Được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc của Phỉ Ngã Tư Tồn, Không kịp nói yêu em đã vẽ nên bức tranh ngọt ngào nhưng cũng không kém phần bi thương về câu chuyện tình giữa thời dân quốc.

Mối lương duyên giữa Bái Lâm và Tĩnh Uyển tuy không trọn vẹn nhưng cũng đã để lại trong lòng người đọc nhiều dư vị vấn vương, bồi hồi khi họ đã dám vượt qua mọi rào cản của định kiến để đến bên nhau.

Đôi nét về nhà văn Phỉ Ngã Tư Tồn và tác phẩm Không kịp nói yêu em

Phỉ Ngã Tư Tồn là một nhà văn nữ thuộc dòng văn học hiện đại Trung Quốc, cô tên thật là Ngải Tinh Tinh, sinh năm 1978 tại tỉnh Hồ Bắc.

Cô đã chứng minh được tài hoa của mình khi cho ra đời nhiều tiểu thuyết nổi tiếng và ăn khách, đồng thời nữ nhà văn còn được đánh giá là bảo chứng ngôn tình xứ Trung bên cạnh những cái tên như Tân Di Ổ, Cố Mạn hay Diệp Lạc Vô Tâm.

Ảnh tác giả Phỉ Ngã Tư Tồn
Chân dung tác giả Phỉ Ngã Tư Tồn

Các tác phẩm của cô hầu hết đều ngược tâm và có cái kết bi thảm khiến độc giả không khỏi day dứt khôn nguôi.

Tính đến thời điểm hiện tại, Phỉ Ngã Tư Tồn đã cho ra đời hơn hai mươi tác phẩm và hầu hết đều đã được chuyển thể thành phim truyền hình vô cùng ăn khách.

Một số tiểu thuyết đã làm nên tên tuổi của nữ nhà văn có thể kể đến như Đông Cung, Gấm rách, Thiên sơn mộ tuyết, Sương mù vây thành hay Không kịp nói yêu em.

Trong đó tác phẩm Không kịp nói yêu em đã được chuyển thể thành phim truyền hình năm 2010 với sự góp mặt của Chung Hán Lương và Lý Tiểu Nhiễm, đồng thời gây được tiếng vang lớn trong và ngoài nước.

Cuốn sách là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Phỉ Ngã Tư Tồn, được sáng tác năm 2008 với cốt truyện lấy cảm hứng từ cuộc chiến tranh thời dân quốc.

Câu chuyện xoay quanh mối tình đầy trắc trở giữa Bái Lâm và Doãn Tĩnh Uyển, cả hai đã vô tình chạm mặt nhau trên chuyến tàu từ Nga về Trung Quốc, cũng từ đó mối lương duyên của họ dần chớm nở.

Bằng sự xuất sắc trong ngòi bút, Phỉ Ngã Tư Tồn đã một lần nữa khiến độc giả khóc nghẹn trước số phận đầy nghiệt ngã của các nhân vật trong tác phẩm.

Cuộc gặp gỡ định mệnh và mối tình ngang trái vừa chớm nở

Không kịp nói yêu em lấy bối cảnh thời dân quốc loạn lạc, câu chuyện mở đầu bằng sự gặp gỡ giữa Doãn Tĩnh Uyển và một người đàn ông trên chuyến tàu từ Nga trở về Càn Bình, sau đó nhận được chiếc đồng hồ khắc hai chữ Bái Lâm sau khi cô giúp đỡ người đó.

Doãn Tĩnh Uyển vốn là một tiểu thư quyền quý ở phương Nam, từ nhỏ đã được tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây nên tính cách của cô không chỉ dịu dàng, thanh tao mà còn vô cùng độc lập và kiên cường.

Tĩnh Uyển được sinh ra trong một gia đình truyền thống, có địa vị ở Càn Bình và lớn lên trong vòng tay yêu thương của ba mẹ. Đồng thời cô còn có vị hôn phu tên là Hứa Kiến Chương, một thư sinh nho nhã, lịch thiệp, không những thế anh còn vô cùng dịu dàng và chu đáo.

Kiến Chương là người bạn từ thuở nhỏ của Tĩnh Uyển, trong suốt những ngày thơ ấu cô luôn được anh nuông chiều và bảo vệ nên đã mang lòng mến mộ anh Hứa.

Bìa sách Không kịp nói yêu em
Ảnh bìa trước đây của sách Không kịp nói yêu em

Những tưởng cô sẽ có một cuộc đời viên mãn bên gia đình cùng mối tình thanh mai trúc mã của mình nhưng sóng gió bỗng ập đến cuộc đời Tĩnh Uyển khi vị hôn phu của cô bị tình nghi buôn lậu.

Vốn có sẵn tính cách mạnh mẽ, quyết đoán cô đã liều mình đi cứu Kiến Chương khi biết được anh đang ở trong tay của Bái Lâm Mộ Dung Phong, người có tên trùng với hai chữ Bái Lâm được khắc trên chiếc đồng hồ của cô.

Mộ Dung Phong là con trai của Đô đốc tỉnh Giang Bắc Mộ Dung Thần, sau khi Đô đốc qua đời, anh thay ông tiếp nhận vị tri thống soái. Anh là một người mưu trí, có tài quân sự bẩm sinh đồng thời sở hữu khí phách và phong độ của một vị tướng.

Để gặp được người đức cao vọng trọng như Bái Lâm quả thật không hề dễ dàng, sau rất nhiều lần cố gắng Tĩnh Uyển mới có cơ hội diện kiến anh. Từ lần đầu gặp gỡ, Mộ Dung Phong đã bị say đắm bởi nét đẹp kiều diễm như đoá hoa lan nở rộ giữa thời dân quốc của cô.

Nhận ra Tĩnh Uyển là cố nhân nên anh đã đối xử với cô vô cùng tử tể, nồng hậu đồng thời còn chấp nhận lời thỉnh cầu về Kiến Chương từ cô, không những thế anh còn đưa Tĩnh Uyển đi xem kịch và dạy cô cách bắn súng.

Suốt thời gian bên nhau, tình cảm giữa họ đã dần chớm nở nhưng vì cô vẫn còn tình cảm với Kiến Chương nên cả hai chỉ có thể dành cho đối phương lòng mến mộ và kết nghĩa huynh muội.

Ngay thời điểm Bái Lâm tưởng rằng đã có thể buông tay Tĩnh Uyển thì lại được cô liều mạng đỡ giúp một phát đạn khiến trái tim anh bùng cháy dữ dội và quyết tâm chinh phục người con gái mình yêu.

Doãn Tĩnh Uyển, em đừng ép anh quá đáng, hôm nay anh nói thẳng ra, anh không làm đại ca gì của em hết, anh thích em, viên đạn đó suýt nữa lấy mạng của em, cũng suýt lấy mạng anh, lúc đó anh đã hạ quyết tâm, chỉ cần em sống em sẽ phải là của anh, cho dù em giận anh, hận anh, anh cũng không hề hối tiếc.

Mặc dù nhận được lời tỏ tình từ Bái Lâm nhưng do chưa thể xác định rõ tình cảm trong lòng nên cô đã dứt khoát rời xa anh để cùng cha trở về quê hương.

Tĩnh Uyển đã chọn quay lại với cuộc sống êm đềm trong vòng tay gia đình như trước đây bởi điều mà cô mong muốn hiện giờ là sự yên bình.

Tại Càn Bình, hai nhà họ Doãn và Hứa vốn có hôn ước từ lâu nên nhân dịp Tĩnh Uyển bình an trở về đã quyết định tổ chức lễ cưới cho cô cùng Kiến Chương. Dù lòng vẫn nặng tơ vương về mối tình chớm nở ở Thừa Châu nhưng cô vẫn gật gù chấp nhận để làm yên lòng phụ mẫu.

Câu chuyện tình yêu đầy đau thương
Sách Không kịp nói yêu em được Nhà xuất bản văn học phát hành

Tuy nhiên, khi hôn lễ đang diễn ra thì Bái Lâm mạo hiểm tính mạng từ chiến trường trở về để thổ lộ tình cảm của mình với cô.

Lý trí của Tĩnh Uyển có vững vàng đến mấy thì vẫn phải chịu thua trước sự chân thành cùng tình yêu sâu đậm mà Bái Lâm dành cho mình.

Trái tim của nàng thiếu nữ rung lên từng nhịp vì lòng si tình của Bái Lâm nên đã quyết định rời khỏi Càn Bình, lặng lẽ bỏ lại gia đình và hôn lễ để sống một cuộc đời mới bên cạnh người mình yêu.

Khi Tĩnh Uyển đến Nam Thành, Bái Lâm trong lòng vui mừng khôn xiết đồng thời hết mực yêu thương cô, họ đã trải qua những tháng ngày tươi đẹp cùng nhau như đôi uyên ương trong niềm hạnh phúc vô bờ của cả hai.

Chinh chiến gian nan là việc của đàn ông, vốn không nên nói với em, nhưng anh muốn cho cả thiên hạ thấy, anh muốn cho em biết, anh có hoài bão như thế nào. Tĩnh Uyển, anh muốn cho em hạnh phúc mà phụ nữ trên thế gian này đều phải ngưỡng mộ, anh muốn tặng cả thiên hạ cho em.

Dưới ngòi bút tài hoa của Phĩ Ngã Tư Tồn, mối tình khắc cốt ghi tâm giữa Bái Lâm cùng Tĩnh Uyển đã khiến những người yêu ngôn tình không khỏi trầm trồ, ngưỡng mộ.

Tuy thời gian bên nhau ngắn ngủi nhưng họ đã dành cho nhau những cảm xúc vô cùng chân thành và sâu đậm, để rồi sau này dù có đi qua bao nhiêu thăng trầm hay biến cố, tháng ngày đó vẫn mãi là đoạn hồi ức tươi đẹp trong tâm trí cả hai.

Những mộng mơ lại một lần nữa hoá đau thương

Tưởng chừng Tĩnh Uyển đã có được hạnh phúc trọn vẹn mà bao người mong ước, vậy mà số phận lại một lần nữa trêu đùa cô.

Vì đang là thời kỳ loạn lạc, tình hình quân sự diễn ra vô cùng căng thẳng nên Bái Lâm đã gặp phải khó khăn trong kế hoạch tác chiến và cần sự giúp đỡ từ một thế lực vững chắc để củng cố địa vị.

Trước tình hình đó, quân sư đắc lực bên cạnh là Hà Tự An đã thuyết phục anh kết hôn với Trình tiểu thư để có được sự ủng hộ của Trình gia.

Trình Cẩn Chi là vị tiểu thư danh giá của nhà họ Trình, được mệnh danh là Trình gia nhất kiện, từ nhỏ đã được đi học ở nước ngoài nên vô cùng thông minh và sắc sảo.

Giữa giang sơn và mỹ nhân vị anh hùng chỉ được chọn một, Mộ Dung Phong đã chọn thiên hạ và phụ tấm chân tình của Tĩnh Uyển.

Ngay tại thời điểm đó Tĩnh Uyển đang mang thai đứa con đầu lòng với Bái Lâm, đồng thời cha của cô là Doãn Sở Phàn đã tuyên bố đoạn tuyệt quan hệ máu mủ với cô, tia hy vọng duy nhất của cô bây giờ là anh cũng nhanh chóng tàn lụi.

Cảnh trong phim Không kịp nói yêu em
Một cảnh trong bộ phim chuyển thể với sự góp mặt của Chung Hán Lương và Lý Tiểu Nhiễm

Là một người từ nhỏ đã tiếp xúc với nền văn hoá phương Tây nên cô không thể chấp nhận cuộc hôn nhân tam thê tứ thiếp kiểu cũ. Chính vì thế Tĩnh Uyển đã quyết định rời bỏ Bái Lâm vì nỗi thất vọng quá lớn mà anh mang lại.

Vì tình yêu cô có thể bỏ hết thanh danh và chịu nhiều thiệt thòi nhưng anh lại vì tham vọng của mình mà không giữ lời hẹn ước năm xưa. Trong lúc bỏ trốn cô đã nhận được sự giúp đỡ của anh trai Trình tiểu thư là Trình Tín Chi, một người vô cùng tốt bụng và ấm áp.

Sau nhiều biến cố tưởng chừng như đã không thể trốn thoát, cô đã được Cẩn Chi sắp xếp để sang Mĩ cùng Tín Chi và sống những tháng ngày bình yên nơi đất khách.

Tám năm sau Tĩnh Uyển cùng Tín Chi dẫn theo một đứa bé tên là Đô Đô quay về nước và vô tình chạm mặt Bái Lâm tại khuôn viên nhà họ Trình.

Gặp lại người con gái đã bao năm nhớ nhung, trái tim Bái Lâm lại một lần nữa bồi hồi. Anh cho gia nhân đưa Tĩnh Uyển đến gặp mình và mong cả hai có thể một lần nữa quay về bên nhau nhưng cô đã thẳng thừng từ chối vì trong lòng cô chỉ còn lại nỗi hận thù.

Quá giận dữ trước quyết định của Tĩnh Uyển, Bái Lâm đã ra tay tàn nhẫn với người thân của cô nhưng không thể ngờ rằng quyết định này đã khiến anh phải hối tiếc cả đời.

Cái kết khiến đọc giả không khỏi nghẹn ngào, thương tiếc cho một mốt tình dang dở cùng phận đời éo le của Tĩnh Uyển.

Bìa sách bản tiếng Trung
Bìa sách Không kịp nói yêu em bản tiếng Trung

Duyên phận trớ trêu đã khiến họ có cuộc trùng phùng đầy nghiệt ngã sau tận tám năm với biết bao thăng trầm. Chính vì đã phải xa cách qua lâu, nên khi vừa nhìn thấy nhau những đớn đau chất chứa trong cõi lòng họ lại một lần nữa bùng cháy mãnh liệt.

Tĩnh Uyển dù đã trốn khỏi Bái Lâm nhưng cuối cùng vẫn phải chịu thua trước sự tàn nhẫn của số phận. Cô tựa như đoá hoa lan vì người mình yêu mà nở rộ nhưng rồi cũng lụi tàn vô cùng bi ai bởi nỗi tuyệt vọng quá đỗi lớn lao.

Bằng sự tài hoa của mình, mỗi một nhân vật trong tác phẩm của Phỉ Ngã Tư Tồn đều có một cuộc đời với thế giới nội tâm riêng biệt cùng những nét tính cách nổi bật.

Không kịp nói yêu em là bản tình ca nhẹ nhàng, sâu lắng về tình yêu thời dân quốc, dù không trọn vẹn nhưng vẫn để lại dư vị khó quên trong lòng người đọc.

Vốn được biết đến như “mẹ kế của những mối tình”, Phỉ Ngã Tư Tồn đã một lần nữa đưa số phận của các nhân vật trong tác phẩm do cô chắp bút rơi vào bi thương.

Tuy nhiên cũng không thể phủ định rằng nhờ nét độc đáo trong lối viết ấy mà tiểu thuyết của cô luôn chiếm trọn trái tim của độc giả đồng thời cũng là một trong những cuốn sách bán chạy trên thị trường.

Tác phẩm cũng là một câu chuyện đẹp về tình yêu nồng nhiệt và sâu đậm, dù không trọn vẹn nhưng mối tình của họ đã vượt qua mọi định kiến cũng như rào cản của số phận để đến bên nhau.

Với cốt truyện nhẹ nhàng, sâu lắng cùng lời văn trau chuốt, mượt mà Không kịp nói yêu em đã để lại trong lòng người đọc dư vị mặn đắng khó phai về một cuộc tình dang dở đến đau thương.

Thiên Nhi