Cuốn sách Thiện, Ác và Smartphone của Đặng Hoàng Giang sẽ đem đến cho bạn đọc một góc nhìn khác về mạng xã hội hiện thời, một nơi với đầy sự u tối, xấu xí và đồng thời phải rùng mình trước sức phá huỷ kinh khủng của nó.

Cùng với sự phát triển vượt bậc của Internet, con người như bị cuốn vào một thế giới khác, một thế giới mà ở đó họ có thể che đậy danh tính và dùng ngôn từ để lăng mạ và mạt sát kẻ khác. Đó chính là thảm hoạ thời đại Internet!

Đôi nét về Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang và cuốn sách Thiện, Ác và Smartphone

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là người ủng hộ, một nhà nghiên cứu về xã hội dân sự và là một nhà nghiên cứu quản trị. Dưới tư cách là một nhà hoạt động xã hội, ông đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận mang tính phản biện, sáng lập các diễn đàn đối thoại và phổ biến kiến thức.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang
Chân dung Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang

Đặng Hoàng Giang gây ấn tượng với bạn đọc Việt Nam qua các tác phẩm đầy tính thời sự và nóng bỏng như Bức xúc không làm ta vô can, Điểm đến của cuộc đời, Thiện, Ác và Smartphone hay mới đây là Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ.

Những cuốn sách của ông đều có điểm chung là ngồn ngộn hơi thở của hiện thực, đó là những bức tranh đầy thực tế về xã hội mà ta đang sống hay những góc khuất mà chúng ta chưa được thấy, hoặc đã thấy nhưng không dám lên tiếng.

“Nếu đã sống ở nhiều quốc gia khác nhau, chúng ta sẽ thấy không có nơi nào hoàn hảo cả. Xã hội nào cũng có có cái hay và cái dở, nhưng chắc chắn không có nơi nào lung linh như “thiên đường”. Chẳng hạn, ở phương Tây, “chừng nào lệnh chuyển tiền tự động của bạn vẫn hoạt động, thì không ai quan tâm bạn sống hay chết.” – Đặng Hoàng Giang 

Đó đều là những vấn đề đã được Đặng Hoàng Giang đặc biệt quan sát, nghiên cứu chuyên sâu và nhìn nhận dưới nhiều góc độ trước khi đem đến cho người đọc. Bởi vậy khi đọc những tác phẩm của ông, ta sẽ dễ dàng cảm nhận được một giọng văn lạnh lùng, sắc bén, những câu từ đã được trau chuốt tinh vi cùng một góc nhìn vô cùng mới lạ.

Cuốn sách Thiện, Ác và Smartphone
Bìa cuốn sách Thiện, Ác và Smartphone

Thiện, Ác và Smartphone là một bức tranh phác hoạ thời đại lên ngôi của Internet, là lúc mà con người có thể giết chết lẫn nhau chỉ bằng đôi ba lời nói hay những nút like vô tình. Càng đọc ta sẽ càng cảm nhận được sự tàn nhẫn và vô cảm của những con người vô danh đang núp sau màn hình máy tính.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của văn hoá làm nhục trong kỉ nguyên công nghệ

Trong ba phần đầu của Thiện, Ác và Smartphone, Đặng Hoàng Giang đã đưa ra những ví dụ thực tế về những con người bị mua vui trên mạng xã hội hay sự phục sinh của làm nhục nơi công cộng.

Ông lấy rất nhiều ví dụ từ lịch sử đến hiện đại, từ đông sang tây để tự thấy rằng, văn hoá làm nhục này đã tồn tại trong cộng đồng từ nghìn năm qua.

Những đám đông nhân danh công lý để xử phạt những kẻ trộm chó, họ thi nhau hùa vào trừng phạt một cô gái ăn trộm đang gào thét van xin tới mức mặt mũi biến dạng hay là hình ảnh về những người đàn ông đội mũ bảo hiểm đang giơ cao cây gậy với thanh niên ăn trộm nằm dưới đất.

Trong khi đó, những kẻ khác ngang nhiên cầm máy quay hối hả chạy khắp nơi, cúi xuống dưới, giơ lên cao hòng có được góc quay “cận cảnh” nhất để chia sẻ lên mạng xã hội.

Văn hoá làm nhục công cộng này đã kéo dài hơn nghìn năm qua với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Thời hiện đại với sự bùng nổ của mạng xã hội, văn hoá này lại bị biến chứng và tàn nhẫn hơn bao giờ hết.

Phần một của Thiện, Ác và Smartphone
Phần mở đầu của Thiện, Ác và Smartphone

Từ nữ học sinh, một người đàn ông ăn trộm gà đến thị trưởng của Philippines đều không thể tránh khỏi văn hoá bạo tàn này.

Nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ của văn hoá làm nhục

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao văn hoá làm nhục lại trỗi dậy mạnh mẽ như vậy trên mạng xã hội, có lẽ vì danh tính được giấu kín, sự ẩn danh khiến họ quên mất mình thật sự là ai và đánh mất đi khả năng thông cảm cho kẻ khác.

Cũng vì sự ẩn danh đó cho mỗi cư dân mạng một tấm khiên an toàn để không bị trả thù, chửi rủa hoặc chịu trách nhiệm cho những phát ngôn của bản thân.

Hơn nữa, đám đông luôn có sức mạnh to lớn và nó khiến họ cảm thấy mình như được bảo vệ, có thể hả hê tung hoành mà không phải sợ bất cứ điều gì. Đám đông cho họ cái quyền được phán xét, chỉ trích kẻ có tội và chẳng màng suy nghĩ đến những gì mà người bên kia đang phải chịu đựng.

“Đám đông dễ dàng coi người khác là ma quỷ, bởi họ luôn đứng ngoài để phán xét mà không đặt mình vào vị trí của người bị lăng nhục để nhìn nhận sự việc. Sự tàn nhẫn của đám đông nhiều khi đến từ việc họ không có khả năng thấu cảm.” – Đặng Hoàng Giang

Cái tấm khiên bảo vệ quá đỗi cứng cáp kia đã khiến cho cư dân mạng quên rằng người bên kia cũng là con người, cũng biết đau, biết tủi hổ khi phải chịu đựng những lời lẽ lăng mạ đó. Họ thậm chí nghĩ rằng phát ngôn của ta sẽ chìm đi trong hàng trăm, hàng ngàn bình luận khác.

Viết về văn hoá làm nhục
Văn hoá làm nhục đã tồn tại hơn nghìn năm qua

Liệu khi buông những lời chửi rủa, miệt thị đó, những kẻ ngồi sau màn hình máy tính có cảm thấy hả hê, có cảm thấy thành tựu với những gì mà mình đang làm hay không?

Trớ trêu thay, niềm vui đến từ sự lăng mạ, phỉ báng kẻ khác lại có xuất phát từ việc con người tự ti và cảm thấy bản thân mình thấp kém, lúc kẻ khác vấp ngã là lúc mà họ thấy giá trị của mình được nâng lên.

“Nếu bản thân chúng ta không có những khiếm khuyết thì chúng ta đã không khoái chí như vậy khi phát hiện ra những khiếm khuyết của người khác.” – Rochefoucauld

Con người thường có xu hướng ghen tị với những thành công của người khác, đố kị khi thấy họ đang tận hưởng những thú vui xa xỉ, đắt tiền. Vì thế cũng không có gì bất ngờ khi họ cảm thấy thoả mãn, vui sướng khi người đó gặp phải thất bại, đó là một vòng luẩn quẩn không có hồi kết.

“Đằng sau sự ghen tị cũng là sự tự ti. Càng tự ti thì càng hay ghen tị, càng hay ghen tị thì càng hay cười trên nỗi đau của người khác.” – Đặng Hoàng Giang

Trong Thiện, Ác và Smartphone, tác giả Đặng Hoàng Giang đã gọi những kẻ cuồng nộ, lấy việc chỉ trích người khác làm thú vui là “những kẻ cuồng tín”.

Họ cho rằng mình đang nhân danh công lý để bảo vệ xã hội, bảo vệ thế giới đang xuống cấp về mặt đạo đức, coi bản thân mình là hiện thân cho lý tưởng và sẵn sàng tấn công những kẻ đụng chạm đến các giá trị thiêng liêng của mình.

Nguyên nhân của văn hoá làm nhục
Họ nhân danh công lý để cho mình cái quyền lăng mạ, chỉ trích người khác

Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả, “sự cuồng tín” không phải là lý do để đổ lỗi cho mọi hành vi trên mạng xã hội của họ. Nó còn xuất phát từ một cái tôi bị tổn thương, bị đe doạ và đôi lúc còn bị rẻ rúng và xem thường.

Họ lực bất tòng tâm, không thể làm gì để cứu vớt cho cuộc đời đang trượt dài của mình nên lựa chọn bám víu vào đám đông, mượn sự cuồng nộ đó để giải toả cơn bức bối trong lòng mình.

Những bài học rút ra từ Thiện, Ác và Smartphone

Nếu chỉ dừng lại ở những ví dụ, những trích dẫn cực kỳ cụ thể về sự nhẫn tâm và cay độc của văn hoá làm nhục thì Thiện, Ác và Smartphone có lẽ không phải là một cuốn sách đáng đọc đến vậy.

Ba phần còn lại, tác giả Đặng Hoàng Giang đã đưa đến cho người đọc những giải pháp, những cách thức để giã từ văn hoá làm nhục và học cách để tha thứ, đi cùng với đó là những dự án trắc ẩn mà ông đã đặc biệt dành riêng cho độc giả.

Để giã từ văn hoá làm nhục, trước tiên con người cần đến sự điềm tĩnh. Điềm tĩnh để đối mặt với những cơn giận dữ, để kiểm soát bản thân trước sự cuồng nộ của đám đông trên mạng xã hội, cần phải có một cái đầu sắc bén để không bị cuốn theo dòng nước lũ đang cuồn cuộn kia.

Bài học trong Thiện, Ác và Smartphone
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã đưa ra những cách thức để người đọc giã từ văn hoá làm nhục

Thiện, Ác và Smartphone đưa đến cho chúng ta những cách thức để kiềm chế cơn giận dữ và cần phải chuyển hoá nó thành năng lượng tích cực. Bởi lẽ một người bình tĩnh và sáng suốt sẽ làm được nhiều việc lớn hơn là một kẻ chỉ biết nóng nảy và sống trong bầu không khí đầy sự hận thù hay căm ghét.

“Người chiến binh xuất sắc nhất không bao giờ giận dữ.” – Lão Tử

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang còn dạy cho chúng ta nghệ thuật phê bình người khác, đó là cách thức để phản bác một quan điểm nhưng vẫn giữ được không khí tích cực của cuộc thảo luận, hay chúng ta nên học cách để trở nên tử tế để lắng nghe người khác và tiếng nói nội tâm của chính mình.

Ta không nên chỉ trích nạn nhân và càng không nên tấn công những kẻ chỉ trích người khác, vì lúc đó ta sẽ đối xử với họ giống như họ đã đối xử với nạn nhân của mình. Vậy thì rốt cục, ta cũng sẽ trở nên “phi nhân hoá” giống họ mà thôi.

Khi gấp lại cuốn sách này, hẳn nhiều người đã nhìn thấy hình ảnh của chính mình ở trong đó. Từ những lần lướt qua tiêu đề của một bài viết và buông lời chê trách, mỉa mai một người nào đó mà họ chẳng hề quen biết.

Bài học trong cuốn sách
Đôi khi chúng ta vô tình là thủ phạm đẩy kẻ khác đi đến chỗ chết

Đằng sau chiếc ảnh đại diện nhỏ xíu đó, chúng ta đôi khi quên mất nạn nhân cũng là con người, cũng biết đau, biết sợ, ta bất giác quên rằng họ đang phải chịu được tổn thương. Một lưỡi dao thôi cũng đã đủ giết chết một con người, nào ngờ đây lại có hàng trăm, hàng ngàn lưỡi dao như thế.

Nếu không có bản án của pháp luật thì không ai trong chúng ta có tội và ta càng không thể nhân danh công lý để biện hộ cho cơn cuồng nộ của chính mình. Khi ta công kích người khác cũng đồng nghĩa với việc cho họ một vết xăm trên mặt, mãi mãi không thể xoá nhoà.

“Chúng ta đánh giá người khác qua hành vi của họ, và đánh giá bản thân qua ý định của mình.” – Ian Percy.

Chúng ta hoàn toàn có thể đem mạng xã hội trở thành một thế giới tươi sáng hơn, văn minh hơn và trở thành nơi con người có thể tự do bày tỏ quan điểm của mình đồng thời tôn trọng ý kiến của người khác. Chỉ khi ấy, công nghệ mới có thể thực hiện đúng sự mệnh và trọng trách của nó.

Còn bây giờ, hãy đặt chiếc điện thoại xuống và nghiền ngẫm Thiện, Ác và Smartphone để ít nhất sau này, chúng ta sẽ không vướng vào những hành động tiêu cực một cách vội vã như trước nữa.

Khánh Nguyên