La Quán Trung được biết đến là nhà văn nổi tiếng với ngòi bút loé sáng trên nền trời văn học cổ đại của Trung Hoa. Những sáng tác văn chương nghệ thuật còn lại của ông đến ngày nay đa phần đều không còn nguyên tác.

Tam quốc diễn nghĩa là thành tựu lớn nhất của La Quán Trung trên hành trình chinh phục con đường văn học. Tiểu thuyết nổi tiếng này được đánh giá là một trong “Tứ đại kỳ thư” bất hữu của Trung Quốc.

Cuộc đời trứ danh của nhà văn La Quán Trung

La Bản tự Quán Trung, có biệt hiệu là Hồ Hải Tản Nhân, sinh vào cuối đời nhà Nguyên và mất vào đầu thời Minh, khoảng năm 1330 đến năm 1400 với sự thống trị giữa Nguyên Thuận Đế cùng Minh Thái Tổ.

Xuất thân từ dòng dõi “danh gia vọng tộc”, cha là dân buôn nhưng dường như La Quán Trung không có hứng thú nối nghiệp nên ông đã tìm đến một học giả có tiếng thời đó để “tầm sư học đạo”.

Cuộc đời tiếng tăm lẫy lừng của La Quán Trung
Cuộc đời tiếng tăm lẫy lừng của La Quán Trung

Cuộc đời của La Quán Trung khá mơ hồ, ít sử sách ghi chép lại cụ thể. Nhiều nhà nghiên cứu sử học cho rằng ông là người am hiểu sâu sắc về tri thức, tính cách cô độc nhưng lại có hoài bão chính trị lớn lao.

Thời trẻ tuổi ông nuôi chí phò vua giúp nước, tuy nhiên triều đình nhà Nguyên lúc đó bắt đầu suy yếu, ông chán nản và bất mãn nên bỏ đi phiêu bạt khắp chốn, lấy hiệu là Hồ Hải Tản Nhân.

Với bút hiệu Hồ Hải Tản Nhân, bậc thi nhân hiền tài có tình yêu văn chương sâu đậm, điêu luyện trong sáng tác đã từng ngược xuôi khắp chốn cũng là vị chính khách tài ba, am hiểu sâu rộng về tình hình chính trị nước nhà.

Có thuyết viết rằng ông là người Lư Lăng Tiền Đường, Đông Nguyên hoặc cũng có thể đến từ Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi thông tin chi tiết về La Quán Trung hay nhân thân họ La vẫn còn mơ hồ.

Có giai đoạn trong lịch sử Trung Quốc xảy ra mâu thuẫn dân tộc và giai cấp rất gay gắt, diễn biến tình hình phức tạp. Xã hội đương thời vô cùng hỗn loạn, các cuộc chiến tranh giành quyền lực liên tục bùng nổ, bộc lộ tham vọng thống trị.

Theo như tương truyền, La Quán Trung là người “có chí tiến thủ, lập nghiệp bá chủ”, mang mưu đồ trở thành bá vương. Tình thế suy tàn của triều Nguyên khi ấy như tiếp thêm cơ hội để ông lật thế cờ.

Khoảng những năm 1345 – 1355, ông có dịp đến Hàng Châu và tiếp xúc với thể loại văn học dân gian. Đây là cột mốc đánh dấu cho sự bùng nổ về mặt tư tưởng nghệ thuật trong La Quán Trung, trở thành cảm hứng để tác giả “thai nghén” kiệt tác Tam quốc diễn nghĩa.

Năm 1356, La Quán Trung đến làm khách ở mộ phủ, nơi một toán quân nông dân chuẩn bị khởi nghĩa. Do không bằng lòng trước sự mục ruỗng của triều đình nên ông đã cố vấn cho Trương Sĩ Thành đánh bại cuộc tấn công của Chu Nguyên Chương.

Cùng thời gian đó, em trai của Trương Sỹ Thành cũng cầm quân nhưng bị nhà Nguyên đánh bại nên đành phải đầu hàng. Khi cuộc chiến rơi vào bế tắc, Minh Thái Tổ lên ngôi, La Quán Trung lui về cuộc sống ở ẩn và biên soạn tiểu thuyết. 

La Quán Trung là một tiểu thuyết gia kiêm nhà viết kịch nên chịu ảnh hưởng không ít xu hướng xã hội ở vùng phía Nam. Ông dùng đôi mắt sắc sảo để nhìn trực diện về tình hình xã hội đương thời, không né tránh sự thật mà sử dụng bút lực mô tả hiện thực lịch sử.

