Gió không thổi từ biển là một trong những cuốn tiểu thuyết nổi bật của Chu Lai, được chắp bút vào năm 1984. Tác phẩm đã vẽ nên bức tranh đời sống ở nước ta giai đoạn chống đế quốc Mỹ xâm lược nhằm ngợi ca tình cảm đẹp đẽ giữa người với người đồng thời qua đó, nhà văn có thể gửi gắm nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.
Chu Lai và những trang văn viết nên từ bom đạn
Văn học Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Mỹ có những gương mặt nổi bật như Nguyễn Quang Sáng, Lê Minh Khuê hay Nguyễn Khoa Điềm, trong số đó không thể bỏ qua Chu Lai, một cây bút tài năng chuyên viết về đề tài chiến tranh cách mạng.
Chu Lai sinh năm 1946 tại xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình gia giáo có truyền thống nghệ thuật. Cha là nhà viết kịch Học Phi còn mẹ là tiểu thư của quan án sát Hưng Yên.
Nhà văn đã lớn lên trong những buổi trò chuyện giữa cha với các người bạn của ông khi nhắc đến văn học sân khấu. Đó có thể là cuộc thảo luận về Đào Mộng Long, Thế Lữ, William Shakespeare hay Victor Hugo trong gian phòng chật hẹp ở khu tập thể nhà hát kịch Trung ương.
Vì sớm được giác ngộ cách mạng nên sau này, ông đã tự nguyện tham gia hoạt động trong quân đội, công tác ở đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị rồi trở thành chiến sĩ đặc công hoạt động tại vùng Sài Gòn.
Đến năm 1973 nhà văn về làm trợ lý tuyên huấn Quân khu bảy. Ông tham dự trại sáng tác văn học rồi học tại Trường Viết văn Nguyễn Du khóa một. Sau khi tốt nghiệp, Chu Lai biên tập và sáng tác cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Khoảng thời gian trở lại đây, Chu Lai là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với rất nhiều tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như Nắng đồng bằng, Ăn mày dĩ vãng, Phố, Mưa đỏ hay Gió không thổi từ biển. Ngoài ra ông còn viết một số kịch bản sân khấu, phim và tham gia đóng phim.
“Đã qua tuổi bảy mươi nhưng nét gồ ghề, xù xì, mái tóc xoăn bồng bềnh và cách nói chuyện duyên dáng của nhà văn Chu Lai, nhà viết tiểu thuyết về chiến tranh vẫn hấp dẫn người đối diện.”
– Tạp chí E Magazine
Tên tuổi của Chu Lai luôn gắn liền với những tác phẩm viết về chiến tranh bởi ông sinh ra ở thời loạn lạc, cả tuổi trẻ trải qua trong mưa bom bão đạn. Nhà văn từng chia sẻ rằng, nếu không sống một cuộc đời trận mạc thì bản thân khó có thể viết về chiến tranh chân thực đến như vậy.
Đối với tác giả, chiến tranh không chỉ nhân danh một chiến sĩ, là tận cùng của sự trần trụi mà nó còn hiện thân cho tình yêu thương. Bởi nếu chiến tranh hiện lên đúng định nghĩa thuần túy hay mang trên mình toàn bộ sự lãng mạn thì đó không còn là ngày hội để reo ca.
Chiến tranh là đề tài càng đào sâu thì càng màu mỡ, càng khai thác thì càng phì nhiêu, càng lùi ra xa thì trầm tích lại càng dội về. Ngoài ra ông còn cho rằng, chiến tranh sẽ không là gì nếu không có những xúc cảm tình yêu ngân vang, ẩn sâu ở phía bên trong và Gió không thổi từ biển là một minh chứng tiêu biểu cho điều trên.
Chu Lai khắc họa lại đất nước với những cuộc chiến hào hùng nhưng cũng đầy đau thương, từ đó thể hiện nỗi đau xót khôn nguôi về cái chết, sự thống khổ mà nhân dân đã phải trải qua. Bên cạnh đó ông còn đề cao tình cảm cách mạng, tinh thần người lính và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Không chỉ viết về những năm tháng cháy rừng lửa đạn mà nhà văn còn không khỏi day dứt trước xã hội Việt Nam thời hậu chiến. Chiến tranh đi qua đã để lại nhiều hệ lụy còn đọng mãi với thời gian và sức ảnh hưởng sâu sắc của nó đến con người sau khi đất nước thống nhất.
Nhờ những cảm xúc chân thực và giá trị nhân văn cao đẹp qua mỗi tác phẩm của mình, Chu Lai nhận được nhiều giải thưởng giá trị như giải thưởng Hội đồng Văn học chiến tranh Cách mạng và lực lượng vũ trang cho tác phẩm Ăn mày dĩ vãng.
Có thể kể đến giải thưởng tiểu thuyết Nhà xuất bản Hà Nội mà nhà văn được đề cử với Phố và gần đây nhất là giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam nhờ tiểu thuyết Mưa đỏ.
Ngoài những thành tựu đạt được cho từng tác phẩm riêng của mình, ông còn nhận được giải thưởng Văn học Bộ quốc phòng và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Gió không thổi từ biển là cuốn tiểu thuyết xuất sắc viết về mỗi tính cách, số phận khác nhau của các chiến sĩ ở khu biệt động Sài Gòn. Nổi bật lên giữa bức tranh hiện thực chiến tranh đầy khốc liệt, tàn nhẫn ấy là hình ảnh những người lính kiên cường và đầy bất khuất.
Tiểu thuyết là câu chuyện mang nhiều dư vị mặn đắng trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc. Cuốn sách kể về Ba Xuân, một đội trưởng đội biệt động Sài Gòn đầy dũng cảm, anh phải đối mặt với nhiều âm mưu từ tên phản bội Hoàng Xanh để đấu tranh cho nền độc lập, tự do của dân tộc.
Hình ảnh những chiến sĩ đội biệt động kiên cường trong Gió không thổi từ biển
Mở đầu tác phẩm, Chu Lai đưa người đọc trở về với những năm tháng khi Sài Gòn đang trong tầm ngắm của giặc. Lúc này cảnh chợ hiện lên mang nhiều sắc màu khác nhau, âm thanh ồn ào chát chúa phát ra từ hàng rẫy quán tiệm. Những tốp lính người Việt, người ngoại quốc xộc vào, xộc ra rồi nghiêng ngả, nhiều tòa cư xá Mỹ thì cao vòi vọi ở góc phố bên kia đường.
Trái ngược với sự hoang tàn, vắng vẻ của thành phố về đêm cũng như nỗi vất vả, lam lũ của người dân nơi đây thì những tên đô trưởng, giáo sư làm tay sai cho Mỹ lại sống một cuộc đời thoải mái, sung túc và luôn tìm cách thoái thác việc ra chiến trường. Bọn chúng chỉ nghĩ đến địa vị, tìm đủ mọi cách để thăng quan tiến chức.
Trong số đó Hoàng Xanh hiện lên là một kẻ có nhiều mưu mô, xảo trá nhất. Với dáng người tầm thước, bộ âu phục màu xám nhạt cắt rất khéo, vầng trán vuông và cái miệng nhỏ, mỏng, luôn mím lại. Vì thế mà hắn luôn tạo cảm giác kín bưng cùng đôi mắt tối khiến người ta cảm thấy tò mò, sợ hãi.
Chu Lai đã vô cùng sâu sắc khi khắc họa nội tâm nhân vật với sự miêu tả cặn kẽ. Từ cách mà trái tim Hoàng Xanh từng bước bị bủa vây bởi nỗi u uất, phẫn nộ và ích kỷ đến việc hắn gõ cửa trại giam xin trở thành một tay sai cho giặc, phản bội lại đất nước, anh em đồng đội ngày xưa đã gắn bó.
“Lại thêm một sự u uất vào trong cái bã bời đang hình thành trong hán. Hắn sống trầm đi, tách biệt mọi người. Mưa bao giờ cũng gợi mung lung. Mưa trong rừng càng mờ mịt. Còn phải sống cảnh này đến bao giờ nữa? Kẻ thù sao sống dai thế? Giết được thằng này nó lại mọc thêm thằng khác, ác ôn hơn. Bạn bè cũ quay đi quay lại hy sinh phần lớn. Bao giờ đến lượt ta?”
– Gió không thổi từ biển
Bên cạnh sự gian trá, tàn nhẫn của Hoàng Xanh thì Ba Xuân lại hiện lên đại diện cho chính nghĩa, sự trung thực, ngay thẳng, dũng cảm và cống hiến hết mình. Anh bị áp giải từ nhà tù này sang nhà tù khác nhưng bản thân chưa làm điều gì ảnh hưởng đến cách mạng, đồng đội. Vì biết Ba Xuân là chỉ huy đội biệt động nên bọn giặc đã không từ một thủ đoạn nào để làm trái tim người chiến sĩ lung lay.
Đọc truyện của Chu Lai, người đọc cảm nhận được một cách rõ ràng ranh giới mong manh giữa cái thiện và cái ác. Có thể nói đây là một câu chuyện về những lần cố gắng hướng đến cái tận cùng của nỗi khổ và niềm vui, hy vọng và tuyệt vọng, can đảm và yếu hèn, tất cả đều hiện lên một cách đậm nét, hết sức chân thực.
Không những thế Gió không thổi từ biển còn là sự hy sinh thầm lặng, kiên cường chiến đấu của Thanh Nhàn, vợ Ba Xuân. Cô phải vượt qua nỗi đau mất chồng để tiếp tục vững bước, đồng hành với những người đồng đội mà đứng lên tiêu diệt kẻ thù, chống lại âm mưu của Hoàng Xanh, thực hiện nốt ước mơ vẫn còn dang dở của chồng.
Gió không thổi từ biển mà gió thổi từ lòng người
Trong bom đạn chiến tranh khốc liệt cùng những mưu mô quỷ quyệt, tàn nhẫn, Chu Lai vẫn để cho người đọc thấy được vẻ đẹp sáng ngời của lòng người và tình yêu thương. Đây là một trong những dấu ấn quan trọng không thể thiếu khi nhà văn viết về những cuộc đời còn dang dở với cách mạng.
Qua tác phẩm Gió không thổi từ biển, tình cảm sâu sắc giữa Ba Xuân với Thanh Nhàn hiện lên đầy cao thượng, đẹp đẽ đồng thời cũng vô vàn nuối tiếc. Cả hai đã gặp và yêu nhau một phần nhờ có cách mạng nhưng rồi cũng mất nhau vì sự tàn nhẫn, vô tình của chiến tranh.
Dẫu vậy tình yêu của họ vẫn vượt lên trên tất cả mọi thách thức của khoảng cách, sự đe dọa đến từ Hoàng Xanh và bọn giặc Mỹ.
Thanh Nhàn luôn một mực nhớ thương chồng, đau đáu hướng về người mình yêu đang phải chịu cảnh tù đày. Tuy rằng đơn thân nuôi con và không có lấy một chút tin tức nào từ Ba Xuân nhưng cô vẫn tự nguyện, âm thầm chờ đợi.
Ba Xuân vì trách nhiệm của bản thân với tổ quốc, đồng đội đang còn chiến đấu ngoài tiền tuyến đầy gian nguy nên khi đứng trước mặt vợ, anh không dám nói ra thân phận, sợ rằng nếu bị lộ sẽ ảnh hưởng đến gia đình và những người mà mình yêu thương. Vì vậy mỗi khi nhìn thấy vợ con, Ba Xuân đều phải nuốt nước mắt vào lòng.
“Tiếng chân người mẹ bước nhanh hơn. Đứa bé lịm dần trong tiếng ru dịu ngọt.
– À ơi. Cha con đánh giặc phương nào, nắng mưa bao bận mẹ thao thức chờ. À ơi!
Lời ru quấn chặt lấy ngực anh xiết mạnh. Anh vùi đầu xuống chiếu. Tiếng ru vẫn lan tỏa vô tình.
– Ngày ngày ra đứng bờ bưng, nhìn sông sông chảy, nhìn rừng rừng xa.
Anh lật người trở lại. vết đòn tra cũ trên đầu nhức ong ong. Không có gì đâu. Không sao đâu. Trở trời đó thôi. Anh tự nhủ và cố nhắm nghiền mắt lại. Nhưng mí mắt cay xè.”
– Gió không thổi từ biển
Bên cạnh đó, sự hy sinh của những con người thầm lặng cũng được Chu Lai nhắc đến như chú Tư, anh bồi bàn, cô chủ tạp hóa. Họ đều không ngại hiểm nguy mà góp chút công sức nhỏ nhoi giúp những chiến sĩ biệt động Sài Gòn như Ba Xuân hoạt động một cách suôn sẻ, tránh được tai mắt của bọn giặc Mỹ ở khắp mọi nơi.
Với cách xây dựng cốt truyện khéo léo và miêu tả nội tâm nhân vật một cách điêu luyện, Gió không thổi từ biển đã để lại những dư vị khó quên về câu chuyện trong chiến tranh vô cùng chân thực, sống động. Qua đó, Chu Lai gián tiếp gửi gắm những thông điệp sâu sắc về lòng người và tình cảm giữa người và người.
Chính vì từng giá trị nhân văn như thế nên đến thời điểm hiện tại, truyện của Chu Lai vẫn đứng vững trên văn đàn Việt Nam dù chiến tranh đã đi qua trên đất nước. Thông qua Gió không thổi từ biển, chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học cho riêng mình, từ đó xây dựng thái độ sống đúng, cao đẹp như cách mà Ba Xuân, Thanh Nhàn đã chiến đấu quên mình vì sự bình yên của tổ quốc.
Khả Di
Phan Quyên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất