The Terminal (Không Tổ quốc) là bộ phim chính kịch được sản xuất bởi đạo diễn huyền thoại Steven Spielberg và chính thức ra mắt khán giả vào mùa hè năm 2004. Đây là tác phẩm đánh dấu lần hợp tác thứ ba của đạo diễn Steven Spielberg và Tom Hanks.

Với sự tham gia của các ngôi sao Hollywood đình đám như Tom Hanks, nữ diễn viên Catherine Zeta-Jones, Stanley Tucci cùng sự đầu tư tỉ mỉ về nhạc phim, The Terminal đã thu về hơn hai trăm triệu USD và đoạt giải tại BMI Film Music Award năm 2004.

Bộ phim quay lại hành trình sống của Viktor Navorski (Tom Hanks thủ vai) tại sân bay quốc tế phía nam thành phố New York. Anh bị từ chối nhập cảnh vào Hoa Kỳ và không thể trở về quê nhà Krakozhia vì nội chiến đang xảy ra, lúc này quốc tịch của Viktor không được chấp nhận.

Xoay quanh cuộc sống chín tháng không dài cũng chẳng ngắn ấy, anh đã gặp vô vàn khó khăn, tình huống dở khóc dở cười cùng các nhân vật nơi phi trường.Từ bác lao công người Ấn Độ, cô tiếp viên hàng không xinh đẹp, các nhân viên bán hàng đến phó giám đốc phi trường.

The Terminal truyền tải nhiều thông điệp nhân văn

Về cốt truyện và bối cảnh, The Terminal không phải là một tác phẩm mới. Nó được lấy cảm hứng từ một người tị nạn Iran sống ở sân bay quốc tế gần Paris, từ năm 1988 khi giấy tị nạn của anh ta bị đánh cắp đến năm 2006. Một tác phẩm khác vào năm 1993, Lost in Transit cũng lấy cảm hứng tương tự.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sản xuất của Steven Spielberg, The Terminal đã gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa đến với khán giả. Đặc biệt là tinh thần lạc quan của nhân vật chính trước biến cố cuộc đời và cách anh giữ lời hứa với người cha quá cố.

Lạc quan giữa nghịch cảnh

Xuyên suốt bộ phim là hành trình chờ đợi và nỗ lực sinh sống của Viktor Navorski, một hành khách Đông Âu bị rơi vào lỗ hổng hệ thống tại sân bay.

Trong lúc ngồi máy bay tới Mỹ thì quê hương anh, nước Cộng hòa Krakozhia bị đảo chính. Một chính quyền mới lên ngôi đồng nghĩa với việc nước Mỹ ngừng cấp thị thực cho phép Viktor nhập cảnh. Giờ đây, anh chính thức trở thành một kẻ “không Tổ quốc”.

Viktor một mình giữa sân bay xa lạ
Viktor một mình giữa sân bay xa lạ 

Giữa sân bay rộng lớn ấy, chàng trai này không khác nào một mình trên hoang đảo. Viktor cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ từ người xung quanh nhưng dường như không nhận được sự phản hồi nào. Đối mặt với rào cản ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa và lối sống, hoàn cảnh của anh trở nên vất vả hơn bao giờ hết.

Tuy vậy, nhân vật không bấu víu vào thực tại khắc nghiệt ấy, anh có niềm tin, sự lạc quan và lẽ sống riêng dành cho mình. Kết quả là Viktor đã chọn cách thích nghi để sinh tồn.

Bắt đầu bằng việc sắp xếp một chỗ ngủ tại nhà ga cũ kỹ số 67, anh sửa sang lại hàng ghế gỉ sắt thành chiếc giường tạm bợ. Các mối lo khác từ thức ăn đến kiếm tiền mưu sinh, nhân vật đều mạnh mẽ mà tìm cách vượt qua.

Với hoàn cảnh đi không xong, về chẳng được của Viktor, giám đốc phi trường Dixon (Stanley Tucci thủ vai) đã cho anh mười phiếu ăn trong những ngày sống tạm bợ nơi đây. Đáng tiếc, vì mải mê giúp một cô bé đóng gói vali, anh đã để cho những tờ phiếu ấy “cuốn theo chiều gió”.

Giám đốc Dixon trong phim The Terminal
Giám đốc Dixon trong phim The Terminal

Song, bằng sự quan sát tinh tế, anh đã nhìn thấy ánh sáng của con đường rằng có thể kéo xe đẩy về chỗ cũ để lấy tiền. Chiếc bánh hamburger đầu tiên, thứ hai, thứ ba đều là thành quả cho sự cố gắng không ngừng nghỉ của người đàn ông chăm chỉ ấy.

Dixon lại tiếp tục gây khó dễ cho anh khi thuê hẳn một đội ngũ dọn dẹp xe đẩy và luôn tìm cách tống khứ Viktor ra khỏi địa phận sân bay. Tên giám đốc xem anh như một lỗ hổng chẳng nên có trên con đường thăng tiến của hắn.

“Bắt và thả, thật đơn giản, đôi lúc anh bắt được một con cá nhỏ. Anh gỡ nó ra và thả xuống nước, anh thả nó ra và để người khác thích thú bắt nó lại.” – Dixon nói với cấp dưới của mình khi âm mưu dụ dỗ Viktor bước ra khỏi cửa an ninh để rồi anh sẽ bị bắt bởi cục cảnh sát nhân dân New York

Đứng trước thử thách đang chồng chéo nhau, Viktor cũng không quên thắp lên ánh sáng của giây phút vui vẻ và hạnh phúc. Anh trò chuyện và kết bạn với mọi người ở sân bay từ bác lao công, anh phụ bếp đến cảnh vệ phi trường, thậm chí phiêu dạt tình yêu với nàng tiếp viên xinh đẹp.

Nàng tiếp viên xinh đẹp Amelia lựa chọn hẹn hò với Viktor
Nàng tiếp viên xinh đẹp Amelia lựa chọn hẹn hò với Viktor

Chín tháng trôi qua chắc chắn không hề dễ dàng, người đàn ông ngoại quốc luôn giữ tinh thần lạc quan khiến người xem khâm phục. Bởi phía trước là một lời hứa cao cả đang chờ anh thực hiện, có thể nói điều ấy chính là lẽ sống của cuộc đời Viktor.

Câu chuyện về sự chờ đợi trong The Terminal

Thông điệp về sự chờ đợi trong phim đã được nhấn mạnh ngay từ poster công chiếu với dòng chữ “Life is Waiting” (Đời là chờ đợi). Xuyên suốt tác phẩm, các nhân vật đều mang nỗi niềm mong chờ giữa nơi phi trường đông đúc. Mỗi câu chuyện của họ đều mang nét ý nghĩa riêng biệt và không kém phần sâu sắc.

Với nhân vật chính Viktor, anh luôn chờ cái ngày được đặt chân vào New York để thực hiện lời hứa với cha, người thích nghe nhạc Jazz. Viktor đã dành cả cuộc đời mình để sưu tầm chữ ký của năm mươi nghệ sĩ Jazz và người nghệ sĩ cuối cùng đang chơi saxophone ở thành phố xa hoa này.

Amelia (Catherine Zeta-Jones thủ vai) là nàng tiếp viên hàng không xinh đẹp nhưng lại gặp bất hạnh trong tình yêu. Cô đã lỡ va vào một người đàn ông có vợ và chờ đợi người mình yêu suốt bảy năm ròng rã. Tuy Amelia gặp Viktor, được anh gửi đến một tình cảm chân thành nhưng cô lại rời xa vì nghĩ rằng không xứng đáng với điều cao cả ấy.

“Em đã nói anh hãy rời xa em, Viktor. Nhưng anh không hiểu. Xin lỗi, em phải đi đây, em trễ rồi.” – Amelia

Bác lao công người Ấn Gupta (Kumar Pallana thủ vai) có phần cổ hủ ấy là tội nhân đang bị truy nã ở nước nhà. Vì bị đàn áp và thu thuế bất hợp pháp, ông ra tay với tên nhân viên hách dịch để rồi nhận lại mức án bảy năm. 

Vì vậy, Gupta đã vượt biên, tới sân bay đảo hoang này và chỉ biết chờ đợi ngày hết mức lãnh án để trở về quê hương.

Câu chuyện về sự chờ đợi của bác lao công trong phim The Terminal
Câu chuyện về sự chờ đợi của bác lao công trong phim The Terminal

Chàng phụ bếp Enrique (Diego Luna thủ vai) thì đem lòng say mê với cô kiểm sát viên nhập cảnh Dolores (Zoe Saldana thủ vai). Phải lòng nàng từ lâu, anh chỉ mong cầu cô sẽ nhận lời cầu hôn chân thành ấy. 

Viktor cũng góp phần giúp chuyện tình của Enrique trở nên ngọt ngào hơn khi làm “người đưa thư” cho cặp đôi. 

Thậm chí, đến cả phó giám đốc phi trường thường gây khó dễ cho Viktor cũng phải mong chờ cái ngày mà ông được thăng chức từ bao năm nỗ lực vừa qua. 

Sân bay như một xã hội thu nhỏ của nước Mỹ lúc bấy giờ

Với bối cảnh chính được xây dựng ở sân bay, người xem sẽ thấp thoáng hình dung được một nước Mỹ hào nhoáng, sang trọng nhưng không kém phần hà khắc.

Tại nơi phi trường rộng lớn ấy, con người ta chỉ biết chăm chú vào bản thân mà chẳng mảy may tới lời cầu cứu của kẻ khốn khổ, hệt như cách người xung quanh đối xử với Viktor vào những ngày đầu anh ở đây, hay chỉ dán mặt vào điện thoại để rồi té ngã khi không để ý biển hiệu “sàn ướt”, dù đó chỉ là trò đùa của Gupta.

Những khó khăn, chèn ép mà Dixon gây ra cho Viktor cũng là lời phê bình và lên án sâu sắc một bộ phận chính quyền bấy giờ ở Mỹ. Ấy là khi người ta quá mưu cầu được tiền cao, chức trọng, sự tự tế sẽ bị lu mờ trước tất cả.

Tuy nhiên, xã hội vẫn luôn có sự hiện diện của tình người. Chính nơi phi trường khắc nghiệt ấy, Viktor đã tìm được những tình bạn quý, khoảnh khắc tình yêu hay sự ủng hộ từ mọi người khi anh bước qua cánh cổng để tiến đến New York.

Tình người luôn hiện hữu trong phim The Terminal
Tình người luôn hiện hữu trong phim The Terminal

Đặc biệt hơn, người đàn ông ấy vẫn giữ vững tình yêu với quê hương của mình. Viktor không chọn “sợ Krakozhia” chỉ để vào thành phố xa hoa tráng lệ kia. Khán giả có thể cảm nhận được tình yêu ấy qua những lần anh chỉ biết khóc và hốt hoảng trước thông cáo trên ti vi.

Cú bắt tay đầy ăn ý giữa Steven Spielberg và Tom Hanks

Steven Spielberg là một đạo diễn, nhà biên kịch kiêm nhà sản xuất điện ảnh người Mỹ. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình từ năm 1969 và được coi là một trong những đạo diễn huyền thoại của giới điện ảnh nói chung và Hollywood nói riêng.

Về phong cách làm phim của mình, Steven không gắn mình vào một thể loại xuyên suốt mà tập trung khai thác nhiều chủ đề, thể loại phim khác nhau. Mặc dù vậy, ở chủ đề nào nhà đạo diễn tài ba cũng ghi dấu ấn với giới điệu mộ và khán giả.

Tính đến nay, ông đã xuất sắc được ba giải Oscar trong tổng số bảy đề cử. Các tác phẩm tiêu biểu của đạo diễn có thể nhắc đến Hàm cá mập, Bản danh sách của Schindler hay Giải cứu binh nhì Ryan.

Với Tom Hanks, anh là diễn viên được toàn bộ nước Mỹ yêu mến về cả tài năng lẫn đạo đức nghề nghiệp. Thông qua các vai diễn để đời ở các dự án như Forrest Gump, Giải cứu binh nhì Ryan, The Green Mile, Tom Hanks đã ghi được dấu ấn riêng trong lòng khán giả.

Trước đây, Steven Spielberg và Tom Hanks từng hợp tác tạo nên những tác phẩm điện ảnh xuất sắc, được giới chuyên môn đánh giá cao như Catch Me If You Can (2002)

Nhờ các lần đồng hành ăn ý trước đó, cặp đôi tài năng này đã tái hợp một lần nữa trong The Terminal. Họ cũng chẳng ngại dành cho nhau những lời khen có cánh.

“Điều đầu tiên tôi nhận thấy ở Tom là tôi không bao giờ phải nói anh ấy diễn xuất. Tất cả chỉ như Tom đang trò chuyện với tôi.” – Đạo diễn Steven Spielberg chia sẻ về sự chuyên nghiệp của Tom Hanks

Sau The Terminal, cả hai tiếp tục đồng hành cùng nhau trong bộ phim mới về thời kỳ Chiến tranh lạnh có tên Bridge of Spies vào năm 2015.

The Terminal dưới lăng kính của khán giả và giới chuyên môn

Từ các bài đánh giá trên diễn đàn IMDb, The Terminal được công chúng xem là tác phẩm giàu tính nhân văn, những khoảnh khắc hài hước dễ thương và nhẹ nhàng trong phim đã mang lại trải nghiệm khá tốt cho khán giả. 

“Mặc dù bối cảnh trong The Terminal có thể phi thực tế và sến súa nhưng đây vẫn là một bộ phim hay và dễ xem. Đây là một bộ phim hợp lý để bạn có thể xem và giải trí cùng gia đình.” – Khán giả trên diễn đàn IMDb có một số lời bình luận về tác phẩm

Giới chuyên môn cũng không ngại dành lời khen cho sự hợp tác của Steven Spielberg và Tom Hanks. Với tài năng của cặp đôi, bộ phim khai thác một câu chuyện cũ nhưng theo cách rất mới lạ và gần gũi, đồng thời thông điệp mà The Terminal truyền tải khá rõ ràng và sâu sắc.

“Bộ phim là kết tinh của sự sáng tạo và lao động cần mẫn. Spielberg và đoàn làm phim đã dệt nó thành một tác phẩm hài nhẹ nhàng, chân thật, tạo được sự đồng cảm cho người xem.” – Roger Ebert của tờ Chicago Sun-Times bình luận về The Terminal

Nhìn chung, The Terminal sẽ là một lựa chọn hoàn hảo để thưởng thức bất cứ khi nào chúng ta cần thêm một chút động lực sống. Với cách khai thác chân thực, bộ phim hệt như lát cắt cuộc đời, giúp người xem có thể bắt gặp bài học riêng dành cho mình.

Cam Ngọt