Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời là cuốn tiểu thuyết được viết bởi Haruki Murakami, xuất bản năm 1992. Như những cuốn tiểu thuyết khác của tác giả, Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời chứa đựng nhiều tầng sâu suy ngẫm, đi sâu vào góc khuất trong tâm hồn mỗi nhân vật.

Trong tác phẩm này, người đọc vẫn bắt gặp cách hành văn quen thuộc với ngôn từ đơn giản, cách diễn đạt tâm lý nhân vật rõ ràng, mạch lạc cùng vẻ đẹp bí ẩn trong nội dung.

Ngay từ tựa đề Haruki Murakami đã đem đến sự tò mò cho người đọc khi đặt ra sự đối lập, “phía Nam biên giới” được lấy cảm hứng từ ca khúc nhạc jazz South of the Border, còn “phía Tây mặt trời” gắn liền với chứng cuồng loạn Siberia, đây cũng là những ẩn ý đầy quan trọng được tác giả gửi gắm trong cuốn sách. 

Đôi nét về tác giả Haruki Murakami và tác phẩm Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời

Haruki Murakami là một trong những tiểu thuyết gia người Nhật nổi tiếng hiện nay. Các tác phẩm của ông được dịch ra khoảng năm mươi thứ tiếng trên thế giới và Haruki Murakami được gọi với những danh xưng như nhà văn bán chạy nhất, nhà văn được yêu thích hay nhà văn của giới trẻ.

Chân dung nhà văn Haruki Murakami
Chân dung nhà văn Haruki Murakami

Haruki Murakami sinh năm 1949 tại cố đô Kyoto nhưng lớn lên tại tỉnh Hyogo, trong một gia đình mà cả cha và mẹ đều là giáo viên dạy môn văn học Nhật Bản. Điều đó chính là một trong những yếu tố lớn ảnh hưởng đến phong cách sáng tác của ông sau này.

Từ nhỏ Haruki Murakami đã được tiếp xúc và chịu ảnh hưởng lớn từ văn học phương Tây, một trong những điểm đặc sắc trong ngòi bút của ông đó là sự pha trộn độc đáo giữa nét tinh tế của văn học Nhật Bản và vẻ phóng khoáng, chân thực của văn hóa Tây phương.

Murakami từng mở một tiệm cà phê chơi nhạc jazz ở Tokyo, đây chính là bối cảnh xuất hiện trong nhiều cuốn tiểu thuyết của ông như Rừng Na Uy, Dance Dance DancePhía nam biên giới, phía Tây mặt trời.

Những tác phẩm nổi tiếng của Haruki Murakami
Những tác phẩm nổi tiếng của tác giả Haruki Murakami

Sau Rừng Na Uy, các tác phẩm của Haruki Murakami tiếp tục nhận được sự yêu thích và mong chờ từ độc giả, Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời là một tác phẩm như thế. Nửa đầu tiêu đề Phía Nam biên giới dịch từ bản nhạc jazz nổi tiếng, được hát bởi Nat King Cole và có tên là South of the boder, đây là bài hát mà nhân vật chính thường nghe cùng Shimamoto khi còn nhỏ.

Bìa sách phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời
Bìa sách phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời

Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời xoay quanh câu chuyện về cuộc đời của nam chính Hajime và những mối quan hệ tình cảm của anh, bắt đầu từ mối tình năm mười hai tuổi với cô bạn Shimamoto, sau đó đến tình yêu thời trung học đầy nuối tiếc xen lẫn dằn vặt với Izumi và cuối cùng là người vợ hiện tại của anh Yukiko. 

Hajime và những mối tình thời niên thiếu

Câu chuyện mở đầu khi nhân vật nam chính Hajime mười hai tuổi, anh luôn cảm thấy cô đơn, tự ti và lạc lõng khi mọi người xung quanh đều có anh chị em, chỉ có duy nhất mình là con một. 

Mọi chuyện chỉ thay đổi khi anh gặp Shimamoto, người bạn duy nhất trong suốt thời tiểu học hiểu được cảm giác của anh bởi cô cũng là con một. Không chỉ vậy, Shimamoto còn bị tật ở chân, điều này khiến cô khó có thể di chuyển bình thường như người khác, chính sự đồng cảm ấy đã tạo nên tình bạn sâu đậm giữa hai người.

Tại trường, những đứa con một hiếm đến mức trong suốt sáu năm cấp một tôi chỉ gặp một người. Thế nên tôi giữ một ký ức đặc biệt sống động về cô (đó là một cô bé). Chúng tôi nhanh chóng trở thành hai người bạn thân thiết nhất. Chúng tôi nói chuyện rất nhiều. Chúng tôi hiểu nhau rất rõ. Thậm chí tôi còn nghĩ mình đã đem lòng yêu cô.

Cô tên là Shimamoto-san. Cô hơi kéo lê chân trái, hậu quả của chứng bại liệu mắc phải khi còn bé. Cô đến học ở lớp tôi vào cuối năm lớp năm sau nhiều lần chuyển trường trước đó. Hẳn là cô phải chịu đựng nhiều đau khổ hơn tôi rất nhiều. Nhưng, mặc cho cái gánh nặng đó trên vai, cô là đứa con một mạnh mẽ và ý thức rõ ràng về tình thế của mình hơn tôi rất nhiều. Không bao giờ cô than thở, lời nói và khuôn mặt cô không bao giờ để lộ những dằn vặt và, dù lâm vào hoàn cảnh nào, cô cũng giữ được cái vẻ hết sức thoải mái

– Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời

Họ trở nên thân thiết và gắn bó hơn, chia sẻ cùng nhau những sở thích mỗi khi đi học về. Sự gần gũi đó ngày một lớn dần và Hajime đem lòng thích thầm Shimamoto. 

Tuy nhiên thời điểm đó, cả Hajime và Shimamoto mới chỉ là những đứa trẻ mười hai tuổi, thứ tình cảm ấy mãi mãi chỉ dừng lại là những rung động ngây ngô đầu đời, đặc biệt là khi Shimamoto phải chuyển đến nơi ở mới. 

Bìa sách phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời
Giai điệu của bản nhạc jazz hòa với hương vị lạ lùng của những ly cocktail

Vào trung học, cuộc sống của Hajime quay trở lại bình thường như những người khác nhưng tận sâu trong anh vẫn tồn tại cảm giác cô độc và lạc lõng. Tuy nhiên, một thời gian sau Hajime gặp gỡ và quen bạn gái mới là Izumi, một cô gái trẻ trung, không đặc biệt xinh đẹp nhưng hấp dẫn, ở cô toát ra một sự nồng ấm thu hút người khác.

Tình cảm của anh và Izumi đơn thuần chỉ là tình yêu về mặt tâm hồn, anh cảm thấy đặt biệt khi được ở cạnh cô, mỗi khi Hajime nói Izumi luôn chăm chú lắng nghe với đầy sự quan tâm và thích thú. Về phần mình, anh muốn biết và hiểu về cuộc sống của cô, ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất. 

Năm thứ hai trung học, chúng tôi học cùng lớp và đi chơi với nhau nhiều lần, đầu tiên cùng hai người bạn khác cùng tuổi, rồi chỉ riêng chúng tôi với nhau. Tôi cảm thấy đặc biệt thoải mái khi ở cùng cô. Tôi có thể nói năng không chút ngập ngừng, cô luôn nghe tôi nói với vẻ đầy quan tâm và thích thú. Những gì tôi nói không có gì đặc biệt xuất chúng, thế nhưng nhìn cô người ta có thể nghĩ là cô đang nghe kể về những phát kiến vĩ đại sẽ làm cả thế giới thay đổi. Đó là lần đầu tiên, kể từ khi không còn Shimamoto-san, tôi được một cô gái lắng nghe một cách say sưa đến thế. Về phần mình, tôi muốn biết tất cả về cô, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Cô ăn gì, phòng ngủ của cô ra sao, cô nhìn thấy gì từ cửa sổ…

– Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời

Tuy nhiên vì đang ở cái tuổi thanh niên hiếu kỳ nên anh không đơn thuần chỉ muốn một tình yêu trong sáng. Vì vậy Hajime đã lén lút tìm đến một mối quan hệ bất chính về thể xác với chính chị họ của Izumi.

Sau khi Izumi phát hiện ra, cuộc sống của cô dần tuột dốc và hoàn toàn chìm vào bóng tối, còn kẻ gây ra mọi chuyện lại đậu đại học và chuyển lên Tokyo sống.

Dù vậy, cuộc sống thời đại học của Hajime cũng không vui vẻ mà ngược lại, anh chưa bao giờ thoát khỏi cảm giác đơn độc, chúng luôn bủa vây và tồn tại bên trong. Mãi cho đến khi gặp được người vợ hiện tại của mình, cảm giác đó mới vơi bớt nhờ tình cảm với Yukiko.

Một Hajime ám ảnh với mối tình đầu năm mười hai tuổi và một Yukiko cũng đã từng suýt tự tử vì một người đàn ông đã cảm thấy thu hút lẫn nhau từ ngay lần đầu tiên họ gặp mặt.

Hai người đến với nhau ở độ tuổi mà khi ấy người ta không nghĩ quá nhiều đến tình yêu màu hồng, sống chết cùng nhau nữa mà những gì họ hướng tới là một gia đình ổn định với những đứa con ngoan.

Nhờ sự giúp đỡ của cha vợ, Hajime mở được hai quán bar chơi nhạc jazz khá lớn ở Tokyo. Một nền tảng vững chắc về kinh tế và cuộc hôn nhân hạnh phúc đã khiến cuộc sống của Hajime trở nên đáng mơ ước.

Tình yêu ám ảnh với quá khứ trong Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời

Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời gây ấn tượng không chỉ bởi cốt truyện mà còn nhờ diễn biến phức tạp trong thế giới bên trong của mỗi nhân vật.

Thông qua nhân vật Hajime ta còn thấy được cả tâm trạng những thanh niên Nhật Bản những thập niên 80 hòa mình cùng thời kì công nghiệp hóa của đất nước, tìm đến tình dục để khỏa lấp nỗi cô đơn.

Trích dẫn Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời
Trích dẫn trong sách Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời

Hajime chưa bao giờ thôi day dứt về mối tình đầu. Khi anh còn yêu Izumi, nội tâm anh đã từng so sánh cô với Shimamoto và điều đó khiến anh cảm thấy trống rỗng.

Sau lỗi lầm gây ra với Izumi, Hajime lúc này càng cảm thấy cô độc hơn nữa, gần như khép kín cuộc sống của mình. Anh tham gia vài cuộc biểu tình với lực lượng cảnh sát khi còn năm nhất, không quan tâm lắm đến những gì dạy trong trường học vì nó không khơi dậy trong anh lòng nhiệt tình.

Hajime cảm thấy nuối tiếc khi nghĩ đến tình yêu trong sáng mà anh từng có với Izumi nhưng cánh cửa quá khứ đã đóng lại. Trong suốt quãng thời gian mười mấy năm sau cho đến khi kết hôn và có con, cuộc sống của Hajime ngày càng trở nên cô độc. 

Đó là giai đoạn thứ ba của cuộc đời tôi: mười hai năm kể từ khi vào đại học đến năm ba mươi tuổi, tôi đã sống trong sự cô độc, im lặng và tuyệt vọng. Đó là những năm lạnh giá, khi tôi gần như không gặp được ai có thể hòa điệu với trái tim tôi.

Tôi thu mình lại sâu hơn vào thế giới nội tâm. Tôi ăn một mình, đi dạo một mình, đến bể bơi một mình: tôi quen với việc đi nghe hòa nhạc hoặc xem phim một mình. Việc đó không làm tôi thấy đặc biệt buồn bã, không làm tôi thấy đặc biệt nặng nề. Tôi nghĩ đến Shimamoto-san, đến Izumi, tự hỏi không biết họ đã làm gì với cuộc đời mình. Họ đã lấy chồng chưa, đã có con chưa? Dù cho hoàn cảnh của họ có như thế nào, tôi cũng rất muốn gặp lại họ, nói chuyện một chút với họ, dù chỉ trong một giờ đồng hồ. Tôi biết rằng với Izumi hoặc Shimamoto-san tôi sẽ có thể nói thật trung thực những gì mình cảm thấy. Tôi suy nghĩ đến cách thức hòa giải với Izumi, hoặc tìm lại Shimamoto-san, việc đó khiến thời gian trôi đi nhanh hơn. “Sẽ thật là hay nếu làm được như thế!” tôi tự nhủ. Nhưng tôi không có chút nỗ lực nào để điều đó có một cơ may thành hiện thực. Cuối cùng, họ đã biến mất khỏi cuộc đời tôi. Không thể làm những cây kim của một chiếc đồng hồ chạy theo chiều ngược lại.

– Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời

Hajime nuối tiếc quá khứ nhưng tất cả những gì anh làm là để mặc cho cuộc đời cuốn mình đi, anh chưa từng có một chút nỗ lực nào để tìm kiếm Shimamoto hay xin lỗi Izumi.

Ngay cả khi anh tình cờ gặp Shimamoto trên phố, tất cả những gì anh làm là bám theo nhưng chỉ đứng nhìn từ xa, mãi cho đến khi cô đi mất. Hay khi một người bạn thời trung học đưa tin về tình trạng hiện tại của Izumi, Hajime thoạt đầu ngạc nhiên, sau đó hối hận nhưng anh cũng không đến tìm cô để nói lời xin lỗi.

Có gì ở phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời
Có gì ở phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời

Không chỉ nuối tiếcHajime còn để quá khứ ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của mình. Khi còn đi làm, anh đã từng chấp nhận hẹn  với một cô gái  cô ấy  tật ở chân giống Shimamoto. Hay sau khi kết hôn, sự trở lại của Shimamoto gần như đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của anh, khiến Hajime từng có ý định sẵn sàng bỏ lại tất cả để cùng cô rời đi.

Thế nhưng cuối cùng, sự biến mất bí ẩn của người con gái ấy đã khiến cho anh phải quay về với thực tại, tự đối mặt với những sự lộn xộn trong cuộc sống do chính anh tạo ra.

Hajime cứ mãi chạy về một miền quá khứ. Dù cho đang ở hiện tại cũng chưa bao giờ thôi canh cánh về nó, linh hồn anh dường như đã bị mắc kẹt ở đó. Giống như sự cuốn hút về một điều diệu kì ở phía Tây mặt trời với những người nông dân Siberia, khiến họ đã bỏ cày cuốc để đi về phía chân trời mà không hay biết rằng, nếu không nhận ra điều diệu kì đó vốn dĩ không tồn tại họ sẽ dần kiệt sức và chết.

Quá khứ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người, là nền tảng xây đắp lên hiện tại. Thế nhưng dù cho nó khiến chúng ta mỗi khi nghĩ lại cảm thấy đau xót, tự hào hay bay bổng thì cũng đã qua đi nên muốn hạnh phúc, ta phải tập trung sống cho hiện tại để có thể tận hưởng trọn vẹn món quà mà thượng đến ban tặng.

Xúc cảm của bạn đọc về Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời

Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời không phải là tác phẩm đem về quá nhiều giải thưởng và danh tiếng cho Haruki Murakami nhưng vẫn có một vị trí vô cùng quan trọng trong lòng độc giả.

Cuốn sách được coi là một trong những tác phẩm thể hiện rõ nhất con người thật của Haruki Murakami. Tuy có cốt truyện nhẹ nhàng và dễ hiểu hơn cả trong số những sáng tác của nhà văn, thế nhưng người đọc vẫn cảm nhận được những dằn vặt và nỗi niềm khắc khoải khôn nguôi.

Vẫn là thứ văn quen thuộc ấy, trộn đều trong một ly cocktail mà lần này là Robin’s Nest và trôi nổi giữa giai điệu bất tận của jazz. Không có ông, chắc chẳng bao giờ có thể nghe thứ nhạc rền rĩ của saxo, thứ nhạc của những điệu trống uể oải, cũng chẳng bao giờ biết được “the star-crossed lovers” lại là một từ riêng trong tiếng Anh (liên quan đến Romeo và Juliette) dành cho những tình nhân sinh ra dưới ngôi sao xấu – những tình nhân bất hạnh. Và phía Nam biên giới có lẽ không chỉ là nước Mexico, phía Tây mặt trời lại trở thành một nỗi ám ảnh, một căn bệnh nan y, đặt dấu chấm hết đầy mơ mộng cho cuộc đời những người nông dân Siberia. Điều đáng giá nhất trong các tác phẩm của Haruki Murakami chính là những chi tiết nhỏ vụn mà thú vị như vậy. Làm thế nào mà ông biết được chúng? Và vì sao những chấm nhỏ ấy lại trở thành những điều ám ảnh nhất sau khi gấp lại trang sách.

– Goodreads

Haruki Murakami như thường lệ, vẫn sở hữu lối văn không chỉ khiến cho người đọc phải trăn trở mà còn gây tranh cãi vô cùng lớn. Nhiều độc giả cho rằng họ có cảm giác bức bách và khó chịu với nhân vật Hajime trong Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, bởi hình tượng nhân vật mà nhà văn xây dựng quá đỗi chân thực.

Mượn hình ảnh của Hajime, tác giả đem đến những lát cắt mới về sự cô đơn và hành trình tìm kiếm bản thân của con người, một thứ cô đơn đậm chất Haruki Murakami được thể hiện theo lối viết vừa quen vừa lạ.

Lại một lần nữa, Murakami đã thành công xuất sắc trong miêu tả nội tâm các nhân vật chính của ông. Đào sâu tới mức đọc không quen thì thành ra ngán ngẩm, nhưng quen rồi thì thấy được dụng ý của ông ở đây. Càng đọc càng thấy vô cùng rõ suy nghĩ và cách nhìn của nhân vật chính Hajime. Duy chỉ có điểm, các nhân vật phụ khác chỉ được nhìn qua lăng kính của Hajime nên có phần chưa sáng tỏ.

Goodreads

Bước vào thế giới của Haruki Murakami, người đọc đắm chìm trong hàng loạt những câu hỏi về nhân sinh, nghịch lý về sự hoàn hảo và bản chất của con người. Không có bất kì câu trả lời cụ thể nào, nhà văn để người đọc tự chiêm nghiệm và rút ra cho mình những ý niệm riêng.

Tuy lối văn siêu thực trong Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời chưa bao giờ là dễ đọc, dễ hiểu và dễ đồng cảm nhưng chính điều đó lại tạo nên sức hút đối với độc giả.

Nhật Hằng