Trần Đăng Khoa là cái tên đã quá quen thuộc với những người yêu thơ ca, bởi cùng với Xuân Quỳnh, Nguyễn Khoa Điềm hay Nguyễn Duy, nhà thơ là một trong những cây bút nổi bật trên văn đàn Việt Nam đương đại.
Xuyên suốt sự nghiệp văn chương, ông đã để lại trong lòng độc giả những áng thơ bất hủ về một thời vàng son của thi ca. Nhiều thập kỉ trôi qua nhưng các tác phẩm của ông vẫn đứng vững trước những đào thải nghiệt ngã của thời cuộc bởi phong cách riêng biệt và chất thơ không bao giờ cũ.
Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Trần Đăng Khoa
Trần Đăng Khoa sinh vào tháng 4 năm 1958, quê ông ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông là một nhà thơ, nhà báo, biên tập viên Tạp chí văn nghệ Quân đội đồng thời cũng là hội viên của Hội nhà văn Việt Nam.
Ông từng đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Văn học Nghệ thuật, Giám đốc hệ phát thanh có hình VOVTV của Đài tiếng nói Việt Nam và hiện tại ông đang giữ chức Phó Bí thư Đảng uỷ Đài tiếng nói Việt Nam.
Suốt sự nghiệp sáng tác, Trần Đăng Khoa đã nhận được nhiều giải thưởng cho những đóng góp của mình với văn chương nước nhà, như Giải thưởng thơ của báo Thiếu niên Tiền phong trong giai đoạn từ năm 1968 đến 1971, Giải nhất báo Văn nghệ năm 1982 và Giải thưởng Nhà nước năm 2000 về văn học nghệ thuật.
Từ nhỏ, nhà thơ đã được nhiều người biết đến với khả năng văn chương xuất sắc và được mệnh danh là Thần đồng của thi ca Việt Nam.
Tác phẩm đầu tay Con bướm vàng của Trần Đăng Khoa được đăng báo khi ông chỉ vừa tròm tám tuổi. Vài năm sau, tập thơ đầu tiên mang tên Từ góc sân nhà em được nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 1968 khi ông lên mười tuổi.
Tác phẩm nổi bật nhất thời điểm đó của ông là Hạt gạo làng ta, sáng tác năm 1968, được thi sĩ Xuân Diệu hiệu đính và nhạc sĩ Nguyễn Viết Bính phổ nhạc năm 1971.
Cùng năm đó, Trần Đăng Khoa cũng đã đề nghị đổi câu thơ “Đường ta đi rộng thênh thang tám thước” trong bài thơ Ta đi tới của nhà thơ Tố Hữu thành “Đường ta đi rộng thênh thang ta bước” và khiến giới văn học Việt Nam lúc bấy giờ rất ngỡ ngàng.
Khi đang còn học lớp mười tại trường phổ thông cấp III Nam Sách, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nhập ngũ và phục chiến đấu tại Tiểu đoàn 691 Trung đoàn 2 Quân tăng cường Hải Hưng.
Khi đất nước hòa bình thống nhất, ông được điều về quân chủng hải quân, sau đó ông theo học Trường Viết văn Nguyễn Du và được cử sang học tại Viện Văn học Thế giới M. Gorki thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Nga.
Về nước ông công tác tại một số đơn vị trong Quân đội, đến năm 1994 ông về sinh hoạt tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ năm 2004 Trần Đăng Khoa chuyển về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến nay với quân hàm Thượng tá.
Thần đồng hiếm hoi của thi ca Việt Nam
Được biết đến là cây bút nổi bật trong giới thi ca Việt Nam, nhà thơ là người có nét riêng xuất sắc trong số các nhà thơ đương đại trước năm 1975. Ông luôn có cái nhìn bao quát về cuộc sống, những chất liệu được dệt trong các tác phẩm hầu hết là sự vật quen thuộc xung quanh.
Suốt hơn năm mươi năm sáng tác, Trần Đăng Khoa đã cho ra đời hơn hai mươi tập thơ và trường ca như Khúc hát người anh hùng, Bên cửa sổ máy bay hay Chân dung và đối thoại, chưa kể đến một số tập bút ký và tiểu luận phê bình.
Tuy nhiên nổi trội nhất vẫn là những tập thơ từ thuở bé như Góc sân và khoảng trời hay Từ góc sân nhà em.
Bằng những đặc sắc trong ngòi bút, Trần Đăng Khoa đã ghi dấu ấn trong lòng người đọc bao ký ức về miền tuổi thơ với chất thơ nhẹ nhàng, hồn nhiên mà đầy chân thật nhưng cũng không kém phần sâu sắc với nhiều tầng ý nghĩa.
Mười tuổi, ông đã có những câu thơ vô cùng trong trẻo và xúc động chạm đến trái tim người đọc. Qua lăng kính của một cậu bé, hạt gạo hiện lên trong bức tranh đầy màu sắc cùng với giọt mồ hôi và nỗi khó nhọc của người nông dân.
Không những thế, tác phẩm Hạt gạo làng ta còn chứa đựng cả hình ảnh tảo tần của những người phụ nữ nơi hậu phương. Bao nhiêu hạt gạo là bấy nhiêu chân tình cùng nỗi nhớ nhung khắc khoải của quê hương dành cho tiền tuyến.
Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…
Quê hương và thiên nhiên luôn hiện hữu trong các tác phẩm của Trần Đăng Khoa như một hình tượng nghệ thuật giàu sức gợi, được cảm nhận bằng tấm lòng của một người con đã gắn bó với mảnh đất mình sinh ra và lớn lên.
Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ cánh rừng xa
Trăng hồng như quả chín
Lửng lơ lên trước nhà
Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay biển xanh diệu kỳ
Trăng tròn như mắt cá
Chẳng bao giờ chớp mi
Thơ của Trần Đăng Khoa không chỉ hồn nhiên, trong sáng mà còn du dương như một bản đồng dao với cách gieo chữ có hồn, có nhịp. Trong thơ của ông, nhạc điệu không chỉ là giai điệu của tâm hồn mà còn có khả năng tạo hình, tạo nghĩa tinh tế.
Thế giới âm thanh giàu tiết tấu trong từng vần thơ của cậu bé mười tuổi đã phần nào khẳng định tài năng xuất chúng với trình độ thượng thừa trong cách chơi chữ, xứng đáng với danh xưng “thần đồng” thi ca.
Không những thế nhà thơ còn lồng ghép linh hoạt nhiều phép nghệ thuật như ẩn dụ, nhân hoá hay từ láy khiến thơ của ông không những hóm hỉnh, vui nhộn mà còn vô cùng có chiều sâu và đầy tinh tế.
Cây dừa xanh toả nhiều tàu
Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng
Thân dừa bạc phếch tháng năm
Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao
Đêm hè hoa nở cùng sao
Tàu dừa – chiếc lược chải vào mây xanh
Ai mang nước ngọt, nước lành
Ai đeo bao hũ rượu quanh cổ dừa
Tiếng dừa làm dịu nắng trưa
Gọi đàn gió đến cùng dừa múa reo
– Cây dừa
Điều khiến thơ của ông khác lạ so với những nhà thơ cùng độ tuổi lúc bấy giờ là cách đưa thế giới xung quanh vào trong tác phẩm bằng một tâm hồn sâu sắc cùng đôi mắt quan sát nhạy bén.
Từng vần thơ Trần Đăng Khoa đã thể hiện trọn vẹn vẻ đẹp hồn nhiên, chân thực của trẻ thơ nên dễ dàng chạm đến trái tim của độc giả và để lại trong họ miền ký ức tươi đẹp về những ngày còn thơ bé.
Thơ Trần Đăng Khoa vẫn là một miền riêng không trộn lẫn. Giống như ca khúc Trịnh Công Sơn, giai điệu bài hát khi cất lên, dù nghe ở đâu vẫn nhận ra chất nhạc của riêng một người.
– Nhận xét của nhà văn Đình Kính
Dù có phủ bao nhiêu lớp bụi của thời gian thì thơ Trần Đăng Khoa vẫn luôn sống mãi trong dòng chảy văn chương bởi những nội dung và nghệ thuật đặc sắc chứa đựng trong từng câu chữ.
Cái tôi trữ tình trong sáng tác của Trần Đăng Khoa
Nguồn cảm hứng trong thơ của Trần Đăng Khoa không chỉ đến từ nông thôn, thiên nhiên mà còn đến từ lòng kính yêu vô bờ dành cho mẹ.
Bà là người đã đồng hành cùng ông trong từng bước đi của cuộc đời, dù là cậu bé thôn quê hay người lính ở chiến trường thì hình ảnh của mẹ vẫn hiện lên vô cùng thiên liêng qua từng vần thơ của ông.
Cánh màn khép lỏng cả ngày
Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa
Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan.
Khắp người đau buốt, nóng ran
Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm
Người cho trứng, người cho cam
Và anh y sĩ đã mang thuốc vào.
Nhìn vào tổng thể công trình thơ ca đồ sộ, người ta chia các tác phẩm của ông thành hai chủ đề lớn là trước và sau thời niên thiếu.
Trước khi đất nước được giải phóng, thơ của Trần Đăng Khoa chủ yếu viết về cuộc sống thường ngày và cảnh vật xung quanh với cái nhìn trong trẻo của một cậu bé, điển hình như bài Buổi sáng nhà em hay Đêm Côn Sơn.
Sau năm 1975, Trần Đăng Khoa trở thành người lính làm thơ và tìm được cho mình một diện mạo mới, một cá tính nghệ thuật riêng biệt như tác phẩm Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài hay Cô tổng đài hải đảo.
Trong sự vận động qua hai giai đoạn sáng tác, cái tôi trữ tình trong thơ Trần Đăng Khoa đã nối tiếp và kế thừa những nét mộc mạc, chân chất trong phong cách sáng tác của cậu bé Khoa lúc trẻ đồng thời vẫn được chất thơ của riêng mình.
Nhiều năm sau khi sáng tác Mẹ ốm, nhà thơ đã thành một người từng trải, nhiều bài thơ khác được viết ra bởi những chiêm nghiệm lẽ đời nhưng vẫn dành cho mẹ tình yêu thương nồng thắm.
Mẹ ơi
Con đang bay trên cao thẳm bầu trời
Như Hoàng tử trong chuyện xưa mẹ kể
Trước mặt con là vòm xanh êm ru
Vẫn từng xanh trên mái nhà mình…
Con biết chiều nay bên rặng cúc tần
Mẹ lại đứng nhìn lên đây
Như mỗi lần nắng ngả
– Bức thư viết bên cửa sổ máy bay
Đi qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, chứng kiến bao đổi thay của thời cuộc, thơ của Trần Đăng Khoa vẫn còn đó sự chân thành, đôn hậu nhưng đã có cho mình cái nhìn sâu lắng hơn.
Đọc thơ của ông, ta thấy khơi dậy trong lòng mối tình quê ấm áp và cảm nhận được sự nhẹ nhàng, thanh thoát và đầy khí chất của một tâm hồn thi sĩ.
Trần Đăng Khoa là ánh trăng sáng trong lòng độc giả
Mỗi trang viết của Trần Đăng Khoa luôn mang đầy tính nhân văn bởi những câu chuyện tưởng như chỉ dành cho trẻ con nhưng lại chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc.
Tuy được phát hiện và dìu dắt bởi những thi hào lớn lúc bấy giờ như Xuân Diệu, Tố Hữu hay Hữu Thỉnh nhưng hai chữ “Thần đồng” vô hình chung đã khiến Trần Đăng Khoa chịu nhiều áp lực. Bản thân nhà thơ cũng nói rằng mình không muốn vác “cây thánh giá” của quá khứ.
Thế nhưng nhiều người vẫn cho rằng sau mười tuổi thì nhà thơ đã không còn giữ được chất thơ cho riêng mình nữa, thậm chí cho rằng ông là một thần đồng thất bại.
Trên thực tế, ông vẫn luôn nỗ lực để thoát khỏi cái bóng của chính mình. Nếu đọc những tác phẩm của Trần Đăng Khoa sau năm 1975 sẽ không khó để nhìn ra những vần thơ hay được ông gieo một cách dung dị nhưng cũng đầy sâu lắng.
Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn
Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc
Thăm thẳm nước trời, nhưng anh không cô độc
Biển một bên và em một bên
-Thơ tình người lính biển
Là người có tầm nhìn xa và có chí tiến thủ, Trần Đăng Khoa luôn không ngừng sáng tạo cũng như đổi mới trong phong cách sáng tác, đặc biệt ông còn chuyển sang bình luận văn xuôi và để lại dấu ấn sâu đậm với góc nhìn mới mẻ.
Vượt qua những thử thách của thời gian, nhà thơ đã chứng minh được sức hút trường tồn từ các tác phẩm của mình nhờ nội dung và nghệ thuật đặc sắc.
Cho đến tận hôm nay, Trần Đăng Khoa vẫn mãi là tinh tú trên bầu trời văn học Việt Nam. Các tác phẩm của ông không chỉ đóng góp cho thi ca nước nhà những áng thơ bay bổng mà còn giúp người đọc lưu giữ miền ký ức tuổi thơ vào sâu trong tâm khảm.
Thiên Nhi
Thiên Nhi
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất