Chuyện cổ tích dành cho người lớn là tập truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bởi sự khắc họa thâm thúy mà không kém phần hóm hỉnh về thế giới người lớn. Bằng giọng văn vô cùng đặc biệt, tác giả đã đưa người đọc đi hết những cung bậc cảm xúc trong cuộc sống và từ đó sáng lên những bài học rất ý nghĩa.
Tác giả Nguyễn Nhật Ánh và tác phẩm Chuyện cổ tích dành cho người lớn
Nguyễn Nhật Ánh sinh năm 1955 tại Quảng Nam, ông là một trong những nhà văn đương đại nổi tiếng nhất tại Việt Nam, đặc biệt là với các bạn đọc trẻ.
Nguyễn Nhật Ánh được coi là nhà văn viết cho tuổi thơ, tuổi mới lớn với hơn một trăm tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau và rất nhiều trong số đó đã được chuyển thể thành phim, nổi bật trong đó phải kể đến các truyện dài như Mắt biếc, Cô gái đến từ hôm qua, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và bộ truyện Kính vạn hoa cùng rất nhiều tác phẩm khác.
Trước ghi gắn bó với nghề viết, Nguyễn Nhật Ánh từng có thời gian làm giáo viên, năm 13 tuổi, tác phẩm của ông đã lần đầu được đăng báo nhưng phải đến năm 1984, khi truyện dài đầu tiên Trước vòng chung kết được xuất bản, độc giả mới thực sự biết đến tên tuổi của nhà văn.
Ông nhận được nhiều giải thưởng về văn học và trở thành gương mặt quen thuộc của văn học Việt Nam đương đại, các tác phẩm của nhà văn luôn thu hút người đọc bởi lối viết giản dị, giọng văn hóm hỉnh mà sâu sắc.
Những câu chuyện của tác giả đầy khắc khoải và bồi hồi, phần lớn được xây dựng trên nền vùng quê đầy nắng gió gắn liền với tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh, đã in đậm trong tâm khảm của những người yêu văn chương qua nhiều thập kỉ.
Từ đó, những cái tên như Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Còn chút gì để nhớ, Chuyện xứ Lang Biang cùng với nhiều tác phẩm khác vẫn mãi nâng giấc cho những tâm hồn mộng mơ, trong sáng.
Tuy nhiên, cũng không sai khi nói rằng những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh không chỉ dành cho những tâm hồn mới lớn bởi những bài học thâm thúy, đầy ý nghĩa chưa bao giờ vơi cạn trong những tác phẩm của nhà văn, trong đó, chắc chắn không thể không kể đến tác phẩm Chuyện cổ tích dành cho người lớn
Ở tác phẩm, người đọc không còn thấy giọng văn lơ đễnh buồn của tác giả cũng chẳng còn bắt gặp những nhân vật lặng lẽ ôm mối tình thầm nữa, thay vào đó, hai mươi truyện ngắn trong tác phẩm là những mảnh chuyện đời thường của cuộc sống hôn nhân gia đình với nỗi lo cơm áo gạo tiền và thậm chí là cãi vã ở thế giới người lớn.
Đồng thời, ta cũng không còn thấy một Nguyễn Nhật Ánh với giọng văn man mác, dịu dàng nữa mà là một cây bút với lối viết hóm hỉnh, trào phúng sâu cay.
Thế giới người lớn trong những câu chuyện cỏn con
Chuyện cổ tích có lẽ là một cụm từ đầy tính trào lộng và ẩn ý sâu sắc của nhà văn khi đặt tên cho bộ truyện ngắn, bởi khác hoàn toàn với những gì người ta có thể tưởng tượng, hai mươi chuyện ngắn của Nguyễn Nhật Ánh đã diễn tả những khía cạnh đầy chân thực của cuộc sống đời thường, nơi chẳng có phép màu nào và mỗi người đều phải tự đấu tranh cho hạnh phúc của bản thân.
Những mẩu truyện cổ tích được viết trong cuốn sách đôi khi vụn vặt và vô lí đến mức khó chịu nhưng hóa ra lại là câu chuyện đã trở đi trở về trong cuộc sống của ta không ít lần. Ai có thể tưởng tượng nổi một con ruồi lại là nguyên nhân của một cuộc li dị?
Vậy nhưng, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với lối viết đầy khéo léo đã biến tấu câu chuyện thoạt nghe đã thấy phi lý ấy trở nên hợp lý vô cùng, từ việc có một con ruồi rơi vào cốc sữa mà sau đó kéo theo đủ bao nhiêu trách móc, hậm hực bị dồn nén của hai vợ chồng bấy lâu.
“Cứ như thế, như có ma xui quỉ khiến, hai vợ chồng thi nhau lôi tuột những chuyện đời xửa đời xưa của nhau ra và thay nhau lên án đối phương, không làm sao dừng lại được… Chúng tôi mải mê vận dụng trí nhớ vào việc lùng sục những khuyết điểm tầng tầng lớp lớp của nhau. Và thật lạ lùng, có những chuyện tưởng đã chìm lấp từ lâu dưới bụi thời gian, tưởng không tài nào nhớ nổi, thế mà bây giờ chúng lại hiện về rõ mồn một và chen nhau tuôn ra cửa miệng.”
– Chuyện cổ tích dành cho người lớn
Thế rồi cả hai đi đến quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân mà họ cho rằng đã sai ngay từ đầu nhưng trớ trêu thay, sức chịu đựng của con người có hạn còn những nhầm lẫn đôi khi là vô hạn, sẽ luôn có những quyết định mà khi đưa ra rồi mới phát hiện đó là sai lầm thì đã quá muộn.
Như trong câu chuyện kể trên, khi tờ đơn li hôn đã được viết xong “với tốc độ 100km/giờ” và kí cốp đâu vào đó, anh chồng kia mới nhận ra rằng con ruồi, nguyên nhân của cuộc li hôn chỉ là một mẩu lá trà.
“Cuộc đời cứ như xi-nê-ma, nhưng biết làm thế nào được!”
– Chuyện cổ tích dành cho người lớn
Phải vậy, cuộc đời cứ như những bộ phim và câu chuyện mà ta không thể lường trước được hồi kết.
Trong những truyện ngắn của mình, Nguyễn Nhật Ánh đưa người đọc đi hết bao hỉ nộ ái ố, những mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn rất đời thường của con người nhưng vẫn không mất đi sự thu hút duyên dáng của văn chương bằng những câu văn sâu cay, đầy suy ngẫm.
“Gia tài ta chẳng có gì ngoài vợ nên từ đó đâm ra sợ vợ mà thành tật. Nay, tính can vợ bỏ bài bạc hoài mà không được, ta lại ngẫm ra “nếu cứ sợ cái không đáng sợ ắt sẽ hại cái không đáng hại”. Ôi, phải chăng vì yêu vợ mà ta hại vợ? Hỡi các ông chồng đứng đắn giống như ta, hãy trả lời! Sợ vợ, lợi hay hại?”
– Chuyện cổ tích dành cho người lớn
Người đọc dễ dàng bắt gặp bản thân ở một chi tiết nhỏ, một câu văn hay một nhân vật nào đó trong câu chuyện và có lẽ, cũng chỉ có người lớn, những người đang sống trong một thế giới lớn lao nhưng vẫn bị níu chân bởi những điều bình thường đến tầm thường mới có thể đồng cảm với nỗi lòng của các nhân vật trong truyện đến thế.
Ở thế giới ấy, câu chuyện không kết thúc bằng dòng chữ hạnh phúc mãi mãi về sau cũng không hề có những hoàng tử, công chúa hay phù thủy độc ác, chỉ có chính con người chúng ta đang đi lại giữa lằn ranh của cái Tốt và cái Xấu, dưới chân là bao điều nhỏ nhặt nhưng đem lại hệ quả lớn lao.
Phép màu vẫn luôn hiện hữu trong Chuyện cổ tích dành cho người lớn
Dẫu biết rằng cuộc sống không như những câu chuyện cổ tích luôn chỉ có kết thúc có hậu nhưng có lẽ, cuộc sống sẽ đẹp hơn nếu chúng ta luôn biết cố gắng vì nhau, bởi dù cuộc sống luôn đẩy ta vào những lựa chọn khó khăn, ta vẫn luôn có quyền lựa chọn để trở nên tốt hơn mỗi ngày.
“ Muốn trở thành người tốt cũng cần phải cố gắng. Như mình đang cố gắng để chiếc ly thật đầy. Ðầy đến mức phải sắm thêm những chiếc ly khác nữa!”
– Chuyện cổ tích dành cho người lớn
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã khéo léo lồng ghép những bài học đầy ý nghĩa về cách ứng xử giữa người với người cũng như trong các mối quan hệ gia đình, xã hội.
“Trong nỗi xúc động dạt dào đó, tôi bỗng hiểu ra cuộc sống thật là đáng yêu và vun đắp hạnh phúc gia đình không phải là một việc khó lắm nếu như ta biết quan tâm đến người cùng chung sống hơn là chỉ bo bo nghĩ đến bản thân mình. Và như vậy có nghĩa là viên ngọc kỳ diệu kia, thực sự nó không hề mất đi, nhưng thay vì ở trong miệng thì bây giờ lại nằm trong lồng ngực tôi và đang đập một cách khoan thai. Cái viên ngọc ấy cặp vợ chồng nào cũng có, nó được cấu thành bởi những hợp chất như nhau và đang mách bảo cho chúng ta những điều khôn ngoan trong cuộc sống.”
– Chuyện cổ tích dành cho người lớn
Đôi khi vở kịch cuộc đời yêu cầu ta diễn nhiều vai diễn khác nhau, có người trở thành các ông chồng ích kỷ và lười biếng, những bà vợ ghen tuông vô lý và có nhiều đứa trẻ lại trở nên khéo léo, biết suy nghĩ hơn cả những người trưởng thành.
Dù vậy với thiên chức của nhà văn là “nâng đỡ những cái tốt để trong đời có nhiều công bằng, thương yêu hơn”, Nguyễn Nhật Ánh vẫn cẩn thận gói ghém những bài học cuộc sống sâu sắc trong từng mẩu truyện.
Chuyện cổ tích dành cho người lớn mang đến cho người đọc những phút giây hài hước, những câu chuyện đời thường cùng bao hoàn cảnh trớ trêu được biến hóa đầy thú vị, từ đó, độc giả cũng rút ra được những bài học cuộc sống tuy giản dị mà đầy tính nhân văn.
Ngòi bút của Nguyễn Nhật Ánh một lần nữa khiến người đọc ngỡ ngàng bởi sự độc đáo, hóm hỉnh mà không kém phần tinh tế. Bằng cách đó, những câu chữ của tác giả đã đi sâu vào tâm hồn người đọc và để lại dấu ấn khó quên.
Tuệ Anh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất