Tình bạn luôn là tình cảm cao quý, dìu dắt con người vượt qua muôn ngàn giông bão. Có những người bạn, người tri kỉ bên cạnh, niềm vui sẽ được nhân lên gấp đôi và nỗi buồn cũng sẽ được vơi đi bởi sự san sẻ, cảm thông.

Bạn đến chơi nhà: Tình cảm thắm thiết của đôi bạn ở tuổi xế chiều

Nguyễn Khuyến cũng là một trong số người may mắn đó, giữa ông và Dương Khuê đã tồn tại một tình rất bạn đẹp và vô cùng trong sáng. Mối kết giao thâm tình ấy được vang lên trong từng trang thơ của tác phẩm Bạn đến chơi nhà.

Nguyễn Khuyến là hồn thơ lớn của quê hương làng cảnh Việt Nam

Nguyễn Khuyến tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu Quế Sơn, tự Miểu Chi. Quê nội của ông ở làng Vị Hạ, xã Yên Đổ nay là xã Trung Lương, huyện Lục Bình, tỉnh Hà Nam.

Nguyễn Khuyến là hồn thơ lớn của quê hương làng cảnh Việt Nam

Ông là con của Nguyễn Tông và bà Trần Thị Thoan, tuy xuất thân nghèo khó nhưng sẵn tính thông minh lại ham học. Về sau, Nguyễn Khuyến đứng đầu ba kì thi Hương, Hội, Đình và được người đời ưu ái gọi là Tam nguyên Yên Đổ.

Dẫu ba lần đứng đầu kì thi khoa bảng nhưng Nguyễn Khuyến chỉ làm quan vỏn vẹn mười năm rồi lui về ở ẩn. Phần lớn cuộc đời nhà thơ là ngày tháng sống thanh bạch, dạy học nơi làng quê.

Vì thế, những tác phẩm xuất sắc của ông phần lớn được sáng tác trong thời kỳ ông cáo quan về ở ẩn. Các tác phẩm tiêu biểu bao gồm Quế Sơn thi tập, Yên Đổ thi tập, Bách Liêu thi văn tập cùng nhiều bài ca, câu đối truyền miệng.

Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ cùng đau, cùng buồn với nhân dân. Thơ ông khắc họa rõ nét tinh thần yêu quê hương đất nước, gia đình, bạn bè. Bên cạnh đó cũng phản ánh cuộc sống con người chất phác, thuần hậu.

Dưới ngòi bút đại tài ấy, thơ đã trở thành vũ khí sắc bén để ông bày tỏ thái độ châm biếm, đả kích tầng lớp thống trị nhằm bộc lộ tấm lòng ưu ái với dân, với nước cùng những kiếp người lang bạc.

Từ chuyện đời đến tác phẩm Bạn đến chơi nhà

Nhà thơ Nguyễn Khuyến ra làm quan giữa lúc nước mất nhà tan, khi chế độ phong kiến nhà Nguyễn dần đi vào thời kì lụi tàn. Phong trào khởi nghĩa bấy giờ cũng trỗi dậy mạnh mẽ tiêu biểu là phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Hương Khê nhưng tất cả đều bị dập tắt.

Từ chuyện đời đến tác phẩm Bạn đến chơi nhà

Giấc mơ trị quốc, bình thiên hạ của ông cũng theo đó mà chôn vùi dưới lớp tro tàn. Vì không chịu khuất phục dưới trướng thực dân Pháp, Nguyễn Khuyến đã cáo quan về ở ẩn, chọn cuộc đời bình dị và chẳng còn mưu cầu danh lợi.

Dù vậy, người bạn tri âm tri kỷ Dương Khuê luôn hiểu cho nỗi niềm sâu sắc ấy của ông. Trong một lần gặp lại, Nguyễn Khuyến đã cất tiếng ngợi ca tình bạn thắm thiết đó qua bài thơ Bạn đến chơi nhà.

Bạn đến chơi nhà là vần thơ tiêu biểu về tình bạn trong thi ca Việt Nam

Tình bạn là đề tài hiện diện xuyên suốt trong hành trình phát triển của thi ca dân tộc. Nhà thơ Tố Hữu cũng từng thả hồn mình để chất đầy lời thơ ngọt ngào với tác phẩm Tiếng Ru.

“Con ong làm mật yêu hoa

Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời

Con người muốn sống con ơi

Phải yêu đồng chí yêu người anh em.” – Tiếng ru (Tố Hữu)

Chắt chiu trong từng lời ru, người mẹ đã nhắc nhở đứa con non dại của mình, không một ai sống trên đời mà không có bè bạn. Bạn bè là tri âm, tri kỉ giúp đỡ, dìu dắt con người giữa muôn vàn khó khăn, gian khổ.

Tình bạn là mối quan hệ đi cùng con người từ thuở thơ ấu đến lúc trưởng thành. Nó luôn đồng hành và san sẻ, chứng kiến chặng đường khôn lớn của biết bao thế hệ.

Nguyễn Khuyến cũng may mắn tìm được Dương Khuê, người vốn là bạn đồng niên. Hai người đều có hướng đi riêng giữa thời cuộc rối ren, thế nhưng mối kết giao chân tình chưa từng sờn đi theo năm tháng mà ngày càng bền chặt hơn.

Với thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật cổ điển cùng lời thơ hóm hỉnh, tươi vui, Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến đã làm nổi bật tình bạn thắm thiết giữa cả hai. Đó cũng là sự thấu hiểu và chia sẻ giữa những người được gọi là tri âm, tri kỷ.

Niềm mong mỏi chờ đợi sau khoảng thời gian dài xa cách

Câu thơ đầu bài thơ vang lên như tiếng reo vui, thể hiện niềm hồ hởi của tác giả khi có bạn đến chơi nhà sau một thời gian dài xa cách.

“Đã bấy lâu nay, bác tới nhà.” – Bạn đến chơi nhà (Nguyễn Khuyến)

Cách ngắt nhịp 4/3 gồm hai vế sóng đôi cùng nhịp thơ reo lên tha thiết đã giúp độc giả cảm nhận niềm phấn khích, xúc động của nhà thơ khi lần đầu đón bạn đến thăm chốn hương quê.

“Đã bấy lâu nay” vốn là trạng ngữ chỉ thời gian, dù không xác định chính xác năm hay tháng nhưng lại thông báo chắc chắn rằng từ rất lâu rồi, người bạn ấy mới có dịp đến thăm.

Đằng sau lời thông báo đó, độc giả nhận ra được sự mong đợi, niềm xúc động lẫn vui sướng đến nghẹn ngào của tác giả khi người bạn không quản ngại đường xá xa xôi để đến thăm mình.

Ở câu thơ trên, Nguyễn Khuyến khéo léo sử dụng đại từ nhân xưng “bác” để chỉ người bạn tri âm tri kỷ. Nó làm dâng lên cảm giác thật thân thương, nhẹ nhàng và thể hiện sự thân tình lẫn kính trọng đối với Dương Khuê.

Đặt câu thơ vào hoàn cảnh mà Nguyễn Khuyến đã cáo quan về ở ẩn chốn hương thôn, ít có bạn bè giao du. Có lẽ “bác tới nhà” vừa là niềm mong mỏi, vừa là sự khắc khoải chờ đợi bấy lâu trong lòng nhà thơ.

Bởi lẽ, khi đã từ bỏ danh lợi để về sống nơi thôn quê, mấy ai lại tình nguyện lặn lội đến thăm. Thế nhưng với bạn của nhà thơ, họ đối với nhau không vì vật chất mà lại xuất phát từ tấm chân tình sâu sắc.

Đằng sau câu thơ, độc giả cảm nhận rõ được bước chân như díu lại, những giọt lệ ứa ra từ khóe mắt của đôi bạn già. Tình cảm ấy về sau hiển hiện rõ trong bài thơ Khóc Dương Khuê mà Nguyễn Khuyến đã từng viết:

“Bác già tôi cũng già rồi,

Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là

Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,

Trước ba năm gặp bác một lần.” – Khóc Dương Khuê (Nguyễn Khuyến)

Giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê tồn tại một tình bạn thật hiếm có và sâu sắc. Đó không chỉ là mối quan hệ bình thường giữa bạn bè với nhau mà ở hai thi sĩ luôn tồn tại sợi dây gắn kết tri âm.

Thông thường ở một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật hoàn chỉnh thì phần vào đề thường phải có hai câu. Vậy mà, Bạn đến chơi nhà của nhà thơ Nguyễn Khuyến chỉ vỏn vẹn một câu.

Mạch cảm xúc bài thơ lúc này diễn ra rất tự nhiên, thể hiện sự chân thành của nhà thơ. Cả độc giả cũng cảm nhận được niềm vỡ òa khi nhận tin người bạn phương xa đến thăm sau thời gian dài xa cách.

Cách tiếp đãi bạn trong tình huống éo le cũng không kém phần hóm hỉnh

Trong thời điểm bạn đến thăm nhà, hiện thực bày biện trước mắt người đọc là những tình huống éo le nhưng dưới ngòi bút của nhà thơ lại được đặc tả vô cùng hợp lý.

“Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.” – Bạn đến chơi nhà (Nguyễn Khuyến)

Một tình huống khó xử được đặt ra ngay khi bất chợt đón khách đến nhà nhưng lại ẩn chứa tấm lòng sâu sắc đối với người bạn. Chẳng mấy khi có dịp ghé thăm thì điều đầu tiên tác giả nghĩ tới là chuyện tiếp đãi thật nhiều món ngon, của lạ.

Ở đây, nhà thơ hóm hỉnh dựng ra cảnh bản thân đã có tuổi nên đi lại hết sức khó khăn, trẻ thơ mải rong chơi quên đường về nên cũng chẳng thể nhờ đi mua rượu thịt để hàn huyên cùng người bạn.

Đây cũng chính là một yếu tố khách quan vì theo lời kể của tác giả, nơi này vốn dĩ có chợ, có của ngon vật lạ, có sơn hào hải vị nhưng tất cả đều không tài nào mua được.

Ý tưởng lúc này là dùng đến những thứ có sẵn quanh nhà, đó vốn dĩ là những thứ đơn sơ, bình dị nơi thôn quê mà ông cất công chăm bón bấy lâu nay.

“Ao sâu, nước cả khôn chài cá,

Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà

Cải chửa ra cây, cà mới nụ

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.” – Bạn đến chơi nhà (Nguyễn Khuyến)

Điểm thú vị ở những câu thơ trên là vốn sung túc đầy đủ nhưng xét thì lại không có gì. Có gà, có cá, có cải, có cà, đủ nguyên liệu cho ra một bữa ăn thịnh soạn. Ấy vậy mà trong cách nói của ông thì chẳng còn món nào thết đãi bạn được.

Có sẵn cá ở trong ao nhưng ngặt nỗi là sâu quá lại không chài được, lại do rào rộng quá nên chẳng bắt được con gà nào. Trong vườn cũng đủ các loại rau quả nhưng thời điểm ấy thì chưa vào mùa thu hoạch.

Dân gian Việt Nam có câu “khách đến nhà không gà cũng vịt”, vậy mà nhà thơ lại lâm vào hoàn cảnh thật trớ trêu. Những thức ngon chẳng hiện diện, rau dưa thì chưa có, đây quả thực là một tình huống éo le.

Vẻ đẹp của làng cảnh quê hương Việt Nam đánh thức tâm hồn thi nhân

Nguyễn Khuyến là bậc thầy của làng thơ Việt Nam, thông qua hình ảnh và lăng kính văn học xuất sắc, ông đã vẽ ra bức tranh thôn quê dân dã, thân thuộc nơi làng quê Bắc Bộ Việt Nam bấy giờ.

“Một nhà thơ yêu quê hương làng mạc đến say đắm và điều không kém phần quan trọng là nhà thơ đủ bút lực và tài hoa để ghi lại quê hương làng cảnh Việt Nam dưới màu sắc của mùa thu và vẻ đẹp của chính tâm hồn thi nhân.” – Nguyễn Đức Quyền

Hình ảnh nhà thơ hiện lên trong bức tranh ấy thật hồn hậu, bình dị. Từ bỏ chốn quan trường đầy toan tính hơn thua, ông khoác lên mình chiếc áo đơn sơ của người nông dân thật thà, chất phác.

Sống chan hòa với thiên nhiên nơi “vườn Bùi chốn cũ”, ông đã hăng hái dẫn người bạn đến thăm thú điền viên, cùng tận hưởng không khí quê kiểng đầm ấm mà không nơi nào có được.

Vẻ đẹp của làng cảnh quê hương Việt Nam đánh thức tâm hồn thi nhân

Nguyễn Khuyến cũng hiểu rất rõ về nhân tình thế thái. Khi triều đình phong kiến bị chính quyền thực dân vô hiệu hóa cũng là lúc ông thấy rõ ma lực đồng tiền đã làm xã hội có những biến đổi đầy tiêu cực.

Thay vì mệt mỏi bon chen, cư sĩ lại lựa chọn một lối sống an nhàn, hòa hợp với thiên nhiên để bảo vệ nhân cách thanh cao, đó mới là sự lựa chọn sáng suốt của bậc Nho sĩ lúc bấy giờ.

Tự cho mình là dại khi từ ngã bỏ mũ quan tìm đến chốn thanh vắng. Không màng thế sự để bầu bạn với thiên nhiên nơi núi rừng, chẳng mưu cầu danh lợi, Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng từng chọn cuộc sống bình dị như thế:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn người đến chốn lao xao

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.” – Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Cụ đã “dại” nên tìm về nơi “vắng vẻ” chốn thôn điền tĩnh lặng, trồng rau nuôi cá và dùng thức ăn đạm bạc để tâm hồn được thảnh thơi. Còn người “khôn” tìm về chốn “lao xao”, nơi kinh thành đô hội dốc lòng đua chen về tiền tài danh vọng.

Nguyễn Khuyến tự tạo nên tình huống rất mực bối rối khi Bạn đến chơi nhà lại không sơn hào hải vị cũng chẳng có bữa tiệc thịnh soạn tiếp đãi cho đường hoàng tử tế.

Lúng túng trước tình cảnh thiếu thốn này thì một nhà thơ khác là Đỗ Phủ cũng từng gặp trường hợp tương tự. Ông khi ấy như đang nhẹ xoa tay, nói vài lời để bạn già thứ lỗi cho bữa cơm mời xoàng xĩnh.

“Cơm nước chợ xa không đủ món,

Rượu mời nhà ngặt chỉ thứ ôi

Nếu chịu uống cùng ông hàng xóm,

Cách rào xin gọi cạn chén vui.” – Khách chí (Đỗ Phủ)

Mãi vui mừng khi có bạn ghé thăm, cụ Đỗ Phủ đã quên phắt đi cái chật vật ở hiện tại. Trên bàn thức ăn thiếu, bình rượu chỉ vừa lưng, ấy vậy còn vô tình mời thêm người bạn láng giềng đến cạn chung.

Thiếu thốn trăm bề, vật chất lại tầm thường nhưng tình nghĩa vốn dĩ luôn đong đầy. Thế cũng phải thôi, họ đến với nhau trong hoàn cảnh này đâu chỉ bằng thức ăn thức uống mà cốt do cái tình cảm gắn bó keo sơn.

Tiếng cười trào lộng vang lên trong từng lời thơ của Bạn đến chơi nhà

Hình ảnh trong bài thơ đều trở nên đặc biệt khi Nguyễn Khuyến cố tình xây dựng theo nghệ thuật tự trào, có mà lại không, sự thiếu thốn vật chất bấy giờ được đẩy lên cao trào đến mức khó tin.

“Đầu trò tiếp khách trầu không có.” –  Bạn đến chơi nhà (Nguyễn Khuyến)

Dân gian Việt Nam có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện, đây được xem như nét đặc sắc trong văn hóa xưa nay của người Việt. Miếng trầu tuy bình dân nhưng lại chứa đựng nhiều tình cảm ý nghĩa, không phân biệt giàu nghèo, vùng miền tổ quốc.

Tiếng cười trào lộng vang lên trong từng lời thơ của Bạn đến chơi nhà

Một lần nữa trong trang thơ của Nguyễn Khuyến, ông tạo nên tình huống bối rối vô cùng khi bạn tới thăm nhà, những thức ngon thì chẳng thấy đến cả miếng trầu cũng không có.

Thực ra khi cáo quan về ở ẩn, cuộc sống Nguyễn Khuyến tuy có phần đạm bạc nhưng với cơ ngơi “năm gian nhà cỏ thấp le te từng miêu tả trong bài thơ Thu Vịnh của ông thì đâu đến nỗi không chỉn chu một bữa cơm mời bạn.

“Năm gian nhà cỏ thấp le te

Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe.” – Thu Vịnh (Nguyễn Khuyến)

Qua nghệ thuật nói quá kết hợp cùng ngôn từ bình dị, độc giả thấy được đây chẳng qua chỉ là cách nói phóng đại, cốt để đùa vui như cái tính tình vốn hóm hỉnh của cụ Tam Nguyên Yên Đổ.

Trong từng trang thơ của Nguyễn Khuyến luôn mang nét đặc sắc của nghệ thuật trào phúng vô cùng hóm hỉnh cùng nhiều cung bậc cảm xúc nhưng cũng mang đậm nét riêng nơi ông.

Sự thấu hiểu trong tâm hồn thoát ly khỏi cái vật chất tầm thường

Với hoàn cảnh bấy giờ, đối với nhà thơ không thứ vật chất nào có thể thay đổi được tri âm tri kỷ. Câu thơ cuối trong Bạn đến chơi nhà từ tốn vang lên như lời tuyên ngôn về tình bạn đậm đà thắm thiết ấy:

“Bác đến chơi đây ta với ta.” – Bạn đến chơi nhà (Nguyễn Khuyến)

Sau hàng loạt sự kiện đưa ra vô vàn lý do, lúc bấy giờ không còn quan trọng hình thức nữa, chẳng cần đến thịt rượu chỉ cần tấm chân tình của đôi bạn già luôn có nhau thế là quá đủ.

Vẫn trìu mến và thân thương, đại từ nhân xưng “bác” lại một lần nữa vang lên trong câu thơ mang trong mình niềm kính trọng vô bờ đối với người bạn. “Bác” đã chẳng màng tuổi già sức yếu, không quản đường sá xa xôi để tìm đến nhau.

Không cần đến vậy chất, cái tồn tại duy nhất ở đây bây giờ là tình bằng hữu thân thiết nhiều năm, cùng bước chân chậm chạp của đôi bạn có nhau ở cái tuổi xế chiều.

Cụm từ đặc biệt “ta với ta” xuất hiện ở câu cuối, vốn sử dụng một đại từ nhân xưng “ta” nhưng lại mang hai ý nghĩa. Từ “ta” đầu tiên dùng để chỉ chủ nhà mà cụ thể là nhà thơ.

“Ta” thứ hai nhằm nói về khách đến chơi ở đây là nhà thơ Dương Khuê, giữa hai đại từ nhân xưng được liên kết bằng quan hệ từ “với” bộc lộ hiện thực chủ và khách bây giờ đã không còn tồn tại khoảng cách.

Bà Huyện Thanh Quan cũng từng khiến người đọc không hỏi suy ngẫm đến cụm từ “ta với ta” được viết trong tác phẩm Qua Đèo Ngang:

“Dừng chân đứng lại trời non nước

Một mảnh tình riêng ta với ta.” – Qua Đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan)

Đứng trước khung cảnh mênh mông của đất trời, nữ thi sĩ cảm nhận rõ sự cô đơn, lạnh lẽo giữa chốn núi rừng hoang vắng. Cụm từ “ta với ta” cất lên như lời nỉ non than trách phận đời nhỏ bé ấy.

“Ta” trong Qua Đèo Ngang chỉ chung một người nhằm thể hiện nỗi nhớ nhà da diết, bày tỏ được niềm xót xa tột cùng trước cảnh cô đơn của Bà Huyện Thanh Quan.

Nhưng trong Bạn đến chơi nhà, “ta với ta” há chẳng phải đơn giản là một mà tiến triển thành hai. Sự gắn trọn vẹn đồng nhất bấy giờ không chỉ đơn thuần dừng lại ở tình bạn mà đã thân thương gọi nhau bằng tiếng tri âm tri kỷ.

Tình bạn ấy đã thoát ly hiện thực, vượt lên trên vật chất tầm thường để đến thế giới tâm hồn. Không cần vật chất bên ngoài mà chỉ cần thấu hiểu, đồng điệu từ những người bạn thời niên thiếu.

Bạn đến chơi nhà và nét đặc sắc riêng trong lối thơ của Nguyễn Khuyến

Sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật nhưng với Bạn đến chơi nhà, nhà thơ đã lược bỏ những luật lệ hà khắc vốn có nhằm mang lại cảm giác hóm hỉnh gần gũi đến người đọc.

Bạn đến chơi nhà và nét đặc sắc riêng trong lối thơ của Nguyễn Khuyến

Mang đến làn gió mát của nông thôn để xua tan đi cái oi ả nóng bức của hiện thực xã hội thời bấy giờ. Thi nhân đã khéo léo chọn lọc ngôn từ bình dị cùng hàng loạt hình ảnh “ao sâu nước cả”, “vườn rộng rào thưa”.

Bút pháp nói quá giúp bài thơ dù mang một nội dung quen thuộc nhưng lại mới lạ vô cùng, bởi cách xây dựng tình huống éo le nhưng đậm nét triết lý sâu xa về tình bạn.

Tất cả đã khắc họa chân thực toàn cảnh làng quê thanh bình thích hợp cho những cuộc hàn huyên, chơi cờ ngắm trăng. Làng cảnh chiêm trũng, bình dị ấy cũng là nơi ông giữ trọn tiết thanh cao trong suốt quãng đời còn lại.

Trải qua một đời sương gió, khi cay đắng cuộc đời đã nếm đủ. Ở phút giây này đây thật trân quý biết bao khi đôi bạn già ấy được ngồi cạnh nhau, cùng hàn huyên tại mảnh đất quê hương ấy.

Với bài thơ Bạn đến chơi nhà, Nguyễn Khuyến đã để lại trong kho tàng văn học Việt Nam một kiệt tác thơ cổ đậm nét chân lý về tình bạn. Đó là tình cảm không toan tính, vụ lợi khiến bao thế hệ sau đều nghiêng mình trước nỗi niềm chân thành ấy.

Mẫn Nhi