Đi tìm Alaska là cuốn sách đầu tay của tác giả John Green, được xuất bản lần đầu năm 2006 với mong muốn viết lên một cuốn sách có ý nghĩa cho thanh thiếu niên của nhà văn. Tác phẩm sau đó nhận được giải thưởng Printz vào năm 2006 và trở thành một tựa sách quen thuộc của nhiều bạn đọc trên thế giới.
Đôi nét về tác giả John Green và cuốn sách Đi tìm Alaska
John Green tên đầy đủ là John Michael Green sinh vào tháng 8 năm 1977 tại bang Indiana, Mỹ là một tác giả chuyên viết tiểu thuyết và truyện ngắn, thành công trong mảng đề tài viết cho tuổi thanh thiếu niên.
Từ nhỏ đến lớn, vì đặc thù công việc của gia đình, John Green phải thường xuyên di chuyển chỗ ở nhiều lần. Việc được tiếp xúc với nhiều địa danh khác nhau đã tạo cho anh đam mê mãnh liệt trong việc tìm hiểu thế giới xung quanh và chính điều đó đã trở thành cảm hứng cho những cuốn tiểu thuyết của anh sau này.
John Green từng theo học tại trường Indian Springs bên ngoài Birmingham thuộc bang Alabama, đây chính là ngôi trường được lấy làm bối cảnh cho cuốn sách đầu tay của anh có tên là Đi tìm Alaska.
Sau khi tốt nghiệp đại học Kenyon với bằng cử nhân kép về hai chuyên ngành tiếng Anh và Tôn giáo học vào năm 2000, anh tham gia công việc thiện nguyện tại bệnh viện Nhi khoa Quốc gia ở Columbus.
Được tiếp xúc trực tiếp với những trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo cùng kỉ niệm về một người bạn cũ đã thôi thúc John Green viết lên một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của mình đó là Khi lỗi thuộc về những vì sao.
Cuốn sách đứng đầu trong bảng xếp hạng The New York Times tháng 1 năm 2012 và được chuyển thể thành bộ phim cùng tên vào năm 2014. Bộ phim nhận được những phản hồi tích cực từ các nhà phê bình và gây ấn tượng mạnh với công chúng.
Ngoài những tác phẩm kể trên, một tiểu thuyết khác của John Green là Những thành phố giấy cũng được chuyển thể thành phim vào tháng 9 năm 2015.
Bên cạnh việc viết tiểu thuyết, John Green cũng nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất video trên Youtube. Năm 2007, anh và người em trai Hank Green lần đầu cho ra mắt kênh VlogBrothers.
Kể từ đó đến nay, hai anh em nhà Green có hơn 11 kênh Youtube khác nhau, nổi tiếng nhất có thể kể đến là Crash Course một kênh giáo dục đa dạng các thể loại như văn học, lịch sử, khoa học, kinh tế và thiên văn học.
Với những đóng góp to lớn cho xã hội của mình, năm 2014, John Green được tạp chí Times đề tên trong danh sách 100 nhân vật có sức ảnh hưởng nhất Thế giới.
Đi tìm Alaska là tác phẩm đầu tay của nhà văn, được sáng tác vào năm 2005. Tác phẩm kể về sự thay đổi của cậu bạn Miles Halter sau khi chuyển đến ngôi trường mới.
Mặc dù có cốt truyện quen thuộc nhưng Đi tìm Alaska vẫn gây ấn tượng mạnh với người đọc bằng việc xây dựng những hình tượng nhân vật điển hình. Cách mà John Green thấu hiểu và đi sâu vào mô tả nội tâm của mỗi nhân vật đã khiến cho tác phẩm trở nên sâu sắc và đậm chất triết lý.
Sự thay đổi trong cuộc sống của Miles Halter
Thoạt đầu khi đọc tựa đề, người đọc sẽ liên tưởng đến một cuộc phiêu lưu về vùng đất xa xôi nào đó của nước Mỹ. Thế nhưng cái tên Alaska hóa ra lại là của một cô bạn, còn câu chuyện trong tác phẩm là cuộc phiêu lưu trong nội tâm của nhân vật Miles Halter.
Miles trước đây học ở một ngôi trường công, không có quá nhiều bạn bè. Cậu chỉ tụ tập với một nhóm bạn vì không muốn mình trở nên lạc lõng trong giờ ăn trưa ở căng tin.
Miles có sở thích đọc tiểu sử của các nhân vật. Những cuộc phiêu lưu bắt đầu từ trường nội trú của John F. Kennedy, James Joyce hay Humphrey Bogart mà cậu đã đọc được trong sách chính là động lực to lớn thôi thúc cậu bé chuyển Alabama và theo học tại Culver Creek với mong muốn kiếm tìm một cơ hội lớn.
Trải qua một bữa tiệc chia tay chỉ có hai người bạn ghé qua để tạm biệt, Miles chuyển đến ngôi trường mới trong cái nóng như thiêu của Alabama. Tại đây, cậu đã gặp người bạn cùng phòng của mình Chip Martin và cô nàng Alaska xinh đẹp.
Lần đầu tiên nhìn thấy Alaska, Miles đã nhận xét cô là người con gái nóng bỏng nhất lịch sử loài người.
“Nếu con người là mưa, tôi sẽ là mưa phùn còn cô ấy là giông bão.”
Nếu như trước đây cuộc sống của Miles là một chuỗi ngày tẻ nhạt thì mọi thứ thực sự thay đổi khi cậu được chuyển đến ngôi trường nội trú Culver Creek. Tại đây, cậu bạn làm quen với những con người mới như Takumi, nhóm bạn Alaska hay cô bé lớp dưới Lara, những người thổi hồn cho háo hức tâm hồn cậu.
Những trải nghiệm của Miles dần hiện lên trong mắt người đọc đó là những lần quậy phá tung trời với nhóm bạn, trêu chọc thầy quản lý ký túc, những điếu thuốc lần đầu cậu hút hay món Buri chiên có một không hai, là đêm say rượu ngả lưng dưới sân vận động và lắng nghe tiếng gọi thôi thúc của trái tim khao khát yêu và được yêu.
Mặc dù cũng có những rắc rối nhưng tất cả kỉ niệm này đã làm của cuộc đời của cậu thay đổi, khiến nó trở nên thú vị và đầy màu sắc.
Hành trình thoát khỏi mê hồn trận
Ngay từ đầu tác phẩm, Alaska đã đề cập với Miles về mê hồn trận, đó là lời trăn trối cuối cùng Simón Bolívar đề cập đến trong cuốn sách Tướng quân giữa mê hồn trận của Gabriel García Márquez và họ đã có một thỏa thuận.
“Cô ấy lại cười: Ờ, đừng lo Bé Bự. Nếu có gì mình lấy được cho cậu, ấy chính là một cô bạn gái. Mình thỏa thuận đi: Cậu tìm xem mê hồn trận là gì và làm sao để thoát ra, rồi mình giúp cậu tìm bạn gái.”
Trong suốt cuộc đời, Alaska đã mắc kẹt trong mê hồn trận của chính mình. Mặc dù có vẻ bề ngoài lạnh lùng, bốc đồng và hơi khó ưa nhưng sâu thẳm trong cô bé luôn là sự dày vò day dứt khôn nguôi về cái chết của người mẹ năm xưa.
“Cậu mắc kẹt cả đời trong mê hồn trận, nghĩ đến ngày nào đó cậu sẽ thoát khỏi nó, và nó tuyệt vời đến thế nào và vọng tưởng cho cậu động lực sống nhưng cậu không bao giờ thực hiện. Cậu dùng tương lai để trốn tránh thực tại.”
Alaska đã tận mắt chứng kiến mẹ mình đột quỵ nhưng trong lúc quá hoảng sợ, không biết nên làm gì tiếp theo. Chính điều này đã khiến cô luôn dằn vặt vì nghĩ rằng mình là nguyên nhân dẫn đến cái chết của mẹ.
Cuối cùng Alaska đã chọn thoát ra khỏi mê hồn trận của mình theo một cách tàn nhẫn. Sau buổi tối hôn nhau trong xe cùng Miles, cô đã bị xe tông và qua đời, một cái chết nhanh chóng và không báo trước.
Miles có lẽ không đủ hiểu về Alaska khi cô còn sống, cậu chỉ nhận ra những khía cạnh tính cách thực sự của cô khi cùng nhóm bạn tìm hiểu về cái chết của Alaska nhưng lúc đó mọi thứ đã trở nên muộn màng.
“Tôi sẽ không bao giờ biết rõ về Alaska để hiểu được suy nghĩ của cô ấy trong phút cuối đời, không bao giờ biết có phải cô ấy đã cố tình bỏ chúng tôi lại hay không khiến tôi ngừng quan tâm và tôi sẽ luôn yêu Alaska Young, cô hàng xóm với trái tim mục ruỗng trong mình.”
Mỗi chúng ta không ai là hoàn hảo vậy nên sẽ có những lúc mắc sai lầm, khoảnh khắc đó cũng giống như bị lạc vào mê cung của riêng mình. Dằn vặt bản thân không giúp những lỗi lầm trong quá khứ được hóa giải mà chỉ khiến chúng ta trở nên đau khổ.
Giống như cô bạn Alaska khi không thể tiếp tục tha thứ cho mình thì lựa chọn cái chết để giải thoát như một cách kết thúc mọi thứ.
“Con đường duy nhất thoát khỏi mê cung khổ đau là tha thứ.”
Cách tốt nhất để thoát khỏi mê hồn trận không phải là phủ nhận sự tồn tại của nó hay tạo dựng lên một thế giới vô thực để trốn chạy mà chính là đối mặt với bản thân và chấp nhận tha thứ cho những lỗi lầm mà chúng ta mắc phải để có thể bước tiếp.
Đi tìm Alaska là một bức tranh đa sắc màu về lứa tuổi thiếu niên, người đọc có thể thấy được những gam màu tươi mát của tuổi trẻ, lãng mạn của tình yêu hay ấm áp của tình bạn được lồng ghép khéo léo cùng hành trình phá kén trưởng thành của những cái tôi bồng bột.
Nhật Hằng
Nhật Hằng
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất