Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 là bộ phim điện ảnh thuộc thể loại hài – chính kịch do đạo diễn Lee Hwan Kyung chỉ đạo sản xuất và được công chiếu vào năm 2013.
Trailer chính thức của phim Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7
Lấy chất liệu là câu chuyện cảm động về tình cha con cũng như phản ánh hiện thực khắc nghiệt tại xã hội Hàn Quốc, tác phẩm đã trở thành một “tượng đài” nổi bật của nền điện ảnh xứ sở Kim chi.
Với lối tiếp cận gần gũi, kỹ xảo hình ảnh tỉ mỉ, chỉn chu cùng sự tham gia diễn xuất của các diễn viên thực lực trong làng giải trí xứ Hàn, Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 đã gặt hái được nhiều thành công trên mọi khía cạnh.
Không chỉ “công phá” phòng vé bằng con số đáng nể, bộ phim còn “càn quét” hàng loạt giải thưởng lẫn đề cử tại các Lễ trao giải và Liên hoan phim khác nhau.
Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 sở hữu cốt truyện cảm động lòng người
Kể từ khi Làn Sóng Mới của điện ảnh Hàn bắt đầu trỗi dậy, nhiều nhà làm phim đã liên tục sáng tạo ra các tác phẩm đa dạng, tạo nên sức ảnh hưởng lớn lao trong lòng giới mộ điệu Hàn Quốc nói riêng và cả thế giới nói chung.
Với sự đồng thuận từ chính phủ, những bộ phim Hàn không hề e ngại việc khắc hoạ bức tranh hiện thực tàn khốc cũng như sự suy đồi của một bộ phận thực thi công lý, bảo vệ nhân dân.
Mang nét tương đồng về chủ đề phản ánh nỗi bất công qua các dự án phim điện ảnh như Mẹ ơi, đừng khóc, Han Gong-ju hay Hope, Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 cũng tiếp nối hành trình bóc tách hệ thống luật pháp lỏng lẻo ở xứ sở Củ sâm.
Mặc dù hình tượng nạn nhân trong phim không giống như nhiều tác phẩm khác và cách tiếp cận khán giả cũng nhẹ nhàng, ấm áp hơn song Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 vẫn để lại nỗi ám ảnh xen lẫn niềm hy vọng lớn lao giữa thế giới đầy rẫy bất công.
Kiệt tác mở đầu với hình ảnh Ye Sung (Park Shin Hye thủ vai), con gái Lee Yong Goo (Ryu Seung Ryong thủ vai) đã lớn lên, trở thành một luật sư và quyết tâm lật lại vụ án năm xưa của cha nhằm giải oan cho người bố tội nghiệp.
Sau những giây phút căng thẳng tại toà án, Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 bắt đầu quay ngược thời gian và đưa người xem trở về năm 1997 bằng các thước phim vui tươi, sống động xoay quanh hai cha con nhà họ Lee là Lee Yong Goo và Lee Ye Sung (Kal So Won thủ vai).
Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn và mắc chứng thiểu năng từ nhỏ, Yong Goo bị ba mẹ xem là điềm gỡ, chỉ biết mang đến tai ương cho gia đình.
Mặc dù không được số phận ưu ái, Yong Goo vẫn là người đàn ông hiền lành, nhân hậu và luôn yêu thương cô con gái bé bỏng Ye Sung hết lòng.
Người cha bị khiếm khuyết trí tuệ không thể xây dựng một gia đình tràn đầy giá trị vật chất cho Ye Sung, thế nhưng anh chưa bao giờ ngừng nỗ lực vì đứa con mà mình xem như báu vật.
Hằng ngày, cuộc sống của hai bố con trôi qua trong yên bình với vô vàn khoảnh khắc yêu thương khi cả hai luôn gắn kết, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau.
Một ngày nọ, tai họa ập đến khi Yong Goo dự định mua chiếc cặp sách hình thuỷ thủ mặt trăng cho Ye Sung sau khi nhận lương, đáng tiếc thay, món quà ấy đã rơi vào tay của một đứa trẻ tên Jin Young, con của cục trưởng cục cảnh sát thành phố.
Vốn sở hữu suy nghĩ của một đứa bé non nớt trong hình hài to xác, Yong Goo đã liên tục đòi mua chiếc cặp để rồi bị bố Jin Young hành hung trước sự chứng kiến của bao người.
Không thể giành được thứ Ye Sung yêu thích, Yong Goo buồn phiền và vẫn tiếp tục suy nghĩ về chiếc cặp dành cho con gái.
Sau khi nhận lương từ nơi làm việc, Yong Goo đã gặp lại Jin Young trong lúc ngồi kiểm tra số tiền và được cô bé dẫn dắt đến khu chợ có bán món quà mà anh mong mỏi sở hữu.
Với sự mừng rỡ và niềm hy vọng dâng trào, Yong Goo tựa như cậu học sinh phấn khởi mà chạy theo Jin Young. Trớ trêu thay, Jin Young đã vô tình trượt phải vũng nước trơn tuột và bị ngã dẫn đến chấn thương sọ não.
Hoảng hốt trước tình huống bất ngờ, Yong Goo nỗ lực cứu sống đứa trẻ bằng cách hô hấp nhân tạo và cởi quần áo nhằm giúp cho máu huyết lưu thông.
Xuất phát từ lòng trắc ẩn song hành cùng sự ngờ nghệch, ngơ ngác, Yong Goo thực hiện hành động mà không hề hay biết rằng mình đã khiến cho một người phụ nữ vô tình chứng kiến hiểu lầm trầm trọng.
Sau khi sự kiện diễn ra, Yong Goo bị kết án tử hình với tội ấu dâm và sát hại trẻ nhỏ dù bản thân anh hoàn toàn vô tội. Trước khi bước vào phòng thi hành án, Yong Goo bị nhốt tại phòng giam số bảy cùng năm phạm nhân khác.
Tại nơi tận cùng của đáy xã hội, các tay “ma cũ” không ngừng ức hiếp Yong Goo và sở trưởng Jang Min Hwan (Jung Jin Young thủ vai) cũng cay nghiệt với anh bởi họ căm ghét tội danh mà anh phạm phải.
Chỉ đến khi nhận ra rằng mình đã hiểu lầm người đàn ông ngốc nghếch, hiền lành này, họ mới dừng lại và dần dần trở thành những người bạn thân thiết của anh.
Để trả ơn cho việc Yong Goo đã cứu mạng, đại ca So Yang Ho (Oh Dal Su thủ vai) và đồng bọn lén lút đưa Ye Sung vào trại giam cho hai bố con được đoàn tụ.
Cảm động trước tình phụ tử của Yong Goo và Ye Sung, mối quan hệ giữa các tù nhân trong phòng giam số bảy bỗng trở nên khắng khít, gần gũi một cách bất ngờ.
Lầm lỡ rồi sa chân vào ngục tù, họ vẫn luôn sở hữu trái tim lương thiện từ tận sâu đáy lòng. Sự nhân hậu ấy chính là điểm xuất phát cho phép màu kỳ diệu nảy sinh giữa chiếc buồng giam chật chội và ngột ngạt này.
Bằng phương thức kể chuyện bình dị, lồng ghép nhiều thông điệp ý nghĩa, cảm động, Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 đã thành công khắc hoạ nỗi bất công trong xã hội Hàn Quốc lúc bấy giờ đồng thời làm cho giới mộ điệu phải mủi lòng trước tình cảm gia đình, tình bạn thiêng liêng được thể hiện qua tác phẩm.
Khi công lý chỉ là hư vô và pháp luật không thực hiện đúng nhiệm vụ của nó
Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 thành công không chỉ vì tính nhân văn mà còn vì giá trị hiện thực đặc sắc ẩn chứa trong tác phẩm. Bộ phim sử dụng chất liệu là cuộc sống đời thường với đầy rẫy bất công để tạo nên cốt truyện đầy cảm động.
Đề cập đến hiện tượng luật pháp Hàn Quốc thiếu chặt chẽ, những công tố viên “đổi trắng thay đen” và dàn cảnh sát gian trá, dự án mở ra cho người xem một bức tranh mà ở nơi đó công lý dường như chỉ là hư vô.
Mặc dù khiếm khuyết trí tuệ, hiền lành, Yong Goo lại bị buộc tội bắt cóc, ấu dâm khi anh có mặt ở hiện trường và là đối tượng tình nghi duy nhất.
Thay vì tiến hành điều tra cẩn thận để tránh những sai lầm “chí mạng”, cục trưởng cục cảnh sát thành phố hay cha đứa trẻ xấu số đã sử dụng quyền lực của mình để đẩy Yong Goo vào tù.
Các tay cảnh sát góp phần đưa vụ án oan này đi vào ngõ cụt đều là những kẻ hèn nhát trước đồng tiền và quyền lực, vì sợ bị mất việc mà nhẫn tâm hãm hại người vô tội.
Chúng lợi dụng tình cảm Yong Goo dành cho Ye Sung để bắt anh thừa nhận tội ác trước giới báo chí. Không cảm thấy tội lỗi vì hành vi sai trái ấy, chúng thậm chí còn đánh đập, hành hạ anh khi không vừa ý với anh.
Chỉ vì là cảnh sát mà bọn chúng không bị ai truy xét cho hành động ác độc và mạng lưới cấu kết dày đặc đến nổi những người lương thiện với tấm lòng vì dân, tôn trọng công lý cũng phải bất lực mà buông xuôi lý tưởng của bản thân.
Hình ảnh sở trưởng Min Hwan tự tay xé đôi tờ giấy khai báo của Yong Goo cũng là khoảnh khắc ông đầu hàng trước sự bất công trong xã hội lạm quyền lúc bấy giờ.
Những nỗ lực điều tra, truy xét, xin phép mở phiên toà tái thẩm dành cho Yong Goo như “dã tràng xe cát” khi ông không thể ngờ rằng Yong Goo đã bị đe doạ trước đó.
Có lẽ nỗi đau mất con khiến tay cục trưởng mù quáng mà quên đi nhân tính, bất chấp tất cả để gán tội cho Yong Goo như thể hắn ta cần một ai đó đứng ra chịu trách nhiệm cho cái chết của con gái mình.
Mặc dù vậy, tội ác vẫn là tội ác và việc tước đi quyền sống, quyền tự do của một con người là chuyện không thể nào tha thứ.
Tuy nhiên, niềm an ủi lớn nhất đối với người xem có lẽ là màn gỡ oan cuối cùng khi Ye Sung đã trưởng thành và trở thành luật sư biện hộ cho cha.
Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 khắc họa một xã hội đầy bất công nhưng vẫn ẩn chứa tình người và niềm hy vọng mãnh liệt vào sự chiến thắng của cái thiện.
Bộ phim khắc hoạ chân thật hậu quả của hệ thống luật pháp lỏng lẻo
Khi công lý không được thực thi một cách đúng đắn, hậu quả đau thương là điều chắc chắn sẽ xảy ra với người bị hại.
Jin Young qua đời vì khoảnh khắc trượt chân trên vũng nước, đáng lý vụ án mạng đã có thể khép lại mà không làm tổn thương thêm bất cứ nạn nhân nào.
Thế nhưng, đáng buồn là Yong Goo bị ép gánh chịu mọi tội lỗi trong oan ức, dẫn đến hàng loạt nỗi đau mà cả anh và Ye Sung đều phải cam chịu sau này.
Vụ án xử oan khiến người vô tội là Yong Goo phải nhận bản án tử hình còn Ye Sung thì mất đi người thân có mối quan hệ máu mủ duy nhất trên đời.
Sự chia xa, cách biệt đẫm nước mắt của hai cha con là hệ quả không đáng có xuất phát từ hệ thống luật pháp thiếu sự công minh, minh bạch.
Yong Goo không thể tiếp tục ở bên cạnh Ye Sung, chăm nuôi con và đồng hành cùng con trên mọi nẻo đường của cuộc sống mà chỉ có thể lén lút gặp con trong trại giam hay đối thoại với Ye Sung qua tấm kính dày trong suốt.
Về phần Ye Sung, cô bé nhỏ tuổi dường như đã đánh mất đi tuổi thơ êm đềm bởi sự kiện đầy đau đớn này. Khi đã trưởng thành, Ye Sung vẫn chưa thể buông bỏ được chuyện cũ cho đến lúc tiếng gõ búa của thẩm phán vang lên.
Vì sự bất công năm xưa mà người con gái hiếu thảo, thông minh, xinh đẹp không có cách nào báo đáp công ơn nuôi dưỡng, hy sinh của cha.
Tác phẩm Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 khắc hoạ hậu quả chân thật và nỗi mất mát khi công lý bị xem thường, đẩy người dân vô tội vào đường cùng. Song song đó thì bộ phim cũng truyền tải thông điệp về sự buông bỏ nỗi đau để giải phóng mình khỏi những ký ức buồn bã trong quá khứ.
Tình phụ tử thiêng liêng trong Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7
Đối với nền công nghiệp điện ảnh, tình cảm gia đình nói chung và tình phụ tử nói riêng là đề tài thường xuyên được khai thác bởi tính chân thật, gần gũi của nó.
Nhằm tạo nên một tác phẩm “tấn công thành trì” cảm xúc của khán giả thuộc mọi lứa tuổi, đạo diễn Lee Hwan Kyung đã khéo léo xây dựng nên nhân vật Yong Goo với tấm lòng yêu thương của một người cha dạt dào như biển cả và Ye Sung với sự hiếu thảo, quan tâm đong đầy dành cho bố.
Ngay từ những thước phim đầu tiên, khán giả đã có thể nhận ra sợi dây liên kết chặt chẽ giữa Yong Goo và Ye Sung.
Tuy kém phát triển về trí tuệ, Yong Goo vẫn cố gắng chăm lo đầy đủ cho con gái. Anh dành dụm từng đồng tiền cắc bạc để nuôi con ăn học thành người, không quản khó khăn vì tương lai rạng rỡ của Ye Sung sau này.
Hằng ngày, người cha khờ khạo thường xuyên nấu cơm cho con và dặn dò đứa trẻ bé bỏng phải ăn uống đàng hoàng để trở nên mạnh khoẻ.
Yong Goo thương con gái đến nỗi ý định mua cặp sách thuỷ thủ mặt trăng cho Ye Sung ám ảnh tâm trí anh, bất kể là trước khi anh bị kết án oan hay khi đã đặt chân vào cửa ngục.
Những kẻ thực thi công lý tàn nhẫn đã lợi dụng tình cha của Yong Goo mà dụ dỗ anh tái hiện hiện trường giết người giữa đám đông hỗn loạn, đầy phẫn nộ và ép buộc anh in dấu vân tay vào bản tường trình giả dối để rồi chịu trách nhiệm cho tội ác mà anh không hề gây ra.
Chúng hứa hẹn sẽ để Yong Goo trở về nhà bên cô con gái sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ song thực chất lời hứa ấy chỉ là lời nói dối trắng trợn, xảo trá của đám cảnh sát vô lương tâm, tàn nhẫn.
Bị giam giữ ở nơi được coi là đáy xã hội, Yong Goo không mảy may sợ hãi điều gì mà anh chỉ lo lắng cho Ye Sung khi cô bé giờ đây phải ở một mình cùng người giám hộ xa lạ.
Ngày qua ngày, Yong Goo lặng lẽ viết tên Ye Sung lên bãi cát và vẽ hình trái tim xoay quanh cái tên yêu dấu ấy để nguôi đi nỗi nhớ nhung.
Dường như, Ye Sung đã trở thành lẽ sống của cuộc đời anh, khi không còn được ở bên con gái thì niềm hạnh phúc trong anh cũng tan biến dần.
Yong Goo tồn tại với mục đích bảo vệ, chăm sóc Ye Sung, chính vì vậy, từng lời nói, cử chỉ của anh đều hướng đến sự an nguy của đứa bé thông minh, xinh xắn này.
Điều mà Yong Goo thốt lên nhiều nhất trong tù không phải là lời kêu cứu trước bản án nghiệt ngã mà là lời quan tâm dành cho Ye Sung.
“Tôi phải gọi về nhà, Ye Sung đang đợi tôi.”
Người đàn ông khắc khổ luôn lo sợ rằng Ye Sung chưa được ăn no, mặc ấm, lo sợ rằng cô bé sẽ bị cảm lạnh khi tuyết rơi và mưa to kéo đến.
Thậm chí, tại phiên toà tái thẩm để đòi lại công lý cho mình, anh đã thừa nhận tội danh nhằm bảo vệ con gái trước lời đe doạ ác độc từ cục trưởng cục cảnh sát trong sự thất vọng của những người bạn đã hỗ trợ anh tập dượt khai báo một cách trôi chảy suốt khoảng thời gian qua.
Mặc dù bị khuyết tật trí tuệ, Yong Goo vẫn luôn yêu thương con hết lòng và mong con được hưởng những điều kiện tốt nhất trên thế gian này.
Song song đó thì tình yêu mà Ye Sung dành cho bố cũng là nhân tố nổi bật, thành công chinh phục tình cảm từ công chúng khi thưởng thức tác phẩm Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7.
Mặc dù còn bé nhưng Ye Sung rất thông minh và ngoan ngoãn, cô bé thường xuyên chuẩn bị bình nước ấm cho bố mang theo khi đi làm và thực hiện các công việc vặt thay bố.
Ye Sung không hề tủi thân chỉ vì có bố là người thiểu năng, đứa trẻ khôn khéo luôn tạo nên niềm vui cho Yong Goo bằng nụ cười rạng rỡ, những lời nói tràn ngập yêu thương gửi gắm đến anh và luôn cố gắng học tập tốt, đỡ đần việc nhà giúp anh.
Khi Yong Goo phải thụ án tù để chờ ngày xử tử, Ye Sung được các anh em cùng trại giam của bố bí mật đưa vào phòng giam và thăm nom bố. Ye Sung không những không tỏ ra chán nản, căm ghét tình hình hiện tại mà còn mừng rỡ, hạnh phúc khi được gặp lại bố.
Niềm vui ấy lớn đến mức đứa bé ngây thơ chỉ muốn tiếp tục ở cùng Yong Goo song đó là chuyện bất khả thi nên Ye Sung chỉ có thể thăm bố và trò chuyện với bố qua tấm kính ngăn cách hai thế giới của hai cha con.
Trong phân cảnh Ye Sung hát cùng đội hợp ca rồi bước xuống sân khấu, tiến về phía Yong Goo và chìa bàn tay nhỏ bé ra cho bố mình nắm lấy với nụ cười ấm áp trên môi, Ye Sung dường như đã khẳng định rằng dù Yong Goo có bị người đời khinh miệt như thế nào đi chăng nữa thì anh vẫn mãi là người cha thân thương của Ye Sung.
Đến ngày mà Yong Goo phải ra đi, hai cha con đã cùng nhau khóc với nỗi đau tưởng như thấu tận trời xanh. Chắc chắn rằng khán giả sẽ không bao giờ quên hình ảnh Yong Goo quỳ xuống xin tha tội cho lỗi lầm mà mình chưa bao giờ phạm phải trong khi Ye Sung liên tục mếu máo gọi bố.
“Tôi xin lỗi! Xin hãy tha thứ cho tôi! Cầu xin ông!”
Khi trưởng thành, Ye Sung quyết tâm lật lại hồ sơ vụ án và giải oan cho Yong Goo, thời điểm mà lời phán xét cuối cùng của thẩm phán vang lên cũng là lúc Yong Goo được an nghỉ nơi suối vàng còn Ye Sung được giải thoát khỏi nỗi đau mất cha năm xưa.
Hình ảnh chiếc bóng bay hay chiếc khinh khí cầu xuất hiện cuối bộ phim tượng trưng cho sự tự do, niềm hạnh phúc của Yong Goo và Ye Sung, chúng bị mắc kẹt bởi hiện thực tăm tối để rồi được giải phóng giữa bầu trời trong xanh, thanh khiết.
Trải qua bao biến cố, nỗi oan ức của Yong Goo cuối cùng đã được tẩy rửa, người cha ngốc nghếch tự do nơi vòm trời thanh sạch như chính trái tim lương thiện của anh.
Tấm lòng vàng của những con người đã từng lầm lỡ
Đến với tác phẩm ẩn chứa nhiều thông điệp ý nghĩa này, giới mộ điệu sẽ có cơ hội chiêm nghiệm về nhân cách, địa vị con người một cách sâu sắc hơn.
Yong Goo và Ye Sung tuy là hai nhân vật chính nhưng không phải là những cá thể duy nhất tạo nên cốt truyện hoàn thiện cho bộ phim, song hành cùng với họ còn có sự góp mặt của những người bạn tốt bụng, chân thành.
Đó là So Yang Ho, đại ca xã hội đen nóng tính, Choi Choon Ho (Park Won Sang thủ vai), tay đàn em điềm tĩnh nhất phòng giam, Shin Bong Shik (Jeong Man Shik thủ vai), gã giang hồ bặm trợn, Man Bum (Kim Jung Tae thủ vai), kẻ thụ án tù vì tội danh ngoại tình và ông già Seo (Kim Ki Cheon thủ vai).
Sa ngã vào con đường tội phạm, họ đều là những kẻ lầm lỡ với các hình phạt khác nhau, tuy thế nhưng họ vẫn sở hữu tâm hồn lương thiện và tốt bụng.
Mối quan hệ của Yong Goo và năm người đàn ông ấy bắt đầu bằng sự hiểu lầm và những cuộc bắt nạt mạnh bạo, thế nhưng sau khi Yong Goo lao vào cứu Yang Ho trong một cuộc tấn công của băng nhóm đối thủ thì họ đã thay đổi cái nhìn về anh.
Yang Ho hung hăng, tàn bạo nhưng lại là người sống có tình nghĩa, gã yêu cầu Yong Goo bày tỏ nguyện vọng và đã thực hiện mong ước ấy để trả ơn cho Yong Goo.
Thời gian qua đi, đứng trước tình phụ tử thiêng liêng của Yong Goo và Ye Sung, cả năm tên tội phạm dần cảm động và tìm cách để bao che cho hai bố con được gặp mặt tại buồng giam.
Sống với thân phận bị dè bỉu và tồn tại ở môi trường bị xem là đáy xã hội, tập thể phạm nhân phòng giam số bảy lại sở hữu tấm lòng lương thiện, biết tức giận trước tội ác ấu dâm và biết mủi lòng trước nỗi đau của hai cha con nhà họ Lee.
Nhờ trái tim vẫn còn đập vì công lý và sự nhân đạo ấy, họ trở thành bạn bè cũng như luôn sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau khi cần.
Bốn người bạn tù và cô bé Ye Sung đã dạy cho Yang Ho cách đọc, viết chữ, họ tập trung lại thành một nhóm mỗi khi giờ học diễn ra. Mặc dù tỏ vẻ mất kiên nhẫn với sự chậm chạp của Yang Ho song mọi người đều thấu hiểu và một lòng hỗ trợ gã giang hồ hết mình.
Vốn là những cá nhân khác biệt, họ dần đắm chìm với niềm hạnh phúc lẫn đau buồn trước nỗi đau khổ chung. Điều này thể hiện qua phân cảnh Ye Sung cho Bong Shik mượn điện thoại để gọi người vợ mới sinh và tất cả các thành viên còn lại trong phòng giam liên tục quây quanh Bong Shik để lắng nghe tin tức mới từ vợ hắn ta.
Họ cười rạng rỡ khi hay tin vợ Bong Shik đã vượt cạn an toàn và thậm chí còn giúp Bong Shik đặt tên cho con mình dù cái tên không mấy mỹ miều.
Trong những phân đoạn khi sáu người bạn thân thiết tập trung suy luận về vụ án của Yong Goo đồng thời soạn thảo bản khai báo, tập luyện cho anh trước ngày diễn ra phiên toà tái thẩm, người xem cũng dễ dàng nhận thấy được tình bạn cao thượng và tình người thiêng liêng giữa chốn ngục tù vô vọng này.
Thông qua tác phẩm Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7, khán giả có thể thấu hiểu rằng đôi khi những kẻ trông tàn nhẫn, có địa vị thấp kém lại tốt bụng, chân thành trong khi những người nhìn lịch thiệp, nho nhã lại xảo trá, nhẫn tâm.
Phép màu đâm chồi từ nơi tận cùng của đáy xã hội
Trong quan niệm của con người, nhà tù là nơi tận cùng của đáy xã hội bởi nơi đó chứa những tên tội phạm man rợ và chôn vùi niềm hy vọng của biết bao số phận lỡ lầm. Hầu hết mọi người đều sợ phải thụ án tù vì bước vào môi trường ấy thì xem như cuộc đời kết thúc hoàn toàn.
Thế nhưng, dưới góc nhìn sắc bén của đạo diễn Lee Hwan Kyung được thể hiện qua tác phẩm, ông đã gửi gắm một thông điệp vô cùng ý nghĩa về phép màu kỳ diệu hay niềm hy vọng “đâm chồi” từ chốn lao tù khắc nghiệt.
Phép màu ấy bắt đầu từ khoảnh khắc Yong Goo trở thành bạn của những phạm nhân sống chung phòng giam.
Đối với người cha yêu thương con và đang tuyệt vọng với nỗi nhớ con ngập ngụa, sự xuất hiện của Ye Sung chính là món quà giúp anh lấy lại tinh thần, khát vọng sống trong vòng lao lý.
Việc Ye Sung trốn ở thùng carton rồi bất ngờ đứng lên từ những chiếc bánh tượng trưng cho phép màu “nảy nở” từ hoàn cảnh vô vọng nhất. Cô bé là món quà của Thượng đế, là hiện thân mang đến niềm vui cũng như khơi gợi sự trắc ẩn thẳm sâu nơi trái tim của các tù nhân.
Yong Goo không còn khả năng chăm sóc, lo lắng cho Ye Sung kể từ khi bước vào tù và việc được gặp gỡ, được ôm ấp con gái vào lòng tưởng chừng như là điều kỳ diệu chỉ xuất hiện trong giấc mơ thì bạn anh lại biến nó thành hiện thực ngay tại phòng giam số bảy này.
Ở buồng giam ấy, nhiều “phép màu” đã lần lượt diễn ra, nó trở thành nơi chứng kiến niềm vui của các nhân vật khi họ gặp được bất kỳ điều may mắn hay sự kiện hạnh phúc nào đó.
Mặc dù bối cảnh bộ phim có phần ngột ngạt, buồn bã song nhờ sự hài hước và những niềm hy vọng không bao giờ vụt tắt được thể hiện xuyên suốt mà tác phẩm trở nên tươi sáng, ấm áp hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó thì tình bạn giữa Yong Goo và sở trưởng Min Hwan cũng là phép màu khó tin giữa đời thực khi phạm nhân và cảnh sát lại có mối quan hệ bạn bè thân thiết với nhau.
Min Hwan bí mật giúp Yong Goo gặp Ye Sung, truy xét lại vụ án của Yong Goo đồng thời xin phép cục trưởng mở phiên toà tái thẩm để giải oan cho Yong Goo.
Những điều kỳ diệu này được tạo nên bởi chính các nhân vật sở hữu tấm lòng nhiệt thành, họ gieo niềm hy vọng, gieo “phép màu” ở nơi tưởng chừng như “cằn cỗi” tình người mà không đòi hỏi bất kỳ sự đền đáp gì.
Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 sở hữu những thước phim tuyệt mĩ và âm thanh sống động
Kỹ xảo hình ảnh và âm thanh là hai nhân tố không thể thiếu góp phần hoàn thiện bất kỳ tác phẩm điện ảnh nào và Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 cũng không phải là ngoại lệ.
Với sự đầu tư công phu, tỉ mỉ, tác phẩm đã chạm đến trái tim giới mộ điệu và thành công ghi dấu ấn trong lòng họ một cách bền vững.
Các thước phim đầy hoài niệm của Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7
Lấy bối cảnh vào năm 1997, Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 hiện lên với những thước phim xưa cũ, đầy hoài niệm, khơi gợi cho khán giả về một thời điện ảnh huy hoàng đã qua.
Với cốt truyện về tình cảm gia đình, bạn bè, nhà sản xuất đã sử dụng tông màu ấm xuyên suốt bộ phim nhằm giúp cho người xem dễ dàng cảm nhận được sự ấm áp, gần gũi trong mối hệ giữa các nhân vật.
Nhờ sự thông minh trong việc phối hợp màu sắc của phim mà Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 không hề lạnh lẽo, đơn điệu dù các phân cảnh diễn ra hầu hết ở trại giam mà ngược lại thì bộ phim vẫn tràn đầy niềm tin và hy vọng.
Bên cạnh đó, hiệu ứng ánh sáng (glow effect) được áp dụng vừa có tác dụng giúp cho phần nhìn của phim mỹ mãn hơn vừa bộc lộ ý đồ của đạo diễn rằng các nhân vật xuất hiện cùng hiệu ứng ấy được xem như thiên thần với lòng trắc ẩn của họ.
Trong Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7, có thể nói phân cảnh Yong Goo và Ye Sung đứng trên khinh khí cầu và bay lơ lửng trên không là phân đoạn đẹp nhất của bộ phim.
Hình ảnh bầu trời hoàng hôn đầy tự do, chiếc khinh khí cầu với màu sắc rực rỡ như tô vẽ lên bức tranh đẹp đẽ về tình phụ tử, sự giải thoát và sự trong sạch của Yong Goo.
Mỗi một tác phẩm điện ảnh đều sở hữu bảng màu riêng phù hợp với thể loại, kịch bản và các nhà làm phim đã gặt hái thành công khi sáng tạo nên một bảng màu gần gũi, cổ xưa mà độc đáo cho Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7.
Âm thanh sống động trong Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7
Dự án phim điện ảnh Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 là đại diện tiêu biểu cho việc sử dụng âm nhạc trọn vẹn, đủ sức làm tác phẩm trở nên sống động hơn mà không cần phải lồng ghép nhiều hiệu ứng âm thanh không cần thiết.
Hàng loạt bản nhạc piano du dương do Lee Dong Jun trình bày được kết hợp tỉ mỉ với các phân cảnh nhằm đưa cung bậc cảm xúc giới mộ điệu lên cao, khiến họ dường như vui hơn với những phân đoạn vui vẻ và cũng trầm lắng hơn trước những cảnh quay đau buồn.
Trong số các nhạc phẩm nổi bật của bộ phim, bản hợp ca Angel’s song là nhạc phẩm có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển tải thông điệp về niềm tin cuộc sống.
Bản hợp ca thánh thót Angel’s song
Với các bản nhạc trầm bổng, êm ái ấy, bộ phim đã giành được hai đề cử cho giải thưởng Nhạc phim xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Đại chung lần thứ năm mươi và Lễ trao giải Điện ảnh Rồng xanh lần thứ ba mươi bốn.
Chỉ vỏn vẹn hai tiếng và bảy phút đồng hồ, Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 đã thành công đưa người xem vào thế giới của tác phẩm với phần hình ảnh, âm thanh chỉn chu của mình.
Dàn diễn viên tạo nên sức sống cho câu chuyện cảm động trong Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7
Sức hút của Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 đến từ rất nhiều nhân tố, trong đó nổi bật nhất là màn hoá thân xuất sắc của dàn diễn viên thực lực.
Nhờ kỹ năng diễn xuất tuyệt vời và thái độ chuyên nghiệp, họ đã giúp nhân vật của mình trở thành “linh hồn” tạo nên sức sống mãnh liệt cho tác phẩm.
Người cha khiếm khuyết và màn thể hiện xuất chúng của Ryu Seung Ryong
Ryu Seung Ryong là nam diễn viên gạo cội của nền điện ảnh Hàn Quốc, trước khi tham gia dự án Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7, anh đã góp mặt trong nhiều bộ phim và gặt hái được những thành tích nhất định.
Đến với tác phẩm này, Seung Ryong được trải nghiệm với vai diễn có độ khó cao khi nhân vật Yong Goo bị khiếm khuyết về trí tuệ và phải trải qua vô vàn cung bậc cảm xúc.
Để thể hiện nhân vật của mình, Seung Ryong phải nắm vững cử chỉ, thấu hiểu tâm lý của một người thiểu năng cũng như cảm nhận được tình cha và nỗi đau chia cách với con gái mà Yong Goo phải gánh chịu.
Bằng sự tài hoa và không ngại “lăn xả”, nam diễn viên đã có màn hoá thân tuyệt vời khi mỗi một hành động, nét mặt của anh đều lột tả chính xác tính cách, cảm xúc nhân vật.
Nhờ sự thành công của vai diễn mà Seung Ryong đã giành được hàng loạt giải thưởng danh giá như Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Baeksang Arts Awards lần thứ bốn mươi chín, Lễ trao giải Đại chung lần thứ năm mươi và Lễ trao giải Điện ảnh Rồng Xanh lần thứ ba mươi bốn.
Kỹ năng diễn xuất nổi bật của thần đồng nhí Kal So Won với vai diễn Ye Sung
Bên cạnh màn trình diễn xuất thần của Ryu Seung Ryong thì Kal So Won, nữ diễn viên nhí thủ vai Ye Sung cũng là nhân tố gây bất ngờ đối với giới mộ điệu.
Mặc dù vào thời điểm tham gia bộ phim thì So Won chỉ mới bảy tuổi song cô bé lại có kỹ năng diễn xuất đáng nể. Sự thông minh trong cách thể hiện nét mặt và nắm bắt tâm lý nhân vật đã giúp So Won hoá thân một cách thành công.
Tài năng không đợi tuổi tác là yếu tố hỗ trợ Kal So Won trở thành một Ye Sung bằng xương, bằng thịt và lấy đi sự cảm thông, thương xót của không biết bao nhiêu khán giả.
Thành quả xứng đáng cho cô bé xinh xắn là những giải thưởng cao quý như Nữ diễn viên mới xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Baeksang Arts Awards lần thứ bốn mươi chín và Lễ trao giải Đại chung lần thứ năm mươi.
Ngoài hai cha con nhà họ Lee ra thì dàn nhân vật phụ được thể hiện bởi các diễn viên thực lực cũng góp phần giúp Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 sống động hơn.
Một số diễn viên thậm chí còn đạt giải thưởng lớn như Park Shin Hye với giải thưởng Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Baeksang Arts Awards lần thứ bốn mươi chín và Lễ trao giải phê bình phim của Hội đồng phim Hàn Quốc lần thứ ba mươi ba.
Nam diễn viên Oh Dal Su cũng giành các giải thưởng nổi bật là giải thưởng Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Baeksang Arts Awards lần thứ bốn mươi chín, Lễ trao giải Đại chung lần thứ năm mươi và Liên hoan phim vàng lần thứ ba mươi bốn.
Sự đón nhận của giới phê bình và công chúng dành cho Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7
Với cốt truyện cảm động lòng người, thông điệp sâu sắc, ý nghĩa và dàn diễn viên tài hoa, xuất chúng, Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 đã thành công chinh phục trái tim giới mộ điệu ở mọi lứa tuổi và ở khắp nơi trên toàn thế giới.
Trong hai tuần công chiếu đầu tiên, tác phẩm đã thu hút 4,6 triệu người xem phim dựa trên sức mạnh của việc truyền miệng. Sau năm mươi hai ngày công chiếu, Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 đã trở thành bộ phim Hàn Quốc có doanh thu cao thứ năm mọi thời đại với số vé bán ra lên đến 12,32 triệu.
Trên các chuyên trang đánh giá phim như IMDB, Rotten Tomatoes, Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 đã nhận được sự quan tâm, ưu ái từ khán giả khi số điểm IMDB đạt 8.3/10 và đạt 89%/100% trên Rotten Tomatoes.
“Đây chắc chắn là một trong những bộ phim Hàn Quốc hay nhất! Tràn ngập tiếng cười xen lẫn nước mắt. Đúng vậy, bạn sẽ cần phải chuẩn bị một hộp khăn giấy bởi càng đi đến hồi kết thì tác phẩm càng cảm động… và không phải chỉ khóc một lần duy nhất đâu. Một bộ phim vừa hài hước vừa cuốn hút từ đầu đến cuối, dễ dàng chiếm trọn trái tim của khán giả và được thực hiện cực kỳ công phu. Một viên ngọc quý báu.”
Không chỉ “công phá” phòng vé, chuyên trang, dự án phim điện ảnh còn “oanh tạc” khắp các mặt trận trao giải, đạt được vô số giải thưởng nổi bật như Bộ phim hay nhất tại Lễ trao giải Baeksang Arts Awards lần thứ bốn mươi chín và Bộ phim được yêu thích nhất tại Lễ trao giải Điện ảnh Rồng xanh lần thứ ba mươi bốn.
Giá trị của Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 còn được thể hiện qua việc nhiều quốc gia đã mua bản quyền và làm lại tác phẩm mới như Ấn Độ với tựa đề Pushpaka Vimana vào năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ với 7. Koğuştaki Mucize vào năm 2019 và Philippines, Indonesia với tựa đề cùng tên bản gốc.
Sự đón nhận nồng nhiệt của giới phê bình và công chúng dành cho Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 là minh chứng cho giá trị nhân văn bất diệt của dự án phim điện ảnh đặc sắc này.
Bích Thuỳ
Bích Thùy
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất