mưa rào xối xả của mùa hạ, cuối cùng cũng “được lúc dềnh dàng”. Cái “dềnh dàng” của con sông ấy đầy lững thững, nhẹ nhàng như tâm thế của “người khách bộ hành phiêu lãng”.
Trái ngược với dáng vẻ chậm chạp của dòng sông thu, nhà thơ đã sử dụng phép tương phản để khắc họa hình ảnh những chú chim “bắt đầu vội vã”, chuẩn bị bay về phương nam tránh mùa đông giá lạnh.
Không gian chớm thu hữu tình được điểm xuyết bằng những hình ảnh đặc trưng đậm nét cổ điển và hiện lên thật sinh động. Đặc biệt, với chi tiết đám mây “vắt nửa mình”, mùa thu xuất hiện trong thơ Hữu Thỉnh càng thi vị.
“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.”
Hình ảnh đám mây đã hiện lên thật đặc biệt dưới góc nhìn mới mẻ của nhà thơ Hữu Thỉnh. Nó bồng bềnh trôi trên nền trời xanh thẳm như chiếc khăn voan mà người thiếu nữ bỏ quên, vắt ngang giữa hai mùa.
Trong khoảnh khắc giao mùa vốn trừu tượng, đám mây đã trở thành ranh giới mong manh. Mùa hạ chưa qua hết mà mùa thu đã sang, một sự giao thoa đặc biệt của tiết trời tạo nên tầng lớp không gian dịu nhẹ.
Biện pháp nhân hóa “vắt nửa mình sang thu” đã thổi vào đám mây luồng sinh khí mới, khiến độc giả cảm nhận được sự biếng nhác mà thư thái của vạn vật khi tiết trời đang thay lớp áo thu vàng.
Không xuất hiện những mảng màu rực rỡ hay đường nét sắc sảo, đám mây cứ thế lững lờ trôi giữa chênh vênh hai mùa. Sang thu không miêu tả dấu ấn đậm nét của mùa thu mà đi sâu khắc họa khoảnh khắc giao mùa.
Hơn thế, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, hình ảnh đám mây chỉ “vắt nửa mình” bởi nó còn lưu luyến hạ, nhớ nhung tuổi trẻ đầy sắc màu và khát vọng nhưng nó phải sang thu, chấp nhận những dang dở mà bản thân chưa thể thực hiện.
“Mây mùa hạ thường chứa nhiều màu sắc, thậm chí đầy giông bão tựa hồ những ước mơ, khát khao, tuổi trẻ… Tuy nhiên, ước mơ và thực tế là hai thế giới luôn đối lập nhau… Đó giống như một chân lý và con người phải biết ý thức được một điều rằng không thể đạt được hết những ước vọng tốt đẹp của mình… Sự dang dở, sự mất mát là một hiện thực chúng ta buộc phải chấp nhận trong cuộc sống. Vì thế nên đám mây chỉ “vắt nửa mình sang thu” thôi. Nửa còn lại là ký ức.” – Những lời chia sẻ của nhà thơ Hữu Thỉnh
Những biến chuyển của tiết trời trong Sang thu được nhà thơ Hữu Thỉnh thể hiện rõ nét hơn qua sự thay đổi trực tiếp của không gian và thiên nhiên tạo vật.
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ.”
Vẫn còn nắng, mưa và sấm của mùa hạ còn vương lại trong không gian nhưng nét đặc trưng ấy “đã vơi dần”, nhạt nhòa theo từng làn gió heo may mang hương thu về.
Thu đến, thiên nhiên và lòng người như lắng lại theo từng bước chân chậm chạp của phút giây giao mùa. Nắng hạ nhạt dần, không còn gay gắt và cơn mưa rào cũng ít xối xả mà “vơi dần” trong buổi chớm thu.
“Thơ viết về mùa thu sử dụng nhiều ước lệ. Dáng vẻ, thần thái mùa thu thường có nét tiêu sơ. Nét đẹp tiêu sơ ấy ta không thể bắt gặp ở “Sang thu”. Cảnh trong “Sang thu” đẹp. Một vẻ đẹp của sự duyên dáng, dịu dàng và trong sáng, không sơ xác, tiêu điều hay hiu quạnh.”
Trong Đây mùa thu tới của nhà thơ Xuân Diệu, nếu đặc điểm báo hiệu mùa thu đến mang vẻ đẹp của sự rũ tàn khi “mùa thu cũng là mùa phai” với hình ảnh “sắc đỏ rũa màu xanh” thì Sang thu lại hoàn toàn trái ngược.
Thiên nhiên của nhà thơ Hữu Thỉnh hiện lên dịu dàng mà đằm thắm, đượm lòng người cũng như cảnh vật. Vẻ đẹp ấy khiến độc giả “bâng khuâng về những gì đã qua và ngỡ ngàng, xao xuyến trước những gì đang tới”.
Những triết lý sâu sắc được nhà thơ Hữu Thỉnh gửi gắm trong Sang thu
Bài thơ Sang thu không chỉ đơn thuần là bức tranh miêu tả cảnh vật thiên nhiên trong thời khắc giao thoa giữa mùa hạ và mùa thu mà qua đó, người nghệ sĩ còn muốn gửi gắm tới độc những suy tư, chiêm nghiệm của riêng mình.
“Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.”
Hình ảnh “sấm” và “hàng cây đứng tuổi” xuất hiện trong hai câu thơ là ẩn dụ về tác động qua lại giữa hai yếu tố ngoại cảnh – con người, những suy tư mà nhà thơ Hữu Thỉnh muốn gửi gắm.
“Chủ thể bài thơ và cái kiêu hùng của mùa thu toát lên là ở hai câu thơ này.”
“Hàng cây đứng tuổi” là hàng cây cổ thụ lớn tuổi, tượng trưng cho những con người đã đi qua tuổi trẻ, quãng thời gian đầy sắc màu rực rỡ, tràn đầy bao giấc mơ và khát vọng mà bước vào độ tuổi “xế chiều”.
Với những người dày dặn kinh nghiệm sống tựa “hàng cây đứng tuổi”, thái độ khi đối mặt “sấm”, biến động và “giông gió” của cuộc đời đã trở nên điềm nhiên và nhẹ nhàng.
Con người tuổi trung niên hiện lên qua hình ảnh ấy mang một vẻ đẹp sâu lắng, dịu dàng nhưng vẫn thật mạnh mẽ. “Sấm chớp” trong cuộc đời đã không khiến họ bị động mà tôi luyện nên thái độ chấp nhận, dám đương đầu.
Những suy tư đó của nhà thơ Hữu Thỉnh góp phần khiến Sang thu trở nên giàu ý nghĩa, chạm đến sợi dây rung động trong lòng mỗi người độc giả. Như Tố Hữu từng nói “Thơ đi từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả”.
Nét riêng độc đáo trong tác phẩm Sang thu
Cũng giống những bài thơ khác viết về mùa thu, Sang thu mang trong mình “sự hoài cảm, luyến tiếc, bâng khuâng về những gì đã qua và ngỡ ngàng, xao xuyến trước những gì đang tới”.
Chỉ khác là ở Sang thu, tuy vẻ ngoài là một bài thơ hiện đại nhưng mang đậm hơi thở cổ điển thường xuất hiện trong những tác phẩm thơ trung đại. Nó thấm đượm vẻ đẹp của những chuyển động tế vi, nhẹ nhàng và duyên dáng.
““Sang thu” mang một cốt cách riêng: vừa cổ điển, vừa hiện đại… Chỉ cần một thứ hương cây mùa vụ, một cơn gió se se khẽ chạm vào thân cây đàn mẫn cảm của hồn thơ là tự nó rung lên thành nhạc thành lời… “Sang thu” ở một chừng mực nào đó đã đạt đến cái chân, cái ảo, những phẩm chất của thơ xưa vốn có.”
Tuy viết về những biến chuyển của đất trời khi chớm thu bằng văn phong hiện đại nhưng Sang thu lại mang đến cho độc giả bao dư vị lắng đọng, nỗi niềm bâng khuâng trước khoảnh khắc chuyển biến của đất trời cũng như lòng người.
Hình ảnh xuất hiện trong tác phẩm như sương thu, gió, sông, chim và mây có tính ước lệ, một đặc trưng của thể loại thơ trung đại nhưng đã được thi nhân sử dụng sáng tạo qua cách sử dụng ngôn từ kết hợp cùng các biện pháp nghệ thuật.
Việc làm mới thi liệu thơ, khiến cho những hình ảnh đó trở nên gợi cảm hơn, có hồn hơn đã làm cho tác phẩm vừa đượm hồn dân tộc vừa có vẻ rất riêng, rất mới lạ.
Mạch vận động của không gian và thời gian trong bài thơ cũng là một điểm độc đáo được nhiều độc giả để ý. Lúc đầu là tín hiệu báo chớm thu, tiếp đến tác giả miêu tả cảnh đất trời chuyển mình và cuối cùng đi sâu vào những biến đổi âm thầm của tạo vật.
Không gian vận động được khắc họa từ nhỏ hẹp lên cao rộng, từ không gian nơi làng quê yên bình vươn tới mây trời, sông nước mênh mông. Sự vận động trong tâm tưởng, từ ngoại cảnh vào chiều sâu tâm hồn cũng được nhà thơ khắc họa rõ nét.
Bạch Dương
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất