SNSD hay Girls’ Generation là một nhóm nhạc nữ Hàn Quốc trực thuộc SM Entertainment. Nhóm gồm tám thành viên là Taeyeon, Sunny, Yoona, Hyoyeon, Yuri, Sooyoung, Tiffany, Seohyun cùng cựu thành viên Jessica.
Girls’ Generation được mệnh danh là Nhóm nhạc quốc dân nhờ những đóng góp của tập thể và từng cá nhân trong nhiều lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh và thời trang. Trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp nhưng SNSD vẫn giữ được phong độ và đẳng cấp như thời hoàng kim.
Những nữ thần đánh dấu kỷ nguyên mới của nền âm nhạc Kpop
SM Entertainment chính thức trình làng SNSD vào năm 2007 nhưng trong suốt hai năm trước đó, dự án thành lập phiên bản nữ cho Super Junior đã thu hút sự chú ý của công chúng. Ban đầu, thậm chí còn có tin đồn SM đặt tên nhóm mới là Super Girls với mười một thành viên.
Với vai trò tương đương Super Junior, nhóm nhạc nam đang nổi như cồn ở thời điểm đó, khiến SNSD mặc nhiên trở thành “kẻ xấu” trong mắt một bộ phận người hâm mộ. SNSD cũng khốn đốn vì các tin đồn hẹn hò cùng đàn anh và trở thành mục tiêu ghen tị của người hâm mộ nữ.
Có thể thấy SNSD là nhóm nhạc được chuẩn bị vô cùng kỹ càng khi đến phân nửa các cô gái đều có thời gian thực tập khá dài hơi. Hyoyeon, Sooyoung và Seohyun đều được đào tạo trong suốt gần bảy năm.
Tên của nhóm có nguồn gốc từ bài hát Girls’ Generation được phát hành vào năm 1989 của Lee Seungchul. Cái tên mang ý nghĩa Thời đại của Thiếu nữ, báo hiệu một thế hệ thống trị của những cô gái đã gần kề.
Tại Hàn Quốc, nhóm được gọi là So Nyuh Shi Dae, viết tắt là Soshi hoặc SNSD. Tên người hâm mộ chính thức được SM công bố là SONE, mang ý nghĩa là điều ước những trái tim đồng điệu cùng chung nhịp đập.
SNSD ra mắt thành công cùng khúc thánh ca của tuổi trẻ
Trước khi SNSD ra mắt, Kpop chứng kiến sự bành trướng mạnh mẽ của các nhóm nhạc nam và tỷ lệ các thần tượng nam so với thần tượng nữ là vô cùng áp đảo. Phái nữ phát cuồng vì những cái tên như DBSK, Super Junior hay Big Bang.
Ngày 5/8/2007 là cột mốc khó quên đối với cộng đồng người hâm mộ SNSD bởi đó chính là ngày ra mắt chính thức của nhóm. Màn trình diễn ca khúc Into the New World trên sân khấu Inkigayo đã đưa chín cô gái lên con đường chuyên nghiệp, gần hơn với công chúng.
Giai điệu vang lên đầy xúc động tựa khúc thánh ca của tuổi trẻ
Trải qua hàng năm trời tuổi trẻ vùi mình trong phòng tập, khoảnh khắc hạnh phúc nhất của mỗi thần tượng có lẽ chính là lúc được lần đầu đứng dưới ánh đèn sân khấu và cất lên những lời ca của ca khúc ra mắt.
Khi đó, SNSD còn là những cô nàng lộ rõ trên gương mặt sự bỡ ngỡ, dồn hết tất cả năng lượng của tuổi trẻ vào vũ đạo và tiếng hát trên sân khấu đầu đời. Khi đó, họ xem mọi sân khấu biểu diễn như là sân khấu cuối cùng dù chưa ai trong số họ bước qua cột mốc tuổi hai mươi.
Ai nấy đều ấn tượng bởi sự nhiệt huyết trong từng động tác, lời ca mà SNSD thể hiện qua Into The New World. Nhờ giai điệu bắt tai và vũ đạo cuốn hút, bài hát đã trở thành một trong những ca khúc ra mắt thành công nhất lịch sử Kpop.
Có nhiều thứ đã đổi thay qua thời gian nhưng tầm ảnh hưởng của bài hát này đối với Kpop vẫn vẹn nguyên và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Sau mười ba năm ra mắt, Into The New World không chỉ là bài hát giới thiệu nhóm nữ huyền thoại mà còn mở ra một thời đại mới cho Kpop
Màn ra mắt thành công của SNSD đã phá bỏ mọi định kiến về thần tượng nữ, trở thành động lực cho cả trăm nhóm nhạc nữ khác liên tục chào sân. Hàng ngàn thực tập sinh lấy Into The New World là tiêu chuẩn, là một bài đánh giá năng lực trong phòng tập.
Không phải là một giai điệu hùng tráng cũng chẳng bi ai, ca khúc đơn giản đi vào lòng người, truyền động lực cho những con người bình thường ngoài kia dám mở ra cánh cửa tới thế giới mà mình mơ ước, dù cho có nhiều trở ngại, khó khăn.
“Đừng chờ đợi một điều kỳ diệu. Có một con đường chông gai đang ở trước mắt chúng ta. Cho dù đầy trở ngại và không biết tương lai sẽ ra sao. Nhưng tôi sẽ không bao giờ thay đổi, không bao giờ bỏ cuộc.”
Thuở ấy dù có là người nghe nhạc Kpop hay không thì có lẽ ai cũng từng đôi lần nghe qua Into The New World. Những giai điệu ấy len lỏi khắp mọi nẻo đường và hàng quán, một phần đem làn sóng Hallyu trở nên phổ biến và lan rộng khắp châu Á.
Hiện tại, dù Into The New World đã có tuổi thọ hơn mười năm nhưng ca khúc vẫn luôn thuộc diện bắt buộc phải biết đối với các thực tập sinh nữ ôm mộng trở thành thần tượng. Nó thậm chí còn được phát ở trong các cuộc biểu tình công cộng nhờ ý nghĩa tích cực.
Tuy nhiên, đây cũng là khi phong trào tẩy chay (anti) SNSD diễn ra mạnh mẽ nhất ở Hàn và lan rộng ra một số nước khác. Đỉnh điểm của sự tẩy chay là năm 2008, trong đại hội âm nhạc lớn nhất trong năm Dream Concert quy tụ nhiều thần tượng.
Chạm đáy nỗi đau rồi bật lên mạnh mẽ gấp bội
Sự cố “Biển đen” lần đầu tiên trong lịch sự Kpop là đòn giáng mạnh mẽ vào danh tiếng cũng như tinh thần của chính các cô gái. Oái oăm thay khi giai đoạn sau lùm xùm tẩy chay lại là thời kỳ đỉnh cao nhất của SNSD.
Nhóm phát hành album phòng thu đầu tay Girls’ Generation vào cuối mùa thu năm 2007 với bài hát chủ đề được phối lại từ bài hát của Lee Seungchul. Girls’ Generation trở thành album của một nhóm nhạc nữ đầu tiên bán được hơn 100 nghìn bản kể từ Just A Feeling của S.E.S.
Mặc dù album này đã đạt được những thành công nhất định, SNSD mới thực sự trở nên nổi tiếng vào năm 2009 với mini album Gee. Bài hát chủ đề Gee đạt vị trí số một trên Cyworld trong ngày đầu ra mắt và liên tiếp chiến thắng trên chương trình âm nhạc Music Bank trong chín tuần.
Hơn 100 nghìn bản mini album được bán ra, trong đó có hơn 30 nghìn bản được tẩu tán trong ngày đầu ra mắt. Gee được Melon lựa chọn là bài hát phổ biến nhất tại Hàn Quốc trong thập niên 2000 còn điệu nhảy càng cua tạo ra cơn sốt khắp cả nước, đưa SNSD lên vị trí sao hạng A.
Gee tạo nên cơn sốt quần jeans bó nhiều màu với các cô gái Châu Á
Ngay sau đó, SNSD tiếp tục xây dựng tên tuổi của mình với Tell Me Your Wish (Genie), Oh! và Run Devil Run trong khoảng thời gian từ giữa năm 2009 đến đầu năm 2010.
Trong tuần đầu tiên sau khi được phát hành, Tell Me Your Wish giành được chiến thắng trên Music Bank và Inkigayo. Mini album này bán được khoảng hơn 50 nghìn bản trong tuần đầu đầu tiên phát hành, gần như gấp đôi doanh thu tuần đầu của Gee.
Với album thứ hai Oh!, SNSD đã chiến thắng giải thưởng uy tín nhất Hàn Quốc Golden Disk Award năm 2010. Kể từ Gee, SNSD gần như không có đối thủ trong mảng nhạc nữ, thậm chí sánh ngang với thần tượng nam về lực lượng người hâm mộ trung thành cả trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, nhóm đã giành được năm chiến thắng liên tiếp tại chương trình âm nhạc hàng tuần Music Bank và ba lần đứng đầu tại Inkigayo. MV Oh! có số lượng lượt xem nhiều nhất trên YouTube Hàn năm 2010.
Hình tượng trẻ trung, tươi sáng đã giúp các cô gái có được lượng người hâm mộ hùng hậu ở đủ mọi lứa tuổi và tầng lớp tại xứ kim chi, trong đó thanh thiếu niên chiếm số lượng đông nhất.
Nhờ đó mà SNSD bội thu giải thưởng vào năm 2010 với ba giải Daesang danh giá bậc nhất, tiêu biểu là giải Album của năm, Nghệ sĩ của năm và Ca khúc của năm. Nhóm cũng trở thành nhóm nhạc nữ đầu tiên và duy nhất cho đến hiện tại chiến thắng cả hai giải Ca khúc và Album.
Vươn tầm thế giới cùng The Boys
Danh tiếng của SNSD dường như chỉ tăng chứ không giảm khi album phòng thu tiếng Hàn thứ ba The Boys tiếp tục trở thành hiện tượng bán chạy nhất năm 2011 tại Hàn Quốc. Nhờ sự đầu tư đúng mức trong khâu sản xuất và phát hành, album thu được thành quả tốt chưa từng có.
Bài hát chủ đề của album được đồng sáng tác bởi chính Tiffany và sản xuất bởi Teddy Riley, nhà sản xuất nổi tiếng đã từng làm việc với Michael Jackson. SM cũng dụng công phát hành thêm ba phiên bản tiếng Hàn, tiếng Anh và tiếng Nhật.
Chỉ trong một vài phút sau khi The Boys được phát hành, Girls’ Generation đã nhanh chóng đứng đầu mọi bảng xếp hạng trực và ngoại tuyến nổi tiếng tại Hàn Quốc. The Boys giúp nhóm đánh bại kỷ lục của chính mình trước đó khi là album bán chạy nhất trong lịch sử Gaon suốt tám năm liên tục.
Mặc dù không không có mặt trong bảng xếp hạng Billboard Hot 100, bài hát đã lọt vào nhóm ba mươi bài hát được nghe nhiều nhất iTunes Mỹ và đạt thành tích bán lẻ xuất sắc trên thị trường này.
Thành tích đáng khâm phục ấy đã giúp nhóm giành được nhiều giải thưởng danh giá như Daesang tại lễ trao giải Mnet Asian Music Awards 2011, Golden Disk Awards, Seoul Music Awards, Gaon Chart Kpop Awards và Oricon.
Sự kiện này đánh dấu thời kỳ đỉnh cao nhất của nhóm nữ nhà SM bởi không chỉ phủ sóng cả Hàn Quốc, SNSD còn hiện thực hóa giấc mơ Mỹ tiến với phiên bản album tiếng Anh.
Thời điểm đó, không phải một nhóm nhạc thần tượng nào cũng có cơ hội được trình diễn trên những chương trình truyền hình hàng đầu của Mỹ hay Pháp. Suốt một thời gian dài, nhiều người bày tỏ sự phấn khích trước hoạt động của nhóm:
“Trong chín năm làm người hâm mộ Kpop của tôi, chưa có bất kì một màn trở lại của nghệ sĩ nào mà tôi trông chờ bằng The Boys và I Got A Boy của SNSD cả. Độ nóng của màn comeback này phải nói là vượt ra cả ranh giới Hàn Quốc.”
The Boys được người hâm mộ nhận định là một trong những màn tái xuất được SM đầu tư nhất. Ca khúc không chỉ là màn trở lại sân khấu đỉnh nhất trong sự nghiệp của nhóm mà còn là của Kpop nói chung.
SNSD và những chuyến tàu lượn âm nhạc đầy kích thích
Giai đoạn 2012 đến 2013 đánh dấu sự chuyển mình trong phong cách âm nhạc của SNSD khi họ thử nghiệm những phong cách mới mẻ. Tiên phong cho thay đổi này là sự thành lập nhóm nhỏ đầu tiên mang tên TaeTiSeo gồm TaeYeon, Tiffany và trưởng nhóm nhỏ Seohuyn.
Hình ảnh sang chảnh trong từng thước phim của ba nàng công chúa TaeTiSeo
Ca khúc Twinkle của nhóm “hạ cánh” tại vị trí 126 trên Billboard 200, đạt vị trí số một trên Billboard World Album và bán được hơn ba nghìn bản ở Mỹ. SM Entertainment đánh giá về tiềm năng quả nhóm một cách rất tự tin:
“Nhóm nhỏ này được dự kiến sẽ gây sự chú ý cho những người hâm mộ về tất cả mọi mặt từ phong cách âm nhạc, trình diễn và cả thời trang.”
Không chỉ ở Mỹ mà truyền thông phương Tây cũng dần chú ý đến âm nhạc của SNSD sau màn tái xuất với album I Got A Boy năm 2013. Album giành được nhiều kỷ lục đột phá hay vô tiền khoáng hậu với cả những nghệ sĩ Kpop nói riêng và thế giới nói chung tại thời điểm đó.
I Got A Boy là một bài diễn văn nữ tính của hội chị em về câu chuyện hẹn hò thường thấy ở khắp mọi nơi nhưng được thể hiện theo cách hoàn toàn khác biệt. Với chín lần chuyển âm liên tục, ca khúc là một chuyến tàu lượn cảm xúc đầy vui vẻ không hề tầm thường chút nào.
Ca khúc này sở hữu sự trúc trắc trong giai điệu với một tổ hợp hài hòa các âm thanh mang nhịp điệu nhanh và mạnh, tạo nên cảm giác sống động đến điên cuồng như một vở nhạc kịch. MV lại là một sự bùng nổ màu sắc đập vào các giác quan và làm nổi bật thêm yếu tố âm thanh.
Trên thực tế, khá nhiều những bài hát của Hàn Quốc được thực hiện với phương pháp chuyển âm và đảo ngược nhịp điệu, nhưng thực chất trong số đó có rất ít sản phẩm thực hiện được các phân đoạn chuyển đổi mượt mà như I Got A Boy.
Ngay khi vừa ra mắt, ca khúc này đã thống trị ngôi vương bảng xếp hạng đĩa đơn của Gaon tại Hàn Quốc. MV cũng chiến thắng hạng mục Video của năm tại lễ trao giải YouTube Music Video Awards mùa đầu tiên, giúp lan tỏa ca khúc đến người hâm mộ toàn cầu.
Rõ ràng ca khúc này đã thành công thể hiện một khía cạnh khác biệt và mới mẻ của SNSD nhưng cũng thật phù hợp với họ ở độ tuổi non trẻ đó. Theo đánh giá và nhận xét của các chuyên gia, đây chính là sự khởi đầu cho một thể loại âm nhạc mới.
I Got A Boy cũng xuất sắc lọt vào danh sách 100 ca khúc định hình thập kỷ 2010s do Billboard bình chọn. Đây là tập hợp những sản phẩm giúp người nghe có thể định hình góc nhìn đồng thời và phản ánh nét văn hóa âm nhạc trong suốt một thập kỷ vừa qua.
Khi càng về gần cuối thập kỉ, việc pha trộn các thể loại âm nhạc lại với nhau không chỉ có ở Kpop mà còn ở nhiều sản phẩm quốc tế khác. Điều đó giúp người nghe dễ nhận thấy việc ngày càng có nhiều hơn các tác phẩm âm nhạc bùng nổ được phát hành.
Có thể nói, I Got A Boy chính là chuẩn mực ban đầu cho tất cả những điều này. Bài hát đã tạo nên một tiêu chuẩn để ngành công nghiệp âm nhạc có thể tiến xa hơn và nâng tầm cho mọi sự thử nghiệm âm nhạc của thế kỷ 21.
Bảy năm hương lửa đương nồng và sự ra đi của Jessica
Năm 2014 có vẻ không phải là một năm dễ dàng với SNSD khi các thành viên trong nhóm lần lượt vướng vào lùm xùm hẹn hò. Tuy nhiên, các cô gái vẫn hoạt động miệt mài và liên tục cho ra mắt các sản phẩm chất lượng như mini album Mr.Mr.
Ngay sau khi ra mắt, ca khúc chủ đề Mr.Mr. nhanh chóng giành được vị trí quán quân trên chín bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến tại Hàn Quốc. Album ra mắt ở vị trí thứ 110 tại bảng xếp hạng Billboard 200, thứ hạng cao nhất mà Girls Generation giành được trên bảng xếp hạng này.
Tạp chí Time bình chọn Mr. Mr. là một trong 25 bài hát hay nhất trong nửa đầu năm 2014. MV của bài hát cũng xếp ở vị trí thứ ba trong nhóm mười video âm nhạc Kpop của năm.
Cuối năm 2012, Girls’ Generation có lịch trình buổi biểu diễn tại Tokyo Dome trước khoảng hơn 55 nghìn khán giả. Nhiều kỷ lục đã được thiết lập như nhóm nhạc nữ đầu tiên bán hết sạch vé tại “Thánh đường” Tokyo Dome và bán hết vé chỉ trong vòng hai phút kể từ khi mở bán.
Ngay khi SNSD đang đứng vững trên đỉnh cao danh vọng với mini album Mr.Mr, thành viên chủ chốt Jessica bất ngờ thông báo về việc cô rời nhóm trên trang cá nhân Weibo. SM nhanh chóng xác nhận điều này, khẳng định SNSD sẽ tiếp tục hoạt động với tám thành viên.
Bảy năm qua, chín cô gái đã cùng nắm tay đứng trên đỉnh cao, vượt lên những khó khăn mà chỉ họ mới hiểu. Vậy mà khi SNSD đã có thể đặt chân vào thánh đường Tokyo Dome, chạm tay tới ước mơ to lớn của bất kỳ nhóm nhạc Kpop nào thì Jessica đã không còn ở bên họ.
Các thành viên trên sân khấu cũng không thể nào kìm được cảm xúc mà mắt đỏ hoe
Sân khấu đầu tiên SNSD biểu diễn chỉ với đội hình tám thành viên sau khi Jessica rời đi đã khiến hàng triệu SONE nghẹn ngào rơi nước mắt. Những giai điệu từng khiến các cô gái nở nụ cười hạnh phúc giờ biến thành những sân khấu đượm buồn xúc cảm.
Cái tên SNSD chống lại sự băng hoại của thời gian
Nhiều người dự đoán SNSD sẽ sớm tan rã hoặc danh tiếng sụp đổ vì dư luận Hàn Quốc có cái nhìn khắt khe với những mâu thuẫn nội bộ trong nhóm nhạc. Nhóm không đáp trả những tin đồn hay nhắc đến Jessica mà chỉ tập trung vào những sự kiện và cố gắng lấp đầy sự trống rỗng.
Tháng ba năm 2015, Girls’ Generation phát hành MV Catch Me If You Can, bài hát đầu tiên với đội hình tám người. Nhóm quay trở lại sân khấu với album phòng thu Lion Heart cùng năm và vẫn gặt hái nhiều thành công vang dội trên các chương trình âm nhạc.
Bên cạnh đó, album này cũng chạm nóc bảng xếp hạng Gaon và đạt thứ hạng mười một trên Oricon. Lion Heart sau đó trở thành một trong những album bán chạy năm 2015, đồng thời cũng là album bán chạy nhất của các nhóm nhạc nữ cùng năm tại Hàn Quốc.
Năm 2017, nhóm cũng phát hành album phòng thu thứ sáu kỷ niệm 10 năm hoạt động với tên gọi Holiday Night. Nhan sắc, phong cách và khả năng vũ đạo của SNSD dường như ở một đẳng cấp khác, họ sớm vượt qua chuyện mất thành viên và vẫn giữ vững thương hiệu.
MV Lion Heart của SNSD cán mốc 100 triệu lượt xem trên YouTube hơn ba năm từ khi ra mắt. Số lượng MV trên trăm triệu lượt xem của SNSD đánh bật Red Velvet và thậm chí ngang ngửa với Blackpink tại thời điểm đó.
Sức lan truyền mạnh mẽ của MV đã giúp SNSD thành công trên sân chơi nhạc số
YouTube hiện là sân chơi chủ yếu của các nghệ sĩ thế hệ thứ ba nên các nhóm thế hệ thứ nhất hay thứ hai hầu như lép vế. Tuy nhiên, SNSD là nhóm nhạc hiếm hoi có thể đối chọi lại với các đàn em về số lượng MV trăm triệu lượt xem trên nền tảng này.
Đến cuối năm 2017, ba thành viên Tiffany, Sooyoung và Seohyun quyết định rời SM để theo đuổi sự nghiệp riêng trong mảng âm nhạc và diễn xuất. Nhiều nhóm nhạc như Miss A, Sistar, 4Minute đã tan rã vì có thành viên kết thúc hợp đồng với công ty.
Những tưởng SNSD sẽ sớm tuyên bố tan rã nhưng các thành viên liên tục khẳng định SNSD vẫn tồn tại và là ưu tiên hàng đầu. Dù mỗi người có kế hoạch riêng nhưng cả tám thành viên đều khẳng định sẽ sớm tái hợp và tung sản phẩm mới.
Sau một năm ổn định, SNSD tung ra đội hình nhóm nhỏ gồm năm thành viên còn ở lại SM mang tên SNSD Oh!GG. Sản phẩm Lil’ Touch của nhóm liên tiếp đạt những thành tích khủng như đứng đầu nhiều bảng xếp hạng nhạc số và phá kỷ lục của các nghệ sĩ nhà SM.
Chỉ còn năm người nhưng không còn ai dám nói SNSD đã hết thời hay các sản phẩm mới đều không thành công. Trong khi đó, ba thành viên đã rời công ty nhưng sự nghiệp lại có phần đáng nể hơn trước.
Tiffany giành được hợp đồng quảng cáo với H&M, Seohyun và Sooyoung liên tục đóng vai chính hay đóng hàng chục quảng cáo có giá trị khủng. Dường như việc rời công ty lại có lợi cho ba cô gái khi họ có thể thu về cát xê khủng mà không bị đóng khung hoặc từ chối cơ hội.
SNSD vẫn là một huyền thoại khi tách ra hoạt động solo còn khi hoạt động cùng nhau, họ vẫn giữ vững đẳng cấp. Trong thời gian ấy, Kpop chứng kiến nhiều biến chuyển của các nghệ sĩ thuộc thế hệ thứ hai ”vùi mình” trong lùm xùm, kết hôn, tan rã hoặc mất đi danh tiếng.
Dù trải qua đủ mọi đắng cay ngọt bùi trong suốt mười một năm hoạt động nhưng các cô gái vẫn chứng tỏ sức hút, khẳng định danh tiếng chưa từng đi xuống. SNSD vẫn là tường thành mà nhiều hậu bối cần học tập theo và là điều khiến SONE khắp thế giới tự hào.
Hành trình Nhật tiến và những thành công đầy ngỡ ngàng
Nhìn lại toàn bộ chặng đường từ con số không tròn trĩnh cho đến khi bành trướng toàn cầu của nền công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc, không khó để nhận ra Nhật Bản chiếm một phần không hề nhỏ tạo nên thành công của Kpop ngày hôm nay.
Từ thế hệ thứ hai cho đến thứ ba, các thần tượng ngày càng mở rộng quy mô cho những hoạt động của mình tại đất nước đầy tiềm năng này và thu về thành công ngoài sức tưởng tượng.
Girls’ Generation bắt đầu hoạt động tại Nhật Bản vào tháng tám năm 2010 với DVD New Beginning of Girls’ Generation. Trong cùng tháng, nhóm tiếp tục tổ chức buổi hòa nhạc đầu tiên ở Nhật tại Tokyo Ariake Coliseum và dự tính có mười nghìn người tham dự.
Đây có thể được coi là một sự kiện tầm cỡ đối với một nghệ sĩ Hàn Quốc khi ra mắt tại Nhật Bản. Buổi diễn đắt khách đến nỗi ban quản lý đã phải tổ chức thêm tận ba lần một ngày để đáp ứng đủ nhu cầu của người hâm mộ.
Genie là ca khúc được SNSD chọn mặt gửi vàng trong loạt ca khúc đình đám để ra mắt tại Nhật. Hình ảnh những cô thủy thủ xinh đẹp và quyến rũ cùng vũ đạo khéo léo khoe những đôi chân dài miên man trong phiên bản Hàn Quốc một lần nữa gây chấn động xứ sở hoa anh đào.
Đĩa đơn tiếng Nhật đầu tay của nhóm Genie đã đạt vị trí thứ năm rồi vươn lên vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng hằng ngày của Oricon, đồng thời cũng đạt hạng bốn tại bảng xếp hạng hàng tuần.
Thành công từ ca khúc ra mắt trở thành tiền đề cho kỷ lục vô tiền khoáng hậu của album tiếng Nhật đầu tay phát hành ngay sau đó mang tên Girls’ Generation. SNSD nghiễm nhiên trở thành chủ nhân vị trí quán quân trên bảng xếp hạng Oricon Weekly Album Chart, phá kỉ lục của BoA.
Đồng thời, Girls’ Generation cũng trở thành album tiếng Nhật bán chạy nhất tuần đầu tại Nhật Bản của SM Entertainment. Với số lượng bán ra lên tới một triệu bản, SNSD trở thành một trong những nhóm nhạc nữ Hàn Quốc có sự lấn sân thành công nhất tại Nhật Bản lúc bấy giờ.
Sang đến năm 2011 và 2012, nhóm tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ vào thị trường Nhật Bản trong khi vẫn nắm chắc sân nhà Hàn Quốc. SM cũng có bước đi vô cùng tham vọng khi phát hành song song mini album Hoot và đĩa đơn Hoot bản Nhật tại cả hai thị trường.
Đặc biệt, nhóm chú trọng phát hành các bản phối lại tiếng Nhật của những bài hát đình đám một thời. Có thể kể đến đĩa đơn Mr. Taxi/ Run Devil Run gồm bài hát tiếng Nhật gốc đầu tiên của nhóm Mr. Taxi và bản Nhật hóa Run Devil Run.
Đội cổ vũ xinh đẹp SNSD tiếp tục được nâng cấp đến mức hoàn hảo trong phiên bản tiếng Nhật của Oh!. Phong cách tươi vui cùng bản phối và vũ đạo ban đầu được giữ nguyên nhưng năng lượng trẻ trung của bài hát dường như được nhân lên gấp bội.
Với sự phổ biến mang tính toàn cầu từ trước đó, Gee khi tới với Jpop cũng biến hóa với nhiều màu sắc hơn, trang phục chỉn chu hơn và lần nữa trở thành làn sóng mạnh mẽ tại đất nước mặt trời mọc.
Giải thích lí do vì sao độ phủ sóng của SNSD tại Nhật lại trở nên mạnh mẽ đến vậy, thành viên Sooyoung nói:
“Chúng tôi thực sự rất bất ngờ. Vì các nước quanh châu Á đều yêu thích Kpop nên lẽ dĩ nhiên chúng tôi cũng được chú ý. Có lẽ lí do là vì chúng tôi không thay đổi phong cách sao cho phù hợp với Nhật Bản mà cứ giữ nguyên âm nhạc và nét thu hút của mình.”
Giữa năm 2011, Girls’ Generation vinh dự được trao chứng nhận Bạch kim của Hiệp hội Công nghiệp Thu âm Nhật Bản cho album cùng tên, ghi danh nhóm thành nghệ sĩ Hàn Quốc thứ năm nhận được chứng nhận này, sau S.E.S, BoA, TVXQ và KARA.
Các ái nữ nhà SM tiếp tục đón chứng nhận Bạch kim thứ hai chỉ một tháng sau đó và tiếp tục nhận được chứng nhận triệu bản. SNSD trở thành nhóm nhạc nữ Hàn Quốc đầu tiên đạt được điều này.
Đây còn là album bán chạy thứ năm tại thị trường âm nhạc khó tính này và giành được danh hiệu Album của năm tại MTV Video Music Awards Japan năm 2011. SNSD xác lập lập kỷ lục bán album đầu tay nhiều nhất trong số các nghệ sĩ nước ngoài tại Nhật Bản.
Tại lễ trao giải MTV Video Music Aid Japan 2011, Girls’ Generation giành chiến thắng ở hai hạng mục Video của Nhóm nhạc Xuất sắc nhất và Bài hát Karaoke xuất sắc nhất cho Genie bản Nhật.
Càng về sau, vị thế của SNSD tại thị trường này càng được khẳng định với âm nhạc chất lượng và phong cách mang tính định hướng với thị hiếu công chúng lúc bấy giờ. Dẫn đầu bảng xếp hạng Oricon, lọt vào bảng xếp hạng Billboard trước đây từng được coi là giấc mơ, giờ đã trở nên chân thực hơn bao giờ hết nhờ thành công của chín ái nữ nhà SM.
Tầm ảnh hưởng của SNSD vượt ra khỏi ranh giới nghệ thuật
Từ sau sự ra mắt vào năm 2007, Girls’ Generation đã trở thành một nhân tố quan trọng trong cả văn hóa và âm nhạc của Hàn Quốc, với việc các nhà phê bình âm nhạc coi nhóm như là gương mặt đại diện của nền văn hóa Hàn Quốc.
Nhóm được ghi nhận đã đóng vai trò lớn trong sự phát triển của Làn sóng Hàn Quốc, và được so sánh với ca sĩ Seo Taiji vì những đóng góp của họ cho văn hóa Hàn Quốc. Sự nổi tiếng rộng khắp đem lại cho nhóm các danh hiệu Nghệ sĩ quốc dân và Nhóm nhạc quốc dân.
Sau sự tan rã của các nhóm nhạc nữ thế hệ đầu như S.E.S và Fin.K.L, nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc trở thành sân chơi độc quyền của các nhóm nhạc thần tượng nam như TVXQ và Super Junior. Chỉ đến khi SNSD xuất hiện, các nhóm nhạc nữ mới dần được chú ý.
Nhóm được nhà báo người Canada Tyler Brulé lựa chọn vào trí thứ bảy trong danh sách mười đặc điểm dễ nhận biết nhất của văn hóa Hàn Quốc và là nghệ sĩ duy nhất trong danh sách.
Phong cách thời trang của nhóm thể hiện sự thanh lịch và trưởng thành, gây ảnh hưởng lớn đến các cô gái trẻ khắp châu Á. Được công chúng coi như một biểu tượng thời trang, nhóm còn được chọn làm ví dụ tiêu biểu cho chương nói về Kpop trong sách giáo khoa của Nhật Bản.
Trong mảng âm nhạc, ca khúc Gee được vinh danh là Đĩa đơn của thập kỷ và được xem là một trong những bài hát nhạc Hàn đầu tiên giành được sự chú ý của quốc tế. Các sinh viên tại đại học Harvard nhấn mạnh rằng Gee là một phần trong nghiên cứu của họ về văn hóa Hàn Quốc.
Sự nổi tiếng của SNSD cũng đem đến những thành công về mặt thương mại bởi nhóm được coi là gương mặt quảng cáo được tìm kiếm nhiều nhất tại Hàn Quốc. SNSD có ảnh hưởng lớn nhất đến người tiêu dùng nhờ giọng hát, vẻ bề ngoài và phong cách thời trang phù hợp thị hiếu.
Năm 2010, tạp chí kinh tế Nikkei Business của Nhật so sánh sự ảnh hưởng và thành công tại thị trường quốc tế của nhóm với Samsung. Viện nghiên cứu chính sách công nghiệp đánh giá SNSD là một trong những thương hiệu hàng đầu Hàn Quốc.
Sự nổi tiếng tại Hàn Quốc giúp Girls’ Generation trở thành một trong những người quyền lực và có ảnh hưởng lớn nhất tại đây. SNSD là nhóm nhạc thần tượng duy nhất có tên trong năm mươi người dẫn đầu quyền lực nhất tại Hàn Quốc năm 2010 của Asia Today.
Girls’ Generation còn được SISA Press chọn là Nghệ sĩ có sức ảnh hưởng nhất Hàn Quốc trong năm 2011, trở thành nhóm nhạc thần tượng nữ đầu tiên trong lịch sử đạt được điều này. Tạp chí Forbes cũng tiết lộ SNSD là nhân vật giải trí quyền lực nhất tại Hàn Quốc vào năm 2011.
Phong cách và hình tượng là mật mã của thành công
Hình tượng của SNSD đóng một vai trò quan trọng trong việc gia tăng sự nổi tiếng trong nước và quốc tế. Tạp chí New York khẳng định rằng âm nhạc không phải là yếu tố quyết định sự nổi tiếng của Kpop nói chung và Girls’ Generation nói riêng.
Thay vào đó, công chúng yêu thích một nhóm nhạc dựa trên diện mạo của các thành viên và tính cách của họ cũng như thái độ khiêm tốn, thân thiện đối với các thành viên khác và người hâm mộ. Tạp chí âm nhạc NME của Anh viết:
“Girls’ Generation có tới chín thành viên, điều này thể hiện cách mà một bộ máy Kpop hiệu quả có thể coi trọng việc xây dựng phong cách chung hơn tính cách cá nhân.”
Trong những năm đầu hoạt động, SNSD theo đuổi hình tượng ngây thơ bằng cách gần như không trang điểm và ăn mặc dè dặt. Nhóm xuất hiện với trang phục quần bò và áo đơn màu trong MV Gee và các cô gái cổ vũ trong Oh! nhằm nhấn mạnh sự thanh thuần.
Sau đó chín cô gái dần chuyển sang hình tượng trưởng thành, phá cách hơn như phong cách quân đội của Genie, hình tượng Bond Girl trong Hoot hay Black Soshi bí ẩn và quyến rũ cho Run Devil Run.
Sự thay đổi ngoạm mục trong phong cách của SNSD với Run Devil Run
Trở lại Hàn Quốc sau công cuộc chinh chiến xứ người, SNSD theo đuổi hình tượng nữ anh hùng với nội lực ngầm trong The Boys với việc các thành viên được tự chọn trang phục thể hiện phong cách thẩm mỹ của riêng mình.
I Got a Boy lại thể hiện phong cách ngổ ngáo nhưng không kém phần cá tính, tinh nghịch của nữ giới thời hiện đại với các loại giày đế bằng, thay vì những đôi giày cao gót đã trở thành thương hiệu của mình.
Nhóm dần tiệm cận với phong cách đậm chất nữ quyền khi khắc họa sự cá tính, mạnh mẽ bằng những bộ vest lịch lãm và những bước nhảy táo bạo trong ca khúc Mr.Mr. Thế nhưng chỉ sau một năm, nhóm lại thử nghiệm hình ảnhretro nữ tính và thanh lịch với Lion Heart.
SNSD là tấm gương tài sắc vẹn toàn của Kpop
Nhờ sự nổi tiếng trên toàn cầu, nhóm trở thành đại sứ danh dự đi đầu cho chiến dịch du lịch tại Hàn Quốc giai đoạn 2010 – 2012, nhằm thu hút ít nhất mười triệu khách du lịch nước ngoài tới đất nước này.
SNSD cũng rất tích cực quyên góp cho các hoạt động từ thiện trong nước và quốc tế như khắc phục thảm họa động đất, giúp đỡ trẻ em, hỗ trợ chỗ ở cho phụ nữ nghèo, chống mù lòa, quyên góp lương thực và trao học bổng khuyến học.
Các thành viên của nhóm cũng có những hoạt động xã hội đáng nể phục. Seohyun từng được chọn làm đại sứ cho UNICEF, khẳng định thương hiệu cá nhân vững vàng bởi chỉ có những nghệ sĩ đáng kính trọng mới có thể được lựa chọn.
Năm 2012, Tiffany được chọn làm đại sứ danh dự cho Global Hop, một tổ chức phi chính phủ có mục đích xây dựng một cộng đồng triển vọng qua việc phát hiện các tài năng và cổ vũ tinh thần lãnh đạo tại sáu quốc gia.
Ba năm sau Yoona trở thành thành viên chính thức của tổ chức từ thiện Honor Society sau hai năm âm thầm quyên góp từ thiện. Năm 2016, đích thân Tổng thống Park Geun Hye đưa ra lời mời Yoona vì những đóng góp của cô.
Thậm chí Sooyoung đã đứng ra tổ chức hoạt động từ thiện thông qua buổi biểu diễn thường niên dành cho người mù tại rạp hát của SM từ năm 2014. Cô đã từng sở hữu một bộ sưu tập đồ quyên góp lớn trên mạng xã hội nhằm dành tặng cho Hiệp hội chống mù lòa Hàn Quốc.
Hiện nay, khi nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc đã trở nên trẻ trung hơn và sôi động hơn, tên SNSD đã dần trở thành hoài niệm. Tuy nhiên, các cô gái vẫn luôn là tường thành trong lòng người hâm mộ và là chuẩn mực của nhiều nhóm nhạc.
Nhắc đến Hàn Quốc là nhắc đến Kpop và nhắc đến Kpop, không ai là không nhớ SNSD. Nếu như Shinhwa, H.O.T hay S.E.S là những cái tên đặt nền móng cho Kpop thì chính những thần tượng thế hệ thứ hai đã đưa Kpop lên tầm châu Á và xa hơn.
Thế hệ thứ hai của Kpop được xem như thế hệ hoàng kim nhất, những đóng góp của họ cho sự phát triển của nền công nghiệp giải trí là điều không thể bàn cãi. Cùng với các nhóm nhạc khác góp phần mang văn hóa Hàn Quốc gần hơn với thế giới, SNSD là cái tên nổi bật nhất dẫn đầu làn sóng Hàn.
Khánh An
Khánh An Hoàng
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất