Con người Việt Nam với nét tính cách đôn hậu, cần cù đã đi vào văn học một cách tự nhiên và chân thật. Không chỉ ca dao tục ngữ mà thơ ca hiện đại đều lưu giữ những phẩm chất ấy, nhắc nhở thế hệ đời sau về truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Một trong số đó là bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Hơn cả sự ngợi ca vẻ đẹp của “quốc hoa dân tộc”, tác phẩm còn thể hiện cốt cách thanh tao đậm chất Việt Nam.
Đặc trưng thi pháp ca dao trong bài Trong đầm gì đẹp bằng sen
Ca dao là loại thơ trữ tình dân gian, nó thể hiện tư tưởng cũng như khao khát từ trái tim người dân lao động. Chính vì thế, khi được truyền sang nhiều thế hệ, cái tôi cá nhân dần phai nhạt và nhường chỗ cho tiếng nói của cộng đồng.
Trong đầm gì đẹp bằng sen cũng không phải ngoại lệ khi tác phẩm mang đậm dấu ấn chung của cả dân tộc Việt Nam. Dù người thuộc tầng lớp bình dân, quan chức hay thi sĩ thì đều có cùng một ước nguyện lớn lao.
Tác phẩm còn mượn hình tượng hoa sen quen thuộc trong kho tàng văn học nước nhà để khắc họa nổi bật nét tính cách con người Việt. Khác với hương thơm thoang thoảng đáng chú ý của hoa nhài, loài hoa đặc biệt này mang một mùi hương tuy dịu nhẹ mà đằm thắm.
Chính vì vậy, nó trở thành biểu tượng của con người Việt Nam, dẫu sống trong hoàn cảnh nào cũng luôn giữ được bản chất tốt đẹp vốn có của mình. Ông bà ta từ lâu đã nhận ra vẻ đẹp đáng quý ấy và mang hoa sen vào hàng loạt bài ca dao khác.
“Hoa sen nở đẹp trong đầm
Mùi hương tinh khiết âm thầm tỏa bay
Yêu thương vun bón hàng ngày
Nay hoa hẹ nhụy lòng đầy nao nao.” – Hoa sen từ lâu đã đi vào ca dao dân tộc một cách vô cùng tự nhiên và tinh tế
Nếu như thơ ca hiện đại đề cao bản ngã cá nhân thì các bài ca dao truyền thống, đặc biệt là Trong đầm gì đẹp bằng sen lại được kết tinh từ tiếng lòng nhiều lớp người. Họ đã phả vào tác phẩm hơi thở của một dân tộc không bao giờ chịu cúi đầu.
Vẻ đẹp tinh khiết của hoa sen trong tác phẩm
Xuyên suốt bài ca dao là sự trân trọng và lời ngợi ca đối với vẻ đẹp thanh cao, thoát tục của hoa sen quen thuộc. Ngay từ đầu tác phẩm, người viết đã khẳng định không loài hoa nào có thể sánh bằng bông sen đơn sơ, giản dị này.
Hoa sen không giống với những loài khác, nó sinh sống ở nơi đầm lầy u tối, xám xịt. Thế nhưng, “quốc hoa của Việt Nam” vẫn toát lên một mùi hương thơm tinh khiết không thể trộn lẫn khiến bất kỳ ai cũng phải xiêu lòng.
Thậm chí, môi trường càng khắc nghiệt bao nhiêu thì hoa sen lại càng tỏa hương thơm ngào ngạt bấy nhiêu. Nó không chịu đầu hàng trước số phận mà một mực vươn lên bằng sức sống mạnh mẽ của mình.
“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.” – Trong đầm gì đẹp bằng sen
Không những sở hữu hương thơm nhẹ nhàng và tươi mới, loài hoa ấy còn mang một vẻ đẹp trần đầy sức sống. Màu xanh của lá xen lẫn sắc vàng của nhụy, tạo nên sự hài hòa, tinh tế.
Tác giả quan sát bông sen vô cùng kỹ lưỡng, ngắm nhìn từ ngoài vào trong để lột tả vẻ đẹp độc đáo và hiếm có. Chính vì điều đó mà nhịp thơ cũng trở nên nhịp nhàng, cân đối đến lạ, tạo nên cái âm hưởng quyến luyến kẻ thưởng thức.
Tác giả dân gian còn kết hợp vô cùng nhuần nhuyễn và khéo léo biện pháp nghệ thuật điệp ngữ, khẳng định sự hài hòa trong màu sắc của bông sen. Dường như phần nào cũng đều mang vẻ đẹp riêng, góp phần tô điểm cho tổng thể.
“Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” – Trong đầm gì đẹp bằng sen
Chỉ bằng vài nét phác họa, hình ảnh bông sen Việt Nam đã hiện lên một cách chân thực và so sánh với hương thơm thanh tao, tinh khiết. Qua đó, độc giả như được hòa mình vào trong bức tranh ngôn từ để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của loài hoa này.
Trong đầm gì đẹp bằng sen và vẻ đẹp con người đất Việt
Không chỉ miêu tả loài hoa cao quý, tác phẩm còn thể hiện cả nét tính cách cao đẹp đậm chất Việt Nam. Giống như bông sen, nhân dân ta luôn giữ được một tâm hồn trong sạch, thiện lương.
Con người Việt Nam dẫu phải sống trong cảnh nghèo đói, bị áp bức và bóc lột đủ bề nhưng chưa bao giờ buông xuôi hay đánh mất bản chất thực sự. Từ thuở mới sinh cho đến khi khôn lớn, họ vẫn một lòng giữ vẹn phẩm chất thanh cao.
Sống một cách chan hòa, trong sạch và tử tế từ lâu đã trở thành truyền thống, in sâu vào nếp sống muôn thuở của nhân dân nước Việt. Điều này cũng tương tự như loài hoa sen, dẫu ở môi trường nào thì vẫn luôn tỏa ngát hương thơm tô điểm cho đời.
“Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” – Trong đầm gì đẹp bằng sen
Không chỉ vậy, nhân dân Việt Nam còn có tinh thần đoàn kết và bao bọc, dìu dắt nhau đi qua bao năm tháng nhọc nhằn. Dù ở chế độ phong kiến với muôn vàn hủ tục hà khắc hay sống dưới bom đạn của kẻ thù thì lối sống tốt đẹp ấy cũng không thể bị tiêu trừ.
Chính cách sống này đã trở thành điểm tựa, giúp đỡ dân tộc máu đỏ da vàng vượt lên bao khó khăn và nghịch cảnh, phát triển và trường tồn với thời gian.
Những nét đặc sắc nghệ thuật trong bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen
Bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen để lại ấn tượng khó phai mờ trong tim người đọc không vì giá trị nội dung giàu ý nghĩa nó mang lại mà còn bởi những nét nghệ thuật đặc sắc từ bàn tay tài hoa.
Tác giả đã kết hợp một cách sáng tạo nhiều thủ pháp khác nhau như câu hỏi tu từ, liệt kê hay đảo trật từ vần. Nhờ đó, vẻ đẹp bông sen cùng tâm hồn cao đẹp của con người Việt Nam hiện lên vô cùng rõ ràng và chân thực.
Không chỉ vậy, tài năng văn học của người viết còn bộc lộ qua cách chọn lựa hình tượng. Hoa sen vốn gần gũi, gắn liền với nền văn hóa và truyền thống nước ta, vì vậy nó mang đầy đủ nét đặc trưng tính cách Việt.
Chỉ một bài ca dao vỏn vẹn bốn câu nhưng bằng sức mạnh kỳ diệu, Trong đầm gì đẹp bằng sen đã chạm đến tầng sâu kín nhất trong tâm hồn người thưởng thức. Rồi độc giả sẽ lại tìm đọc văn học truyền thống để hiểu hơn và tự hào về dân tộc nhỏ bé mà kiên cường này.
Hạ Miên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất