Nhắc tới dòng văn học thiếu nhi Việt Nam, Nguyễn Nhật Ánh luôn là cái tên quen thuộc gắn liền với nhiều tựa sách hay và được đông đảo bạn trẻ đón nhận. Bong bóng lên trời, được xuất bản cuối năm 2018, đây là một trong những tập truyện dài tiêu biểu cho giọng văn mộc mạc, chứa chan tình yêu thương của ông.
Giữa nhịp sống hối hả đời thường, Bong bóng lên trời là một nốt nhạc ngân khẽ, chậm rãi cuốn người đọc vào những giai điệu thiết tha. Nguyễn Nhật Ánh viết về cái khó giữa làng quê Việt Nam nhưng không khắc nghiệt mà ngược lại, tác phẩm đã làm nổi bật giá trị tình người ấm áp, cao cả.
Nguyễn Nhật Ánh cùng hành trình đưa những Bong bóng lên trời
Nguyễn Nhật Ánh sinh năm 1955, lớn lên từ ngôi làng Đo Đo tại Quảng Nam. Trong nền văn học Việt, ông là một trong những nhà văn thành công nhất khi viết về đề tài tuổi thơ và đối tượng thanh thiếu niên.
Tính tới thời điểm hiện tại, trên chặng đường sự nghiệp văn học, nhà văn đã cho xuất bản hơn 100 tác phẩm với nhiều thể loại và liên tục được tái bản trong nhiều năm liền.
Nguyễn Nhật Ánh mang niềm yêu thích và bén duyên với nghề viết từ nhỏ. Năm 13 tuổi, ông được đăng báo tác phẩm thơ đầu tiên. Trước khi trở thành một nhà văn chính thức, Nguyễn Nhật Ánh từng tham gia Thanh niên xung phong và đi dạy học trong những năm theo học chuyên ngành Sư phạm tại Sài Gòn.
Trong hơn 20 năm trở lại đây, nhà văn hướng ngòi bút tập trung vào thể loại văn xuôi. Đa số các tác phẩm đều khai thác sâu về đề tài tâm lý và đời sống của lứa tuổi thanh thiếu niên. Cột mốc năm 1984 đánh dấu cái tên Nguyễn Nhật Ánh xuất hiện trên văn đàn, với hai tác phẩm đầu tay là Thành phố tháng tư và Trước vòng chung kết.
Dù tập trung đi sâu vào đề tài thiếu nhi nhưng văn phong và mỗi câu chuyện mà Nguyễn Nhật Ánh chắp bút vẫn luôn được đông đảo bạn đọc ở mọi lứa tuổi đón nhận.
Lấy chất liệu từ những hình ảnh, câu chuyện của tuổi mới lớn, phong cách văn chương Nguyễn Nhật Ánh luôn truyền tải sự gần gũi, bình dị và chân thật. GS. TS Lê Huy Bắc đã nhận định rằng:
“Có thể nói, viết truyện thiếu nhi vốn đã khó nhưng để thành công như Nguyễn Nhật Ánh thì tiềm lực văn hoá có lẽ cần gấp bội phần khi viết các loại truyện cho những đối tượng khác. Nhà văn chứng tỏ được điều, thế giới con người dù già hay trẻ cũng đều cần chút “gia vị” tuổi thơ.”
Bạn đọc có thể dễ dàng bắt gặp những điểm chung quen thuộc trong một số tác phẩm nổi tiếng như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc hay Hạ đỏ. Đó là giọng văn mộc mạc, nhiều chi tiết về cuộc sống sinh hoạt thường nhật yên bình và điểm xuyến những mối tình trong sáng, thuần khiết của tuổi gà bông đáng yêu.
Với mỗi tác phẩm, Nguyễn Nhật Ánh đều đưa người đọc ngược dòng về không gian tuổi thơ đặc sắc. Đây chính là sự thành công, nét đặc trưng riêng của ông trong việc khéo léo truyền tải thông điệp đến trái tim độc giả. Nhà văn Lê Minh Khuê trên báo Tiền Phong đã nhận xét:
“Nguyễn Nhật Ánh trong sáng từ cách nghĩ, cách cảm, từ ngôn từ đối thoại, từ cách miêu tả đến xây dựng nhân vật. Tất cả đều đầy sức khơi gợi tới cái đẹp.”
Cùng với hàng loạt tựa sách bán chạy của nhà văn như Cây chuối non đi giày xanh, Lá nằm trong lá hay Đảo mộng mơ thì Bong bóng lên trời là một trong số tập truyện dài tiêu biểu mà bạn đọc theo dõi Nguyễn Nhật Ánh từ lâu không thể bỏ lỡ.
Cuốn sách cũng được chuyển thể thành bộ phim có cùng tên bởi đạo diễn Trọng Thịnh. Những trang sách Nguyễn Nhật Ánh dần bước lên màn ảnh và ghi lại một dấu ấn khó phai trong lòng mọi người.
Bong bóng mùa hè xoay quanh câu chuyện về cậu học sinh Thường, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải dối mẹ ra ngoài để mưu sinh bằng xe kẹo kéo.
Cũng chính từ đây, một tình bạn đẹp giữa Thường với cô bé bán bóng Tài Khôn được cơ duyên chắp nối ngay giữa góc chợ thiếu thốn. Hai đứa trẻ khó khăn về vật chất lại cùng nhau thắp sáng nên những ước mơ và hy vọng lấp lánh.
Có những số phận đáng thương giữa mảnh đất hiện thực mưu sinh
Mạch truyện mở đầu từ sự ra đi của chú Phong, bố cậu bé Thường và đây cũng là nút thắt chính cho những tình tiết về sau. Người đọc nhớ về một gia đình với hoàn cảnh chẳng mấy khá giả song lại ấn tượng hơn bởi sự hy sinh dũng cảm và gan dạ của chú khi lao mình bắt cướp.
Giữa cuộc sống lao động tay chân, chú Phong bước ra từ trang viết Nguyễn Nhật Ánh vừa chân chất, đôn hậu vừa khiến bạn đọc đồng cảm và yêu thương. Tuy nhiên, tất cả thuộc về người đàn ông ấy chỉ còn ở trong kí ức của mẹ Thường mỗi khi nhớ về chồng.
“Bà sẽ không bao giờ còn nhìn thấy ông mệt mỏi trở về nhà sau một ngày lao động vất vả, tay chân dính đầy vôi vữa nhưng nụ cười tươi tắn và hiền lành vẫn luôn nở trên môi. Bà cũng sẽ không bao giờ thấy lại cảnh bé Nhi lục tung các túi áo túi quần của ba nó để tìm cho bằng được gói kẹo ông giấu ở đâu đó.”
– Bong bóng lên trời
Mẹ Thường là bà Tuệ, một nhà giáo cấp ba đồng thời là lao động chính trong nhà. Ngày quay cuồng với công việc, chiều tối đi dạy thêm, nửa đêm ngồi soạn giáo án và mỗi lần đi vào giấc ngủ thì người lại trằn trọc. Một phần thương con, một phần không kìm được nước mắt, thao thức nhớ chồng.
Một gia đình lao động như bao gia đình khác, tuy nghèo khó nhưng lại hạnh phúc, sum vầy. Sự ra đi đột ngột của người chồng khiến mọi thứ ập đến gian nan hơn gấp trăm lần. Thường vì thương mẹ mà cũng lo âu không kém, cứ canh lúc nửa đêm để âm thầm chong đèn chấm dở những bài tập giúp bà.
“Thường thu hết can đảm cầm lên cây viết đỏ trên bàn và bắt đầu chấm tiếp xấp bài dang dở của mẹ. Anh nhủ bụng: cũng may là mẹ dạy toán, chứ nếu mẹ dạy văn, hẳn mình sẽ không dám bịa ra những lời phê trên bài tập của học sinh!”
– Bong bóng lên trời
Giữa bao khó khăn mà gia đình Thường đang phải đối mặt, Nguyễn Nhật Ánh đã viết về những niềm vui nhỏ của cậu một cách ấm áp đến kỳ lạ . Cũng vì thế mà tính cách của nhân vật chính được miêu tả với từng biến chuyển nhanh chóng, Thường giàu tình yêu thương và nhạy cảm hơn trước những gì xảy ra xung quanh mình.
Nếu Còn chút gì để nhớ khắc họa Chương với những hình ảnh hồn nhiên, tinh nghịch hay Quỳnh trong Thằng quỷ nhỏ thì Thường ở Bong bóng lên trời được Nguyễn Nhật Ánh miêu tả có phần trưởng thành hơn so với lứa tuổi.
Thường luôn chủ động kiếm việc làm thêm để phụ giúp gia đình, cậu đi bán kẹo kéo, nói dối mẹ là đi dạy thêm và muốn tập trung nhiều hơn cho việc học thật tốt ở trường.
“Khi tiếng kẻng báo giờ chơi vang lên, Thường lại đâm ra lúng túng. Anh hồi hộp không biết lát nữa đây, khi lũ trẻ con ùa ra, anh sẽ phải nói năng và bán chác với chúng như thế nào. Cũng không biết chúng có sẽ mua kẹo của anh không.”
– Bong bóng lên trời
Nguyễn Nhật Ánh đi sâu vào tâm lý nhân vật, một chàng trai vừa có nét dũng cảm, trưởng thành lại vừa đủ sự lúng túng, sợ sệt của trẻ con. Thường không như bọn trẻ khác, cậu bị chính hoàn cảnh buộc mình phải lớn, từ đó lại ánh lên bao tính cách khiến người đọc ngưỡng mộ và thương cảm.
Cùng với anh, số phận những người lao động vỉa hè cũng được nhà văn khắc hoạ một cách tinh tế và khéo léo. Từ cô bé bán bong bóng đứng cạnh xe nước mía đến bà bán bánh kẹo ngồi cạnh bà bán đồ chơi trẻ em.
Ngoài ra còn có cả một chú lớn tuổi đeo toòng teng trước ngực với những chiếc trống tí hon. Tất cả những hình ảnh ấy đều phơi bày hiện thực của một cuộc sống mưu sinh đầy vất vả và khó khăn.
Trong số những kiếp người ấy, Tài Khôn xuất hiện với một chùm bóng trên tay. Đó là cô bé mười bốn tuổi, có hoàn cảnh éo le hơn cả Thường, tuy ăn mặc xoàng xĩnh nhưng vẫn đem đến cho người khác cảm giác gọn gàng và sáng sủa.
Dù bôn ba, trải đời từ sớm nhưng mỗi khi cười, gương mặt cô bé lại hiện lên nét vô cùng thuần khiết, đáng yêu. Những ngày đầu gặp Thường, Tài Khôn còn mang một quả bóng xanh đến chủ động làm quen.
“Anh bán cho em một khúc kẹo!”
– Bong bóng lên trời
Trên mỗi trang viết của Nguyễn Nhật Ánh, hiện thực mưu sinh không còn là kiếp nạn trần trụi, lam lũ mà trở nên mộc mạc, gần gũi và ấm áp tình người. Bạn đọc tìm đến những tác phẩm ấy không chỉ được sống cùng những cảm xúc chân thành mà còn được chữa lành bởi thứ tình cảm trong sáng, thanh thuần đáng quý.
Bong bóng lên trời cùng những tình yêu vô giá
Ngòi bút quen thuộc của Nguyễn Nhật Ánh luôn hướng đến tình cảm gia đình, sự đoàn kết yêu thương và cái nôi trưởng thành của những đứa trẻ. Bong bóng lên trời cũng vậy, đó là tình mẫu tử cao quý nhưng thầm lặng.
Mẹ Thường vì thương con nên dù mang bệnh viêm phế quản kinh niên vẫn hết mình kiếm từng đồng qua ngày. Thường hiểu chuyện, tinh ý và luôn là một cậu bé sẵn sàng sẻ chia. Cậu yêu mẹ, thương Nhi, từ đó mong muốn gánh vác gia đình trở nên lớn hơn bao giờ hết.
Thường có tự tôn của đứa trẻ mới lớn nhưng vẫn không vì thế mà ngại ngùng với Thuỷ Tiên, bạn cùng lớp một lần thấy cậu bán kẹo hay cả Tài Khôn lúc nào cũng dè bỉu da mình quá trắng.
“Con trai gì mà da trắng như trứng gà bóc! Con trai phải có nước da đen đen như vầy mới đẹp nè! – Vừa nói Tài Khôn vừa chìa cánh tay ra.”
– Bong bóng lên trời
Giữa cái nắng hè ban trưa, những gánh hàng rong hai bên đường cạnh trường Tiểu học vẫn chen chúc với nhiều món hàng có giá vài trăm đồng bạc lẻ. Tình bạn thân thiết của Thường và Tài Khôn như một bông hoa nhỏ xua đi những kiếp mưu sinh nhọc nhằn, đó chính là điểm sáng trong trẻo khó quên của toàn mạch truyện.
Tài Khôn thông minh, nhanh nhẹn và hoạt bát. Cô bé luôn chủ động trò chuyên với Thường, luôn nói những câu hài hước khiến mỗi ngày mưu sinh bỗng trôi đi thật nhanh. Tình cảm đơn thuần ấy cứ lớn dần lên, cô ở nhà vì sốt rét cũng đã khiến cậu trông ngóng không thôi. Tài Khôn biến mất như những chùm bóng bay vút lên trời.
“Anh đã quen nhìn thấy vóc dáng nhỏ nhắn quen thuộc của cô bé, quen với lối trò chuyện tinh nghịch nhí nhảnh của cô. Vậy mà cô lại biến mất. Thiếu cô, khung cảnh dường như bớt huyên náo hơn, và cũng buồn tẻ hơn.”
– Bong bóng lên trời
Những mẫu đối thoại tự nhiên, mỗi cuộc gặp gỡ tình cờ lại khiến tình bạn ấy trở nên khăng khít đến lạ. Hai đứa trẻ thiếu thốn lại sẵn lòng giúp đỡ nhau giữa cái đói, cái ốm khi mà bệnh viện và thuốc thang bỗng trở thành thứ xa xỉ.
Chính sự lạc quan, hồn nhiên của Tài Khôn đã động viên Thường gạt qua những khó khăn trong lần đầu bước ra cuộc sống, lao động mưu sinh. Tấm lòng đáng quý của Thường là một niềm an ủi, đồng hành cùng cô khi phải mang gánh nặng gia đình ở độ tuổi quá bé nhỏ.
Giữa nhịp sống vội vã ấy, giọng văn của Nguyễn Nhật Ánh không phơi bày thực trạng xã hội bằng sự sắc sảo mà lại khéo léo miêu tả cuộc sống, từ đó làm nổi bật lên những tình cảm đẹp của con người. Tình bạn trong sáng xuyên suốt mạch truyện ấy chính là cầu nối chạm đến trái tim người đọc, nhẹ nhàng khơi dậy những lòng trắc ẩn và yêu thương.
Chắp cánh những ước mơ lấp lánh bay đến trời cao
Vốn dĩ cuộc sống lao động không bao giờ bằng phẳng ấy vậy mà, trong đôi mắt vô ưu và lạc quan của hai đứa trẻ lại trở nên đẹp đẽ một cách lạ thường. Ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh không để nhân vật mình bỏ cuộc, chấp nhận thực tại, chúng vẫn nhen nhóm những hy vọng vượt lên số phận bằng sự tích cực và năng lượng của tuổi thiếu niên.
Thường, Tài Khôn và chúng ta đều thấy lòng mình nhẹ bẫng, lâng lâng lạ lùng trong khoảnh khắc chùm bong bóng lượn lờ nhấc mình lên khỏi mặt đất đầy bụi bặm để đến một vùng trời xanh thẳm. Vì chúng đang chở ước mơ của hai đứa nhỏ bay lên cao, rời xa chốn thực tại éo le không ai muốn bước vào.
“Em cũng đáng yêu như những mơ ước của em vậy!”
– Bong bóng lên trời
Tài Khôn ước mình trở thành bác sĩ để cứu những người nghèo, không có tiền chữa bệnh giống cô và mong có thể tiếp tục bán bong bóng cho những đứa trẻ nhỏ. Mong muốn đơn thuần của cô bé vừa đáng yêu, vừa ánh lên những hy vọng cao cả, đầy tình thương ấm áp.
Còn Thường, anh ước cuộc sống gia đình đỡ khó khăn, Tài Khôn gặp nhiều may mắn và luôn là người bạn tốt của mình. Mỗi niềm tin bình dị ấy không chỉ là chút ước mơ cứu cánh mà còn xuất phát từ một ý chí đáng khâm phục của những đứa trẻ thiếu thốn mọi bề.
Những quả bóng bay lên trời là nơi gửi gắm hoài bão của chúng, với tất cả kỳ vọng về một ngày tốt đẹp không xa. Cốt truyện đơn giản, chậm rãi nhưng vẫn đủ để đọng lại dư âm trong lòng bạn đọc về sự hồn nhiên, trong trẻo và từng giá trị tình cảm đơn thuần đẹp đẽ.
Mỗi chùm Bong bóng lên trời chở đầy mơ ước và khát khao đã đặt niềm tin hy vọng vào một ngày, những đứa trẻ đáng yêu như Tài Khôn và Thường rồi cũng sẽ chạm đến cuộc sống tươi đẹp mà các em từng mong muốn.
Tiểu My
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất