Tình yêu nước không phải điều gì đó xa xôi mà bắt nguồn từ những tình cảm bình dị, gần gũi, thân thuộc nhất của mỗi con người trên hành trình sống. Có thể từ lũy tre làng xanh rì, cánh đồng lúa mênh mang nhưng đầu tiên, nó phải là sự trân trọng và ý thức gìn giữ vốn ngôn ngữ dân tộc.
Xuất bản lần đầu vào năm 1872, truyện ngắn Buổi học cuối cùng của nhà văn Pháp Alphonse Daudet đã lay động hàng triệu trái tim người đọc bởi giá trị sâu sắc mà nó truyền tải về tiếng nói dân tộc nói riêng cũng như lòng yêu nước nói chung.
Alphonse Daudet và tác phẩm làm rạng danh tên tuổi của bản thân
Alphonse Daudet là một văn sĩ nổi tiếng sinh năm 1840 tại Sime, miền Nam nước Pháp. Nhà văn có một tuổi thơ không mấy trọn vẹn khi xí nghiệp tơ vải của cha ông buộc phải đóng cửa và cả gia đình rời quê đến thành phố Lyon sinh sống.
Tại đây, nhà văn tiếp tục bậc trung học nhờ học bổng nhưng cuối cùng phải bỏ học khi cuộc hôn nhân của bố mẹ tan vỡ. Vì cuộc sống mưu sinh, Daudet cùng anh trai là Ernest đến Paris làm ký giá cho tờ Figaro.
Ông bén duyên với nghề viết ở tuổi mười bốn và năm mười tám tuổi, Daudet cho ra đời tác phẩm đầu tiên là Những người đàn bà đang yêu. Sau khi ra mắt công chúng, đứa con tinh thần của văn sĩ nhận được nhiều sự ủng hộ.
Cuộc đời sóng gió thuở nhỏ đã trở thành nguồn chất liệu phong phú cho tiểu thuyết nổi tiếng của ông là Thằng nhóc con. Nó được xem như thiên hồi ký thời niên thiếu đau khổ của nhà văn, thậm chí được so sánh với nhân vật chính trong tác phẩm David Copperfield lừng danh.
Alphonse Daudet tiếp tục thể hiện sức sáng tạo mạnh mẽ và dồi dào trong những năm tiếp theo. Năm 1874, văn sĩ đạt đến đỉnh cao danh vọng khi chinh phục giải thưởng văn chương Pháp với tác phẩm Fromont cháu trẻ và cụ Riler.
Văn phong Daudet được đánh giá là nhẹ nhàng, giản dị nhưng vẫn để lại trong tim độc giả dư vị sâu lắng, nhiều triết lý và bài học nhân sinh. Nhà văn miêu tả sự việc đúng như bản chất vốn có, không chèn giọng văn mỉa mai, tàn bạo như các nhà văn cùng thời khác.
Nếu Những vì sao kể chuyện trẻ con Pháp đi học ngày thơ ấu, Những lá thư từ cối xay tập hợp hình ảnh hiền hòa, êm ái của đồng quê thì Buổi học cuối cùng lại là một bài học về tình yêu đối với tiếng nói dân tộc.
Buổi học cuối cùng còn được biết đến với tên Chuyện của một em bé người An-dát, đây là truyện ngắn nằm trong tuyển tập Truyện kể ngày thứ hai của văn sĩ Alphonse Daudet.
Tác phẩm được sáng tác dựa trên một biến cố có thật trong lịch sử. Bời vì thua trận, nước Pháp buộc phải nhượng hai vùng An-dát và Lo-ren cho nước Phổ.
Chính vì thế mà các trường học thuộc hai vùng này bị ép buộc học tiếng Đức. Tác phẩm là câu chuyện kể về buổi học bằng tiếng Pháp cuối cùng tại một ngôi trường vùng An-dát.
Ý nghĩa đặc biệt đằng sau nhan đề Buổi học cuối cùng
Bằng tài năng thiên bẩm cùng sự tinh tế của người nghệ sĩ, Alphonse Daudet đã sáng tạo nên một nhan đề mang nhiều tầng lớp ý nghĩa.
Ngay từ khi đọc nhan đề tác phẩm, người đọc như đã đoán được nội dung câu chuyện. Ấy là buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp của các cô cậu học trò vùng An-dát.
Không chỉ vậy, cách đặt tên nhan đề mang tính trực diện như vậy còn ngầm thông báo một điều đầy xót xa rằng kể từ giờ phút này, những người dân xứ An-dát sẽ không còn được học tiếng Pháp thiêng liêng nữa.
Dụng ý nghệ thuật của văn sĩ không dừng lại ở hai tầng ý nghĩa trên. Nó là lời cảnh tỉnh và khuyên răn cho những kẻ không biết trân trọng, nâng niu vốn ngôn ngữ dân tộc.
Alphonse Daudet không chọn cái tên cầu kỳ hay hoa mĩ cho tác phẩm mà trái lại, còn có phần đơn giản và khiêm tốn. Thế nhưng, cũng chính vì sự bình thường ấy mà nó để lại trong tim người đọc nhiều dư vị khó quên.
Tâm hồn nhà văn dàn trải trên cái nhan đề ngắn gọn ấy với sự xót xa, nghẹn ngào. Là một người con và cũng là người nghệ sĩ nước Pháp, Alphonse Daudet như hòa vào nỗi đau chung của con người vùng An-dát trước tình cảnh dân tộc.
Tình huống truyện đặc biệt trong Buổi học cuối cùng
Không sở hữu tình huống truyện gay cấn với những chi tiết giật gân, Buổi học cuối cùng in dấu trong trái tim độc giả bởi một tình huống hết sức cảm động và có phần đau đớn.
Từ nhan đề truyện, độc giả dễ dàng đoán được cốt truyện sẽ xoay quanh buổi học cuối cùng tại ngôi trường nào nào đó tại nước Pháp. Thế nhưng, lý do khiến buổi học này là cuối cùng vẫn có thể xem như một ẩn số cần giải mã.
Lần theo ngòi bút tài hoa của Alphonse Daudet, ẩn số kia dần được hé mở. Chính sự thua trận của quân Pháp nơi chiến trường khiến cư dân vùng An-dát và Lo-ren buộc phải học tiếng Đức, từ bỏ ngôn ngữ mẹ đẻ thân thương.
Tình huống truyện độc đáo như thế đã phần nào phản ánh sự khốc liệt của chiến tranh. Nó không chỉ là cõi tử thần buộc con người rời xa gia đình và quê hương, nó còn bắt họ từ bỏ dòng máu đang chảy trong lồng ngực và cả tiếng nói dân tộc mình.
Cũng thông qua tình huống truyện, tính cách các nhân vật đã hiện lên một cách rõ ràng và chân thực hơn, ngay cả những nhân vật không được đặt tên.
Ấy là thầy giáo Ha-men một đời son sắc với tiếng Pháp và nghề giáo, cậu bé Phrăng tuy ham chơi nhưng vẫn ý thức sự quan trọng của ngôn ngữ dân tộc, cụ Hô-de tỏ vẻ kính trọng trong không khí trang nghiêm của buổi học cuối cùng.
Còn nhiều nhân vật không tên khác nữa, họ đã dành thời gian quý báu để đến dự buổi học tiếng Pháp ấy. Với những con người đó, đây chính là một buổi lễ thiêng liêng và trang trọng nhất cuộc đời.
Tình huống truyện trong Buổi học cuối cùng không chỉ góp phần thể hiện nội dung, tư tưởng tác phẩm mà còn phản ánh nỗi đau mà chiến tranh đã gây ra cho những người dân vô tội.
Người thầy vĩ đại trong tác phẩm
Là nhân vật trung tâm trong câu chuyện, thầy Ha-men qua ngòi bút của Alphonse Daudet đã hiện lên với những vẻ đẹp sáng ngời nơi tâm hồn.
Tuy không trực tiếp miêu tả nhưng có thể thấy, thầy Ha-men là một người giáo vô cùng nghiêm khắc với học sinh. Chính vì thế mà khi đến lớp trẻ, cậu bé Phrăng đã rất lo sợ bị trách phạt.
“Qua cửa sổ mở, tôi thấy các bạn đã ngồi vào chỗ, và thầy Ha-men đi đi lại lại với cây thước sắt khủng khiếp kẹp dưới nách. Phải mở cửa đi vào giữa sự lặng ngắt đó, các bạn tưởng tượng xem tôi đỏ mặt tía tai và sợ đến chừng nào!”
Ngược lại với nỗi sợ của Phrăng, thầy Ha-men không tức giận mà rất kiên nhẫn với bài giảng, không một lời trách mắng học sinh. Chỉ riêng sự đối lập thái độ đã chỉ ra điểm khác thường nơi người giáo viên ấy, như thể báo trước tin tức đau đớn.
Không chỉ là sự thay đổi trong thái độ mà ngay cả trang phục của thầy cũng làm cậu bé Phrăng phải chú ý. Thầy mặc chiếc áo rơ-đanh-gốt xanh lục diềm lá sen gấp nếp mịn và đội mũ tròn bằng lụa đen thêu, vốn chỉ xuất hiện ở dịp đặc biệt quan trọng.
Thầy Ha-men là người thầy nghiêm khắc với học sinh, nghiêm túc với nghề giáo. Thầy trân trọng công việc cao quý của mình, luôn muốn đem đến những giờ học chất lượng nhất đến học trò nơi quê hương.
Thế nhưng trong không khí ngày hôm ấy, người giáo viên vĩ đại phải chua xót thông báo rằng đây là buổi học tiếng Pháp cuối cùng, cũng là ngày cuối thầy được đứng trên bục giảng.
Yêu ngôn ngữ dân tộc, thầy đã phê bình mọi người lẫn chính mình về sự xao nhãng trong việc học và dạy tiếng Pháp. Dù vậy, thầy Ha-men sau đó lại nói về tiếng Pháp với tất cả sự tôn kính, say mê của một người con dân tộc.
“Cha mẹ các con không thiết tha lắm với việc thấy các con có học thức. Cha mẹ thích cho các con làm việc đồng áng hoặc vào làm nhà máy sợi để kiếm thêm dăm xu. Cả thầy cũng không có gì để trách mình ư? Thầy đã chẳng sai các con tưới vườn thay vì học hành đó sao? Và khi thầy muốn đi câu cá hương, thầy có ngại ngùng cho các con nghỉ học đâu?…”
Thầy xem tiếng Pháp là vũ khí, là chìa khóa nơi chốn lao tù tăm tối và căn dặn học trò không bao giờ được lãng quên. Bởi lẽ, một khi dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ còn giữ vững tiếng nói thì chừng ấy, bản sắc dân tộc vẫn còn được bảo tồn.
Trong không khí trang trọng của buổi học cuối cùng, người thầy già lặng nhìn đồ vật xung quanh, những thứ đã gắn bó với mình chục năm trong sự nuối tiếc bất tận. Rồi mai này, thầy sẽ phải xa trường, xa cây hu-blông tự trồng và học trò mãi mãi.
Dù nghẹn ngào và xúc động nhưng thầy Ha-men vẫn làm tròn trách nhiệm của một người giáo, thầy đã dạy buổi học cuối cùng thật hay và truyền cảm. Thầy không nói được hết câu nhưng dồn sức để viết lên dòng chữ “Nước Pháp muôn năm” thật to.
Thầy Ha-men đại diện cho những người Pháp yêu nước, có ý thức gìn giữ và bảo tồn tiếng nói dân tộc. Thầy là người vĩ đại, cả về cốt cách lẫn bài học truyền tải cho học trò về lòng yêu quê hương.
Nhân vật Phrăng và buổi học cuối cùng về tiếng nói dân tộc
Alphonse Daudet viết tác phẩm Buổi học cuối cùng dưới điểm nhìn, ngôn ngữ trần thuật của nhân vật Phrăng. Qua những dòng suy nghĩ và cảm xúc trẻ thơ, buổi học ấy hiện lên thiêng liêng hơn bao giờ hết.
Phrăng được miêu tả là là một cậu bé ham chơi, so với việc phải đến lớp lớp trễ và chịu phạt, cậu muốn được rong chơi ngoài đồng nội xanh rì.
“Buổi sáng hôm ấy, đã quá trễ giờ đến lớp, tôi rất sợ bị quở mắng, càng sợ vì thầy Ha-men đã dặn trước rằng thầy sẽ hỏi bài chúng tôi về các phân từ mà tôi chẳng thuộc lấy một chữ. Tôi thoáng nghĩ hay là trốn học và rong chơi ngoài đồng nội.”
Phrăng cũng giống như bao học trò khác, không muốn đến trường với những bài học khó nhằn hay phải nghe lời thầy trách mắng. Sự vô tư của cậu được tác giả miêu tả chỉ bằng vài chi tiết nhỏ đặc trưng.
Tưởng rằng sẽ bị thầy Ha-men mắng vì tội đi học trễ, Phrăng không khỏi ngạc nhiên trước không khí khác lạ của buổi học. Thế nhưng, tâm hồn bé thơ ấy vẫn chưa nhận ra điều bất thường đau đớn.
Cho đến khi nghe thầy Ha-men thông báo đây là buổi học cuối bằng tiếng Pháp, cậu mới bàng hoàng và sửng sốt. Phrăng nhận ra tình cảnh đồng bào phải gánh chịu, do đó trở nên đau lòng khôn xiết trước nỗi mất quê hương.
“Mấy lời đó làm tôi choáng váng. A! Quân khốn nạn, thì ra đó là điều chúng vừa niêm yết ở trụ sở xã.”
Tuy cảm thấy buồn chán trước những bài học của thầy Ha-men nhưng chưa bao giờ Phrăng không muốn học về vốn ngôn ngữ dân tộc và đất nước Pháp thân yêu. Cậu hối hận, tự giận mình vì đã bỏ phí thời gian, lơ đãng trước lời giảng của thầy.
Cũng trong buổi học cuối cùng ấy, chưa bao giờ Phrăng trở nên chăm chú và thấy thầy Ha-men giảng hay đến thế. Có lẽ, người ta chỉ nhận thấy điều gì đó trở nên quan trọng với mình khi sắp sửa đánh mất.
“Rồi thầy cầm một quyển ngữ pháp và đọc bài học cho chúng tôi. Tôi kinh ngạc thấy sao mình hiểu đến thế. Tất cả những điều thầy nói, tôi thấy thật dễ dàng, dễ dàng. Tôi cũng cho là chưa bao giờ mình chăm chú nghe đến thế, và cả thầy giáo nữa, chưa bao giờ thầy kiên nhẫn giảng giải đến thế.”
Không những mang cảm giác dằn vặt, tự trách bản thân vì tội lơ đãng các bài học trước và mới chỉ biết viết tập toạng, Phrăng còn thương xót người thầy già đã gắn bó bốn mươi năm với bục giảng, để rồi nay lại phải chia xa.
Nhân vật Phrăng vừa đáng thương lại vừa đáng trách. Đáng trách vì trước đây cậu không học tiếng Pháp một cách chăm chỉ, nghiêm túc nhưng cũng đáng thương vì cậu bé sẽ không còn được nghe thầy Ha-men giảng về sự cao đẹp của ngôn ngữ dân tộc.
Phrăng hiện lên với tất cả những nét trong sáng và đơn thuần nhất của trẻ con. Tuy ham chơi nhưng cậu vẫn là một người con nước Pháp chính hiệu, biết thương yêu và để ý đến cảm xúc mọi người.
Bài học về ngôn ngữ dân tộc trong Buổi học cuối cùng
Tình yêu quê hương bắt đầu từ những tình cảm giản đơn nhất của con người. Đó là tình thân, tình làng xóm, sự cảm thông với đồng bào nhưng trên tất cả, nó phải bắt nguồn từ tình yêu tiếng nói dân tộc.
Thông qua nhân vật thầy Ha-men và tác phẩm Chiếc lá cuối cùng, Alphonse Daudet đã mang đến cho độc giả bài học mới về tinh thần yêu nước cũng như thái độ nên có với tiếng nói dân tộc.
Tiếng nói đại diện cho bản sắc dân tộc, thể hiện sự văn minh và tiến bộ của một đất nước. Đó chính là lý do mà thầy Ha-men căn dặn mọi người không được lãng quên, phải biết gìn giữ ngôn ngữ dân tộc.
Không một quốc gia nào có thể tồn tại vững mạnh mà không sở hữu tiếng nói riêng. Tiếng nói chính là văn hóa và linh hồn dân tộc, là kết tinh của tinh hoa trí tuệ thế hệ đi trước.
Trong tác phẩm Buổi học cuối cùng, thầy Ha-men đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ. Cho dù quân Phổ có chiếm đóng An-dát, chỉ cần người dân nơi đây vẫn giữ và bảo tồn tiếng Pháp, họ sẽ sớm tìm lại được nền độc lập vốn có.
“Thế rồi, từ điều này sang điều khác, thầy Ha-men nói với chúng tôi về tiếng Pháp, bảo rằng đó là ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất: phải giữ lấy nó trong chúng ta và đừng bao giờ quên lãng nó, bởi vì khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khoá chốn lao tù…”
Ngôn ngữ dân tộc được ví như chiếc chìa khóa chốn lao tù khi giúp phá bỏ xiềng xích và ách thống trị. Nó là cội nguồn sức mạnh, thắp sáng hi vọng cho những kẻ phải chịu tình cảnh nô lệ tối tăm.
“Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc.” – Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về tầm quan trọng của tiếng nói dân tộc
Với truyện ngắn Buổi học cuối cùng, Alphonse Daudet khẳng định rằng tiếng nói gắn liền với tự do và vận mệnh của đất nước. Đồng thời, ông đánh thức và gieo vào trái trái tim người đọc ý thức gìn giữ ngôn ngữ dân tộc, cũng là hạt giống của lòng yêu nước.
Nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn Buổi học cuối cùng
Sức hấp dẫn của tác phẩm Buổi học cuối cùng không chỉ nằm ở bài học sâu sắc về tinh thần yêu nước mà còn bởi những giá trị nghệ thuật đặc sắc.
Alphonse Daudet đã vận dụng ngôi kể thứ nhất và đặt điểm nhìn trần thuật vào nhân vật Phrăng. Điều này vừa làm cho mạch truyện diễn ra tự nhiên, vừa góp phần diễn tả chân thực suy nghĩ, cảm xúc nhân vật.
Tình huống và nhan đề truyện độc đáo cũng là một nhân tố không thể thiếu làm nên sự thành công của tác phẩm, không chỉ thu hút người đọc mà còn thể hiện tư tưởng chủ đề.
Sở trường của Alphonse Daudet là viết truyện ngắn, vì thế ông luôn cố gắng xây dựng bức chân dung đầy đủ, sống động cho nhân vật của mình qua ngoại hình, trang phục, cử chỉ, lời nói, hành động và tâm trạng.
Buổi học cuối cùng là một trong những tác phẩm nổi tiếng và tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác văn học của Alphonse Daudet. Tài năng lẫn tâm hồn nhà văn đã cùng thăng hoa để tạo nên bài học nhân văn sâu sắc về tiếng nói dân tộc.
Hạ Nhiên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất