Tâm tình với Trịnh Công Sơn được xuất bản lần đầu vào năm 2011, tròn mười năm sau ngày mất của cố nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh. Cuốn sách gồm những bài viết ngắn về Trịnh Công Sơn, dung dị và tựa con đò đưa độc giả qua những năm tháng hoài chuyên chở ưu tư bằng nhạc, bằng những đoạn thơ và truyện thơ.
Để viết về một người đã lớn lên bằng tuổi chiến tranh “đứt rồi lại nối” nhưng vẫn giữ cho mình được nét an nhiên cạnh bên thời cuộc, một người đã lên tới đỉnh buồn và xuống tới vực thẳm, Bửu Ý hẳn là nhân vật phù hợp hơn bao giờ hết, dẫu ông chọn tư cách bạn bè thân thiết hay một nhà nghiên cứu đầy nghiêm cẩn.
Bửu Ý và những lời tâm tình với Trịnh Công Sơn
Trước khi cho xuất bản Tâm tình với Trịnh Công Sơn, Bửu Ý đã từng cho xuất bản cuốn Trịnh Công Sơn – Một nhạc sĩ thiên tài vào năm 2003 và được giới mộ điệu đón nhận, dẫu trước đó đã có nhiều bài báo, tuyển tập và cả sách do nhà nghiên cứu nổi tiếng Nguyễn Đắc Xuân chắp bút về cố nhạc sĩ.
Để rồi, Tâm tình với Trịnh Công Sơn ra đời như một cách để Bửu Ý trò chuyện với người bạn xưa cũ, gói gọn trong mười bài viết và bốn phụ lục. Những lời tâm tình ấy có lúc chậm rãi, có lúc da diết và có lúc câu chữ như đang sống vội thay người, gấp gáp kể lại một thời khói lửa và sau đó chìm đi.
Nếu chăm chú, chúng ta dễ thấy một Trịnh Công Sơn rất khác với hình tượng diễm tình mà những bạn trẻ mến mộ. Người ấy không ngớt suy nghĩ, dằn vặt về những ý nghĩa và phương thức đấu tranh của mình, tuyên chiến với áp bức, thối nát, khổ đau và tuyên chiến cả với chiến tranh.
“Đó là nhiệm vụ của nghệ sĩ. Đó là nhiệm vụ của Trịnh Công Sơn. Cho nên anh một mặt vạch ra bộ mặt ghê gớm của chiến tranh, một mặt vớt vát tất cả những gì chưa bị chiến tranh vùi dập và vẽ lên, nói lên, hát lên những nhỏ bé tầm thường để cùng nhau chung sức chung lòng gìn giữ và phục hồi.”
Hoàn cảnh sống của người nghệ sĩ du ca ấy theo Bửu Ý cũng chẳng khác nào chàng đu dây, hai bên đều là vực thẳm. Bởi vì sống trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng lại viết nhạc phản chiến, ông trở thành mẫu người riêng biệt trong mắt nhà cầm quyền thời đó, anh chàng phản chiến, kẻ trốn lính.
Thế nhưng, Trịnh Công Sơn mặc nhiên đi qua tất cả khó khăn về đời sống, chấp nhận mang tâm thế “bị truy nã” để trở thành bạn của tất cả mọi người. Dẫu trong thời điểm ấy và đến mãi sau này, ông phải liên tục đối mặt với những kẻ cơ hội, chỉ chực chờ kéo ngã.
“Ở trong nước, ngay trước khi qua đời, dù đa số thính giả tán thưởng và ái mộ, anh biết vẫn còn một số người dè dặt đến với anh, nghi ngờ anh, muốn cật vấn anh về quan điểm chính trị, gốc gác một số bài, quá khứ của anh, để từ đó gieo rắc thắc mắc, nghi ngờ và hạ thấp uy tín của anh” – Tâm tình với Trịnh Công Sơn
Chỉ còn lại cảm xúc, thứ ánh sáng đẹp đẽ ấy vẫn cứ thế vượt lên chiến tuyến mà soi rõ bộ mặt tàn khốc của chiến tranh. Người viết Cho một người nằm xuống trước năm 1975 và người viết nên Huyền thoại mẹ sau 1975 đều là một, đều thương tiếc cho những người phải “nằm xuống cho hận thù vào lãng quên”.
Qua những trang văn của Bửu Ý, Trịnh Công Sơn đau đớn vì thời cuộc nhưng vẫn giữ được nét an nhiên. Bởi ông còn đó một cõi riêng để xoay trở, một cõi riêng cho những dấu yêu không đành rũ bỏ, nhặt cả những cây xanh, giọng người, cãi cọ lẫn cười reo mà họa nên một bức tranh đa sắc.
Bức tranh ấy, lấy cảm hứng từ muôn vàn sự vật và cũng dành trao tất cả những người ghé chơi. Tựa quãng đường ông đã ghi trong Như tiếng thở dài, thấu thị tất cả những vinh quang, ngậm ngùi và âu lo để rồi chỉ “xin có một ngày ngồi thong dong trao đến mọi loài chút tình tôi”.
Phần yêu thương gửi đi, đôi khi chạm va những xét nét, chỉ trích và làm hằn thêm vết nhăn trên vầng trán quang đãng của người nghệ sĩ. Dẫu vậy, chúng ta thấy Trịnh Công Sơn vẫn tràn đầy thiện chí với những người làm phiền ông, xem đó như món nợ tinh thần canh cánh bên lòng.
“Không có ai nhiều bạn bè, nhiều người yêu, nhiều người ái mộ cho bằng Trịnh Công Sơn.
Và không có ai cô đơn bằng Trịnh Công Sơn. Cô đơn vì bạn bè của anh hiểu anh và yêu thương anh vốn thật nhiều nhưng, trớ trêu thay, không thỏa đáng.
Cô đơn vì vẫn có những người vẽ rắn thêm chân vào những phát biểu của anh, hoặc cố tình tìm ra những ngụ ý tưởng tượng trong thái độ của anh.
Anh trải lòng sống với đời nhưng còn có người hiểu anh thật quanh co. Anh tay bắt mặt mừng với nhiều người ư? Có người cho anh là giả dối.
…
Trong bao nhiêu hành động dồn tiếp, không mệt mỏi của anh, ta nhận ra ở anh những nỗ lực luôn luôn đổi mới để làm vừa lòng người khác.” – Tâm tình với Trịnh Công Sơn
Bút pháp chậm rãi, từ tốn đi sâu vào những ngõ ngách trong Tâm tình với Trịnh Công Sơn cứ thế bước qua một thời trẻ trung và nhiệt huyết của cố nhạc sĩ họ Trịnh. Chúng ta không thấy những luận điểm mang nặng tính hàn lâm, chỉ thấy những câu chuyện tiếp nối.
Sự ngợi khen đã nhường chỗ cho tiếng cười và tiếng đàn, để mỗi độc giả quên dần thực tại mà chìm đắm trong nhịp thở xã hội của những năm tháng chưa phai. Cuộc sống đâu chỉ những đồ vật vô tri, những con người gây cho mình trắc trở, vẫn còn đó bông hoa chớm nở bên những ca từ chưa ráo mực.
Chủ nghĩa hiện sinh và những sự kiện còn in dấu
Lời tâm tình với Trịnh Công Sơn không quá xét đoán về tác phẩm hay thành tựu của cố nhạc sĩ, chúng phần lớn dừng ở những thói quen trong đời sống, những câu chuyện lúc sinh thời đã trải qua, cả những sự kiện và biến cố đặc biệt mà sau này đã ảnh hưởng đến Trịnh Công Sơn.
Để nói về những điều gây ảnh hưởng, Bửu Ý đã chọn khoảng thời gian từ năm 1957 đến 1960. Bắt đầu từ việc thành lập Đại học Huế, những khoa học và tư tưởng hiện đại của thế giới cũng theo đó tràn về.
Mà dấu ấn là khi Albert Camus, một tác giả hiện sinh hàng đầu được trao Nobel văn chương. Các tác phẩm của ông như Huyền thoại sisyphe, Kẻ xa lạ được giới sinh viên Huế tranh thủ tìm đọc. Một số bộ phim với những mẫu thanh niên hiện sinh như Đám thanh niên mặc áo da, Bầy thú trước bảng đen và những phim của tài tử James Dean cũng trở nên thu hút.
Bản thân Trịnh Công Sơn cũng từng lấy ý tưởng từ Huyền thoại sisyphe mà viết Dã tràng ca, bi kịch đại diện cho cuộc đời con người khi nỗ lực cho một mục đích, một lý tưởng nhưng kết quả là vô nghĩa.
“Phong trào hiện sinh phát triển mạnh, trong phim ảnh như trên đã nói, và nhất là trong đời sống. Nó đặt ra những khái niệm như lưu đày và quê nhà, thực chất hay huyền thoại, nhà văn dấn thân, thái độ buồn nôn hay phản kháng, thỏa hiệp hay vong thân, các khái niệm phi lý, tự do, trách nhiệm…hay những vấn nạn như: tôi là ai, cuộc đời đáng sống hay không đáng sống.” – Tâm tình với Trịnh Công Sơn
Không chỉ có hiện sinh mà phân tâm học và siêu thực cũng là hai luồng tư tưởng thổi vào những thanh niên miền Nam lúc bấy giờ. Họ liên tục chuyền tay nhau những bài thơ của Apollinaire, người được mệnh danh “Ông hoàng thơ tình Pháp” hay Eluard và Jacques Prévert, một “Nhà ảo thuật của ngôn từ”.
Ở Huế lúc ấy cũng nổi lên hai nhà thơ tiên phong về siêu thực, Võ Ngọc Trác với Thượng thẩm hay Ngô Kha với Hoa cô độc. Siêu thực cũng len lỏi vào hội họa và lớp họa sĩ đầu tiên của Đại học Huế, Đinh Cường, Rừng (Nguyễn Tuấn Khanh) hay Trịnh Cung đều hâm mộ các danh họa như Picasso, Chagall.
Những người đó, họ đều là bạn thân của Trịnh Công Sơn và phần nào tác động đến ông trong những năm tháng sau này. Bửu Ý không gói gọn tác phẩm trong những lời tâm tình mà còn chăm chú sắp xếp từng sự kiện để độc giả có thể hiểu hơn về những nhân tố ảnh hưởng đến cố nhạc sĩ lúc bắt đầu sáng tác.
Khi ấy, Trịnh Công Sơn mới mười tám nhưng đã phải nằm dưỡng bệnh do gặp tai nạn thể thao, quãng thời gian này tuy ảm đạm khi ông phải gác lại giấc mơ với nghiệp võ nhưng lại mang đến những sáng tác đầu tay như Chơi vơi, Sương đêm.
Tuy đã thất lạc, những ca khúc này vẫn là bước đệm cho con đường tiếp theo của cố nhạc sĩ. Bởi vì trong ba năm tiếp theo, những sáng tác như Ướt mi, Thương một người và Diễm xưa, ca khúc nay đã trở thành bất tử lần lượt ra đời.
Ca khúc Diễm Xưa (Trình bày bởi Khánh Ly)
Chúng hiện lên một cách tuần tự, riêng rẽ trong Tâm tình với Trịnh Công Sơn. Nếu Ướt mi gắn liền với mối tình đẹp giữa ông và Thanh Thúy, Thương một người viết về bóng đêm ôm ấp giọng hát “liêu trai” giữa thành phố Sài Gòn thì Diễm xưa là khi ông từ nơi phồn hoa đô hội trở về Huế, gặp gỡ Bích Diễm và sau này là “bóng hồng” Dao Ánh.
Bản thân Dao Ánh không được nhắc đến trong tác phẩm mà chỉ được ghi lại mơ hồ “Trịnh Công Sơn sửa soạn rước vào tâm khảm một hình bóng thiếu nữ suốt đời không phai”. Tuy nhiên, người yêu nhạc Trịnh đều biết người ấy như một giai nhân trong những Tuổi đá buồn, Mưa hồng hay Chiều một mình qua phố.
Trịnh Công Sơn vẫn đang bước giữa chúng ta
Ngày đầu tháng Tư của năm 2001, biết bao người đã rúng động khi nghe tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời. Mẩu tin đột ngột ấy lan qua ba miền đất nước, cập bờ hải ngoại mà đọng lại trên gương mặt khán giả và những người thân thiết nhất với Trịnh Công Sơn, trọn nét bàng hoàng.
Dẫu gần gũi và hiểu rõ bệnh tình của cố nhạc sĩ, họ tin ông vẫn có thể vượt qua được nhờ lòng yêu sống dạt dào, muốn nói thêm, muốn viết thêm. Để rồi những người ấy, từ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Đắc Xuân và cả Võ Quê, đều tưởng chừng mình đang nghe nhầm.
“Tôi đã hấp tấp điện thoại cho nhiều bạn ở Huế, vậy mà vừa điện thoại xong thì chính những người ấy lại điện lại như không tin, như nghe nhầm. Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Hả?…Hả?”. Tô Nhuận Vỹ: “Cái gì? Ông nói cái gì?…”. Võ Quê nói chuyện mua vé máy bay vào Sài Gòn. Nguyễn Đắc Xuân tính đến vé tàu lửa. Cô Bội Trân đang ở trên đồi Thiên An tìm cách điện về thành phố: “Buồn quá…Buồn quá”. Thái Ngọc San gọi đi gọi lại hối thúc: “Gấp!”. Vợ của nhà thơ Định Giang chưa ráo nước mắt khóc chồng chỉ nói được một câu nghe không rõ: “Anh có vào Sài Gòn, cho em…”.” – Tâm tình với Trịnh Công Sơn
Ngay cả Bửu Ý cũng nói lên xúc cảm trong Tâm tình với Trịnh Công Sơn, rằng khoảnh khắc này tưởng chừng như xa mãi nhưng lại rất gần. Gần qua những tiếng điện thoại, gần qua “nỗi chết một hai tháng nay chẳng hiểu sao cứ sà đôi cánh đêm bắt đi những người bạn say đời ham sống. Bùi Giáng, Định Giang và nay Trịnh Công Sơn”.
Người đã ra đi nhưng ca khúc vẫn còn vang vọng, tâm tình chưa kịp chuyển thành giấy mực nhưng nay đã có người thay thế, chậm rãi kể lại tất cả những năm tháng ông bận rộn sáng tác, bận rộn tiếp xúc với tất cả những người mến ông và lời ca của ông.
Dẫu vậy, không ai giấu được nỗi buồn của mình khi chứng kiến một người tài hoa, nay để lại tất cả và ra đi nhẹ thênh. Có lẽ vì mất mát là cái thật hơn hết, cái chết thật hơn cái sống nên khi hơi ấm ấy trở thành một phần với đất trời, ai cũng cảm thấy nỗi lòng mình chìm trong những tiếc thương.
“Lời và nhạc Trịnh Công Sơn là người bạn đường của thanh niên trong thời chiến cũng như thời bình, nó chảy chuyển vào từng mạch máu, chầm chậm nhưng triền miên và thấm nhuần tâm hồn bằng cảm xúc đẹp đẽ, tế nhị về tình yêu, quê hương và thân phận.
Tình yêu như một vườn hoa. Yêu nhau một màu xanh lá mạ. Yêu nhau một màu lưu ly. Yêu nhau một màu hổ phách. Yêu nhau một màu biểu tượng. Yêu nhau một màu thần thánh.
Trịnh Công Sơn là người chăm sóc vườn hoa. Và hân hoan nhận ra công phu của mình đã làm nảy nở muôn hồng nghìn tía và luôn cả những huyền thoại rất cần thiết cho con người.” – Tâm tình với Trịnh Công Sơn
Tâm tình với Trịnh Công Sơn cũng ghi dấu Người vẫn quanh đây, Khóc Trịnh Công Sơn và Vĩnh biệt Trịnh Công Sơn, những bài viết được Bửu Ý đăng tải khi cố nhạc sĩ vừa mất và đâu đó, tiếng nghẹn ngào của những người yêu nhạc vẫn còn hằn lên trang giấy chưa kịp ngả màu.
Thuở sinh thời, cố nhạc sĩ luôn cần đến hơi người, ông gắn mình với những rộn ràng của đời sống và đứng giữa nó, nơi trước mặt là tách cà phê, trên tay là dòng nhạc ghi dở và trong lòng đã “giắt sẵn hình bóng người yêu”.
Có lẽ ông vẫn sống giữa chúng ta, sống giữa những người hàng ngày xuống phố và để mắt tới từng ngọn gió đổi chiều, từng ánh đèn trong ngôi nhà khuất. Ông chia niềm vui sướng ấy với Thạch Lam, Vũ Bằng, André Breton, thậm chí là J. K. Rowling dẫu họ chưa từng gặp mặt.
Những người luôn cần đến hơi người và luôn thích thú với việc dạo chơi bát phố, Trịnh Công Sơn bước cùng họ và họ cũng bước cùng ông.
Tâm tình với Trịnh Công Sơn và phần phụ lục đặc biệt
Trịnh Công Sơn giờ đã bước giữa một cảnh giới hoàn toàn thênh thang, những mật ngọt cùng mật đắng của tình đời, sau khi hòa quyện cùng những tha thiết và để lại cho hậu thế thì nay không còn cản trở ông được nữa.
Bửu Ý hiểu điều đó, ông dành phần phụ lục như xấp giấy trắng mà người ta vẫn thường để yên trong cặp táp, dẫu nhuốm màu thời gian nhưng vẫn thấu tỏ tâm tình của những người anh em thân thiết, những người bạn.
Chúng là Điếu văn thương tiếc Trịnh Công Sơn, Đêm ca nhạc tưởng niệm Trịnh Công Sơn, Chương trình ca nhạc: “Nối vòng tay lớn” và Kịch bản: Chân dung Trịnh Công Sơn.
Chúng là thứ mà người ta đã đọc trước huyệt mộ của cố nhạc sĩ, là đêm ca nhạc do những người thân thiết tổ chức và một kịch bản được viết để chuẩn bị dựng thành phim, tiếc rằng mãi không thực hiện được. Phải đến gần đây, tin tức về Em và Trịnh mới phần nào hâm nóng lại kịch bản này.
Phần phụ lục này là những điều đặc biệt mà Bửu Ý đã viết vào những năm tháng sau khi người bạn thân thiết qua đời. Nó như chiếc thuyền cạnh bờ sông, mỏng manh ánh đèn dầu và dẫu chẳng tỏ, vẫn hiện diện thay cho lời nguyện cầu đã ở yên bên cạnh quá khứ, chầm chậm bước đến mai sau.
Đã hai mươi năm ngày mất cố nhạc sĩ, Tâm tình với Trịnh Công Sơn cũng tròn mười năm tuổi nhưng giá trị của nó vẫn vẹn nguyên, dẫu không mang đến những phân tích hàn lâm hay câu chuyện về những bóng hồng, chúng vẫn là kho báu vô giá của những người trót mê nhạc Trịnh.
Minh Tuấn
Minh Tuấn
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất