Là một thành viên của hội nhà văn Việt Nam, Nguyễn Ngọc Tư là đại diện tiêu biểu cho thế hệ nhà văn sau đổi mới. Sầu trên đỉnh Puvan là một tác phẩm thể hiện góc nhìn mới mẽ của nữ nhà văn về giá trị thẩm mỹ trong văn chương.

Thế nhưng, khi lật những trang văn Sầu trên đỉnh Puvan, không chỉ đơn thuần đọng lại trong độc giả những mảnh đời bi thương mà còn giúp mỗi người nhận ra những giá trị nhận thức xuất phát từ gốc rễ của cái đẹp.

Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn của miền quê Nam Bộ

Có lẽ, sự “cởi trói” trong văn học Việt Nam sau năm 1986 đã khiến ngòi bút vốn luôn gần gũi với cuộc đời nhân dân của nữ nhà văn có đất “dụng võ”.

Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn của miền quê Nam Bộ

Khi Văn học không còn đậm tính sử thi, ngợi ca, mà nhiệm vụ đi sâu vào phản ánh hiện thực cuộc sống mới là cái đích cuối cùng của nhà văn, Nguyễn Ngọc Tư là một trong số ít những nhà văn dám dũng cảm nói lên tiếng nói của bản thân về những vấn đề được cho là nhạy cảm trong xã hội.

Cuộc đời của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại Cà Mau. Từ ngày nhỏ, nữ nhà văn đã có một niềm đam mê với công việc viết lách như một cách giải tỏa và thể nghiệm. Và chính những điều gần gũi nhất xung quanh cuộc sống là chất liệu cho các sáng tác của chị.

Cô là một nghệ sĩ âm thầm đến với văn chương từ những tháng năm tuổi đôi mươi. Nhưng tên tuổi của Nguyễn Ngọc Tư mới thực sự vụt sáng trên văn đàn Việt Nam với giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2006.

Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư

Những nhân vật mang cảm thức cô đơn, thường trực trong lòng họ là một nỗi buồn man mác trước khung cảnh sông nước bao la. Không chú trọng đặc tả vẻ bề ngoài của nhân vật, Nguyễn Ngọc Tư đi sâu vào khát vọng hạnh phúc của họ. 

“Tôi nghĩ, nếu vẽ một biểu tượng của nghề viết mà tôi đang đeo đuổi, tôi sẽ vẽ hình ảnh của giọt nước mắt”

Cái chất miền quê sông nước ngấm vào từng áng văn của Nguyễn Ngọc Tư, chúng thấm đẫm cái tình của làng, của đất, của những con người chân chất hồn hậu nhưng ít nhiều gặp những bất hạnh.

Lật từng trang sách của cô Tư, độc giả còn được trở lại miền ký ức của thế giới tuổi thơ. Từ những trải nghiệm trong quá khứ, Nguyễn Ngọc Tư dựng lên những khung cảnh quen thuộc với bao thế hệ người đọc.

Những sáng tác gây nên tiếng vang cho tên tuổi của Nguyễn Ngọc Tư

Cánh đồng bất tận (2005) là một trong những tác phẩm gây nên tiếng vang lớn trong sự nghiệp của nữ nhà văn. Khi vừa được ra mắt, tập sách của cô nhận được vô số phản hồi tích cực từ độc giả, đồng thời, đã chinh phục được các giải thưởng lớn nhỏ: Giải thưởng Literature Preis của Đức, giải thưởng văn học Asean 2008.

Những sáng tác gây nên tiếng vang cho tên tuổi của Nguyễn Ngọc Tư

Không thể không kể đến Ngọn đèn không tắt (2000), tập truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Ngọc Tư. Cuốn sách bao gồm bảy truyện ngắn, mỗi câu chuyện đọng lại trong tâm trí độc giả một nỗi buồn khác nhau.

Xuyên suốt sự nghiệp của mình, nữ nghệ sĩ còn cho ra mắt những tác phẩm để lại một dấu ấn riêng của cô trong lòng người đọc như Khói trời lộng lẫy, Hành lý hư vô hay Đong tấm lòng. Chính cái “tôi” xuyên suốt các tác phẩm của nữ nhà văn đã thu hút sự yêu thích nơi người đọc.

Cái Đẹp hiện hữu nơi đóa hoa trong Sầu trên đỉnh Puvan

Sầu trên đỉnh Puvan là câu chuyện về cuộc hành trình leo lên đỉnh Puvan để chứng kiến đóa hoa sầu nở rộ sau mười ba tháng hạn, theo một giai thoại được Nguyễn Ngọc Tư kể đầu truyện ngắn.

Cuộc thám hiểm ấy thực không dễ dàng đối với ba nhân vật Vĩnh, Dịu và Củi. Với Vĩnh, anh luôn tôn thờ cái đẹp và sẵn sàng trả bất cứ giá nào để được tận mắt chiêm ngưỡng đóa hoa sầu. Riêng Dịu, “người tình” của Vĩnh và Củi – cậu bé chăn dê được thuê lại tìm đến loài hoa ấy vì mục đích mưu sinh.

Hành trình của bộ ba được nữ nhà văn soi chiếu dưới góc nhìn khác nhau nơi mỗi nhân vật. Điều đó khiến người đọc như đang nếm trải số mệnh cả ba, từ đó nhận ra những triết lý sâu sắc về cái đẹp và sự sống.

Vài nét về truyện ngắn Sầu trên đỉnh Puvan

Được rút từ tập Gió lẻ và 9 câu chuyện khác (2008), Sầu trên đỉnh Puvan là truyện ngắn nhận được nhiều phản hồi tích cực từ độc giả. Sự chuyển mình mới lạ trong ngòi bút nơi Nguyễn Ngọc Tư đã gây nên nhiều ấn tượng sâu sắc trong người đọc.

Mở đầu tác phẩm là giai thoại về những bông hoa sầu mọc trên đỉnh Puvan được ghi chép lại bởi một tu sĩ người Pháp, bản thân ông đã qua đời ngay sau ghi lại đôi dòng “rời rạc” về loài hoa ấy. 

Đó là tất cả những gì hiện lên trong tâm trí Vĩnh trước khi lên đường chinh phục vẻ đẹp của hoa sầu. Người đồng hành với anh là Dịu, cô người tình này trước đó đã có một cuộc hôn nhân tan vỡ, để rồi gửi lại con cho má và bỏ lên Sài Gòn. 

Sau khi gặp Dịu, Vĩnh đã gọi cô đi theo chuyến hành trình của mình, người phụ nữ này chỉ biết một điều rằng anh đi tới đâu thì cô sẽ theo tới đó. Dẫn đường cho họ là Củi, đứa trẻ thường chăn dê dưới chân núi. 

Qua lời kể từ Củi, ngôi làng của cậu phải chịu cảnh đói nghèo mỗi khi loài hoa sầu ấy trổ bông. Chuyến hành trình leo lên đỉnh Puvan của Vĩnh cứ thế tiếp tục, anh háo hức trông chờ cơn mưa đầu tiên sau hơn bốn trăm ngày. 

Khi đã đặt chân đến đỉnh núi, Vĩnh đã treo mình trên cành cây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp từ hoa sầu, còn Dịu thì xuống núi và đuổi theo bóng hình thằng Củi.

Điều khiến độc giả ấn tượng với truyện ngắn Sầu trên đỉnh Puvan là lối kể chuyện mới lạ của nữ nhà văn, cùng với đó là cảm thức độc đáo về cái đẹp ẩn sau lớp chữ, chúng được Nguyễn Ngọc Tư âm thầm gửi gắm đến người đọc.

Cái đẹp độc nhất vô nhị hiện diện trong đóa hoa sầu 

Nguyễn Ngọc Tư thật tài tình khi mở đầu tác phẩm bằng một giai thoại về đóa hoa hiện diện trên tựa đề, Sầu trên đỉnh Puvan. Lời kể của nữ nhà văn đã kích thích trí tò mò từ độc giả về loài hoa kỳ lạ này.

“Năm 1887, Colègan, một tu sĩ người Pháp, đã đặt những bước chân đầu tiên thám hiểm đỉnh Puvan. Và lần đầu tiên trong đời, người đầu tiên trong lịch sử vùng đất, ông đã nhìn thấy cây sầu nở hoa.”

Song giai thoại ấy cũng đồng thời khiến Vĩnh không khỏi tò mò về bông hoa sầu. Bản thân giai thoại và lời ghi chép rời rạc cuối cùng mà vị tu sĩ ghi chép đã khiến bông hoa sầu trở thành hình tượng cái đẹp “trở đi trở lại” trong tâm trí Vĩnh.

“Những đóa hoa sầu đẹp đến nỗi đáng đánh đổi cả cuộc đời người để được trông thấy chúng dù chỉ một lần.”

Về sau, chính cuộc hành trình của Vĩnh đã trở thành đáp án cho câu hỏi rằng, điều gì khiến cái đẹp của hoa sầu trở nên “độc nhất vô nhị” đến mức vị tu sĩ người Pháp thấy “đáng đánh đổi cả cuộc đời” để chứng kiến nó dù chỉ một lần.

Cái đẹp độc nhất vô nhị hiện diện trong đóa hoa sầu

Cái đẹp mà cô Tư khắc họa khiến người đọc không khỏi liên tưởng đến cảnh chiếc thuyền ngoài xa trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu. Nhân vật Phùng khi ấy cuối cùng cũng khám phá ra “vẻ đẹp toàn bích” trong suốt cuộc đời cầm máy. 

“Có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh “đắt” trời cho như vậy.” – Chiếc thuyền ngoài xa

Phùng và Vĩnh, họ đều là những kẻ rong ruổi tìm kiếm cái đẹp toàn mỹ, toàn bích. Riêng với Vĩnh, đóa hoa sầu “có một không hai” ấy là lý do khiến anh sống đến ngày hôm nay, mang đến sức sống cho chàng trai này mỗi ban mai thức dậy.

“Nhưng những gì anh có, anh hưởng thụ nửa đời qua đã tầm thường nhạt nhẽo trước những bông sầu đang chuyển sang phớt tím, trong vắt, hắt sáng lên vùng trời tối tăm mưa gió. Bất ngờ anh không nghĩ ra cái gì còn có thể đẹp hơn nữa.”

Chính vẻ đẹp kỳ lạ xuất hiện sau bốn trăm ngày hạn hán đã làm nên cái “độc nhất vô nhị” của hoa sầu. Thế nhưng, mỗi số phận lại có cách nhìn nhận khác nhau về vẻ đẹp ấy, từ Vĩnh, Dịu đến Củi.

Vẻ đẹp chết chóc của đóa hoa sầu với Vĩnh

Nếu có một thứ khiến hành trình khám phá cái đẹp nơi Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa khác biệt với Vĩnh, đó chính là thái độ của anh trước cái đẹp. Vĩnh không đơn thuần yêu mà là phát điên, tôn thờ và chịu sự ám ảnh dai dẳng từ bông hoa sầu suốt hàng chục năm. 

Sinh ra trong tầng lớp thượng lưu, Vĩnh đã đi “gần như khắp các châu lục, khám phá những ngọn núi, dòng sông, những vùng đất được xem là đẹp nhất”, thậm chí “sở hữu những thứ đẹp nhất”.

Có điều, thứ anh tôn thờ suốt mười lăm năm qua lại là đóa hoa sầu mọc sau hàng tháng trời hạn hán dai dẳng trên đỉnh Puvan. Chỉ khi đứng trước nó, chàng trai này mới có thể hiểu cảm giác của kẻ chinh phục cái đẹp.

“Và anh biết làm sao với ngày mai? Còn gì để mà chờ đợi, mà chinh phục nữa? Anh còn níu được gì để ngồi dậy mỗi ban mai? Vĩnh quỳ trước vòm bông sầu, rối bời vì ý nghĩ đó.”

Thế nhưng, anh không phải người khám phá cái đẹp chân chính bởi vì Vĩnh sẵn sàng đánh đổi bất cứ giá nào để tận mắt thưởng thức đóa hoa sầu, dẫu đó là sự sống còn của cả một ngôi làng.

Đối với Củi và dân làng, những người thuộc tầng lớp dưới cùng, hoa sầu kia đã đem đến bao tai họa. Chúng nở trên sự nghèo đói, rút cạn sinh lực từng số phận dưới đỉnh Puvan. Nó không chỉ mang vẻ đẹp độc nhất vô nhị mà cả sự chết chóc cho người đã tôn thờ.

Những mảnh đời éo le trong Sầu trên đỉnh Puvan

Cả ba con người trong truyện ngắn Sầu trên đỉnh Puvan đều được nữ nhà văn khắc họa với những câu chuyện riêng, ẩn sâu bên dưới là nỗi lòng và xúc cảm khác nhau.

Những mảnh đời éo le, nghiệt ngã trong Sầu trên đỉnh Puvan

Nếu tính cách, hành động Vĩnh được Nguyễn Ngọc Tư thể hiện thông qua thời thơ ấu thì với Dịu, những nỗi đau, mất mát là thứ dày xéo tâm hồn cô, và Củi là phần bù đắp cho sự thiếu thốn ấy trong Dịu.

Kẻ khát khao khám phá cái đẹp vô định

Ước vọng chiêm ngưỡng bằng được cảnh bông sầu nở trên đỉnh Puvan đã thôi thúc Vĩnh, một chàng trai đam mê khám phá lên đường, dù loài hoa ấy mang theo mình một lời nguyền đáng sợ.

Niềm đam mê mãnh liệt với cái đẹp là điều thôi thúc anh thực hiện mong muốn đó. Vĩnh yêu cái đẹp đến điên dại, tới nỗi biến nó thành mục đích sống của đời anh. 

Cái đẹp trong tâm thức Vĩnh là cái đẹp phi nhân tính, chỉ xuất hiện sau nỗi khổ đau, dằn vặt của con người giữa mùa nắng hạn. Nó là cái đẹp mà một người vô tình, vô cảm đã sống với ký ức “mờ nhạt”, “trống rỗng” và tuyệt nhiên với đồng loại.

Một người tưởng như có tất cả nhưng lại chẳng có gì, chỉ duy nhất sự lạnh lùng, vô cảm luôn thường trực trong trái tim lạnh giá của anh. Thế nhưng, chính tuổi thơ thiếu thốn với những kí ức kinh hoàng lại là điều khiến tâm hồn ấy trở nên vô cảm.

Cậu bé Vĩnh khi xưa đã mất cả gia đình trong một trận bom. Hình ảnh đáng nhớ nhất trong kí ức của Vĩnh chính là “một thằng bé gào khóc ngơ ngác trước căn nhà sập bẹp, cháy rùng rùng sau trận bom”.

Trước cái chết của người thân, cậu bé Vĩnh bị ám ảnh bởi sự bất lực của bản thân, Vĩnh sợ “Như Vĩnh không biết làm gì trước vụn thịt rơi vãi của những người thân mình trong một buổi bom 42 đạn hôm xưa”. 

Để rồi sau này, Vĩnh lại một lần nữa bất lực trước những “xoáy nước” khi mất đi người mà mình thương yêu là Lam. Vùng ký ức kỳ lạ ấy một lần nữa trở đi trở lại trong tâm trí anh lúc chứng kiến đóa hoa sầu.

“Vĩnh gần như quỵ xuống khi những bông hoa bắt đầu tím thẫm, như màu môi của Lam, mối tình đầu của anh khi người ta vớt xác cô ở ngã ba sông. Vĩnh chứng kiến cô rơi khỏi tàu nhưng Vĩnh chẳng làm gì cả” . 

Quá nhiều đau thương, mất mát đã khiến cho cảm xúc chai sạn đi, Vĩnh không biết bản thân muốn gì nữa bởi “ngoái nhìn quá khứ nghĩa là tương lai, hiện tại không có gì để làm”.

Tuổi thơ “méo mó” đã khiến cái đẹp với chàng trai ấy trở nên vô định. Chuyến độc hành với cái đẹp không khiến anh sống tốt, hòa hợp và nhân ái hơn mà ngược lại, nó hút cạn sự sống mà anh có.

“Vĩnh thì như phát điên, như đang mộng du khi những vòm lá chết của những cây sầu bỗng phát sáng.”

Những đóa hoa sầu đã hủy diệt những xúc cảm trong tâm hồn anh và khiến chúng “Hoang mang. Ngơ ngác. Rã rời. Vụn nát”. Giống như cách nhân vật Tam trong truyện ngắn Tro tàn rực rỡ của Nguyễn Ngọc Tư bị ngọn lửa thiêu rụi nhân tính.

Trước cái đẹp của ngọn lửa bùng lên, Tam “có khi đứng, khi quỳ, giữ một khoảng cách vừa phải với lửa”, anh “say đắm, đê mê ngắm chúng cho đến khi những cái lưỡi đỏ khát thèm liếm láp đến mẫu gỗ cuối cùng”.

Khác với Vĩnh là người tìm kiếm cái đẹp trong vô định, Tam đến với cái đẹp để quên đi những ký ức đau buồn, vẩn đục đời thường bủa vây, anh chìm đắm trong cái đẹp bắt mắt của ngọn lửa để sống cuộc đời khác. 

Thế nhưng cả hai nhân vật đều điên dại vì cái đẹp, riêng Tam đã đốt nhà của mình, biến mọi thứ thành tro tàn giữa đám cháy đau khổ đầy cố chấp mà anh đã năm lần tìm đến.

Tình mẫu tử chưa bao giờ vơi nơi tâm hồn người mẹ của Dịu

Là người có số phận éo le khi phải từ bỏ tình yêu để kết hôn với người chồng ngoại quốc, sau đó sang Đài Loan làm việc nhưng tình hình không hề tốt đẹp với Dịu. Cô bị hãm hiếp, đánh đập rồi trở về nước trong sự bẽ bàng của mọi người.

Dẫu chồng cũ vẫn yêu thương Dịu và thông cảm cho đứa con trong bụng nhưng cô vẫn thường trực một nỗi áy náy. Cảm giác ấy thôi thúc Dịu gửi đứa trẻ lại cho má rồi “bỏ lên Sài Gòn kiếm sống” để gửi tiền về nuôi con.

Dịu luôn canh cánh tình yêu bao la với đứa con, thậm chí vì sinh linh nhỏ bé ấy mà sẵn sàng bán mình. Bởi vậy, xuyên suốt chặng đường đến đỉnh Puvan cùng Vĩnh, hình ảnh của đứa con ấy cứ xuất hiện mãi.

Đồng hành cùng thằng Củi trên chuyến hành trình, Dịu tìm được mối liên kết mơ hồ với đứa trẻ ấy “Không hiểu sao cô nghĩ tới con mình”, “Dịu nhớ con đến rã rời”.

Tình thương con của Dịu được thể hiện qua những hành động của cô đối với một đứa trẻ xa lạ, “Dịu đứng gần đó, tóc chảy ướt rượt, ứa nước mắt vì thằng nhỏ đã héo tới mức dầm trong mưa càng quắt queo hơn”.

Trước bóng lưng biến mất sau màn mưa và dần chìm vào bóng tối của thằng Củi, trong lòng Dịu bỗng xuất hiện nỗi lo lắng. Cô đã giúi ít tiền vào tay nó với hi vọng rằng cuộc sống cậu bé ấy sẽ tốt hơn.

Hệt như đang mang một trọng trách của người mẹ đối với Củi, Dịu thấu lòng nó. Khi nhìn vào thằng bé ấy, cô hiểu được nỗi uất hận với những người bất chấp mọi thứ để tìm đến bông hoa sầu chết chóc này.

Đứa trẻ chăn dê khốn khổ khiến Sầu trên đỉnh Puvan trở nên triết lý

Là đứa trẻ Nam Bộ với tuổi thơ chịu nhiều thiệt thòi, mất mát, Củi là kiểu nhân vật đặc trưng trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.

Người dân trong làng của cậu phải bỏ đi làm thuê kiếm sống, vì ngôi làng gần biên giới thường bị thổ phỉ tràn sang cướp bóc. Củi ở với mẹ, công việc hằng ngày là chăn dê và cậu bé chỉ có những con dê này là bạn. 

“Một linh hồn mười lăm tuổi trong cơ thể đứa bé lên chín, ở trần, gầy nhom, lem luốc, hai xương vai bén ngót, nhô lên cao, môi nẻ ra, bong những cái vảy nhỏ”.

Những con dê của cậu cũng chẳng khá hơn là bao, một con dê mỏng dính trốn vào hốc đá tránh nắng. Bạn bè Củi là con Danh, con Chương, đó là những chú dê mà cậu tự đặt tên cho nó.

Sự nghèo đói vây hãm lấy con người, những đứa trẻ với sức chịu đựng non kém đã oằn mình đi rồi khô héo lại, mọi suy nghĩ và ước mong của con người thật giản đơn, đó là làm sao thoát khỏi cái đói, cái khát.

Thằng bé thậm chí nhận ba chục ngàn chỉ để dẫn hai người khách lên đỉnh Puvan, “Thằng bé lẩm nhẩm, ba chục ngàn hả, ba chục ngàn thì mua được ba chục gói mì tôm”.

Chừng ấy là cả một nguồn sống lớn lao mà nó ao ước “Những gói mì 44 mới tinh từ tay ông Tàu chủ quán cứ lào xào trong tâm trí của thằng bé khiến đôi mắt khô vàng sáng lên”.

Nếu Vĩnh say mê cái đẹp của hoa sầu đến mù quáng thì thằng Củi căm ghét loài hoa ấy đến mức nghĩ rằng “đẹp gì cái thứ đó, đẹp gì ác nhơn ác đức vậy”. Bởi lẽ, mỗi lần hoa sầu trổ bông là một lần dân làng đối diện với cảnh nghèo đói.

Bước chuyển mình của Nguyễn Ngọc Tư với Sầu trên đỉnh Puvan

Sự ra đời của truyện ngắn Sầu trên đỉnh Puvan khiến người đọc không khỏi ngạc nhiên trước những thay đổi trong lối viết của Nguyễn Ngọc Tư.

Khi báo chí phỏng vấn nhà văn về sự khác biệt này, cô chỉ điềm tĩnh trả lời rằng “trái đã chín thì đổi vị chớ sao”. Đó là sự xuất hiện của ngôn từ đan xen giữa chất hiện đại và chất tự nhiên của vùng Nam Bộ.

Khung cảnh thiên nhiên mà Nguyễn Ngọc Tư khắc họa cũng mới mẻ, tươi sáng hơn qua cách cô miêu tả về cảnh trên đỉnh Puvan. Thế nhưng, mọi thứ vẫn còn vương vấn chút mộc mạc, giản dị đặc trưng của vùng quê.

Đã có vô số nhà văn viết về cái đẹp như Nguyễn Tuân với Chữ người tử tù, Chiếc lư đồng mắt cua, Người lái đò sông Đà, Nguyễn Minh Châu cùng Chiếc thuyền ngoài xa hay Kawabata Yasunari có Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc.

Tuy cũng đều khai thác khía cạnh của cái đẹp nhưng nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã thổi vào từng trang truyện một góc nhìn mới mẻ, độc đáo. Với mỗi nhân vật, thái độ ấy lại khác nhau, có đủ căm ghét, thấu hiểu lẫn say mê đến điên dại.

Truyện ngắn Sầu trên đỉnh Puvan đã một lần nữa khẳng định tên tuổi nữ nhà văn, tác phẩm đồng thời phơi bày những số phận con người đau thương và đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của con người cho độc giả.

Bí Ngô