Sau thời gian dài lựa chọn cuộc sống ẩn sĩ, La Quán Trung trở về Hàng Châu khi đã ngoài năm mươi, trải qua nhiều năm tháng thăng trầm cùng với sự biến đổi liên tục của dòng chảy lịch sử.

La Quán Trung cuối cùng cũng đã có cái nhìn khái quát, toàn diện hơn về bối cảnh xã hội bấy giờ. Ông đã tận tâm tận lực, dốc sức để chắp bút hoàn thành tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa.

Đến năm thứ ba đời nhà Minh, ông hoàn thành mười hai quyển và các chương hồi còn lại thì mất thêm bốn năm. Trong khoảng năm 1385 đến năm 1388, La Quán Trung qua đời, thọ bảy mươi tuổi.

Tam quốc diễn nghĩa chính là mốc son chói lọi trong sự nghiệp văn học của La Quán Trung. Tiểu thuyết lịch sử này được người dân Trung Quốc xem như một kiệt tác văn học cổ đại, xếp trong tứ đại danh tác nổi tiếng mọi thời đại.

Sự nghiệp văn học của La Quán Trung là kho báu Trung Hoa

La Quán Trung đã có những đóng góp xuất sắc cho tiểu thuyết lịch sử thời Minh Thanh. Nhìn vào sự nghiệp đồ sộ, các nhà nghiên cứu văn học nhận thấy ngoài việc giỏi về từ khúc, câu đối, kịch, tài năng của ông còn thể hiện rõ nhất ở thể loại tiểu thuyết.

Sự nghiệp văn học đồ sộ của La Quán Trung
Sự nghiệp văn học đồ sộ của La Quán Trung

La Quán Trung thể hiện ngòi bút tài hoa qua nhiều bộ tiểu thuyết lịch sử thời Tùy Đường như Tùy Đường lưỡng triều chí truyện, Tàn Đường ngũ đại sử diễn nghĩa, Tam Toại Bình Yêu Truyện, Phấn Trang Lâu.

Trong đó, Tam Toại Bình Yêu Truyện của La Quán Trung được một nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc chỉ ra đó là tác phẩm thần ma đầu tiên trên thế giới. Nổi bật là nhân vật Vương Tắc chống chính quyền nhờ sự trợ giúp của ma thuật.

Tuy nhiên, văn học thần ma đã bị phản đối vào đầu thế kỷ thứ hai mươi. Thế hệ nhà văn đương thời phản đối truyện kỳ ảo và ủng hộ chủ nghĩa hiện thực theo xu hướng của châu Âu.

Nhiều nhà văn Trung Hoa cho rằng thể loại giả tưởng kết hợp yếu tố thần ma là sản phẩm mê tín của xã hội phong kiến. Điều đó trở thành vách ngăn cho việc hiện đại hóa xã hội đương thời và phát triển nền khoa học. 

Về kịch, ông cũng để lại các tác phẩm nổi tiếng như Tống Thái Tổ long hổ phong vân hội, Trung Chính Hiếu Tử Liên Hoàn Gián, Tam Bình Chương Tử Khóc Phỉ Hổ Tử

Trong số đó, kiệt tác Tam Quốc diễn nghĩa được xem là một trong những bộ tiểu thuyết mở ra kỷ nguyên mới cho văn học cổ đại Trung Quốc, để lại danh tiếng và sức ảnh hưởng sâu rộng đến Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Các tác phẩm ông để lại đã góp phần tái hiện một cách chân thật hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, đồng thời còn ẩn chứa nhiều bài học nhân sinh sâu sắc, có giá trị đến tận ngày nay.

Tam quốc diễn nghĩa một kiệt tác của văn học phương Đông

Tuy La Quán Trung chịu sự ảnh hưởng của Nho giáo và mang tư tưởng phong kiến nhưng về mặt chính trị, xã hội thì lại có nhiều tiến bộ của người trí thức ưu thời mẫn thế cuối triều Nguyên.

Điều đó thể hiện rõ nét nhất qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa, đây là đứa con tinh thần mà đem lại dấu ấn vang dội cho La Quán Trung trên chặng đường văn học nghệ thuật. 

Tam quốc diễn nghĩa là một kiệt tác của văn học Phương Đông
Tam quốc diễn nghĩa là một kiệt tác của văn học Phương Đông

Đây là bộ tiểu thuyết vô cùng hoành tráng về nội dung, cốt truyện và nhân vật. Lấy bối cảnh từ thời suy tàn của nhà Hán, việc triều chính bị bỏ bê, kinh tế suy sụp, an ninh bất ổn. 

Chính điều đó đã làm bùng nổ cuộc đấu tranh giành quyền lực của các phe phái diễn ra trong suốt một thế kỷ. Từ Trung Bình năm thứ nhất đời Linh đế Đông Hán đến Thái Khang năm thứ nhất đời Vũ đế Tây Tấn.

Cuộc chiến loạn lạc giữa mười quân phiệt kéo dài từ năm 190 đến 200, khi cả ba nước đều muốn tranh chấp xưng vương, xưng đế. Thời đại Tam quốc cuối cùng cũng chấm dứt sau gần một thế kỷ xung đột.

Sự ra đời của Tam quốc diễn nghĩa cũng chính là khởi đầu của dòng tiểu thuyết “diễn nghĩa lịch sử” rất thịnh hành tại quốc gia có bề dày lịch sử và lòng tự tôn dân tộc.

Diễn nghĩa lịch sử tức là gom góp các câu chuyện, tình tiết về sự thăng trầm trong chiến tranh, biến cố của triều đại làm đề tài lịch sử, lấy ngôn ngữ đương thời để thể hiện, lan truyền, thay đổi cốt truyện từ người nay sang người khác.

Qua đó, độc giả có thể thấy được quan điểm lịch sử, chính trị, đạo đức, thẩm mỹ của thời đại. Đó cũng là điểm nhấn trong Tam quốc diễn nghĩa khi có những chi tiết mang tư tưởng khách quan của nhân dân được La Quán Trung khéo léo tận dụng đan cài trong tác phẩm.

Với kiệt tác Tam quốc diễn nghĩa, bạn đọc có thể thấy tường tận thời đại lịch sử oai hùng với các cuộc phân tranh lãnh thổ từ triều đại Đông Hán đến triều đại Tây Tấn.

Tam Quốc diễn nghĩa còn có tên gọi ngắn gọn khác như Tam Quốc Chí hay Tam Quốc. Bản gốc thì có tên gọi đầy đủ là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, được mệnh danh là một trong những tác phẩm kinh điển nổi tiếng của Trung Quốc.

Tác phẩm gồm bảy mươi lăm vạn chữ, được đánh giá là kiệt tác thời đại và xếp vào hàng “Tứ đại ngôn tác”. Nhan đề của nó đã thể hiện khái quát nội dung cả bộ tiểu thuyết.

Tam Quốc ở đây đề cập đến ba nước phong kiến thời Tam quốc bao gồm Ngụy, Thục, Ngô, chỉ hai chữ đã gợi lên cả khoảng thời gian lịch sử đầy biến động của Trung Hoa.

Theo từ điển Hán Nôm, “diễn” được hiểu là diễn thuyết, mô phỏng, chữ “nghĩa” mang hàm ý làm việc nghĩa, tình nghĩa bao gồm với tất cả các mối quan hệ giữa vua chúa, cha con, vợ chồng, huynh đệ, bằng hữu. 

Nhan đề tác phẩm dù gọi đầy đủ hay ngắn gọn đều thể hiện nội dung là những câu chuyện xoay quanh giai đoạn lịch sử thời Tam Quốc của Trung Hoa.

Sở dĩ nói một vài chi tiết trong tiểu thuyết mang tư tưởng của nhân dân bởi lẽ trước khi Tam quốc diễn nghĩa ra đời thì truyện Tam Quốc đã được lưu hành rộng rãi trong dân gian.

Nó đã trải qua quá trình sáng tác tập thể từ quần chúng qua nhiều giai đoạn thời gian. Tác giả không phải là một người cụ thể mà do nhân dân truyền miệng, câu chuyện mang tính cộng đồng cao.

Tam Quốc diễn nghĩa được nhà văn La Quán Trung sáng tác vào đầu thời Minh, ông đã dựa vào nguồn tư liệu lịch sử và truyền thuyết có sẵn mà chấp bút nên tác phẩm cổ điển vô giá trong kho tàng văn học phương Đông.

Mạch cảm hứng của tác phẩm này phần lớn lấy từ cuốn Tam quốc chí do Trần Thọ viết vào đời Tấn và những ghi chép dã sử mà Bùi Tùng Chi viết vào thời Nam triều, đến đời Tống Nguyên được lưu truyền rộng rãi.

Do đó, có thể xem Tam Quốc diễn nghĩa là trái ngọt của quá trình tiếp thu nền tri thức, văn minh của thế hệ trước để lại, làm tác phẩm thêm phần phong phú, đa chiều.

Xuyên suốt 120 hồi, chủ yếu xoay quanh việc miêu tả tình hình phức tạp của quá trình đấu tranh chính trị và dùng binh trong quân sự. Các nhân vật được miêu tả ngoại hình tương ứng với hành động, tư tưởng.

Bên cạnh việc đó, La Quán Trung còn lồng ghép vào tác phẩm nhiều tình tiết hư cấu do ông tưởng tượng. Chính vì thế, độ phức tạp của các binh pháp trở nên vĩ mô hơn, con người cũng trở nên mạnh mẽ, quyết liệt.

Việc tác phẩm tồn tại hơn năm trăm năm và được xếp trong “Tứ đại danh tác” cũng đủ để khẳng định sức ảnh hưởng cũng như sự thành công của Tam Quốc diễn nghĩa.

Vì vậy, La Quán Trung được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là người đặt nền móng, mở đường cho thể loại tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc phát triển.

Tiểu thuyết không đơn thuần dừng lại ở việc tường thuật các cột mốc lịch sử trọng đại của Trung Hoa thời Tam Quốc. Dựa vào bút lực tài hoa, tác giả đã khiến câu chuyện hiện ra sinh động với những góc nhìn khác nhau. 

Qua đó, độc giả vừa có thể thấy cuộc chiến lịch sử đẫm máu kéo dài gần trăm năm, vừa cảm thấu được thế giới tâm hồn, tư tưởng nhân dân đối với các sự kiện có tác động đến vận mệnh đất nước.

Đây là điểm sáng đặc biệt của Tam quốc diễn nghĩa so với các bộ chính sử khác. Đặc biệt hơn hết, tiểu thuyết đã truyền tải những tư tưởng, quan niệm Nho giáo qua cách xây dựng nhân vật.

Trung thành với lí tưởng “văn dĩ tải đạo”, bộ tiểu thuyết này đã mang lại những tư tưởng lớn, đặc biệt là quan niệm về nhân, nghĩa trong Nho gia. Đây cũng là điểm sáng giữa cốt truyện đầy rẫy cuộc chiến binh đao.

Sự liên đới giữa Tam quốc diễn nghĩa với học thuyết Nho giáo

Giá trị to lớn bộ tiểu thuyết này mang lại không chỉ ở những câu chuyện lịch sử hay nội dung dày đặc mà là nhiều tư tưởng nhân văn được hàm chứa và truyền tải.

Thời bấy giờ, với vị trí độc tôn trong xã hội thì bất kì tác phẩm văn học nào cũng chịu ảnh hưởng bởi Nho giáo. Các quan niệm đó được biểu hiện rất rõ ở mỗi sản phẩm nghệ thuật nhưng để đạt được chiều sâu trong tư tưởng thì chỉ có Tam quốc diễn nghĩa làm được điều đó.

Mối quan hệ giữa Tam quốc diễn nghĩa và học thuyết Nho giáo
Mối quan hệ giữa Tam quốc diễn nghĩa và học thuyết Nho giáo

Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã phơi bày cục diện chính trị Trung Hoa và nổi bật là “cát cứ phân tranh”, “cá lớn nuốt cá bé”, chiến tranh giành quyền lực, lãnh thổ triền miên, nhân dân đói khổ, xã hội loạn lạc. 

Trong một thời kỳ như vậy, khát vọng của người dân là cuộc sống hòa bình, ổn định. Nguyện vọng đó đã được gửi gắm vào một triều đình có ông vua thương dân, có văn võ bá quan với đường lối “nhân chính”.

Vị vua đó chính là Lưu Bị, thuộc triều đình Thục và có dòng dõi nhà Hán, biết thương dân, vì dân, ông là nhân vật tượng trưng cho chữ nhân. Còn các mưu sĩ giỏi giang, đa tài như Khổng Minh thì đại diện chữ trí.

Năm người tướng giỏi như Quan Công, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung với khí chất ngời ngời dũng mãnh. Họ trên dưới một lòng, thề sống chết bên nhau vì sự nghiệp khôi phục nhà Hán.

Tư tưởng trị quốc của năm nhân vật này trong tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa chủ yếu được hình thành bởi sức ảnh hưởng của Nho giáo trong việc cai quản đất nước và hành vi con người. 

Chọn chủ đề xuất phát ở thực tại của xã hội loạn lạc những năm cuối Đông Hán và từ khát vọng của quần chúng nhân dân, tác giả La Quán Trung đặc biệt chú trọng đến quan niệm về chữ Nhân trong tư tưởng Nho gia xuyên suốt tác phẩm.

Quan niệm cốt lõi của chữ Nhân là đề cao nhân nghĩa, đạo đức thông qua việc giáo hóa để cai trị đất nước. Điều này luôn được thể hiện nhất quán trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị của nhân vật Lưu Bị, tự Huyền Đức.

“Từ lâu ta đã biết Huyền Đức là con cháu Trung Sơn Tĩnh Vương, cháu chắt Hiếu Cảnh hoàng đế. Ông lấy khiêm tốn, quý trọng hiền sĩ, kính cẩn đãi người, tiếng nhân đức lừng lẫy khắp thiên hạ. Từ già đến trẻ, từ kẻ chăn trâu đến người kiếm củi, ai cũng biết ông là một bậc anh hùng đời nay. Con ta phò tá người ấy, thật là xứng đáng.” – Tam quốc diễn nghĩa

Từ đó, có thể thấy được rằng sự nhân đức, tín nghĩa của Lưu Bị đều được những người xung quanh công nhận. Người xưa có câu “Kẻ lấy được lòng người ắt sẽ lấy được cả thiên hạ”.

Đối với lối đức trị phải công tâm thì lòng dân mới thuận, binh sĩ đoàn kết, tướng lĩnh một lòng trung thành. Về cách lấy lòng dân để trị nước thì Lưu Bị đặc biệt luôn tuân theo chữ Nhân và dùng chữ Tín.

Ngoài nhân vật Lưu Bị thì tài trị nước an dân cũng được thể hiện ở nhân vật Tôn Quyền khi biết dùng tướng tài Chu Du, nghe theo sự chỉ dẫn của Lỗ Túc, dung hòa với bọn Trương Chiêu để giúp cho đất Giang Đông ngày càng hưng thịnh.

La Quán Trung đã để nhân vật của mình thể hiện rất rõ lối đức trị, tức là dùng đạo đức của người lãnh đạo để an dân. Như vậy biểu hiện của chữ Nhân trong Nho giáo được thể hiện rất rõ qua các nhân vật thuộc tuyến chính thống của tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa

Theo thông thường, mô-típ các nhân vật phản diện trong truyện đều xấu xa, tàn ác nhưng ở Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã khiến cuốn tiểu thuyết trở nên ấn tượng và khác biệt.

Ngoài phe đại diện cho chính nghĩa thì còn xuất hiện một nhân vật phản diện, đó là Tào Tháo. Tuy nhiên, trong cách đối nhân xử thế của ông ta vẫn thể hiện được nhân tính, lại biết giữ chữ tín với nhiều người.

 “Trước ta đã hứa, không nên thất tín. Người ta đã vì chủ cũ, không nên đuổi.”  – Tam quốc diễn nghĩa

Qua những sự kiện, hành động của nhân vật luôn xen lẫn Nhân, Nghĩa, đôi khi cũng thể hiện Lễ, Tín nên có thể thấy Tam Quốc diễn nghĩa là bộ tiểu thuyết chương hồi có sự liên đới với tư tưởng Nho giáo.

Từ đó cho thấy “ngũ thường” trong Nho giáo rất quan trọng mà không chỉ nhân vật chính thống như Lưu Bị lấy nhân nghĩa làm kim chỉ nam, ngay cả đối tượng phản diện Tào Tháo cũng bộc lộ đôi phần điều đó.

“Thà để ta phụ người chứ không để người phụ ta.” – Tam quốc diễn nghĩa

Từ xa xưa, chữ Nghĩa được đánh rất cao và là con đường to lớn trong thiên hạ mà người quân tử phải hướng đến. Thời chiến, chém giết, hạ gục kẻ thù chưa hẳn là chiến thắng vì còn phải thể hiện phép tắc nhân tính, lấy nghĩa làm gốc.

Dưới ngòi bút của La Quán Trung, phép tắc nhân tính xuất phát từ chữ Nghĩa của Nho giáo và nó được ông thể hiện một cách đa chiều trong Tam quốc diễn nghĩa. Trước hết đó là tôn trọng, khoan dung với kẻ thù, coi trọng mạng sống con người.

Tiếp theo, bậc trượng phu coi trọng “nghĩa” cũng tức là xem trọng, đề cao vị trí, vai trò của người tài. Khi chiến đấu với kẻ thù mạnh nếu để mất đi, có nghĩa đã bỏ lỡ một nhân tài có thể sử dụng được. 

Cuối cùng, thể hiện phép ứng xử cao đẹp như việc không lấy mạng người khác, không phụ lòng người đã giúp mình, đặt ơn nghĩa lên hàng đầu, không bạc tình, bạc nghĩa.

Những điều đó đều lấy đức nghĩa làm cốt yếu, là cơ sở để hình thành phép tắc nhân tính. Tất cả đều được thể hiện qua các nhân vật mà La Quán Trung đã kì công xây dựng trong Tam quốc diễn nghĩa.

Khi Trần Cung thấy Tào tàn nhẫn giết nhiều người vô tội ở Từ Châu thì đã trở nên thất vọng nặng nề và quyết định theo Lữ Bố. Như vậy, đối với Tào Tháo, Cung là một tên quân phản chủ.

Thế nhưng khi nhớ đến ơn nghĩa như việc Trần Cung cứu mạng mình và từng hết lòng trung thành phụng sự nên đã tha chết. Dù vậy, Cung từ chối, chọn cái chết trong sự hối tiếc của Tào Tháo.

Dù Trần Cung đã tạo phản nhưng ông ta vẫn dành sự tôn trọng nhất định. Nhớ đến ân tình xưa mà tiếp đãi người nhà rất nồng hậu rồi đưa về Hứa Xương, sai người nuôi mẹ Cung đến hết đời.

Như vậy, trong thời kì chiến tranh loạn lạc của Trung Hoa, chữ Nghĩa nói chung và phép tắc nhân tính nói riêng được nhắc đến như một chiêu thức. Tào Tháo cũng là một trong những nhân vật sử dụng cách này để cảm hoá đối thủ.

Cách làm như thế vừa giúp quân tử làm trọn cái nghĩa, vừa thu phục nhân tài. Điều này đã làm sáng tỏ tư tưởng của La Quán Trung, khi tiểu thuyết ông đã dùng ngòi bút của mình để hướng tới nhân nghĩa và tôn trọng con người.

Quan niệm Nhân và Nghĩa trong học thuyết Nho giáo được biểu hiện rất rõ qua nhiều mặt trong bộ tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa. Với hệ thống truyện đồ sộ, hơn bốn trăm nhân vật khác nhau, song bộc lộ cụ thể nhất là qua các hình tượng điển hình của tác phẩm.

Những nhân vật được xem là lý tưởng đã đại diện cho quan niệm về ngũ thường trong Nho gia bao gồm Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Nhờ đó mà La Quán Trung thành công trong việc xây dựng những tượng đài vĩnh cửu trong lòng độc giả.

Tuy nhiên, vì việc được xây dựng vẻ ngoài tuyệt hảo tương đương với tính cách, hành động nên tiểu thuyết cũng gặp nhiều luồng ý kiến trái chiều khi tác giả đã lý tưởng hoá nhân vật đến cực phẩm.

Nguyên nhân lí giải cho bút pháp phóng đại nhân vật của tác giả, đó là vì Tam quốc diễn nghĩa thuộc thể loại tiểu thuyết sử thi nên giọng điệu chủ yếu ca ngợi hoặc châm biếm một cách hài hước để phê phán.

Vì thế, cách khoa trương nhằm ca ngợi những chiến công kì tích của bậc quân tử hảo hán, phóng đại khó khăn để thử thách tài năng võ nghệ các vị anh hùng. 

Như vậy, có thể thấy tuy bút pháp thậm xưng của La Quán Trung làm mất đi sự chân thật nhưng lại thành công hướng các nhân vật đến quan niệm Nhân Nghĩa, trở thành hình tượng điển hình cho tư tưởng của Nho gia. 

La Quán Trung đóng góp công sức to lớn trong việc đưa tiến trình lịch sử khô khan lại gần người đọc. Với những câu thoại gần gũi, tự nhiên, bộ tiểu thuyết không chỉ là tác phẩm văn học xuất sắc “vô tiền khoáng hậu” mà còn gửi gắm các giá trị về tư tưởng, giáo dục, lịch sử và tôn giáo.

Tuy ra đời trong thời kỳ xã hội đầy biến động, thế nhưng La Quán Trung vẫn dành trọn tâm huyết, chú trọng từng chi tiết để truyền tải những quan niệm Nho gia thông qua tác phẩm của mình.

Vì những điều đó mà tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa đã nhiều lần được chuyển thể thành phim, gây tiếng vang lớn trong giới điện ảnh không thua kém gì so với nguyên tác.

Giai Kỳ