“Lần đầu tiên trong đời, tôi phát hiện ra không gì  hạnh phúc bằng làm những việc đem lại lợi ích cho mọi người”.

Đó là suy nghĩ thể hiện sâu sắc nhất sự thay đổi của nhân vật Huy trong cuốn Bàn có năm chỗ ngồi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nổi tiếng với những tác phẩm, những câu chuyện viết về thời học sinh, hướng đến một quãng thời gian ngây ngô, hồn nhiên, tươi đẹp nhất đời người và tác phẩm Bàn có năm chỗ ngồi cũng không phải là một ngoại lệ.

Ảnh minh họa cuốn sách "Bàn có năm chỗ ngồi"
Ảnh minh họa cuốn sách “Bàn có năm chỗ ngồi”

Mỗi người rồi sẽ trưởng thành và lớn lên theo thời gian, để lại sau lưng những mảnh ký ức và kỉ niệm đẹp đẽ, trong suốt như pha lê. Tuy vậy điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ lãng quên đi mất và Nguyễn Nhật Ánh với giọng văn nhẹ nhàng, dịu dàng, gần gũi của mình sẽ nhắc nhớ cho chúng ta về quãng thời gian đó.

Câu chuyện qua ngôi kể thứ nhất của nhân vật “tôi”, đó là Huy – học sinh lớp 8A2 của trường Trung học cơ sở Bình Minh, vẫn là bối cảnh xoay quanh chuyện trường lớp, bạn bè, chuyện ở nhà, và cái cách mà nhân vật chính của chúng ta trường thành, thay đổi trong hành động, suy nghĩ.

Huy, với cá tính của một cậu thiếu niên đang ngưỡng tuổi mười bốn, mười lăm, Huy luôn muốn trở thành người lớn, luôn khao khát được mọi người tự hào, yêu mến và công nhận. Dường như đó cũng từng là ước mơ của mỗi chúng ta khi đương tuổi  chập chững trưởng thành.

Nhưng cũng như bao nhiêu cô cậu thiếu niên ở lứa tuổi đó, Huy vẫn còn nhiều tính cách trẻ con, còn vấp ngã, còn thiếu sót, cậu cực kì “căm ghét” môn toán nhưng lại có lòng say mê môn văn, trở thành học sinh giỏi văn nhất lớp.

Tuy nhiên, sự việc thay đổi chỗ ngồi đột ngột vào đầu học kì 1 lớp 8 đã có tác động lớn đến Huy. Thế giới của cậu mở ra thêm sự xuất hiện của Hiền, Quang, Đại, và tất nhiên là cả Bảy – người bạn thân thiết nhất từ trước của Huy.

Năm người bạn, với năm cá tính, suy nghĩ khác nhau, tưởng đối lập nhưng lại bù trừ, mang đến những sự đồng điệu khó tả. Trên hết, những học trò dù nghịch ngợm, trẻ con, còn gây ra những mâu thuẫn nhưng chúng đều có một lòng say mê ham học hỏi, giàu lòng tốt bụng, nhân ái, biết quan tâm, chia sẻ, biết giúp đỡ nhau trở nên tốt hơn, tình bạn cứ vậy mà lớn dần theo năm tháng. 

Đó là Đại, tổ trưởng tổ 5, “đại ca” của cả bàn, lầm lì, ít nói nhưng lại vô cùng nghiêm khắc, nghiêm túc trong kỉ luật và học tập, người đầu tiên sát sao nhắc nhở Huy mỗi lần Huy mắc lỗi, làm sai và cũng là người tác động lớn đến sự thay đổi của Huy.

Là Hiền, cô gái duy nhất của cả bàn, mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Hiền vẫn là một cô gái dịu dàng, chăm chỉ, cần cù, biết cách gắn kết tình cảm giữa mỗi người bạn trong bàn.

Là Quang, nhà sinh vật học thông thái với những kiến thức khiến cho Huy phải ngạc nhiên hết lần này đến lần khác, một cậu bé cương trực, thẳng thắn. Và Bảy, người bạn thân thiết nhất với Huy, người duy nhất “cứu vớt” Huy khỏi bể khổ môn toán, và có lẽ chính cậu cũng là người hiểu Huy nhất.

Rồi còn có cả Kim Hà – Kiến Lửa, Kim Liên, thằng Hùng, và người thầy giáo Dân, tất cả những mối quan hệ trên lớp, trong trường đó đã tạo nên nhiều thay đổi mới mẻ với Huy, để trở thành học sinh tốt hơn, “người lớn” hơn.

Điều quan trọng là cậu đã hiểu được giá trị của tình bạn, cậu yêu quí tất cả người bạn của mình, tha thiết được đến trường, tha thiết được đi học.

Cậu còn có cả những suy nghĩ đặc biệt khi cậu nhìn thấy “hình ảnh một người phụ nữ ngày đêm miệt mài đào hầm đánh Mỹ suốt gần ba chục năm” trong chuyến tham quan bảo tàng với lớp, để rồi cảm thấy “một diều gì giống như là nỗi xấu hổ dâng lên trong lòng” khi cậu soi chiếu vào những hành động biếng lười của bản thân hiện tại.

Cậu bắt đầu tìm thấy điều mới mẻ, thú vị, hấp dẫn ở môn học mà cậu từng gọi chệch đi là “môn oán”, cậu oán nó dễ sợ mà giờ cậu tự tìm tòi ra cách học mới. Trong nửa năm học ngắn ngủi đó, tâm hồn Huy đã cảm nhận biết bao điều mới mẻ.

Để cậu bật ra suy nghĩ “con người tôi, tựa như lớn hẳn lên, không phải lớn ở cái chiều cao nhất lớp, mà lớn trong suy nghĩ của mình”.

Tạm quên đi những bộn bề gấp gáp, những mẩu tin ,câu chuyện hồi hộp gay cấn, Bàn có năm chỗ ngồi hiện lên trong giọng văn nhẹ nhàng của Nguyễn Nhật Ánh mang lại cho chúng ta cảm giác dễ chịu và bình yên đến vô cùng.

Chính cốt truyện trong Bàn có năm chỗ ngồi đơn giản nhưng sự tài tình của nhà văn đã biến nó trở nên tinh tế và khiến cho độc giả, dù ở bất kì lứa tuổi nào cũng đều có thể đọc và cảm nhận sâu sắc cá tính từng nhân vật, hàm ý trong những chi tiết vụn vặt, nhỏ bé đời thường mà ta thường không hay bận tâm để ý.

Nhà văn khép lại câu chuyện trong bối cảnh kì thi hết học kì một đang gần kề trước mắt những cô cậu học trò nhỏ, nhưng độc giả tin rằng chúng rồi sẽ tiếp tục trưởng thành, sẽ hoàn thành tốt kì thi này và những kì thi sắp tới trong tương lai, để những nhân vật tiếp tục sống trong tâm trí của độc giả.

Chúng ta, tôi cho rằng, mỗi người đều đã từng là Huy trong quãng thời gian đi học của mình, có đủ những cá tính, những hành động và suy nghĩ giống như nhân vật Huy.

Bàn có năm chỗ ngồi là tác phẩm khiến tôi cảm thấy gần gũi nhất khi nhớ về những tháng năm Trung học, với những người bạn ngồi kế bên, hình ảnh người thầy người cô, những kế hoạch thi đua học tập tốt, hình ảnh lớp học nhốn nháo tiếng cười, tiếng nói, tiếng nô đùa, nghịch ngợm.

Đó không phải là khoảng thời gian tươi đẹp duy nhất của một đời người nhưng nó đáng nhớ, vậy là đủ. Nó lưu giữ và chứa đựng những gì ngây thơ, trong trẻo nhất, những ước mơ, đam mê khao khát mà chúng ta luôn mong muốn thực hiện.

Còn bạn, bạn có còn nhớ những người bạn cùng bàn năm ấy không?

Linh Đồng